Và nếu Đức Phanxicô biết chính xác những gì ngài làm?

59

Và nếu Đức Phanxicô biết chính xác những gì ngài làm?

cruxnow.com, John L. Allen Jr.” 2024-06-02

Ngay sau khi Đức Phanxicô bị phản đối khi ngài dùng một chút tiếng lóng nói về người đồng tính bắt đầu lắng xuống (nhưng truyền thông chưa bao giờ xác nhận cũng như phủ nhận) thì lời nói của ngài ngày 20 tháng 5 với các giám mục Ý còn xúc phạm hơn những gì người ta nghĩ ban đầu.

Ngài không chỉ dùng một thuật ngữ Ý thô tục có nghĩa “pederasty” mà theo báo cáo này, ngài còn dùng một từ ngữ Ý xúc phạm khác trong cũng trong buổi nói chuyện này, “checche” ám chỉ người đồng tính mềm yếu ủy mị, người đồng tính “có một nửa-xu hướng” cũng phải bị loại ra khỏi các chủng viện công giáo.

Vẫn chưa xong, vài ngày sau, trong một phát biểu gây sốc khác lan truyền trên mạng, lần này không liên quan đến người đồng tính nhưng với phụ nữ, ngài nói với một nhóm các tân linh mục vừa được chịu chức ở Rôma ngày 29 tháng 5, ngài dùng từ ngữ Ý “chiacchiericcio” có nghĩa “nói xấu là chuyện của đàn bà, chúng ta là người mặc quần, chúng ta phải nói”.

Những câu nói này gây tranh cãi không chỉ cho thấy một giáo hoàng có lời nói nặng nề, nhưng còn mâu thuẫn với hình ảnh phổ thông của ngài, một giáo hoàng tiến bộ ủng hộ đồng tính nam, ủng hộ phụ nữ.

Kết quả của sự trái chiều này đã làm nảy sinh ba giả thuyết phổ biến để giải thích những sai lầm rõ rệt này, chúng không loại trừ nhau, nhưng nhóm lại với nhau:

Thứ nhất, ngài đã 87 tuổi, tuổi bắt đầu mất tự chủ, ngài quay về với những từ ngữ thể hiện nam tính nổi trội của người Mỹ La-tinh, có thể là một phần trong truyền thống, không phải tư duy ngài đã phát triển hoặc bản năng mục vụ đích thực của ngài.

Thứ hai, Đức Phanxicô không phải là người bản xứ, có thể ngài không hiểu tác động gây sốc hoặc ý nghĩa tiêu cực của một số từ ngữ này có thể mang lại.

Thứ ba, những tiết lộ này không chỉ chạm đến lòng tin tưởng của giáo hoàng, vì ngài nghĩ ngài đang nói không chính thức và kín đáo, nhưng bị đưa ra khỏi bối cảnh và bị các kẻ thù của ngài đang tìm cách tạo bất ổn và làm suy yếu triều của ngài loan ra.

Dù mỗi lời giải thích này có thể có một số thích ứng nào đó, nhưng có một giả định ngầm chung cho cả ba điều đều đáng đặt vấn đề: Cụ thể các tuyên bố của ngài là sai sót. Nói cách khác, cả ba giả thuyết đều chỉ do lỡ lời, vì thế tai tiếng tạo ra không phải cố ý. Cứ cho rằng giả định này là sai.

Ngược lại, giả sử Đức Phanxicô hoàn toàn ý thức và làm chủ được tình trạng, khả năng thông thạo tiếng Ý thông tục của ngài là tốt và ấn tượng, ngài không đến mức ngây thơ để nghĩ những gì mình nói trong căn phòng có hơn 230 giám mục và hơn 100 linh mục chịu chức trong mười năm qua – ngài biết rõ trong số những người này không phải ai cũng mến ngài, họ sẽ không lộ tin tức ra ngoài.

Để nhắc lại, những giả định này nhất quán với sự khẳng định lặp đi lặp lại của những người yêu mến ngài trong 11 năm qua, ngài là người sắc sảo, nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh mình. Với suy nghĩ này, ít nhất khả năng tự nhận thức và suy xét của ngài không đơn giản biến mất trong hai tuần qua.

Nếu đúng như vậy, vì sao ngài lại cố tình dùng những từ ngữ mà ngài biết rõ sẽ gây sốc? Có thể có ít nhất hai cách giải thích.

Đầu tiên là yếu tố bất ngờ, có nghĩa một phần ngài hơi tinh quái, muốn để cho người nghe chờ đợi. Khi cảm nhận mọi người nghĩ họ đã hiểu mình, ngài thường có khuynh hướng đi một hướng khác. Ngài là giáo hoàng không muốn bất cứ ai nghĩ rằng họ biết tư tưởng của ngài, việc làm cho mọi người luôn cảnh giác về những gì ngài nói tiếp tục phục vụ cho mục đích này.

Thứ hai, gần đây các tuyên bố gây tranh cãi của ngài về người đồng tính và phụ nữ được làm để khơi dậy sự khó chịu và chỉ trích của những người có thể gọi là “giới tinh hoa cấp tiến” cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội công giáo. Ngài đã nói những chuyện tương tự như vậy nhưng không gây sốc như gần đây ngài nói “không” với chức phó tế nữ.

Có một lý do nào để ngài muốn khiêu khích nhóm này vào lúc này không?

Chúng ta biết còn ba tháng nữa mới có hành động cuối cùng của Thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ bế mạc vào tháng 10. Ngay từ đầu, đã có những lo sợ về những gì quá trình này có thể tạo ra, đặc biệt là với người công giáo truyền thống và bảo thủ, không phải lúc nào họ cũng tin Đức Phanxicô khi ngài khẳng định ngài không có ý định thay đổi học thuyết, mà chỉ là việc thực hành mục vụ.

Có lẽ, sau thất bại gần đây, những sợ hãi này sẽ phần nào giảm bớt, nhờ đó làm giảm bớt tình trạng hỗn loạn xung quanh Thượng Hội đồng.

Về lâu dài, với tuổi đã cao, ngài phải đối diện với hàng loạt vấn đề sức khỏe, ngài phải đặt vấn đề ai là người có thể kế vị ngài. Nếu ngài muốn mở đường cho người kế vị có cùng một ý hướng, một phần tính toán bầu cử có thể bao gồm việc trấn an các nhân vật trung dung và cánh hữu trong Hồng y đoàn, rằng chương trình của ngài không tận căn như trong một một số nhóm mô tả.

Vì thế việc thấy ngài bị giới cấp tiến chế nhạo, dù chỉ trong giây lát và chỉ một cách thờ ơ, có thể phục vụ cho mục đích cố gắng định hình bối cảnh cho mật nghị tiếp theo của ngài.

Những cân nhắc này có thực sự là điều được Đức Phanxicô nghĩ đến không?

Tôi không biết, một phần vì chính ngài chưa giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, việc tái thiết này ít nhất cũng lịch sự để không nghĩ rằng ngài đang suy yếu hoặc ngài đột nhiên trở nên ngây thơ chỉ sau một đêm.

Ngược lại, nó giả định trước một giáo hoàng biết chính xác những gì mình đang làm, dù điều đó đi ngược với mong chờ của mọi người hoặc xúc phạm đến sự tế nhị của họ – nghĩa là, giả định một giáo hoàng rất giống với người mà chúng ta có.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch