Tân tòng Olessia Koubanova: “Tôi đến với Giáo hội không thành kiến”
cath.ch, Raphael Zbinden, 2024-03-20
Bà Olessia Koubanova sẽ được rửa tội ngày lễ Phục sinh 31 tháng 3 năm 2024 | © Raphael Zbinden
Bà Olessia Koubanova, 59 tuổi, cư trú ở vùng Bulloise, Thụy Sĩ đang chuẩn bị rửa tội vào ngày lễ Phục sinh năm nay. Sinh ra trong một gia đình vô thần ở Nga, bà được hướng dẫn để nhìn Giáo hội vượt ra “những cảm xúc tiêu cực” mà những những người có văn hóa công giáo có thể có với đạo công giáo.
Hơn 30 năm ở Thụy Sĩ, bà vẫn còn giữ giọng của quê hương Nga. Bà sinh ra ở Rostov-on-Don, miền nam nước Nga vẫn còn theo chủ nghĩa cộng sản, trong một gia đình vô thần nhiều thế hệ, có nghĩa bà không dự trù mình sẽ rửa tội để theo đạo công giáo. Nhưng, ngày chúa nhật 31 tháng 3 Phục sinh năm nay, bà bước một bước để đến với giếng rửa tội công giáo.
Tôn giáo không hoàn toàn vắng bóng trong thời thơ ấu của bà. Bà sinh ra gần biên giới nước Ukraine, thỉnh thoảng bà vào nhà thờ chính thống giáo thắp nến. Bà nhớ lại: “Nhưng đó chỉ là một cử chỉ đẹp, tôi thực sự không thấy một cảm giác tôn giáo nào đi kèm.” Khi vào đại học bà mới đọc Kinh thánh lần đầu trong khóa học về chủ nghĩa vô thần khoa học: “Một cô giáo trợ giảng đọc to vài đoạn Kinh thánh cho chúng tôi nghe để dạy về kitô giáo. Cô đọc nhưng không giải thích. Lúc đó tôi không thấy có gì đặc biệt nhưng tôi thấy thú vị.”
Tiểu luận về tâm linh
Năm 1991, bà 26 tuổi khi Liên Xô sụp đổ, bà nhận học bổng học tiến sĩ triết học tại Đại học Fribourg. Bà cho biết: “Vào thời đó, đó là phép lạ, một chuyện rất hiếm hoi.”
Ở Thụy Sĩ, bà tìm cách hội nhập và làm quen. Về việc này, giáo xứ chính thống địa phương là một chọn lựa tốt vì gần với văn hóa nguyên thủy của bà. Bà nói: “Tôi bắt đầu tham dự các buổi lễ ở nhà thờ. Đầu tiên tôi làm như mọi người. Tất cả tín hữu dường như tìm thấy một điều gì đó mạnh mẽ trong tôn giáo làm tôi tò mò. Bản tính tôi là người tò mò và thích tìm hiểu mọi thứ. Tôi muốn hiểu xem điều gì đã thúc đẩy họ.” Bà gặp các tín hữu thấm nhuần đức tin sâu sắc và nói chuyện nhiều với họ, kể cả về tâm linh. “Họ nói với tôi, nếu tôi muốn nhận ‘món quà’ này thì tôi phải xin chứ nó không tự nhiên đến. Ngay lúc đó tôi bắt đầu cảm thấy một cái gì đó.”
Sự hiện diện của Chúa
Bà đến từ Nga với người con gái nhỏ 5 tuổi, bà quyết định rửa tội cho con ở một nhà thờ chính thống giáo ở Fribourg. Bà nói: “Ý tưởng về lễ rửa tội cho chính tôi đã có trong đầu. Những người gần tôi không biết tôi chưa được rửa tội và tôi xấu hổ khi tiết lộ điều này. Vì vậy tôi chưa rửa tội. Nhưng dễ dàng hơn khi tôi cho con rửa tội.”
“Khi tôi gần sáu mươi, tôi cảm thấy đức tin của tôi bị trì trệ” – Olesya Koubanova
Sau vài năm ở Fribourg, bà đến miền Tây nước Đức để hoàn thành luận án tiến sĩ. Bà tìm đến các nhà thờ công giáo trong khu phố. Bà có thói quen đến đó ngoài giờ thánh lễ để cầu nguyện. Bà nói: “Đó là nơi tôi thực sự khám phá ra sự hiện diện của Chúa”.
Trở lại Fribourg, bà gặp chồng bà, một người công giáo có đức tin nhưng ít giữ đạo. Bà đi theo chồng trong các sự kiện tôn giáo, các ngày lễ, các tang lễ. Bà cho biết: “Tôi cảm thấy thoải mái trong thánh lễ công giáo như tôi đang ở nhà. Với tôi, các buổi lễ của tin lành quá trang trọng, các lễ của chính thống giáo quá dài và quá nghi lễ. Thánh lễ công giáo là thánh lễ hoàn toàn phù hợp với tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc khi đi lễ.”
Bà Olessia có hai đứa con khác, một trai, một gái. Cả hai được rửa tội cùng lúc trong lần chuẩn bị rước lễ lần đầu cho con gái.
Một khóa dự tòng ngoài mong chờ
Sau đó, bà dọn về vùng lân cận Bulle và tìm được việc làm ở đây trong lãnh vực vi tính. Ở Gruyère, ý tưởng đi học một khóa dự tòng vẫn ở trong đầu. Bà nói: “Tôi thực sự muốn học nhưng phải học hai năm làm tôi hơi sợ. Tôi thấy điều này hơi tiêu cực, một cái gì đó nhàm chán. Cuối cùng, khi đã gần sáu mươi, tôi thấy đức tin của tôi bị trì trệ và tôi nghĩ đã đến lúc.”
Vì vậy bà bắt đầu hành trình nhưng không nhiệt thành mấy. “Nhưng cuối cùng, tôi lại thích khóa học. Tôi đã gặp rất nhiều người tuyệt vời và đức tin của tôi ngày càng mạnh hơn.”
Vấn đề “rồi sau đó”
Olessia hạnh phúc hơn khi bà sắp vào Giáo hội với một khuôn mặt mới. “Tôi nghĩ tôi đến đây với ít thành kiến hơn những người sinh ra trong văn hóa công giáo, chính vì tôi đến từ một nền văn hóa rất xa. Những vụ bê bối, lạm dụng, chia rẽ, đó không phải là những gì tôi thấy đầu tiên khi nghĩ về Giáo hội.”
Với bí tích mà bà nóng lòng chờ này, Olessia chỉ có một nỗi sợ hãi duy nhất, đó là “rồi sau đó”. “Trong thời gian dự tòng, chúng tôi được bao quanh, được khuyến khích và hỗ trợ. Tuy nhiên, sau rửa tội, tôi sẽ phải học cách nuôi dưỡng ngọn lửa đức tin của tôi một cách độc lập hơn”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Tân tòng Tanguy Coral: “Đức tin là con người thật của tôi. Đó là Sự sống.”