Roger-Pol Droit: “Tuổi già tạo hiệu ứng bất ngờ và xa lạ”

46

Roger-Pol Droit: “Tuổi già tạo hiệu ứng bất ngờ và xa lạ”

lavie.fr/ma-vie, Félicité de Maupeou và Frédéric Theobald, 2024-04-24

Người già ngày càng tăng trong xã hội, theo triết gia Pháp Roger-Pol Droit, tuổi già thực sự là sự tiếp nối cuộc đời chứ không chỉ là chương cuối cùng của nó.

Già đi có nghĩa là gì?

Triết gia Pháp Roger-Pol Droit. Chúng ta nghĩ mình biết, nhưng tôi nghĩ trên thực tế không ai thực sự biết! Trong tâm trí chúng ta chỉ có hình ảnh tiêu cực về tuổi già, tóc rụng, trí nhớ suy giảm, khả năng suy giảm, đó là lý do vì sao chúng ta không thích biết, thật ra chúng ta quên sự đa dạng của tiến trình và cách thức lão hóa. Nói về người già chung chung là ảo tưởng, vì chúng ta khác nhau về tuổi, sức khỏe, về sinh hoạt và còn tùy hoàn cảnh, tùy quan niệm sống của mỗi người… Không khái quát hóa chung chung, đó là lý do vì sao tôi nói về “vùng đất chưa biết” cả về quan điểm cá nhân lẫn xã hội.

Thật vậy, ai cũng có trải nghiệm riêng tuổi già của mình, khó mường tượng trước một cách rõ ràng, chúng ta phải sống với nó. Vì vậy lão hóa là “lãnh vưc chưa được khám phá” trên quy mô xã hội vì chúng ta bước vào một giai đoạn chưa từng có trong lịch sử nhân loại, với sự gia tăng đáng kể số lượng người lớn tuổi. Hiện nay ở Pháp có nhiều người trên 65 tuổi hơn là người dưới 25 tuổi, tình trạng này đặt ra những vấn đề to lớn.

Tuổi già có phải là giai đoạn khủng hoảng không?

Chắc chắn. Cũng như bước ngoặt trong tâm lý ở tuổi thiếu niên, tuổi tác định hình lại các tương quan của chúng ta với ham muốn, với người khác, với quá khứ, với tương lai… Sự định hình sâu đậm này không hẳn là tiêu cực nhưng đôi khi rất khó để trải qua và hiểu được. Văn sĩ Groucho Marx đã hài hước nói: “Trong mỗi người già đều có một người trẻ thắc mắc chuyện gì đã xảy ra!” Tuổi già tạo ra hiệu ứng bất ngờ và xa lạ.

Nhưng chúng ta không nên xem đây chỉ là sầu khổ, tuổi già cũng là lúc chúng ta có được tự do. Cho đến cùng, chúng ta có thể sống, học hỏi và khám phá. Bị kết tội phải uống thuốc độc, triết gia Socrate học chơi đàn lia để “biết chơi đàn này trước khi chết”. Cho đến ngày cuối cùng, chúng ta cũng còn có thể khám phá, cũng còn có những quan hệ  mới.

Nói cách khác, người già không chỉ đã sống mà còn sống!

Đúng, tuổi già không phải là khởi đầu của cái chết như người ta thường nói. Đó là tiếp tục cuộc sống, dù có những thiếu sót và bó buộc. Triết gia Seneca thời cổ đại phát triển ý tưởng này, và triết gia Montaigne tiếp thu, khi chúng ta già đi, chúng ta chết “từng mảnh”: vì thế khi cái chết đến, nó chỉ hoàn thành một công việc đã được khởi đầu tốt đẹp! Hình ảnh này có vẻ an ủi, nhưng thực ra lại có hại, vì nó cho thấy chúng ta ngày càng sống yếu đi, tan rã thành từng mảnh, không còn một cuộc sống thực.

Vì sao ông tập trung vào chủ đề tuổi già?

Kể từ năm 2019, tôi ủng hộ Hội Chia sẻ và Sự sống, quản lý gần 130 viện dưỡng lão, và cũng vì tuổi già là một vấn đề triết học vĩ đại, một thách thức trí tuệ mà điều quan trọng là phải suy nghĩ một cách tập thể, cẩn thận nhất có thể.

Lãnh vực này của xã hội và đời sống con người ngày càng trở nên quan trọng, đặt ra những câu hỏi mới và làm sống lại những câu hỏi cũ, ảnh hưởng đến đời sống mật thiết của cá nhân, gia đình cũng như ngân sách Nhà nước, đến việc tổ chức công việc, đến đạo đức…

Chúng ta ngày càng sống lâu hơn, nhưng liệu đây có phải là chuyện tốt không? Tuổi già thật đáng sợ!

Người già bị trầm cảm rất nhiều, nhưng chúng ta cũng phải nhớ 90% người lớn tuổi đều có sức khỏe tốt! Điều đáng lo ngại nhất là con dốc âm ỉ dẫn đến việc bị cho là “kém nhân tính”, không còn khả năng tự lo vệ sinh cho mình, mắc chứng rối loạn nhận thức, không còn biết mình vừa nói gì hoặc không tự quyết định được.

Trong trường hợp này, rõ ràng các vấn đề về nhân phẩm, quyền tự do, quyền được hiểu biết đòi hỏi phải cố gắng suy nghĩ. Ở đây, đạo đức không thể bị giới hạn trong một loạt các nguyên tắc chỉ trong nửa trang giấy. Đạo đức được xét theo từng trường hợp, từng phát xuất, từng hành động để giúp đỡ người già. Đó là công việc hàng ngày của những người giúp người già.

Chúng ta có thể chuẩn bị để già không?

Chung chung thì có, nhưng cụ thể thì không! Tính đặc biệt của tiến trình làm cho việc chuẩn bị chính xác trở nên khó khăn. Nhưng thật dễ dàng để nhận ra chúng ta ngày càng già đi và – nó đang thành một phần trong phong tục của chúng ta – chẳng hạn việc nghĩ cách bố trí ngôi nhà, những câu hỏi thực tế cái gì là phù hợp, vấn đề tài chính, v.v.

Vì sợ hãi thái quá nên những câu hỏi này thường bị gạt sang một bên. Kết quả: việc đi vào viện dưỡng lão đều làm một cách vội vàng, đôi khi trong hoảng loạn sau một biến cố, sau khi bị té, và người thân yêu cảm thấy có lỗi vì đã không săn sóc chu đáo. Tuy nhiên, khả năng này có thể được các nhà hưu dưỡng lượng định trước, lựa chọn cẩn thận theo các tiêu chuẩn khách quan để giảm tình trạng khó khăn.

Đa số viết di chúc tài sản hoặc nghi thức làm tang lễ, nhưng ít người lên kế hoạch cho sự già đi hoặc tình trạng họ không còn tự động. Có một phủ nhận về tình trạng lão hóa, người lớn tuổi không muốn người khác thấy tình trạng của mình. Chúng ta không muốn nhìn thấy, không muốn cho người khác thấy.

Trong các trường hợp này, các viện dưỡng lão sẽ hoạt động như thế nào?

Dĩ nhiên có những viện dưỡng lão tốt và không tốt. Chúng ta đừng xem các viện dưỡng lão là quỷ dữ quá mức, cũng đừng thần thánh hóa quá mức. Dĩ nhiên ai cũng muốn được… ở nhà mình, nhưng không phải lúc nào cũng được, một người không còn khả năng bị cô lập ở nhà với hai lần y tá đến thăm mỗi 15 giờ vào buổi sáng và buổi tối!

Chúng ta thường chống người già-người trẻ, làm thế nào để nối lại được mối liên kết giữa các thế hệ?

Khoảng cách ngày càng lớn giữa các thế hệ trước hết là do có những thay đổi trong cơ cấu xã hội, làm gia tăng số lượng gia đình hạt nhân cha mẹ-con cái, ngày càng có nhiều cha mẹ đơn thân, phá đi mối quan hệ thân thiết với các thế hệ cũ. Khoảng cách này cũng là kết quả của xu hướng “tuổi trẻ” đang thịnh hành, xem thế hệ mới là trọng tâm, gạt thế hệ cũ ra ngoài, bị cho là không còn “hấp dẫn”.

Tình trạng này tạo hiệu ứng “một mình” và “im lặng”: bị chia cách, các thế hệ sống khép kín giữa họ với nhau, ít nói với nhau, không trao truyền kinh nghiệm, kiến thức, niềm tin cho nhau. Tuy nhiên, một loạt sáng kiến rải rác đang giúp thay đổi tình trạng: các lớp mẫu giáo hoặc trung tâm giữ trẻ được lồng trong các viện dưỡng lão, họ dùng phòng ăn chung, học sinh ở với người lớn tuổi, các nhóm sinh viên đến trình bày công việc của họ trong nhà dưỡng lão, v.v. Một loạt các liên kết và trao đổi đang được nối lại dù những sáng kiến này còn rất nhỏ.

Làm thế nào chúng ta có thể tôn trọng mối quan hệ với người lớn tuổi, mối quan hệ đôi khi khó duy trì?

Tất cả tùy thuộc vào thế giới chung tồn tại giữa nhau, vào sức sống và sự cởi mở của mỗi người. Mối quan hệ với ông bà vẫn bền chặt, dù với những người bệnh Alzheimer.

Triết gia Michel Malherbe có vợ bị bệnh Alzheimer đã có một nhận xét quan trọng: “Mọi người luôn hỏi tôi: ‘Bà còn nhận ra ông không?’ nhưng câu hỏi phải là: ‘Tôi có còn nhận ra bà không?’”. Thái độ đạo đức cố gắng tiếp tục nhìn thấy, đằng sau người thân yêu mà chúng ta có ấn tượng không còn nhận ra, một con người theo đúng nghĩa của con người vượt xa những gì làm chúng ta bối rối. 

Có phải chúng ta đã ở trên triền dốc xem một số người già là “kém nhân tính” do tình trạng lệ thuộc hoặc bệnh tật của họ không?

Đúng, và chúng ta phải chiến đấu với nó. Độ dốc này gắn liền với xu hướng sâu xa trong xã hội muốn loại bỏ những gì tiêu cực, với ý tưởng chúng ta có thể có sức khỏe tuyệt đối về thể chất và tâm lý mà không bị xáo trộn hay rắc rối. Cách mơ này – vì nó là ảo ảnh – thúc đẩy chúng ta muốn giải thoát mình khỏi đau khổ, cái chết, bệnh tật… để mọi thứ trôi chảy nhanh chóng và có hiệu suất.

Sự tưởng tượng này đã ăn sâu vào xã hội, dẫn đến việc loại trừ một phần lớn thực tế xã hội và cuộc sống cá nhân. Dĩ nhiên chúng ta phải chống lại sự tiêu cực, giảm thiểu nó càng nhiều càng tốt, nhưng ý tưởng loại bỏ nó bằng cách không tính đến nó là vô lý. Thay vì gạt bỏ những thách thức to lớn do tình trạng lão hóa dân số đặt ra, điều cấp bách chúng ta phải làm: phân tích chúng một cách sáng suốt và thực tế.

Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi cách chúng ta nghĩ về lão hóa?

Trong tất cả các xã hội truyền thống – châu Âu, châu Phi, châu Á – một người được cho là khôn ngoan khi họ có nhiều kinh nghiệm, họ thấy nhiều thứ hơn: những người lớn tuổi nhất là những cực để tham khảo. Sự thể hiện này đã biến mất khỏi thời hiện đại, người trẻ cho rằng cái cũ đã nằm ngoài vòng và làm cho người lớn tuổi trở nên vô hình.

Ngày nay chúng ta thiếu hình ảnh của tuổi già. Thêm nữa ít có các tác phẩm triết học hoặc văn học trong lãnh vực này. Nhà văn Pháp Simone de Beauvoir viết Tuổi già (Vieillesse, 1970) là một trong số ít nhà văn viết về chủ đề này để tố cáo sự tẩy chay mà người già phải chịu. Và chúng ta thấy: chẳng có anh hùng lớn tuổi nào trong các phim, các kịch, các truyện tranh, các tập phim trên truyền hình.

Để thay đổi quan điểm về tuổi già, các công cụ văn hóa đại chúng là rất cần thiết, giống như cách mà bộ phim Intouchables (2011) đã có thể thay đổi quan điểm về người khuyết tật. Có nhiều việc phải làm để nhân cách hóa cách chúng ta nhìn người lớn tuổi, chia sẻ với họ về tính nhân văn và phẩm giá, và cuối cùng là xem xét cuộc sống con người trên toàn bộ phạm vi của nó.

Marta An Nguyễn dịch