Cô Okoedion thoát nạn mại dâm được Vatican chọn trình bày thông điệp về người di cư của giáo hoàng
Blessing Okoedion đến Tây Ban Nha với lời hứa hão được việc làm: “Họ ép tôi bán dâm để trả khoản nợ bị cho là 65.000 âu kim”
abc.es, Javier Martínez-Brocal, 2024-06-05
Blessing Okoedion nói với các nhà báo trên tạp chí Room Stampa: “Giống rất nhiều nạn nhân sống sót sau các vụ buôn người, tôi bị lừa và bị đưa đến châu Âu năm 2013, họ đưa tôi ra vỉa hè bán.” Cô ngồi cạnh một hồng y, một nữ tu và giám đốc một tổ chức phi chính phủ. Cô được chọn để giải thích những điểm quan trọng trong thông điệp Ngày Thế Giới Di dân của giáo hoàng, cô kể lại kinh nghiệm bi thương đã thoát khỏi bạo lực và đau khổ như thế nào, đầu tiên là ở Nigeria, sau đó là các đường dây mại dâm ở Ý.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Bang Edo, bây giờ thành phố này là trung tâm buôn người ở Nigeria. Ở đây, hàng ngàn trẻ em và phụ nữ bị sống trong cảnh lạm dụng, nợ nần, nhục nhã, bạo lực, bóc lột và nhất là phải im lặng.”
Blessing, sinh viên nghiên cứu khoa học máy tính ở thành phố Benin bị một phụ nữ cô gặp trong nhà thờ Ngũ Tuần hứa hão huyền cho việc, đề nghị cô làm việc cho anh của phụ nữ này có cửa hàng máy tính và đang tìm kiếm một nhân viên có năng lực và trung thực. Khi đến Ý, cô không thấy cửa hàng máy tính nào, nhưng gặp một số người bất lương cho cô biết cô “nợ” họ 65.000 âu kim. Cô khai: “Với những kẻ bóc lột, tôi là món hàng để họ bán, họ làm ăn trong lãnh vực này; với người mua dâm, tôi phục vụ cho lạc thú của họ.”
Bên cạnh cô còn có những cô gái khác cũng bị đe dọa và sợ hãi. Nếu hàng tuần họ không trả một số tiền nào đó, họ sẽ bị những người này trả thù trên họ và trên cả gia đình họ ở Nigeria. Một trong những người bạn của cô cho biết anh trai của họ bị sát hại vì không có tiền trả.
Cô cho biết, cô nhờ người đàn ông đầu tiên quan hệ tình dục với cô giúp đỡ. Ông là bác sĩ và đã sống vài năm ở Nigeria. Cô kể cho ông nghe câu chuyện và cho biết cô muốn tố cáo những kẻ bóc lột mình. Nhưng ông sợ, ông cho cô 50 âu kim và cô trở lại vỉa hè. Từ đó cô quyết định đi trốn.
Cô giải thích: “Nhờ được giáo dục nên tôi biết các quyền cơ bản, nhờ Chúa cho tôi sức mạnh và can đảm, tôi trốn thoát và đi tố cáo.”
Không cho biết thêm chi tiết, cô giải thích với hãng tin ABC: “Những kẻ bóc lột không bỏ cuộc dễ dàng, họ tiếp tục đe dọa tôi và gia đình tôi, sự giúp đỡ không điều kiện của cha tôi đã giúp tôi không lùi bước, ông nói ‘con đừng bỏ cuộc’”.
Khi cô trốn thoát, cảnh sát Ý đưa cô đến một nơi tạm trú do các nữ tu điều hành, cô hoảng sợ khi nhớ ra chính một phụ nữ có đạo đã lừa cô ở Nigeria, nên cô chỉ ở đó một đêm. Cô nói: “Những kẻ buôn người phi nhân tính, xem nạn nhân là đồ vật đã làm cho nạn nhân mất tự trọng, mất quyền làm chủ cuộc sống, tự do và nhân phẩm. Nhưng các nữ tu đó đã giúp tôi lấy lại niềm tin vào người khác và vào chính tôi, để tôi có thể tiếp tục đi học, làm việc như người hòa giải văn hóa và thông dịch viên.”
Hiện nay cô hợp tác với họ và thành lập tổ chức phi chính phủ “Những người dệt nên Hy vọng, Weavers of Hope” để cứu phụ nữ đường phố và tạo cơ hội cho các cô gái ở Nigeria. Cô giải thích: “Kể từ năm 2018, chúng tôi đã cứu được khoảng 150 trẻ em gái và phụ nữ ở Ý, chúng tôi giúp họ trong quá trình hội nhập xã hội và nghề nghiệp”. Cô kể câu chuyện của cô trong quyển sách xuất bản ở Rôma Sự can đảm của tự do: “Chúng tôi không xấu hổ khi bị cho là những người sống sót sau nạn bóc lột tình dục vì qua chứng từ của chúng tôi, chúng tôi mong muốn bất kỳ cô gái nào ở Nigeria cũng có ước mơ, có hy vọng và các nạn nhân có được can đảm để trốn thoát.” Ở Ý có khoảng 50.000 đến 70.000 phụ nữ bị ép làm mại dâm và ít nhất một nửa là người Nigeria. Cô mong xã hội biết và hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của nạn nhân, họ đến từ đâu, hoàn cảnh khốn cùng, suy thoái, thiếu cơ hội nào đã buộc họ phải rời đất nước, xin lắng nghe những người sống sót, trải nghiệm sợ hãi và đau đớn của họ cũng như sự phản kháng và lòng dũng cảm ở các quốc gia nơi họ bị bóc lột.
Cô đau buồn thấy mọi người nói về mại dâm như thể những phụ nữ này luôn hành nghề này, quên đi sự dễ bị tổn thương của hàng ngàn cô gái, phụ nữ trẻ, những người thường có hoàn cảnh khó khăn, họ không được tự do nhưng bị bắt làm nô lệ, họ là nạn nhân của nạn buôn người.
Trong trường hợp của cô, đây là câu chuyện kết thúc có hậu. Cô giải thích: “Hai năm trước, tôi tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học L’Orientale ở Naple, với nghiên cứu về sự tái hòa nhập của phụ nữ Nigeria nạn nhân của nạn buôn người ở Ý. Tôi đã phỏng vấn 70 phụ nữ có quá trình hội nhập từ năm 2004 đến năm 2022. Các câu chuyện tương tự nhau cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để họ có thể có một cuộc sống tự lập mà không bị nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, vào tay những kẻ buôn người. Đó là lý do vì sao tôi tin sự dấn thân của tôi và của chúng ta là cấp bách và cơ bản.
Thông điệp của Đức Phanxicô
Nội dung thông điệp của Đức Phanxicô có tựa đề “Thiên Chúa đồng hành với dân Ngài” để chuẩn bị cho “Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn” sẽ được tổ chức ngày 29 tháng 9. Ngài nhắc lại: “Những người di cư thường phải đi trốn khỏi tình trạng áp bức và lạm dụng, bất an và phân biệt đối xử cũng như thiếu các dự án phát triển. Họ phải bỏ đất đai của mình để đi tìm một đời sống khá hơn. Chúng ta nên tìm hiểu câu chuyện của họ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch