Đức Phanxicô: văn học giáo dục trái tim và khối óc, mở ra khả năng lắng nghe người khác

72

Đức Phanxicô: văn học giáo dục trái tim và khối óc, mở ra khả năng lắng nghe người khác

vaticannews.va, Tiziana Campisi, Vatican, 2024-08-04

Trong một thư gởi cho các chủng sinh, các nhân viên mục vụ, các tín hữu kitô, Đức Phanxicô nhớ lại kỷ niệm trong thời ngài là giáo sư văn chương, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn học trong việc đào tạo con người, đến giá trị của việc đọc tiểu thuyết, thi ca trong con đường trưởng thành cá nhân, vì sách tạo một không gian nội tâm mới, làm phong phú, giúp chúng ta đối diện với cuộc sống và hiểu người khác.

Theo ngài, một quyển sách hay sẽ mở mang trí óc, kích thích trái tim, rèn luyện con người trong cuộc sống. Trong “Thư về vai trò của văn học trong việc đào tạo” ngài viết ngày 17 tháng 7, công bố ngày chúa nhật 4 tháng 8, Đức Phanxicô nói đến việc đánh thức niềm yêu thích đọc sách, ngài đề xuất một thay đổi căn bản, chuẩn bị cho các chủng sinh chú trọng hơn đến việc đọc các tác phẩm văn học. Vì văn học có thể “giáo dục trái tim và khối óc cho người mục tử để họ dùng lý trí một cách tự do và khiêm tốn, công nhận sự hữu hiệu về tính đa nguyên của các ngôn ngữ, mở rộng nhạy cảm để mở mang tinh thần”. Hơn nữa, nhiệm vụ của giáo dân, nhất là của linh mục là “chạm vào tâm hồn người đương thời để họ xúc động, cởi mở đón nhận lời Chúa Giêsu”, trong lãnh vực này, sự đóng góp của văn chương và thơ ca là vô giá.

Tác dụng hữu ích của việc đọc sách

Trong thư, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tác dụng hữu ích của một quyển sách hay, trong những ngày nghỉ buồn chán, trong cảnh cô quạnh của mùa hè nóng bức, trong những lúc mệt mỏi, bực mình, thất vọng, thất bại và khi cầu nguyện, khi chúng ta không tìm được bình an tâm hồn, sách có thể giúp chúng ta vượt lên khó khăn để tâm hồn được thanh thản hơn, vì đọc sách giúp chúng ta thoát khỏi những gò bó này. Các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, điện thoại di động và đủ loại thiết bị đã lấy hết thì giờ đọc sách của chúng ta. Ngài nhấn mạnh, dù chúng ta có đủ sản phẩm nghe nhìn tốt đẹp để tiết kiệm thì giờ, nhưng đọc một sách tích cực hơn nhiều. Tác phẩm văn học là văn bản sống động, luôn sinh hoa trái. 

Dành nhiều thời gian cho văn học trong các chủng viện

Đức Phanxicô nhìn nhận, chương trình đào tạo chủng sinh không có đủ không gian cho văn học, vì bị cho là một hình thức văn hóa không ở trong chương trình học, theo ngài, đây là cái nhìn không tốt, vì nó làm cho trí tuệ bị nghèo nàn, không đến gần được với văn hóa, với trái tim con người. Vì thật ra, văn học làm những gì con người mong muốn trong cuộc sống, đi vào quan hệ mật thiết với sự tồn tại cụ thể, với những căng thẳng thiết yếu, những mong muốn và ý nghĩa của nó.

Sách, người bạn đồng hành

Năm 28 tuổi, Đức Phanxicô dạy văn học ở trường Dòng Tên Santa Fe, từ năm 1964 đến năm 1965, trong chương trình học sinh phải đọc Le Cid, một tác phẩm văn học cổ đại, nhưng các em xin đọc García Lorca. Vì học sinh thích đọc các tác phẩm đương đại nên ngài tập trung vào những gì các em thích đọc lúc này, sau đó chuyển các em đọc các tác giả khác vì cuối cùng quả tim sẽ giúp các em tìm kiếm con đường riêng cho mình trong văn học. Ngài xin các em đọc Le Cid ở nhà.

Về vấn đề này, ngài cho biết ngài thích các tác giả viết các tác phẩm bi kịch, vì tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận tác phẩm của họ như của chính mình, vì chúng ta cũng có những bi kịch giống họ. Ngài nhắc, chúng ta không nên đọc vì bắt buộc, nhưng phải chọn sách cho mình.

Biến Chúa Giêsu thành xác thịt

Ngày nay, để đáp ứng thỏa đáng cơn khát Thiên Chúa của nhiều người, để họ không tìm cách làm dịu cơn khát bằng những đề nghị xa lạ, bằng một Chúa Giêsu vô hồn, ngài khuyên giáo dân và linh mục khi loan Tin Mừng phải dấn thân để có thể gặp được Chúa Giêsu Kitô nhập thể, làm người, làm nên lịch sử.

Ngài nói, chúng ta không bao giờ được phép đánh mất “xác thịt” của Chúa Giêsu Kitô, xác thịt này được tạo thành từ những đam mê, cảm xúc, tình cảm, những câu chuyện cụ thể, những bàn tay chạm vào và chữa lành, những cái nhìn giải phóng. Ngài khuyến khích lòng hiếu khách, tha thứ, can đảm, tất cả những gì nói lên tình yêu. Đó là lý do vì sao ngài nhấn mạnh, “việc siêng năng đọc sách có thể làm cho các linh mục tương lai, các nhân viên mục vụ trở nên nhạy cảm hơn với nhân tính trọn vẹn của Chúa Kitô để thiên tính của Ngài được lan tỏa trọn vẹn”.

Thói quen đọc sách có tác dụng tích cực

Trong bức thư, ngài nhắc đến các hệ quả tích cực mà theo các chuyên gia, nảy sinh từ “thói quen đọc sách”, giúp chúng ta có được vốn từ vựng rộng hơn, phát triển các khía cạnh khác nhau của trí thông minh, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo, học cách để trình bày câu chuyện của mình phong phú hơn, cải thiện khả năng tập trung, giảm mức độ suy giảm nhận thức, xoa dịu căng thẳng và lo lắng. Cụ thể, việc đọc sách chuẩn bị cho chúng ta hiểu để đối diện với những tình huống khác nhau trong cuộc sống. Khi đọc, chúng ta hiểu các nhân vật, những lo lắng, những bi kịch, những sợ hãi, nguy hiểm của những người cuối cùng đã vượt qua được thử thách của cuộc sống. Với nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges, chúng ta có thể đi xa hơn khi định nghĩa văn học là “lắng nghe tiếng nói của ai đó”. 

Hãy chậm lại, suy ngẫm, lắng nghe

Văn học phục vụ cho việc “trải nghiệm cuộc sống một cách hiệu quả”. Cái nhìn của chúng ta thường bị hạn chế vì áp lực của nhiều cam kết khác nhau, cả trong lãnh vực mục vụ, từ thiện, biến những công việc này thành những việc phải làm, tầm thường hóa sự phân định, làm nghèo đi tính nhạy cảm. Vì vậy ngài khuyên trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên chậm lại, chiêm ngưỡng và lắng nghe, như khi chúng ta dừng lại để đọc một quyển sách. Chúng ta cần nhìn lại cách giao tiếp, cần khoảng cách, chậm rãi, tự do để tiếp cận thực tế, văn học giúp chúng ta rèn luyện cái nhìn để tìm kiếm và khám phá sự thật của con người và tình huống, giúp chúng ta thể hiện sự hiện diện của mình trên thế giới. Ngài nhấn mạnh, khi chúng ta đọc, chúng ta nhìn qua con mắt của người khác, phát triển “sức mạnh đồng cảm của trí tưởng tượng”, khám phá những gì chúng ta cảm nhận không chỉ là của chúng ta mà nó có tính phổ quát, nên cả với người bị bỏ rơi, họ cũng không cảm thấy cô đơn.

Marta An Nguyễn dịch