Giáo hoàng Argentina, châu Âu và chiến tranh
Khi xin người Ukraine chấm dứt cuộc xung đột giữa họ và quân xâm lược Nga, Đức Phanxicô đã tỏ ra vụng về. Nhưng sự can thiệp của ngài cũng cho phép chúng ta nêu ra vấn đề về mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và hòa bình, một chủ đề mà các kitô hữu châu Âu cần phải suy ngẫm lại một lần nữa.
la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn,2024-03-19
Những lời của Đức Phanxicô kêu gọi người Ukraine giương cờ trắng chống lại Nga không được châu Âu đón nhận. Không nghi ngờ gì, những lời nói này vụng về, không đúng lúc! Tuy nhiên, lời kêu gọi cũng đặt ra một câu hỏi thiết yếu cho châu Âu: mối quan hệ của họ với hòa bình. Mệnh lệnh có giá trị này của Đức Phanxicô buộc người châu Âu, đặc biệt là tín hữu kitô phải xem lại các nguyên tắc cơ bản của mình.
Đúng vậy, Cộng đồng Than và Thép (ECSC), tổ tiên xa xôi của Liên minh châu Âu đã ra đời từ khẩu hiệu: “Không bao giờ có chiến tranh nữa!” Năm 1950, một thế hệ bị tổn thương của hai cuộc xung đột lớn trên thế giới muốn lật sang trang. Trong số đó, nhiều tín hữu kitô sẽ đưa tân châu Âu đến giếng rửa tội. Gasperi, Adenauer, Schuman đã có một mệnh lệnh, hòa giải và đặc biệt là hòa giải Pháp-Đức.
Họ đã sống thời cao trào của chủ nghĩa quốc xã, đã làm tan hy vọng hòa bình do Hội Quốc Liên (SDN) mang lại. Vì thế họ tìm cách bảo đảm nền hòa bình này để nó không thể bị nghi ngờ. Những đảng viên Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo này được các giáo hoàng Ý liên tục hỗ trợ, Đức Gioan XXIII hay Đức Phaolô VI, những người đã chia sẻ sự nhạy cảm này. Giáo hoàng Ba Lan Gioan-Phaolô II hay giáo hoàng Đức Bênêđíctô XVI duy trì sự ủng hộ này, dù trong thời gian này, nền dân chủ Thiên chúa giáo đã biến mất. Tuy nhiên, sự gắn bó của tín hữu kitô với công trình xây dựng ở châu Âu chưa bao giờ dao động. Một loại hiệp ước lịch sử ràng buộc các kitô hữu, hòa bình và châu Âu.
Đúng, nhưng hòa bình là gì? Ông Alfred Grosser, người vừa qua đời thường trích dẫn bài viết về hòa giải Pháp-Đức của chiến sĩ kháng chiến thiên chúa giáo người Đức Joseph Rovan, về công lao của chúng ta, bài được đăng trên tạp chí Esprit năm 1945. Vào lúc đó ông viết: “Pháp chịu trách nhiệm về Đức. Vì không còn nước Đức nữa nên nước Đức sẽ là thứ mà chúng ta tạo nên.” Theo ông Joseph Rovan, cuộc chiến chống đức quốc xã trong thời kháng chiến và việc tái thiết nước Đức sau năm 1945 có mối liên hệ chặt chẽ. Đó là cuộc chiến cho chủ nghĩa nhân văn đích thực và dân chủ chính trị. Ông khẳng định nước Đức của tương lai sẽ là kết quả của những gì chúng ta đã làm được, đó là “nước Đức của công lao của chúng ta”. Do đó, hòa bình, trong suy nghĩ của những kitô hữu châu Âu này, không phải bằng bất cứ giá nào: hòa bình dựa trên các giá trị chung, như dân chủ, tự do, đa nguyên về quan điểm.
Vị trí ngày càng khẳng định
Ngày nay thì sao ? Kitô hữu ít quan trọng hơn. Họ chấp nhận nền hòa bình này sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của Mỹ trong NATO. Về phần Vatican, ngày càng có lập trường quyết tâm hơn trong việc phản đối chiến tranh. Vì thế việc Vatican gia nhập Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân ngày 20 tháng 9 năm 2017, với lý do “hòa bình được hứa hẹn qua lời răn đe hạt nhân luôn là một ảo tưởng bi thảm”. Việc từ chối bất kỳ lợi ích nào với việc răn đe hạt nhân có phải là hành động quá nhanh khi nhiều quốc gia toàn trị rõ ràng cho thấy tầm nhìn bành trướng của họ đó không? Tương tự như vậy, Đức Phanxicô đã kết thúc “cuộc chiến tranh chính nghĩa”, một khái niệm kế thừa từ chủ nghĩa của Thánh Tôma Aquinô, và thực sự rất mơ hồ, bởi vì nó đã làm cho chúng ta có thể biện minh cho nhiều cuộc chiến tranh xâm lược.
Bài đọc thêm: Chiến tranh ở Ukraine, Đức Phanxicô kêu gọi: “Xin hãy can đảm thương thuyết”
Nhưng thay thế nó bằng cái gì? Tổng quát hơn, chúng ta có thể lấy làm tiếc, người tín hữu kitô đã dần dần không suy nghĩ về chiến tranh, ngoại trừ một thiểu số theo chủ nghĩa hòa bình hơn. Đã đến lúc xem lại chủ đề. Đây không phải là việc giương cờ trắng trước xe tăng Nga. Nhưng thật thích hợp để suy ngẫm xem xung đột có thể xảy ra như thế nào với châu Âu và trong những điều kiện nào châu Âu phải giải quyết xung đột đó. Hoặc, tiếp thu những suy ngẫm của Joseph Rovan, để biết những giá trị nào chúng ta muốn bảo vệ và chúng ta đồng ý đi bao xa để bảo vệ chúng…
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô hay “sự thất bại của phương Tây”
Đức Phanxicô xin Ukraine giương cờ trắng: các giới hạn của “tôn giáo tình yêu”?