Linh mục François Euvé: “Kitô giáo vẫn cho chúng ta điều gì đó để suy nghĩ”

92

Linh mục François Euvé: “Kitô giáo vẫn cho chúng ta điều gì đó để suy nghĩ”

lepoint.fr, Jerome Cordelier, 2023-12-23

Linh mục Dòng Tên François Euvé

Theo nhà vật lý và thần học gia Dòng Tên François Euvé, giám đốc tạp chí “Études” (Nghiên cứu), cuộc khủng hoảng kitô giáo không làm thay đổi tương lai của nó. 

“Có phải kitô giáo sẽ chết không?”, cố sử gia công giáo Jean Delumeau đã thách thức những người cùng đạo với ông trong quyển sách khảo luận bán chạy vào thời của ông, năm… 1977. Gần nửa thế kỷ trôi qua, kitô giáo không chết, nhưng vấn đề về tương lai của nó lại xuất hiện với những vụ tai tiếng lạm dụng tình dục. Dù mệt mỏi và bệnh tật đang gặm nhấm, đối diện với cuộc khủng hoảng về đức tin và cơ cấu chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Giáo hội, Đức Phanxicô không bỏ cuộc, ngài cố gắng hết sức có thể để thực hiện “cuộc cách mạng Phanxicô” mà với lý do này ngài được bầu lên. Quyết định mới nhất, quan trọng và gây tranh cãi: việc cho phép chúc phúc cho các cặp đồng giới.

Là tu sĩ Dòng Tên như Đức Phanxicô, nhà vật lý, thần học gia, giám đốc tạp chí Études, được nhiều người trong giới trí thức theo dõi, linh mục François Euvé giải thích và phân tích vấn đề khủng hoảng trong kitô giáo đã làm ám ảnh nhiều tín hữu, ngài nghiên cứu vấn đề này trong quyển sách thảo luận hứng thú, Tương lai nào cho kitô giáo? (Quel avenir pour le christianisme? Nxb. Salvator)

Ngay từ đầu, trong quyển sách của cha, cha đã đặt ra câu hỏi do nhà sử học René Rémond đưa ra năm 2005: “Ngày nay người ta có còn quan tâm đến kitô giáo không?” Cha trả lời như thế nào ở đây và bây giờ cho câu hỏi này?

Linh mục François Euvé: Tôi cá là có, kitô giáo vẫn còn được quan tâm. Tất nhiên, người dân ngày càng ít giữ đạo hơn. Nhưng suy ngẫm của tôi dựa trên công trình của các nhà trí thức như François Jullien, Jürgen Habermas, Bruno Latour, Michel Serres, Jean-Marc Ferry… Tôi rất ngạc nhiên trước sự hội tụ các tác phẩm trí tuệ của các nhà tư tưởng thế giới đương đại khẳng định, kitô giáo vẫn tiếp tục mang đến một cái gì đó cho thế giới. Chiều kích thiêng liêng và những vấn đề căn bản đang ngày càng được người đương thời chúng ta quan tâm. Đối diện với một thế giới ngày càng phức tạp và sự gia tăng các cuộc xung đột, họ đang quay trở lại vị trí dẫn đầu. Và kitô giáo vẫn cho chúng ta điều gì đó để suy nghĩ.

Bằng cách nào?

Vì nó liên tục làm cho chúng ta tự hỏi mình với những câu hỏi căn bản. Là con người có nghĩa là gì? Mối quan hệ của chúng ta với thế giới là gì? Mối quan hệ của chúng ta với nhau là gì? Đức Phanxicô đã trả lời những câu hỏi này qua hai thông điệp để lại dấu ấn. Laudato si, về cách chúng ta liên hệ với thiên nhiên, và Fratelli tutti, về mối quan hệ của chúng ta với nhau. Đây là hai văn bản thu hút sự chú ý của công chúng vì đề cập đến những mối quan tâm đương thời. Tình huynh đệ, một trong những vấn đề chính của thế kỷ chúng ta, là một khái niệm xuất phát từ kitô giáo.

Cha giải thích thế nào về sự miễn cưỡng của các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo trong cuộc tranh luận công khai?

Thật là tai hại khi các nhà lãnh đạo Giáo hội không tham gia nhiều hơn. Trước hết, có một khó khăn trong việc từ bỏ một quan điểm, một giáo điều đã được khẳng định để bước vào cuộc tranh luận hợp lý mà thế giới đang cần. Thật không may, văn hóa công giáo không mấy quen thuộc với quan điểm này. Dẫn đầu một cuộc tranh luận có nghĩa là xem xét nghiêm túc các lập luận của bên đối lập, và ở mức độ này, người công giáo vẫn còn con đường phải đi.

Tiếp đó là có sự phân cực trong Giáo hội về vấn đề đạo đức, vấn đề riêng tư chung quanh việc phá thai, hôn nhân với tất cả mọi người, dẫn đến việc chúng ta ít đề cập đến các chủ đề khác như các vấn đề di cư hay một cách rộng hơn là những vấn đề của xã hội. Nhiều tín hữu kitô đang thực sự tham gia vào các lãnh vực này. Nhưng chúng ta không thực sự tạo ra những đóng góp về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, suy tư kitô giáo còn quá ít đề cập đến các vấn đề về công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và cả quan hệ quốc tế, một lãnh vực mà truyền thông kitô giáo có nhiều đóng góp.

Có phải tín hữu kitô bị tê liệt vì cuộc tranh luận công khai không?

Một xu hướng cuồng loạn nào đó làm cho cuộc tranh luận trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên những ai ở trong di sản lâu dài của kitô giáo lại là những người được trang bị tốt nhất để chống lại sự cuồng loạn này. Có một yếu tố cuối cùng không thể không nhắc đến: đó là cuộc khủng hoảng lạm dụng đã làm cho những lời của Giáo hội về vấn đề tình dục trở nên không thể nghe được.

Không chỉ trong các vấn đề tình dục… Toàn bộ huấn quyền của Giáo hội đều bị đặt vấn đề.

Đúng vậy. Điều này làm cho huấn quyền trở nên khó nghe hơn và trong mọi lãnh vực. Giáo hội có thể và phải đưa ra nhiều đề xuất hơn bằng cách đồng ý tham gia tranh luận với xã hội và với thế giới xung quanh.

Việc Vatican chấp nhận chúc phúc cho các cặp đồng giới có phải là con đường cho Giáo hội đi vào tranh luận với thế giới xung quanh không?

Đó là cách để nhận ra sự tiến hóa trong các phong tục đạo đức. Cách chúng ta nhìn về đồng tính đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Các nhà thần học nhận ra quan điểm truyền thống của Giáo hội công giáo ít được biện minh vững chắc hơn chúng ta nghĩ. Có sự tranh luận giữa các nhà đạo đức về chủ đề này.

Điều gì đã thúc đẩy Đức Phanxicô?

Tôi không biết nhiều. Có thể do các cuộc gặp gỡ với các cặp đồng tính và ý thức họ đang trải nghiệm điều gì đó đích thực.

Quyết định này có nguy cơ làm gia tăng sự chia rẽ trong thế giới công giáo không? Một lần nữa, Đức Phanxicô sẽ đụng chạm mạnh vào những người bảo thủ…

Chắc chắn. Điều quan trọng là phải giải thích, đây không phải là việc đi “theo thời đại”, nhưng công nhận một số phát triển nào đó là hợp lý khi chúng không đi ngược với Tin Mừng và truyền thống chân chính của Giáo hội.

Cá nhân cha trải qua cuộc khủng hoảng này trong kitô giáo như thế nào?

Tôi trải nghiệm nó như một giai đoạn chuyển tiếp. Thật không thoải mái khi ở trong một tổ chức đang suy tàn. Khi chúng ta đã sống thời kỳ với những nhà thờ đông đúc thì việc đứng trước nhà thờ trống rỗng không dễ chịu chút nào. Nhưng có các cuộc tụ họp của những cộng đồng khác đang nổi lên. Đồng thời, điều làm tôi rất hy vọng là thấy xã hội quan tâm đến kitô giáo và thấy nhiều tín hữu dấn thân. Kitô giáo của ngày mai sẽ rất thiểu số. Nhưng tôi không cảm thấy mình thuộc về một loài có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta biết, trong suốt lịch sử nước Pháp, các nhóm thiểu số đã có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội so với nhóm đa số. Chúng ta thấy nơi sự đóng góp của người tin lành.

Cha muốn nói người công giáo đang trên tiến trình “tin lành hoá?”

Đó là một mô hình đáng đào sâu. Tôi lập luận rõ trong quyển sách về kitô giáo nói chung, chứ không chỉ riêng cho công giáo. Những người theo đạo tin lành, cũng như người do thái, từ lâu họ đã hình thành các nhóm thiểu số ở Pháp và sự đóng góp cũng như ảnh hưởng của họ trong xã hội rất quan trọng. Về phần tôi, tôi sống trải nghiệm sự phát triển này một cách hòa bình. Tôi là tu sĩ Dòng Tên từ năm 1983. Tôi đã chọn dấn thân đi tu để thể hiện rõ sự hiện diện kitô. Nhưng tôi là nhà khoa học, và do đó tôi đã tiến hóa trong một thế giới đã bị thế tục hóa từ lâu. Vì vậy, sự đa dạng chưa bao giờ làm tôi sợ hãi. Việc chúng ta không còn sống trong một xã hội kitô giáo không ngăn cản kitô giáo vẫn có một tương lai tươi sáng phía trước. Nó sẽ tiếp tục biến đổi một cách triệt để.

Marta An Nguyễn dịch