Vatican cho phép lưu giữ tro cốt của người quá cố ở nơi riêng tư
Ngày thứ ba 12 tháng 12, một ghi chú của bộ Giáo lý Đức tin cho phép được giữ tro cốt của thân nhân. Một thực tế bị cấm ở Pháp kể từ năm 2008. Rôma cũng đồng ý cho phép rải tro các bình đựng tro cốt của nhiều người có thể bị trộn lẫn với nhau.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-12-12
Dù Rôma vẫn ưu tiên cho việc chôn cất, nhưng năm 1963 Rôma cũng đã cho phép hỏa táng, một lựa chọn ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Pháp. Fred de Noyelle / Godong/MAXPPP
Gia đình có thể lưu giữ tro cốt của người thân đã khuất nếu muốn, nhưng phải tôn trọng một số điều kiện. Đó là điều mà hồng y Victor Fernandez, bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin khẳng định trong một tài liệu được công bố ngày thứ ba 12 tháng 12, ba ngày sau khi được Đức Phanxicô phê chuẩn.
Sự tiến hóa rõ ràng
Tài liệu dài một trang ghi chú, “có thể lưu giữ hợp pháp một phần tro cốt của người thân ở một nơi mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người đã khuất”. Tuy nhiên, biện pháp này phải được giám mục địa phương chấp thuận, tôn trọng điều kiện “bất kỳ loại phiếm thần, theo thuyết tự nhiên hoặc hư vô nào đều phải bị loại trừ” và phần tro còn lại phải được giữ “ở một nơi linh thiêng”.
Một phát triển rõ ràng kể từ năm 2016, trong một ghi chú có chữ ký của hồng y Gerhard Müller, lúc đó là bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin đã đưa ra một số quy tắc nhất định: “Việc bảo quản tro trong nhà là không được phép ngoại trừ trong những trường hợp nghiêm trọng và đặc biệt.”
Việc bảo quản riêng tro cốt của người quá cố vẫn phải được chính quyền dân sự cho phép. Điều này áp dụng ở một số nước châu Âu, đặc biệt là ở Ý, nhưng không phải ở Pháp. Một nghị định ban hành năm 2008 cấm lưu trữ tro ở nơi riêng tư, chia tro thành nhiều bình hoặc rải tro trên đường công cộng.
Bảo quản chung tro cốt
Bằng “nơi linh thiêng”, Vatican chỉ định một nghĩa trang và đồng thời nhắc lại lệnh cấm các tín hữu kitô rải tro cốt người thân yêu của họ. Mặt khác, trong ghi chú ngày 12 tháng 12, Rôma mở ra khả năng chung bảo tồn tro cốt trong các nghĩa trang, với điều kiện ký ức của mỗi người được duy trì. Điều này đặc biệt xảy ra ở các nơi hỏa táng, tro cốt của nhiều có thể bị trộn lẫn vì hài cốt của họ có thể bị đặt trong hầm hài cốt.
Tài liệu nêu rõ: “Có thể chuẩn bị một nơi thiêng liêng, được xác định và vĩnh viễn, để bảo tồn hỗn hợp tro cốt của những người đã qua đời đã được rửa tội, ghi lại dữ liệu cá nhân của mỗi người để không làm phân tán ký ức của họ”.
Ghi chú này là câu trả lời cho hồng y Ý Matteo Zuppi, tháng 10 vừa qua khi ngài hỏi Vatican về chủ đề này, bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh, việc hỏa táng cũng như việc lưu giữ tro cốt của một số người ở cùng một nơi không mâu thuẫn với sự sống lại của thân xác, một trong những tín điều của kitô giáo.
Chúng ta có thể đọc trong ghi chú: “Thân thể của người sống lại không nhất thiết phải được tạo thành từ những yếu tố đã tạo nên nó trước khi chết. Không phải là sự trở lại cuộc sống đơn giản của một xác chết, việc hồi sinh có thể diễn ra ngay cả khi cơ thể đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc phân tán.”
Chấp nhận hỏa táng
Nhưng ngoài hai điểm đã được xem xét, tài liệu mới này của “người bảo vệ các tín điều” của Giáo hội công giáo đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, được thực hiện vào giữa những năm 1960, liên quan đến việc hỏa táng. Bị cấm trước năm 1963, vì bị cho là không tương thích với việc xác sống lại, cuối cùng việc hỏa táng đã được Rôma cho phép từ đó. Tuy nhiên, Rôma vẫn cho thấy ưu tiên rõ ràng cho việc chôn cất.
“Giáo hội mạnh mẽ khuyến cáo nên duy trì tục lệ đạo đức chôn cất thi thể người quá cố. Tuy nhiên không cấm hỏa táng, trừ khi nó được chọn vì những lý do trái ngược với giáo lý kitô giáo,” do đó bộ Giáo luật năm 1983 đã phát triển, vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay. Ở Pháp, hỏa táng chiếm 40% trong số các đám tang năm 2021.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch