Chúa Giêsu hay giáo hoàng, các nhà bình luận luôn nhốt mình trong những định kiến
fr.aleteia.org, Jean Duchesne, 2024-01-30
Giáo hoàng hay Chúa Giêsu, “tôi tớ không hơn chủ!”, theo nhà tiểu luận Jean Duchesne, không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày nay người kế vị Thánh Phêrô lại không được hiểu, cũng giống Chúa Giêsu vào thời của Ngài.
Nếu cách đây khoảng hai ngàn năm ở Palestine, các nhà báo và nhà bình luận được đào tạo và được cung cấp thông tin tốt như chúng ta có ngày nay, với những tài năng tương đương không những trong lãnh vực xử lý ngôn từ mà còn trong nghệ thuật giao tiếp, thì điều đáng kể không phải là những gì được nói ra mà những gì được lặp đi lặp lại, tạo phản ứng dây chuyền, chắc chắn chúng ta sẽ có những biến thể khác nhau về chủ đề: “Không may sự nghiệp của nhà tiên tri Nadarét bị tiêu, giờ đây ông ở trong tình trạng bế tắc nguy hiểm.”
Đã có mạng xã hội ở thời cổ đại
Theo Tin Mừng Thánh Mátthêu (Mt 21:11), khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: Ông này là ai vậy? Dân chúng trả lời: Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét), với một so sánh tối thiểu, chúng ta hiểu ngôn sứ Giêsu là giáo hoàng Phanxicô và hỏi ông này là ai thì cũng như hỏi triều giáo hoàng này sao rồi, câu này là của một nhật báo lớn không bị cho là thù nghịch với Giáo hội và độc giả của báo đa số là người công giáo tự do. Tất nhiên, vào thời Đế chế La mã, không có phương tiện truyền thông tân kỳ cũng không có nhiều nhà xã luận xuất sắc như ngày nay. Nhưng đặc biệt ở phương Đông, nơi đời sống văn hóa và văn minh chòng chéo nhau, cuộc sống đủ phức tạp, xung đột và lo âu đến mức mỗi phe, mỗi đảng phái có mạng xã hội riêng để phản ánh và diễn giải các sự kiện.
Vì thế các nhà quan sát giỏi ở địa phương sẽ không thể không ghi nhận (họ ít được nâng đỡ, nên chỉ còn lại rất ít dấu vết phân tích của họ) những thành công nhỏ mà một người Galilê đến từ hư không, có nghĩa là không thuộc trường phái hay phe phái nào của họ. Ông đã có một danh tiếng nào đó nhờ biết làm thầy mằn, người dân đem đến người bị liệt, người mất trí, người bệnh tật và cả người sắp chết để ông chữa cho họ. Đám đông đi theo ông mong chứng kiến phép lạ. Đi cùng ông là một nhóm nhỏ những người rất bình thường (lại có cả người thu thuế trong nhóm này). Nhưng ông cũng được một số phụ nữ đi theo, một trong số họ là vợ của những người nổi tiếng.
Một kẻ quyến rũ nhưng lại kém cỏi chính trị
Dù ông tiên tri này hấp dẫn, nhưng lạ thay, ông lại không tận dụng lợi thế đó như lẽ ra ông có thể (hoặc nên làm), ông lại trốn “những người đi theo”, bây giờ gọi là follows, để rút lui vào sa mạc cô độc, và người ta cũng không rõ chiến lược của ông là gì. Các bài nói chuyện của ông là những dụ ngôn rất hấp dẫn, nhưng người nghe tự hỏi ông dẫn họ đi đâu: đôi khi ông nói về sự hiền lành và khiêm nhường, đôi khi ông lại nói mình gần như ngang hàng với Chúa. Rõ ràng ông là người am hiểu Luật pháp, các lời tiên tri, các thánh vịnh, ông là tông đồ có một lòng mộ đạo đã khôi phục lại sự trong sạch nguyên sơ và là nhà tranh luận đáng gờm, ông không thương tiếc chọc tức, chỉ trích các nhà chức trách tôn giáo. Nói một cách dễ hiểu, ông không có ý thức chính trị, ông không đi tìm đồng minh, tìm hỗ trợ mà lẽ ra sẽ giúp cho cử tọa của ông biết cân nhắc trong các tranh cãi về các vấn đề chính của thời điểm hiện tại.
Có vẻ như ông còn thử thách những đệ tử trung thành nhất của ông. Khi ông thành công trong việc làm cho họ công nhận ông là Đấng Thiên sai, Con Thiên Chúa thì ông lại phủ nhận điều đó: hoặc ông cấm họ nói điều đó, hoặc ông tuyên bố với họ ông sẽ bị bắt, bị kết án và bị xử tử như một tội phạm. Ông cũng cảnh báo, về phần họ, họ cũng sẽ không được đối xử tốt hơn (Ga 13, 16; 15, 20). Đối với đàn chiên, lời dạy của ông đôi khi nghịch lý (ông long trọng tuyên bố kẻ bất hạnh và kẻ yếu đuối là người có phúc), ảo tưởng (người ta phải ăn thịt và uống máu ông để sống đời đời) hoặc mâu thuẫn (ông đã nói “ai không đi với tôi, là chống lại tôi; và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán”). Nói tóm lại, tất cả những điều này chống lại sự đơn giản hóa và sự hợp lý hóa mang tính trấn an.
Đọc rút gọn
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi một tuyên bố của giáo hoàng hay của Vatican, trong chừng mực nó tuân theo logic không thể rút gọn của Chúa Kitô, lại “làm màu mỡ cho nhiều cách giải thích, đến mức nó không bao giờ ngừng tạo ra những giải thích và những đào sâu tiếp theo, tạo nhầm lẫn lớn về thần học và mục vụ”, như chúng ta đọc trên báo Nhật ký ngày Chúa nhật (Le Journal du Dimanche). Một mặt, các hồng y và giám mục châu Phi phản đối, và báo chí lặp lại vì sự bất đồng quan điểm hiếm hoi này là thức ăn chính của truyền thông. Một cách đối xứng, người ta ước tính “một chúc phúc giống như những gì linh mục ban phép lành cho các súc vật nuôi trong nhà hoặc cho những chiếc thuyền là không thỏa đáng” (lời lẽ của báo L’Obs).
Không phải bằng cách tuân theo những định kiến này hay định kiến kia đang đối đầu nhau ở phương Tây ngày nay mà Giáo hội sẽ tồn tại.
Chúng ta hãy làm rõ (nếu cần), đây là khả năng chúc phúc cho “các cặp không hợp lệ” và ở đó, chúng ta thấy một cách một cách kỳ lạ, rõ ràng là đọc hơi vội, một sự thừa nhận đồng tính, thậm chí là bước đầu tiên (đã không thể chấp nhận được với một số người, vẫn chưa đủ cho những người khác) hướng tới việc hợp pháp hóa nó. Tuy nhiên, việc sống chung lâu dài giữa những người cùng giới là một hiện tượng ngoài lề: ở Pháp, số liệu thống kê chính thức cho thấy con số lên tới vài chục ngàn, trong khi những cuộc sống thử của những người khác giới không dựa trên bí tích hôn nhân có thể lên tới hàng chục triệu và thường họ không hợp pháp hóa dân sự – nói cách khác, đó là đại đa số các kết hợp mà Giáo hội gọi là “bất thường” và do đó họ là những người liên quan đến Fiducia supplicans (với điều kiện là họ muốn được chúc phúc).
Kẻ gây rối đối diện với những chứng liệt cơ trí tuệ và đạo đức
Ở đây, chúng ta thấy có sự hiểu lầm giữa một mặt là bài phát biểu của những người thừa kế “tiên tri Nadarét“ hiện nay, mặt kia là cử tọa bị vướng víu trong những vấn đề mà những người đưa ra ý kiến đã khóa nó lại. Sự khó hiểu không chỉ do tính chất bất ngờ của thông điệp hay do sự tinh tế của nó (chẳng hạn, lên án tội lỗi nhưng dứt khoát không lên án tội nhân). Những gì cản trở, chuyển hướng và hướng dẫn sai lầm trong trường hợp này là sự ám ảnh cố định về việc bình thường hóa các xu hướng tình dục khác thường, được giới trí thức xem là tiêu chí cuối cùng của Cái tốt, điều này đã trở nên không thể gọi tên được. Nhưng còn có nhiều hình thức liệt cơ khác về mặt trí tuệ và đạo đức. Đã có một số ở thời Cổ đại và chắc chắn sẽ có cho đến ngày tận thế.
Trong trường hợp của Chúa Giêsu, người ta đặt câu hỏi liệu Ngài có khôi phục vương quyền cho Israel hay không. Những người hoài cổ hy vọng, những người thực tế hơn thì không nghĩ nó có cơ hội thành công, họ đi tìm thỏa hiệp. Cả hai nhóm đều không cho phép hành động và lời nói của kẻ gây rối này làm lung lay xác tín của họ, và trước hết giải phóng quan điểm của họ, nhưng tất cả đều sai lầm. Mọi việc không thay đổi nhiều kể từ đó: không phải bằng cách tuân theo điều này hay điều kia của những định kiến đang đối đầu nhau ngày nay ở phương Tây mà Giáo hội sẽ tồn tại. Điều thúc đẩy Giáo hội một cách bất khả chiến bại suốt hai ngàn năm nay không phải là ký ức về quá khứ mà Giáo hội bám vào. Chính sự hiện diện sống động và tích cực của nhà tiên tri Galilê này trong Giáo hội, người không ai có thể thuần hóa được và là người vừa làm phiền dân tộc của mình, vừa làm phiền người khác.
Marta An Nguyễn dịch