“Không có ý làm trái ý triết gia Michel Onfray, Chúa Giêsu đã tồn tại”

71

“Không có ý làm trái ý triết gia Michel Onfray, Chúa Giêsu đã tồn tại”

cath.ch, Raphặl Zbinden, 2024-04-01

Đại đa số các chuyên gia cho rằng nhân vật Chúa Giêsu thực sự tồn tại | © Ted/Flickr/CC BY-SA 2.0

Trong hai tác phẩm gần đây, triết gia Michel Onfray đưa ra luận điểm “thần thoại” cho rằng Chúa Kitô chưa bao giờ tồn tại. Trong quyển sách phản hồi gần đây, dẫn chứng tài liệu và có phương pháp, thần học gia Matthieu Lavagna bác bỏ những khẳng định “sai lầm”, thậm chí “nói dối” của triết gia người Pháp.

Trong quyển sách Anima, triết gia Michel Onfray khẳng định: “Theo tôi, Chúa Giêsu là một nhân vật hư cấu trên đó nền văn minh Do thái-Kitô giáo được xây dựng. Một luận điểm được gọi là “thần thoại” triết gia đưa ra năm 2023 trong hai tác phẩm Anima Lý thuyết về Chúa Giêsu (Anima và Théorie de Jésus). Không dừng ở việc phủ nhận thực tại của Chúa Kitô, ông còn chỉ trích gay gắt kitô giáo, cho rằng kitô giáo có trách nhiệm một phần trong các hiện tượng như kỳ thị phụ nữ, chế độ nô lệ, chủ nghĩa bài do thái, thuộc địa hóa, kể cả bức bách khoa học. Các lý thuyết của Michel Onfray đã gây ra một số chỉ trích, đặc biệt là trong giới học thuật chuyên ngành.

Trang Công giáo Thụy Sĩ cath.ch nói chuyện qua điện thoại với thần học gia, triết gia Matthieu Lavagna, tác giả quyển sách Không, Chúa Kitô không phải là huyền thoại. Tự do trả lời cho Michel Onfray (Non, le Christ n’est pas un mythe. Libre réponse à Michel Onfray. Nxb. Artège, 2024)

Quyển sách của ông có nhiều lập luận phản đối luận điểm thần thoại của Michel Onfray ủng hộ. Theo ông, điều nào có sức thuyết phục nhất?

Matthieu Lavagna: Tôi có thể nói chính sự phong phú của các nguồn tài liệu của cả kitô giáo lẫn không kitô giáo đã chứng thực sự tồn tại của Chúa Giêsu. Trong số các nguồn tài liệu kitô giáo, rõ ràng chúng ta có các sách Tân Ước nhưng cũng có một số lượng lớn các văn bản có niên đại từ thế kỷ thứ nhất hoặc đầu thế kỷ thứ hai không có trong Tân Ước. 150 năm sau Chúa Kitô bị đóng đinh, có tổng cộng 42 nguồn đề cập đến sự tồn tại của Chúa Giêsu, trong đó có 9 nguồn không theo thiên chúa giáo. Đơn giản là chưa từng có so với các nhân vật khác của thời Thượng cổ! Để so sánh, Jules César chỉ có 5 nguồn tin nói về các hoạt động quân sự của ông. Tuy nhiên, không ai đặt câu hỏi về sự tồn tại của nó!

Luận điểm thần thoại không được các chuyên gia xem trọng đúng không?

Không có ai có bằng tiến sĩ lịch sử cổ đại giảng dạy ở một trường đại học lớn lại đặt câu hỏi về sự tồn tại của Chúa Giêsu. Sự thật về một nhân vật tên là Chúa Giêsu bị kết án tử hình vào khoảng năm 30 ở Palestine là sự đồng ý của tất cả các sử gia dù họ là người theo thiên chúa giáo, do thái giáo hay theo thuyết bất khả tri….

Bart Ehrman, một học giả Tân Ước tại Đại học Bắc Carolina, ông là người vô thần, ông đã đi xa khi nói: “Những người vô thần đang tự làm hại mình khi bảo vệ luận điểm thần thoại, vì, thành thật mà nói, nó khiến bạn trông có vẻ như những kẻ ngốc trong mắt họ.”

Trong quyển sách của ông, ông nói về những nhận xét của Michel Onfray không chỉ sai lầm mà còn “nói dối”. Các ví dụ nghiêm trọng nhất là gì?

Michel Onfray đã đi xa hơn khi ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên Đài phát thanh Sud Radio rằng những người hồi giáo đồng ý với ông về luận điểm thần thoại! Đây là lời nói dối lố bịch mà bất cứ ai có trình độ văn hóa tôn giáo tối thiểu đều có thể bác bỏ.

Thật vậy, một sự thật nổi tiếng là người hồi giáo tin Chúa Giêsu tồn tại như một nhà tiên tri. Làm sao Michel Onfray, người đã viết cả một quyển sách về đạo hồi, lại có thể công khai ủng hộ những điều phi lý như vậy? Điều này nói lên rất nhiều về độ tin cậy trí tuệ trong công việc của ông.

Một ví dụ khác: năm 2017, trên sàn quay của chương trình On n’est pas couché, ông khẳng định người kitô giáo không bịa ra những yếu tố về cuộc đời của Chúa Giêsu như cha, mẹ hay thậm chí thời thơ ấu của Ngài ở Nadarét cả đến việc Hoàng đế Constantine trở lại. Khi chúng ta biết tình tiết này xảy ra ở thế kỷ thứ 4 và các sách phúc âm kinh điển viết những yếu tố này vào nửa sau thế kỷ thứ nhất, thì có lý do để đặt vấn đề tính trung thực về mặt trí tuệ của Michel Onfray.

Ngoài những tranh cãi, quyển sách của ông chắc chắn có thể cung cấp cho độc giả những thông tin có giá trị về Chúa Giêsu và lịch sử Giáo hội…

Đúng, tôi ý thức chuyện này vì thế tôi viết quyển sách này. Đặc biệt, tôi muốn cho công chúng biết, các tác phẩm của Tân Ước là nguồn đáng tin cậy về mặt lịch sử để biết về Chúa Giêsu lịch sử.

Ông nghĩ vì sao Michel Onfray và nhiều người khác bỏ nhiều công sức để tấn công vào đức tin của kitô giáo?

Tôi nghĩ trên hết đó là một cuộc đấu tranh về ý thức hệ. Michel Onfray xuất phát từ truyền thống triết gia Nietzsche khá phản giáo hội và theo chủ nghĩa tự do, không phù hợp với kitô giáo. Điều này cũng có thể liên quan đến tổn thương thời trẻ. Ông giải thích trong các cuộc phỏng vấn, tuổi thiếu niên ông ở nội trú và các linh mục đối xử không tốt với ông. Từ đó có thể giải thích việc ông ác cảm với đạo công giáo.

Trong phần thứ hai quyển sách, ông bác bỏ những khẳng định của Michel Onfray về Giáo hội công giáo nói chung.

Có, vì thế cần phải đưa ra thông tin cần thiết. Michel Onfray kể bất cứ gì trong hầu hết chủ đề ông đề cập. Đặc biệt khi ông khẳng định kitô giáo ghét thể xác, tình dục và phụ nữ hoặc khi ông tuyên bố các Giáo phụ là người bài do thái và Giáo hội công giáo từng nghi ngờ phụ nữ có linh hồn.

Triết gia Pháp Michel Onfray ủng hộ luận điểm “huyền thoại”, theo đó Chúa Giêsu là một nhân vật hư cấu | © Fronteiras do Pensamento/Flickr/CC BY-SA 2.0

Ngoài những thông tin sai lệch, Michel Onfray còn nói dối và vu khống rất kỳ cục. Chẳng hạn, ông nói Đức Gioan Phaolô II ủng hộ nạn diệt chủng ở Rwanda, hay Đức Piô XII đã cộng tác trong vụ diệt chủng do thái! Những lời buộc tội này là sai sự thật và gây hiểu lầm một cách trắng trợn. Một sự kiện lịch sử nổi tiếng là Đức Piô XII đã lên án chủ nghĩa bài do thái trong một số bài phát biểu của ngài và đã giúp cứu hàng trăm ngàn người do thái trong Thế chiến thứ hai. Sau chiến tranh, ngay cả các giáo sĩ và các thần học gia do thái như Pinchas Lapide đã cám ơn ngài vì ngài đã cứu rất nhiều người do thái. Còn với Đức Gioan-Phaolô II, từ năm 1994, chúng ta đã có những bài phát biểu trong đó ngài lên tiếng chấm dứt nạn diệt chủng: “Nhân danh Chúa Kitô, tôi xin quý vị hạ vũ khí xuống!” Làm thế nào triết gia Michel Onfray lại khẳng định Đức Gioan-Phaolô II “tích cực bảo vệ vụ người công giáo Hutus thảm sát hàng trăm ngàn người Tutsi ở Rwanda?

Dù sao cũng có một phần sự thật trong những gì ông ấy viết?

Một số lời chỉ trích đôi khi được biện minh một phần, đặc biệt là liên quan đến việc điều tra. Trong suốt lịch sử, những người trong Giáo hội không hề hoàn hảo. Đã có những lạm dụng, có những điều đáng tiếc xảy ra, cần phải lên án một cách đúng đắn. Nhưng vấn đề là Michel Onfray đã đưa ra một hình ảnh biếm họa về nhiều hiện tượng, đặc biệt là với vụ án dị giáo. Các chuyên gia thời kỳ này biết rõ truyền thuyết đen tối về linh mục Machiavellian tra tấn người dân đến chết là sai về mặt lịch sử.

“Michel Onfray từ chối một cuộc tranh luận công khai”

Trên thực tế, phần lớn các bản án của tòa án không phải là hành quyết mà là tạm giam hoặc các bản án kích động lòng mộ đạo như hành hương hoặc bố thí. Án tử hình rất hiếm. Trong khoảng 400 năm chỉ có vài ngàn người. Tòa án dị giáo thực sự gây ra ít nạn nhân hơn nhiều so với Cách mạng Pháp hay Chiến tranh Vendée ở Pháp.

Nguyên tắc là không rơi vào cái nhìn lịch sử toàn đen hoặc toàn trắng. Thực tế thường nằm giữa hai thái cực.

Ông nghĩ gì khi một người có uy tín trên các phương tiện truyền thông như Michel Onfray lại tuyên bố những điều sai sự thật trong sách và trước hàng triệu người xem?

Điều này rõ ràng là có vấn đề. Ngay cả khi Michel Onfray tham dự các cuộc tranh luận trái ngược nhau, thường thì các nhà báo phỏng vấn không đủ văn hóa cần thiết để phản đối ông. Sách của Michel Onfray bán được hàng trăm ngàn quyển, điều này chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ thông tin sai lệch với những người không đủ hiểu biết về tôn giáo hoặc văn hóa lịch sử. Vì thế quyển sách của tôi là tác phẩm tái-thông tin, có thể nói là một loại thuốc giải độc!

Tôi đã đề nghị một tranh luận công khai với Michel Onfray, nhưng ông từ chối và viết cho tôi: “Thưa ông, tôi không có lý do chính đáng nào để làm ông vui lòng.” Tôi để mọi người tự tưởng tượng những lý do ông từ chối…

Marta An Nguyễn dịch

Triết gia Matthieu Lavagna, diễn giả công giáo Pháp, có bằng triết học và thần học. Ông làm việc cho hiệp hội Marie de Nazareth từ năm 2021 trong lãnh vực hộ giáo. Tác giả quyển sách Không, Chúa Kitô không phải là huyền thoại. Tự do trả lời cho Michel Onfray (Non, le Christ n’est pas un mythe. Libre réponse à Michel Onfray Artège, 2024) và quyển Hãy có lý, hãy là người công giáo (Soyez rationnel, devenez catholique!, nxb. Collection apologétique, 2022).