Hồng y Pietro Parolin: chiến tranh, giải pháp ngoại giao luôn có thể thực hiện được

51

Hồng y Pietro Parolin: chiến tranh, giải pháp ngoại giao luôn có thể thực hiện được

cath.ch, Lucienne Bittar, 2024-03-13

 Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin

Thương thuyết không phải là thú nhận điểm yếu nhưng là điểm mạnh.

Ngày 9 tháng 3, những lời của Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Thụy Sĩ-Ý RSI kêu gọi Ukraine nên thương thuyết tiếp tục gây ra nhiều phản ứng. Sau ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đến lượt hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin làm sáng tỏ những suy nghĩ của Đức Phanxicô. Đối diện với nguy cơ leo thang quân sự và đau khổ do chiến tranh gây ra, thương thuyết ngoại giao vẫn là tiếng nói hàng đầu.

Hình ảnh “cờ trắng” Đức Phanxicô gợi lên trên đài RSI đã được chính phủ Ukraine và các chính trị gia khác ở châu Âu giải thích là lời kêu gọi đầu hàng. Trích dẫn lời Đức Phanxicô ngày 25 tháng 2, ông Matteo Bruni giải thích đây là lời kêu gọi tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài qua con đường ngoại giao.

Trong một phỏng vấn với nhật báo Ý Corriere della Sera, do Vatican News thực hiện, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin cho biết, Tòa Thánh luôn thấy rõ việc tạo ra các điều kiện cần thiết vì hòa bình “không phải là trách nhiệm của chỉ một bên, mà của cả hai bên” và điều kiện đầu tiên chính là chấm dứt hành vi xâm lược.

Sự can đảm của việc thương thuyết ở Ukraine hay ở Đất Thánh

Tuy nhiên hồng y Parolin cho biết, Tòa Thánh muốn nhắc lại “thương thuyết không phải là điểm yếu mà là điểm mạnh. Đây không phải là đầu hàng mà là lòng can đảm. Đức Phanxicô nói với chúng ta, chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến mạng sống con người, đến hàng trăm ngàn sinh mạng đã hy sinh trong cuộc chiến ở trung tâm châu Âu. Đây là những lời áp dụng cho Ukraine, cho Đất Thánh và cho các cuộc xung đột đẫm máu khác trên thế giới.”

Một lần nữa, hồng y nhấn mạnh đến những rủi ro thực sự của việc leo thang quân sự, và cũng có thể một sự “trôi dạt” hạt nhân. Ngài nói: “Xung đột ngày càng xấu, sự bùng nổ của các cuộc đụng độ vũ trang mới, cuộc chạy đua tái vũ trang là những dấu hiệu bi thảm và đáng lo ngại. Nguy cơ của một ‘trôi dạt’ hạt nhân chết người không phải là không có. Chỉ cần nhìn vào mức độ thường xuyên mà một số đại diện chính phủ đưa ra lời đe dọa như vậy. Tôi hy vọng rằng đây chỉ là tuyên truyền chiến lược chứ không phải ‘cảnh báo’ về một khả năng thực sự”. Khi được hỏi liệu có còn cơ hội có được giải pháp ngoại giao hay không, ngài khẳng định có, “vì đây là những quyết định phụ thuộc vào ý chí con người”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Giáo hoàng và Ukraine, hòa bình sẽ không có được nếu không có công lý

Hồng y Parolin: “Điều kiện đầu tiên cho hòa bình ở Ukraine là chấm dứt xâm lược”