Việt Nam: “Đối thoại giúp Giáo hội khỏi bị tách biệt”
cath.ch, Ban biên tập, 2023-10-23
Bà Claire Trần Thị Liên, giảng viên, chuyên gia về lịch sử Đông Nam Á phản ứng về việc bổ nhiệm đại diện giáo hoàng thường trú tại Việt Nam, theo bà, đây là một bước tiến rất lớn. Bà xác nhận: “Trong lịch sử lâu dài của mối quan hệ giữa Vatican và Việt Nam, chúng ta có thể nói đây là một sự kiện lớn.
Cờ Vatican ở Nhà thờ Phát Diệm, miền bắc Việt Nam | © Flickr/Jeannie Zakharov/CC BY-NC-ND 2.0
Các ý kiến được các Giáo hội Á châu thu thập
Giáo hội Á châu, trên trang của Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris phỏng vấn bà Claire Trần Thị Liên, bà cho biết bà “đánh động” trước việc bổ nhiệm một đại diện giáo hoàng đến Việt Nam, bà tự hỏi liệu trong tương lai có thể có chuyến đi của Đức Phanxicô đến Việt Nam hay không. Theo bà, đây là điều được một trong những cộng đồng công giáo thiểu số nhất ở châu Á rất mong chờ. Cuộc đối thoại mà bà cho là “cực kỳ cao” với một quốc gia cộng sản, giữa hai nước đã tồn tại một thời gian và đã có những trao đổi thường xuyên. Nhưng liệu đây có phải là điềm tốt cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước không?
Xin bà cho biết phản ứng của bà trước thư của giáo hoàng gởi cho người công giáo Việt Nam?
Bà Claire Trần Thị Liên: Điều làm tôi ấn tượng là việc bổ nhiệm đại diện thường trú của giáo hoàng ở Việt Nam. Ngài đã đặt điều này vào bối cảnh rộng lớn hơn của các mối quan hệ trong 25 năm qua. Trong thư này, ngài nhấn mạnh hai điều: Thứ nhất, vai trò xã hội của Giáo hội, một điểm rất quan trọng của Giáo hội Việt Nam ngày nay, khi sự tham gia này đã bị cấm trong thời cộng sản cai trị khắc nghiệt kéo dài cho đến năm 1989. Từ 25 năm nay, Giáo hội ngày càng đảm nhận vai trò xã hội này, Vatican và Đảng cộng sản chấp nhận thực tế vốn không hề rõ ràng này trong hơn 20 năm qua.
Chủ đề thứ hai được đề cập đến là giáo dân hành động như những tín hữu kitô tốt và công dân tốt. Đây là quan điểm của chính quyền cộng sản: đòi hỏi sự trung thành với chính phủ. Ý tưởng là Giáo hội công giáo hoạt động trong khuôn khổ Nhà nước, như tất cả các hiệp hội tôn giáo khác.
“Từ 25 năm nay, Giáo hội ngày càng đảm nhận vai trò xã hội này”.
Hai vai trò này được tóm tắt trong đoạn trích từ bài phát biểu của Đức Bênêđictô XVI gởi các giám mục Việt Nam năm 2009: “Cam kết trung thành xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng”. Đức Phanxicô nhắc lại câu trích dẫn này, đồng thời ngài khẳng định, Giáo hội “không hề tuyên bố thay thế các nhân viên chính phủ”. Đây thực sự là trọng tâm của cuộc đối thoại giữa hai bên, thừa nhận hành động xã hội của Giáo hội, nhưng trong khuôn khổ tôn trọng Nhà nước.
Trong bức thư này, tôi sẽ quy chiếu thư Diognetus, có từ thế kỷ thứ 2, biểu tượng quan hệ với người ngoại giáo vào thời đó. Bức thư này cho thấy các tín hữu kitô không bị phân biệt với những người khác, trong cách sống, cũng như trong ngôn ngữ, và họ là một với xã hội.
Cuối cùng, Đức Phanxicô phó dâng Giáo hội Việt Nam cho Đức Mẹ La Vang; tôi muốn nhắc một tin gần đây, người Việt thành lập một trung tâm ở Fatima, tạo kết nối giữa người công giáo ở Việt Nam và người công giáo ở nước ngoài, liên quan đến thánh địa La Vang là nơi có những cuộc hành hương rất quan trọng ở miền Trung Việt Nam.
Với bà, thư này có thể hiện một bước tiến thực sự trong quan hệ Vatican-Việt Nam không?
Thư này là một đóng góp rất lớn, để theo dõi mối quan hệ đã có từ lâu, có một ủy ban họp thường kỳ giữa chính phủ Việt Nam và Vatican, đôi khi diễn ra tại Vatican hoặc ở Việt Nam. Trong suốt những năm qua, nhiều người đã nói về chuyến đi của giáo hoàng và về việc thiết lập quan hệ ngoại giao – điều này rất tích cực so với những khó khăn Vatican đang gặp phải với Trung Quốc.
“Việc bổ nhiệm một đại diện của giáo hoàng ở Việt Nam (…) là một sự kiện lớn.”
Chúng ta có ấn tượng mọi chuyện sẽ không tiến triển chừng nào Trung quốc vẫn không hành động, nhưng dù Trung quốc vẫn còn rất cứng rắn, nhưng chúng ta đã thấy sự cải thiện trong quan hệ với Việt Nam, dù vẫn còn những vấn đề thực tế. Đây thực sự là một bước tiến lớn. Việc bổ nhiệm một đại diện của giáo hoàng ở Việt Nam, trong lịch sử quan hệ lâu đời giữa hai nước, có thể nói là một sự kiện trọng đại.
Bà có nghĩ thỏa thuận này sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước trong những năm tới?
Điều đánh dấu đặc nét của Việt Nam trong mối quan hệ với các nước cộng sản, dù là Trung quốc hay Bắc Triều Tiên, là Việt Nam có một lịch sử rất đặc biệt trong các quan hệ của Vatican và chế độ cộng sản. Có một mức độ đối thoại cực kỳ cao để đạt đến giai đoạn này, khi chúng ta luôn nghĩ Trung quốc phải đi trước. Thật đáng kinh ngạc.
Tháng 9 năm 2022, tôi đã gặp tổng giám mục Hà Nội, ngài rất tích cực về điểm này. Ngài nói có một truyền thống đối thoại, chắc chắn là không dễ dàng nhưng được thực hiện với sự tôn trọng; họ đã quen thảo luận, không phải lúc nào họ cũng đồng ý, nhưng luôn có thể thảo luận. Ngài nói với tôi, “chúng tôi biết cách làm điều này”. Đây là tầm quan trọng trong vai trò của Giáo hội công giáo Việt Nam để có thể dẫn dắt cuộc đối thoại này trong những điều kiện không phải lúc nào cũng dễ dàng.
“Mọi thứ đã được cải thiện: giữ đạo, đào tạo các linh mục, bổ nhiệm các giám mục, khả năng ra nước ngoài, học tập tại Rôma và những nơi khác…”
Đã có một chính sách đối thoại trong suốt những năm qua, điều này ngăn không cho Giáo hội bị tách biệt, không giống như Trung quốc. Đảng Cộng sản xác định cần phải có cuộc đối thoại này, bối cảnh chính trị, kinh tế đòi hỏi phải có chính sách cởi mở vì Việt Nam còn rất nghèo, cần tái hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Và một trong những điều kiện người Mỹ áp đặt, đó là quyền tự do tôn giáo. Điều này không được lòng người công giáo, nhưng nếu chúng ta mở cửa với các nước khác thì không thể duy trì một chế độ áp bức có hệ thống.
Tôi đến Việt Nam từ năm 1989 và kể từ đó tôi đã thấy những khác biệt to lớn. Mọi thứ đã được cải thiện: giữ đạo, đào tạo các linh mục, bổ nhiệm các giám mục, khả năng ra nước ngoài, học tập tại Rôma và những nơi khác… Điều đó không có nghĩa, không phải lúc nào cũng có vấn đề, đặc biệt là về vấn đề tài sản của các dòng tu.
Bà đề cập đến vai trò xã hội của Giáo hội Việt Nam, một vai trò rất quan trọng trong cuộc khủng hoảng sức khỏe. Đây có phải là điều được công nhận trong nước?
Về điểm này, tôi muốn nhấn mạnh người công giáo Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng với những người nghèo nhất trong đại dịch, nhưng đó là vai trò đã có từ lâu. Giáo hội đã đặc biệt quan tâm đến các em mồ côi từ lâu và các bệnh nhân AIDS trong hơn hai mươi năm. Gần đây tôi đi thăm các trung tâm y tế ở các giáo xứ, nơi điều trị ẩn danh cho người dân ở Saigon. Đó là các bác sĩ công giáo khám miễn phí. Họ cũng có những trung tâm đặc biệt để đón nhận các người nghiện ma túy. Chính phủ chấp nhận vì chính họ cũng không có đủ phương tiện để chăm sóc, làm bớt gánh nặng cho họ một chút.
Chỉ có một lãnh vực mà tôi nghĩ Tòa Thánh và người công giáo muốn có một vị trí lớn hơn, đó là lãnh vực giáo dục. Tất cả các trường công giáo đều bị cấm, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam năm 1975, nhà nước độc quyền kiểm soát tất cả các trường học. Hai mươi năm sau này, các nữ tu chỉ có quyền có trường mẫu giáo, điều này đã được chấp nhận, nhưng đó là một trong những đòi hỏi lớn lao của công giáo. Tôi nghĩ đây là quá trình thương thuyết, sẽ có một chút thử nghiệm sau đó.
Chỉ có một lãnh vực mà tôi nghĩ Tòa Thánh và người công giáo muốn có một vị trí lớn hơn, đó là lãnh vực giáo dục.
Còn chuyến đi của giáo hoàng đến Việt Nam, điều mà Giáo hội Việt Nam đang rất mong chờ. Liệu có chuyến đi của ngài trước khi ngài đi Trung quốc không? Người công giáo ở Trung quốc là 1%; ở Việt Nam là 7%. Đây là một trong những cộng đồng công giáo thiểu số lớn nhất trong khu vực; ngài đã đi nhiều nước ở châu Á: Hàn Quốc, Thái Lan, Mông Cổ… Người Việt Nam đã đến gặp ngài trong các chuyến đi này, có một phái đoàn đại diện Việt Nam ở Oulan-Bator. Vì vậy tôi nghĩ, với việc đã có đại diện ở Hà Nội thì bước tiếp theo là chuyến đi của giáo hoàng và vấn đề thứ nhì là giáo dục.
Bà Claire Trần Thị Liên giảng dạy lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Paris Diderot. Giảng viên và thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Cessma (Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội về châu Phi, châu Mỹ và châu Á), bà cũng là giám đốc của Viện Irasec (Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á Đương đại) tại Bangkok từ năm 2016 đến năm 2021. Nghiên cứu của bà đặc biệt tập trung vào lịch sử công giáo ở Việt Nam và mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo từ cuối thế kỷ 19.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Người công giáo Việt Nam hy vọng Đức Phanxicô đến thăm Việt Nam