Những tháng làm việc sắp tới rất nặng với Đức Phanxicô
Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Mông Cổ về Rôma tháng 9 năm 2023, Đức Phanxicô cho biết: “Với tôi, bây giờ việc tông du không còn dễ dàng như thời gian đầu.” © Truyền thông Vatican
cath.ch, Maurice Page, 2024-08-13
Hành trình của mọi kỷ lục
Ở tuổi 87, Đức Phanxicô đang chuẩn bị cho những tuần căng thẳng sắp tới, chuyến tông du dài nhất và xa nhất của ngài. Từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9, Đức Phanxicô có chuyến đi lần thứ 45, chuyến dài nhất của ngài. Trong 12 ngày ngài sẽ thăm bốn quốc gia: Indonesia, Đông Timor, Singapore và Papua Tân Ghinê. Papua Tân Ghinê sẽ là quốc gia xa nhất ngài đi thăm, cách Rôma 14.000 cây số, một kỷ lục của ngài.
Chuyến đi Canada năm 2022 cũng là chuyến đi xa của ngài. Sức khỏe của ngài có vẻ tốt hơn năm nay, nhưng cũng phải điều chỉnh lịch trình của ngài để ngài có thêm thì giờ nghỉ ngơi.
Chuyến đi này có 44 giờ bay, gần 32.000 cây số với 7 chuyến bay – trong đó có 4 giờ bay trực thăng để đi Papua Tân Ghinê. Ngài sẽ đọc 16 bài phát biểu và bài giảng. Một nhà ngoại giao ở Rôma nói: “Ngay cả ở tuổi 50, thực hiện một chương trình như vậy phải có một năng lực đặc biệt. Tôi không biết ở tuổi 87, ngài lấy đâu ra sức lực để làm?”
Một công nghị phong tân hồng y?
Tại Rôma, nhiều nhà quan sát chờ Đức Phanxicô sớm triệu tập công nghị để phong tân hồng y. Hiện tại, có 124 hồng y được quyền bỏ phiếu nếu có mật nghị. Nhưng đến cuối năm nay, 4 hồng y sẽ bước sang tuổi 80 và vì thế không được bầu tân giáo hoàng.
Đức Phaolô VI ấn định cần tối thiểu 120 đại hồng y cử tri để bầu tân giáo hoàng, Đức Phanxicô sẽ không chờ xuống dưới mức này để phong thêm. Nhà báo Gerard O’Connell, bạn lâu năm của Đức Phanxicô trong một phỏng vấn gần đây cho biết, ngài đang chuẩn bị một công nghị trước cuối năm nay. Ai cũng có những dự đoán riêng của mình, nhưng Đức Phanxicô là người đưa ra quyết định cuối cùng và trong quá khứ ngài thường tạo những chuyện bất ngờ. Ngài đã phá vỡ truyền thống, không phong tân hồng y cho các giáo phận lớn như Milan, Venice, Naples, Turin, Krakow, Paris, Dublin, Berlin, Los Angeles.
Ngài cũng thường có những lựa chọn rất cá nhân, như trường hợp ngài phong hồng y cho giám mục trẻ người Ý Giorgio Marengo năm 2022. Là nhà truyền giáo Mông Cổ từ đầu những năm 2000, đứng đầu một Giáo hội chỉ có 1.400 tín hữu.
Một chuyến đi đầy rủi ro đến Bỉ và Luxembourg
Sau chuyến tông du châu Á và châu Đại Dương đầu tháng 9, ngài sẽ đi Luxembourg và Bỉ từ ngày 26 đến 29 tháng 9, hai quốc gia ở trung tâm châu Âu, trước đây Giáo hội công giáo có vai trò trọng tâm ở đây, nhưng trong nhiều thập kỷ, Giáo hội đã phải đối diện với làn sóng thế tục rất mạnh.
Trong chuyến đi nhân dịp kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Công giáo Louvain, ngài sẽ đưa ra suy tư về người công giáo trong xã hội thế tục hóa, về chế độ an tử, về giai đoạn cuối của cuộc sống. Vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội cũng là chủ đề trong chuyến đi này, tại Bỉ, ngài đã lên kế hoạch gặp riêng các nạn nhân.
Cuối cùng, ngài đến Luxembourg để vinh danh Hồng y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, là người bạn trung kiên của ngài. Ở Bỉ, ngài sẽ tiếp xúc với một Hội đồng Giám mục mong muốn xúc tiến các vấn đề nhạy cảm như chức phó tế nữ hay việc phong chức cho những ông đã lập gia đình, nhưng với cách tiếp cận ít trực tiếp hơn so với người Đức, những người đối đầu trực diện với Rôma.
Một Thượng Hội đồng Thế giới sắp kết thúc
Tháng 10 sắp tới, hơn 450 hồng y, giám mục, linh mục, giáo dân nam nữ sẽ họp một lần nữa ở Rôma để cố gắng mang lại kết quả cho dự án giáo hội bắt đầu năm 2021 xoay quanh chủ đề “Vì một Giáo hội đồng nghị. Hiệp thông, tham gia, sứ mạng”. Sau nhiều tháng tham vấn địa phương và lục địa, kể từ tháng 10 năm 2023, Giáo hội suy ngẫm ở cấp độ toàn cầu về cách tiếp nhận và tham gia nhiều hơn cũng như bớt giáo sĩ hơn. Trong vấn đề này, sự hiện diện và bỏ phiếu của giáo dân trong một thượng hội đồng thường dành cho các giám mục đã là dấu hiệu cho một tổ chức bao gồm hơn.
Vào cuối tháng 10, trong phiên họp cuối cùng, các thành viên sẽ phải đề xuất phương hướng cải cách cho Đức Phanxicô. Vấn đề chức phó tế nữ không có trong chương trình, nhưng Thượng hội đồng sẽ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đưa phụ nữ vào các vị trí có trách nhiệm. Thượng hội đồng cũng đề xuất thành lập mục vụ cho giáo dân, nam nữ, đặc biệt là mục vụ “lắng nghe và đồng hành”. Vấn đề để giáo dân giảng trong thánh lễ cũng đang được bàn thảo. Cuối cùng là vấn đề minh bạch trong các quá trình ra quyết định và quản lý, cả ở cấp độ mục vụ lẫn về mặt lạm dụng tình dục hoặc tài chính.
Tháng 3 vừa qua, Đức Phanxicô đã giao cho mười nhóm làm việc với một số lượng lớn các chủ đề bao gồm các chủ đề nhạy cảm như chức phó tế nữ, luật độc thân của linh mục, sự bao gồm người đồng tính, tiến trình bổ nhiệm giám mục.v.v. Các nhóm này sẽ đưa ra kết luận của họ vào năm 2025.
Một Năm Thánh sắp bắt đầu
Tại Rôma, Năm Thánh 2025 đang được chuẩn bị với các công trường xây dựng để chào đón hơn 30 triệu du khách của Năm Thánh mở ra 25 năm một lần. Khi đến tòa thị chính Rôma vào đầu tháng 6, Đức Phanxicô trấn an: “Dòng người hành hương, khách du lịch về Rôma trong dịp này là một gánh nặng, nhưng cũng là dịp để Rôma phát triển dân sự, xã hội, kinh tế, văn hóa.”
Ngày 24 tháng 12, Đức Phanxicô sẽ mở Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô để tín hữu trên thế giới đến tìm cho mình ý nghĩa cuộc sống. Trong Năm Thánh sẽ có 35 sự kiện được tổ chức tại Rôma cho gia đình, giới trẻ, linh mục, người bệnh, chính trị gia, vận động viên, tù nhân. Một cuộc chạy marathon cho giáo hoàng có kế hoạch đến Thổ Nhĩ Kỳ kỷ niệm 1700 năm thành lập Hội đồng Đại kết Nicaea.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch