Hồng y Jean-Marc Aveline: “Đức Phanxicô đến Marseille, Thiên Chúa muốn nói điều gì đó với nước Pháp”
Trong bài tiểu luận mới nhất của ngài “Chúa rất yêu thương thế giới. Thần học nhỏ về truyền giáo” (Dieu a tant aimé le monde. Petite théologie de la mission, nxb. Le Cerf), tổng giám mục giáo phận Marseille viết những xác tín thần học của ngài và DNA truyền giáo của một giáo phận tổ chức các Cuộc gặp Địa Trung Hải.
famillechretienne.fr, Samuel Pruvot, 2023-09-21
Theo hồng y Jean-Marc Aveline, tổng giám mục giáo phận Marseille, nước Pháp có nhiều điều để học hỏi từ Địa Trung Hải. – NICOLAS TUCAT – AFP
Sau khi phải rời Algeria năm 1962 một cách đột ngột, thân sinh của cha định cư ở vùng Paris trước khi dọn về Marseille. Cha có kỷ niệm gì trong những năm tháng tuổi thơ này?
Hồng y Jean-Marc Aveline: Trong ký ức tuổi thơ của tôi, Marseille gắn liền với ánh sáng huyền ảo. Một ánh sáng mà tôi luôn cảm nhận. Marseille cũng là thành phố nơi cha mẹ tôi bắt đầu một cuộc sống mới – không chút luyến tiếc – sau thảm kịch ở Algeria và sau những khó khăn về sức khỏe xém làm tôi và em gái tôi chết (sau cái chết của người em Martine năm 1966, Marie-Jeanne và Jean-Marc vào bệnh viện vì viêm màng não cấp tính).
Về mặt thiêng liêng, Địa Trung Hải mang lại gì?
Không gian này có lịch sử lâu dài và tiếp tục có ơn gọi phổ quát. Đó là mô hình thu nhỏ mang chiều kích toàn cầu! Chúng ta nợ triết học Hy lạp Địa Trung Hải, nền văn minh Latinh, trí tuệ nhân học và cái nôi của ba tôn giáo đơn thần mà chúng ta thừa kế!
Ý thức được tất cả di sản này, Đức Phanxicô rất đau lòng trước những tấn công vào phẩm giá con người. Ngài lên tiếng phản đối mọi hình thức buôn người. Và Giáo hội phải lên án mọi tấn công vào phẩm giá con người. Đức Phanxicô không đến Marseille để chúng ta nhìn giáo hoàng! Cũng không phải để chúng ta nhìn Marseille! Ngài đến để giáo dân cùng nhìn với ngài về Địa Trung Hải. Đó là đương đầu với những thách thức to lớn: những khó khăn xã hội, môi trường, địa chính trị… Chúng ta chỉ cần nhìn vào các bờ biển khác nhau của Địa Trung Hải, chúng ta sẽ thấy chỉ có một vài nơi được yên tĩnh…
Hồng y Jean-Marc Aveline: “Học cách nhìn Địa Trung Hải với Đức Phanxicô”
Ngài đến Pháp để nói gì?
Tôi chưa biết! Nhưng tôi biết nước Pháp còn phải học nhiều ở Địa Trung Hải! Nhân dịp ngài đến, Thiên Chúa muốn nói đôi điều với nước Pháp, Ngài đòi hỏi chúng ta phải giữ tâm hồn mình thực sự được tự do.
Trong khảo luận gần đây của cha, cha nhấn mạnh rất nhiều vào khái niệm tình huynh đệ. Mối quan hệ giữa phương châm của nước Pháp và Chúa Giêsu Kitô là gì?
Chúng ta phải khôi phục tình huynh đệ trong nền tảng thần học của nó! Trong Kinh thánh, tình anh em bắt đầu không tốt với Ca-in và Abel… Hơn nữa, Chúa tiếp tục hỏi chúng ta như Ngài đã hỏi Ca-in: “Con đã làm gì với em con?” Chúa Giêsu nêu lên tình anh em khi người ta hỏi Ngài về tình yêu cho người lân cận. Ngài ban cho chúng ta một điều răn mới, xin chúng ta thương người anh em như Ngài đã yêu thương chúng ta… Tất nhiên, tình anh em này không phải là những câu chuyện thần tiên! Chúng ta phải trả một giá. Để có thể trở thành anh em với tất cả mọi người, trước hết chúng ta phải hiểu tình phụ tử của Thiên Chúa nghĩa là gì. Chính vì chúng ta tuyên xưng mình là con cái của Chúa nên chúng ta phải học cách sống như anh em với nhau.
Nhưng tình anh em không phải là một từ đã trống rỗng ý nghĩa đó sao?
Tình anh em thường nghe quá trơn tru hoặc trừu tượng. Trong lịch sử Marseille cũng như những nơi khác, tình anh em thường thiếu vắng. Mỗi làn sóng di cư đều chứng kiến làn sóng tiếp theo với con mắt sợ hãi – và đôi khi là bạo lực. Chúng ta không nên viết lại một lịch sử quá bi thảm của thành phố biển này. Người Marseille không giận dữ hay hung hãn, họ có nhiệm vụ phải tiên tri! Tình anh em có thể có những ý nghĩa trái ngược nhau: nó có chiều kích phổ quát, diễn tả sự hiệp nhất của gia đình nhân loại; nhưng nó cũng có thể liên quan đến một nhóm hạn chế, một hội. “Tình anh em” này là hình thức chia ly. Có người có, có người không… Tình anh em có thể trao truyền những giá trị loại trừ hoặc hòa nhập tùy theo từng trường hợp.
Cha hài hước so sánh Marseille với “Bêtania của người Pháp”.
Đây có phải là câu nói đùa không?
Không! Các nhà sử học vẫn tranh luận về nguồn gốc của kitô giáo trong vùng. Truyền thống của Dân Chúa nhấn mạnh đến sự kiện Tin Mừng đã đến Saintes-Maries-de-la-Mer. Bạn của Chúa Giêsu là ông Ladarô và chị em của ông là bà Marta và Maria đến từ Bêtania, ngôi làng ở Giuđêa cho đến chúng ta. Tình bạn này thực sự là nền tảng cho đức tin của chúng ta ngày nay.
Đức Phanxicô ở Địa Trung Hải, cái nôi của Giáo Hội
Theo nghĩa nào?
Trong Tin Mừng, Bêtania là nơi bà Maria xức dầu cho Chúa Giêsu. Ngài sẽ thực hiện cử chỉ tiên tri này trong nghi thức rửa chân. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, việc xức dầu ở Bêtania diễn ra ngay trước đó. Hành động này diễn tả bản chất sứ mạng của Ngài: để trao truyền trọng tâm sứ điệp của Ngài, Chúa muốn dùng những gì Ngài đã trải nghiệm trong nhân tính của Ngài. Đặc biệt là tình bạn cao cả với ông Ladarô. Ngài đã khóc khi nghe tin ông qua đời. Khi Ngài nói với các môn đệ Ngài không còn gọi họ là tôi tớ mà là bạn bè, Ngài muốn nói đến kinh nghiệm nền tảng này.
Về nhân tính của Chúa Giêsu, vì sao lễ Dâng Mình vào Đền Thánh lại quan trọng với người dân Marseille?
Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng Tin Mừng đã đến đây bằng đường biển, người châu Âu không bao giờ nên quên tất cả những gì họ nhận được từ các dân tộc phương Đông. Chúng ta cử hành Lễ Nến ngày 2 tháng 2. Từ sáng sớm tôi đi thuyền đến Cảng Cũ, đem theo quyển Tin Mừng, để kỷ niệm những người bạn đầu tiên của Chúa Giêsu đến vùng này. Lễ hội Ánh sáng này có hương vị đặc biệt và hương vị phương Đông. Nó nhắc đến việc “dâng” Chúa Giêsu vào Đền Thờ, sự xuất hiện của Đấng Thiên sai. Một cuộc gặp gỡ…
Chúng ta có thể rút ra hệ quả gì từ điều này?
Một cuộc sống là gì? Đó là thời gian Thiên Chúa ban cho chúng ta để chuẩn bị cho cuộc gặp của Ngài! Chúng ta cố gắng sống trong Chúa Thánh Thần tất cả những cuộc gặp trong đời chúng ta để hướng tới thời điểm này.
Sống theo nhịp điệu của Thánh Tâm?
Đúng! Việc thánh hiến Marseille cho Thánh Tâm có từ năm 1720. Chúng ta nên nhớ, Trái Tim Chúa Giêsu diễn tả sự gần gũi của Thiên Chúa đối với chúng ta. Điều này nói lên tầm quan trọng của nhân tính của Chúa Giêsu. Con Thiên Chúa có trái tim nhân loại và trái tim này yêu thương chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Gặp hồng y Jean-Marc Aveline, người đưa Đức Phanxicô đến Marseille
Hồng y người Pháp Jean-Marc Aveline được Đức Phanxicô lắng nghe, thực sự là ai