Hồng y Pierbattista Pizzaballa gởi thư mục vụ cho giáo phận của ngài

27

Hồng y Pierbattista Pizzaballa gởi thư mục vụ cho giáo phận của ngài

terresainte.net, 2023-10-24

Ngày 17 tháng 10, hồng y Pierbattista Pizzaballa cầu nguyện trong ngày ăn chay, kiêng thịt và cầu nguyện cho hòa bình, tại nhà thờ chính tòa. ©MAB/TSM

Hồng y Pizzaballa, thượng phụ la-tinh của Giêrusalem gởi thư mục vụ trên trang web của giáo phận.

Anh chị em thân mến,

Xin Chúa ban bình an cho anh chị em!

Chúng ta đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn và đau đớn nhất trong lịch sử gần đây của chúng ta. Trong hơn hai tuần, chúng ta tràn ngập những hình ảnh kinh hoàng đánh thức những tổn thương cũ, khơi dậy những vết thương mới và bùng lên nỗi đau, thất vọng và giận dữ trong mỗi chúng ta. Nhiều người dường như nói vô tận về cái chết và lòng căm thù của họ. Có quá nhiều câu hỏi “tại sao” chồng chất trong tâm trí chúng ta, làm tăng thêm cảm giác hoang mang trong chúng ta.

Cả thế giới xem Đất Thánh là nơi thường xuyên nguồn gốc của chiến tranh và chia rẽ. Đây là lý do vì sao cách đây vài ngày cả thế giới cùng tham dự với chúng ta trong ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình. Một cái nhìn đẹp đẽ về Đất Thánh và một thời khắc quan trọng cho sự hiệp nhất Giáo Hội của chúng ta. Và cái nhìn này làm chúng ta đứng vững. Ngày 27 tháng 10 là ngày Đức Thánh Cha kêu gọi ngày thứ hai cầu nguyện và ăn chay để lời cầu xin của chúng ta được tiếp tục. Đó sẽ là ngày chúng ta xác tín dâng kính.

Đây có lẽ là điều chính yếu mà các Kitô hữu chúng ta có thể làm ngay bây giờ: cầu nguyện, sám hối, cầu xin. Và từ tận đáy lòng, chúng tôi hết lòng tạ ơn Đức Thánh Cha.

Trong tất cả những ồn ào của tiếng bom chát chúa trộn lẫn tiếng kêu đau đớn và nhiều cảm xúc trái ngược nhau, tôi cảm thấy cần phải chia sẻ với anh chị em một lời lấy từ Tin Mừng của Chúa Giêsu, vì cuối cùng, đây là nơi tất cả chúng ta phải bắt đầu và cũng là nơi chúng ta luôn quay trở lại. Một lời trong Tin Mừng giúp chúng ta sống qua thời điểm bi thảm này bằng cách kết hợp cảm xúc của chúng ta với cảm xúc của Chúa Giêsu.

Dĩ nhiên nhìn về Chúa Giêsu không có nghĩa là cảm thấy được miễn trách nhiệm lên tiếng, tố cáo, kêu gọi, nhưng nhìn về Chúa Giêsu cũng là an ủi và khích lệ. Như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng chúa nhật tuần trước, chúng ta phải trả “cho Cesar cái gì của Cesar, của Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa” (Mt 22:21). Hướng về Thiên Chúa, trước hết chúng ta muốn trả lại cho Cesar cái gì thuộc về Cesar.

Lương tâm và nghĩa vụ đạo đức buộc tôi phải tuyên bố rõ những gì đã xảy ra ngày 7 tháng 10 ở miền nam Israel là không thể chấp nhận và chúng ta chỉ có thể lên án. Không có lý do nào để biện minh cho sự tàn bạo này. Đúng, chúng ta có nhiệm vụ khẳng định và tố cáo. Việc dùng bạo lực là không phù hợp với Tin Mừng và không dẫn đến hòa bình. Sự sống của mỗi người đều có phẩm giá bình đẳng trước Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên tất cả chúng ta theo hình ảnh Ngài.

Tuy nhiên, cùng một lương tâm, với tâm hồn nặng trĩu, tôi phải tuyên bố rõ chu kỳ bạo lực mới này đã làm cho hơn 5.000 người thiệt mạng ở Gaza, nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em, hàng chục ngàn người bị thương ở các khu vực lân cận bị san bằng, thiếu thuốc men, thiếu điện nước và các nhu yếu phẩm cơ bản cho hơn hai triệu người. Đây là những bi kịch vượt quá sự hiểu biết và chúng ta có nhiệm vụ phải tố cáo và lên án. Vụ ném bom dữ dội và liên tục tấn công Gaza trong nhiều ngày qua chỉ gây ra cái chết và tàn phá, sẽ chỉ làm tăng thêm hận thù và oán giận, đồng thời sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào mà chỉ tạo ra những vấn đề mới. Đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chiến này, bạo lực vô nghĩa này.

Chỉ bằng cách chấm dứt hàng thập kỷ chiếm đóng và những hậu quả bi thảm của nó, đồng thời phải có một quan điểm quốc gia rõ ràng và an toàn cho người dân Palestine, một tiến trình hòa bình nghiêm túc mới có thể được bắt đầu. Nếu vấn đề này không được giải quyết tận gốc thì sẽ không bao giờ có được tình trạng ổn định như chúng ta mong đợi. Bi kịch những ngày gần đây phải dẫn tất cả chúng ta – những người có tôn giáo, các chính trị gia, xã hội dân sự, cộng đồng quốc tế – đến một cam kết nghiêm túc hơn về vấn đề này, so với các cam kết chúng ta đã đưa ra cho đến hôm nay. Đây là cách duy nhất để tránh những bi kịch khác giống như thảm kịch chúng ta đang trải qua. Chúng ta nợ rất nhiều nạn nhân trong những ngày này và trong suốt những năm qua. Chúng ta không có quyền giao nhiệm vụ này cho người khác.

Nhưng tôi không thể sống giây phút vô cùng đau đớn này mà không nhìn lên trên, không nhìn lên Chúa Kitô, không có đức tin soi sáng cái nhìn của tôi, cái nhìn của chúng ta, về những gì chúng ta đang trải qua, mà không hướng suy nghĩ về Chúa. Chúng ta cần một Lời đồng hành, an ủi và khích lệ. Chúng ta cần Lời này như cần không khí để thở.

“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16:33)

 Chúng ta thấy mình đang ở trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngài nói những lời này với các môn đệ, những người sắp bị ném vào cơn bão trước cái chết của Ngài. Họ sẽ hoảng sợ, sẽ tán loạn và trốn như đàn chiên không người chăn.

Nhưng lời cuối cùng này của Chúa Giêsu khích lệ chúng ta. Ngài không nói Ngài sẽ chiến thắng, nhưng Ngài nói Ngài đã thắng. Ngay cả trong thảm kịch sắp tới, các môn đệ sẽ được bình an. Đó không phải là một hòa bình buồn bã tự nhiên xuất hiện, cũng không phải cam chịu trước thực tế thế giới xấu xa và chúng ta không thể làm gì để thay đổi nó. Đúng hơn, đó là xác quyết chắc chắn, giữa tất cả cái ác này, Chúa Giêsu đã chiến thắng. Dù sự dữ đang tàn phá thế giới, Chúa Giêsu đã giành chiến thắng, Ngài đã thiết lập một thực tại mới, một trật tự mới mà sau khi phục sinh sẽ được các môn đệ là những người sẽ được tái sinh trong Chúa Thánh Thần đảm nhận.

Chính trên thập giá mà Chúa Giêsu đã chiến thắng. Không nhờ vũ khí, không nhờ quyền lực chính trị, không nhờ những phương tiện vĩ đại, không do áp đặt. Bình an mà Ngài nói không liên quan gì đến việc chiến thắng người khác. Ngài thắng thế giới khi Ngài yêu thế giới. Đúng là trên thập giá Ngài bắt đầu một thực tại mới và một trật tự mới, thực tế và trật tự của người hiến mạng sống mình vì tình yêu. Và với sự phục sinh và ơn Chúa Thánh Thần, thực tại này và trật tự này thuộc về các môn đệ của Ngài. Của chúng ta. Câu trả lời của Thiên Chúa cho câu hỏi tại sao người công chính phải chịu đau khổ không phải là một lời giải thích nhưng là Sự Hiện Diện. Đó là Chúa Kitô trên thập tự giá.

Chính trên điểm này là điểm thách thức đức tin chúng ta. Chúa Giêsu đã nói đúng về lòng can đảm trong câu này. Một bình an như vậy, một tình yêu như vậy đòi hỏi một lòng can đảm lớn lao.

Có được lòng can đảm yêu thương và hòa bình ở đây ngày hôm nay có nghĩa là không để hận thù, trả thù, giận dữ và đau đớn chiếm hết không gian của trái tim, của lời nói, suy nghĩ của chúng ta. Đó là cam kết cá nhân cho công lý, có thể khẳng định và tố cáo sự thật đau đớn về những bất công và sự dữ đang bao vây chúng ta, mà không để nó làm ô nhiễm các mối quan hệ của chúng ta. Điều này có nghĩa là cam kết, tin chắc rằng những việc chúng ta làm trong khả năng của mình vẫn đáng công cho hòa bình, công lý, bình đẳng và hòa giải. Lời nói của chúng ta không nên chất chứa chết chóc và những cánh cửa đóng kín. Ngược lại, lời nói của chúng ta phải có tính sáng tạo, mang lại sức sống, tạo ra những viễn cảnh, những chân trời rộng mở.

Cần phải có can đảm để có thể đòi hỏi công lý mà không gây ra hận thù. Cần có can đảm để cầu xin lòng thương xót, từ chối áp bức, mong muốn bình đẳng mà không đòi hỏi đồng nhất, nhưng vẫn được tự do. Ngày nay, cần có lòng can đảm, ngay cả trong giáo phận và cộng đồng chúng ta, để duy trì hiệp nhất, để cảm thấy chúng ta hiệp nhất với nhau, ngay cả trong đa dạng về ý kiến, trong những nhạy cảm và tầm nhìn của chúng ta.

Tôi muốn trở thành một phần, chúng ta muốn trở thành một phần của trật tự mới do Chúa Kitô thiết lập. Chúng ta muốn xin Chúa cho sự đồng nâng cao này. Chúng ta muốn chiến thắng thế giới bằng cách vác trên mình Thánh Giá này, cũng là của chúng ta, làm bằng đau đớn và tình yêu, sự thật và sợ hãi, bất công và ân huệ, tiếng khóc và tha thứ.

Tôi cầu nguyện cho tất cả chúng ta, đặc biệt là cho cộng đồng nhỏ bé ở Gaza, những người đang phải chịu đau khổ nhiều nhất. Chúng tôi đặc biệt nghĩ đến mười tám anh chị em vừa mới thiệt mạng và gia đình của họ, những người mà chúng tôi biết rõ. Nỗi đau của họ quá lớn nhưng mỗi ngày tôi lại nhận ra họ đang bình yên. Sợ hãi, run rẩy, buồn bã nhưng trong lòng lại bình yên. Tất cả chúng ta đều ở bên họ, trong lời cầu nguyện và tình liên đới, chúng tôi cám ơn họ vì chứng tá tốt đẹp của họ.

Cuối cùng, chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân vô tội. Nỗi đau khổ của người vô tội trước mặt Thiên Chúa có giá trị quý giá và cứu chuộc, vì nó được kết hợp với nỗi đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô. Ước gì đau khổ của họ đưa chúng ta đến gần hơn với hòa bình!

Sắp đến ngày chúng ta mừng lễ Nữ vương Palestine, đấng bảo trợ của giáo phận chúng ta. Ngôi đền này được xây dựng từ một thời kỳ chiến tranh khác và được chọn làm nơi đặc biệt để cầu nguyện cho hòa bình. Trong những ngày này, chúng ta sẽ tái cung hiến Nhà thờ và vùng đất của chúng ta cho Nữ vương Palestine! Tôi xin tất cả các Giáo hội trên thế giới cùng hiệp lòng với Đức Thánh Cha và giáo phận chúng ta trong việc cầu nguyện và tìm kiếm công lý và hòa bình.

Tất cả chúng ta sẽ không thể gặp nhau trong năm nay vì hoàn cảnh không cho phép. Nhưng tôi tin chắc toàn giáo phận sẽ hiệp nhất vào ngày đó để cùng cầu nguyện cho hòa bình, không phải hòa bình của thế giới, mà là hòa bình mà Chúa Kitô ban cho chúng ta.

Xin Thiên Chúa đồng hành và bảo vệ anh chị em,

† Hồng y Pierbattista. Pizzaballa

Thượng phụ la-tinh của Giêrusalem

“Có một nhà lãnh đạo ở Giêrusalem”, Pizzaballa, hồng y trong chiến tranh