Trường hợp Abbé Pierre: “Vì sao các linh mục không tôn trọng khiết tịnh vẫn làm linh mục?”
la-croix.com, Isabelle Chartier-Siben, 2024-07-20
Bà Isabelle Chartier-Siben, bác sĩ và nhà nghiên cứu nạn nhân, chủ tịch hiệp hội “C’est à dire”, một hiệp hội giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng, đặc biệt các nạn nhân trong Giáo hội. Dựa trên trường hợp của 6 nạn nhân buộc tội Abbé Pierre tấn công tình dục, bà đặt câu hỏi về thái độ của các linh mục không tôn trọng các lời khấn của họ.
Một tác phẩm nghệ thuật đường phố vẽ Abbé Pierre. Người đồng sáng lập Hiệp hội Ê-mau bị một số phụ nữ buộc tội tấn công tình dục. Teresa Suarez / EPA/MAXPPP
Những tiết lộ gần đây về Abbé Pierre, đưa chúng ta vào một thế giới kỳ lạ. Một số người nói: “Cuối cùng nạn nhân cũng có thể lên tiếng”. Một số khác: “Một lần nữa người ta muốn phá hủy Giáo hội” và vẫn còn những người nói: “Ở đâu có con người, ở đó có nhân tính; Giáo hội không phải là một xã hội trong sạch.”
Các nạn nhân đã dũng cảm như thế nào để đứng lên tố cáo Abbé Pierre bị buộc tội tấn công tình dục
Điều mà nhiều người biết, vì chính Abbé Pierre thú nhận: ông có quan hệ tình dục. Điều chúng ta khám phá ngày nay là ngoài những quan hệ tình dục đồng thuận, ông còn có những hành vi tình dục không có sự đồng ý.
Về quan hệ tình dục đồng thuận, tất cả chúng ta đều biết các linh mục không tôn trọng luật độc thân khiết tịnh, họ sống hai mặt. Nếu so sánh với các cặp vợ chồng, chúng ta có thể nói các linh mục này “phá khế ước” hoặc ngoại tình. Họ không tôn trọng lời khấn của họ. Ngày nay với thời đại của một số người nghĩ và tuyên bố: “Thân xác tôi thuộc về tôi và tôi có thể làm gì tôi muốn” thì chúng ta sẽ không bị sốc trước vấn đề này.
Sống trong ánh sáng trọn vẹn
Nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ: “Vì sao họ không sống trong ánh sáng trọn vẹn, dường như đó là lựa chọn thứ hai của cuộc sống, sống như một cặp vợ chồng hoặc nửa vợ chồng”? Vì sao các linh mục đã tự do lựa chọn đời sống thánh hiến độc thân trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người lại không chính thức rời bỏ tình trạng này khi không còn phù hợp với họ nữa? Đây vừa là điều ảnh hưởng đến lương tâm cá nhân họ, vừa là sự hiểu biết chính thống của người tín hữu. Vậy thì dân Chúa bị lừa dối.
Abbé Pierre bị buộc tội tấn công tình dục, nỗi đau của Giáo hội Pháp
Khi đó họ tự hỏi: tiếp tục làm linh mục và sống một cách ẩn dật hay lừa dối, cái nào có lợi hơn? Tôi nhớ một linh mục, từng phạm tội tấn công tình dục phụ nữ và phải nhận án phạt theo giáo luật, đã trả lời khi biết bản án: “Nhưng dân Chúa sẽ mất mát rất nhiều, vì tôi sẽ không đồng hành với họ được nữa…”’ Vậy vấn đề có phải là họ kiêu hãnh quá mức, họ tin rằng mình được trao quyền lực và sức mạnh siêu nhiên, cho phép họ “đôi khi trượt dốc không?”
Mất một số lợi thế
Hoặc đối với các linh mục, nỗi sợ mất một số lợi thế mà chúng ta gọi là lợi thế thứ yếu của việc làm linh mục: được công nhận, được tôn trọng… Một số nạn nhân của các linh mục nói: “Chỉ trích họ là chỉ trích Chúa.” Nhưng với linh mục, có lẽ nỗi sợ của họ là sợ chỉ có công việc và những điều rất bình thường: sợ tìm việc làm, lo lắng trước cuộc sống hàng ngày của người cha, sợ phải dậy sớm đi làm, sợ thức khuya với con làm mất ngủ, sợ không thành công trong đời sống vợ chồng, sợ thất nghiệp, khuyết tật, ly hôn, v.v.
Báo cáo của Hiệp hội Ê-mau cho biết, phụ nữ có nguy cơ khi gần gũi với Abbé Pierre. Vấn đề này làm cho họ bối rối: vì sao họ đã nghi ngờ nhưng lại không lên tiếng sớm hơn?
Abbé Pierre được tôn lên như thần thánh nhưng ông chỉ là con người
Abbé Pierre là anh hùng trong thời kháng chiến, là chính trị gia được công nhận vì các cống hiến to lớn của ông với người nghèo, theo tôi chúng ta nhầm lẫn con người với hành động của họ. Một người có thể tốt, hoặc tốt hôm nay nhưng ngày mai lại thối nát. Tiếc thay, những hành động anh hùng sẽ không ngăn chặn được những hành động xấu xa. Cũng như những hành động khủng khiếp không ngăn họ thành thánh một ngày nào đó.
Nhốt mình trong cái ác
Nhưng điều này không do những người trần thế bình thường như chúng ta quyết định cho tương lai của một người, chúng ta không thể nhốt họ vào điều tốt cũng như vào điều xấu. Chúng ta phải khách quan và bảo vệ những người yếu đuối nhất.
Tình trạng này cũng đặt ra vấn đề về vị trí của giáo dân. Có phải chúng ta không dám làm lu mờ hình ảnh Abbé Pierre vì tinh thần anh hùng của ông trong chiến tranh hay vì người nghèo hay vì ông là linh mục? Với tôi, có vẻ như chúng ta muốn công việc của ông tiếp tục tồn tại. Công việc của ông sẽ không tồn tại nếu ông là một giáo dân bình thường sao? Ông phải là linh mục để có được sự công nhận cần thiết, để được lắng nghe? Giáo dân nhạy cảm hơn với người thần thánh xuống thế?
Giữ khiết tịnh
Khi nói chuyện với các chủng sinh, tôi thường khuyên họ: “Nếu các em cảm thấy không muốn sống khiết tịnh suốt đời thì đừng vào đây, nếu một ngày nào đó cám dỗ, ham muốn và xung động lấn át thì các em hãy đơn giản đổi con đường.”
Thay đổi con đường, về với đời sống thế tục không có nghĩa là mất đức tin; trái lại, việc thay đổi con đường giúp chúng ta duy trì sự hiệp nhất con người mình, tôn trọng con người thật của chính mình và tôn trọng ơn của Chúa trong thời điểm hiện tại.
Ngược lại, tách mình ra khỏi việc loan báo Tin Mừng, sống phản bội với lời khấn của mình, phạm tội nhẹ hoặc tội nặng là đi vào con đường dối trá, không còn nhận biết Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống.
Tôn trọng phụ nữ
Nếu đúng là có sự khác biệt đáng kể giữa mối quan hệ tình dục đồng thuận và hành vi tình dục cưỡng bức, thì sự thật vẫn phải là tôn trọng phụ nữ, tôn trọng người đàn ông, “không có hành động lén lút trong một tối”, nhưng chia sẻ cuộc sống với họ một cách trọn vẹn.
Vì thế câu hỏi làm tôi đau khổ: vì sao những người đàn ông này, những người biết họ không tôn trọng cam kết khiết tịnh, họ vẫn ở lại làm linh mục, vì sao họ không xin rời hàng ngũ giáo sĩ để sống cuộc sống vợ chồng hoặc để được giúp đỡ nếu họ không thể kiểm soát được thôi thúc tình dục của họ? Giáo hội chắc chắn sẽ thành nghèo đi về con số, nhưng sẽ trưởng thành rất nhiều, trong khiêm nhường và phục vụ mọi người.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch