Tác giả Jean-Marie Guénois đưa chúng ta vào cuộc cách mạng do giáo hoàng Phanxicô khởi xướng cách đây mười năm. Một bước ngoặt tiến bộ không thể đảo ngược đối với Giáo hội? Một điều tra đầy thông tin và lôi cuốn.
lefigaro.fr, Eugénie Bastié, 2023-09-14
Giáo hội là tổ chức lâu đời nhất trên thế giới. So với bà cụ già nhất thế giới này thì Liên Xô là đứa trẻ chết-yểu, nước Pháp chỉ là một em bé mới lớn, chế độ quân chủ Anh chỉ là cô gái trẻ. Giáo hội công giáo đã trải qua các cuộc nội chiến, đã vượt qua được những cuộc ly giáo và đã sống sót qua nền văn minh mà chính mình khai sinh. Bà cụ vẫn quản trị hơn 5.000 giám mục, 420.000 linh mục và hơn một tỷ tín hữu. Nhưng đằng sau sự trường tồn này, con tàu đang phải đối diện với các dòng nước từ mọi phía: khủng hoảng ơn gọi, các vụ bê bối tình dục, chủ nghĩa tương đối đã gạt các giá trị kitô giáo ra bên lề.
Thêm vào những cuộc khủng hoảng cơ cấu này là cơn bão cải cách của Đức Phanxicô, một cơn bão đang làm rung chuyển Giáo hội đến tận nền tảng. “Cuộc cách mạng” là phụ đề và chủ đề của quyển sách đáng chú ý của nhà báo đồng nghiệp Jean-Marie Guénois chúng tôi, ông là người đưa tin tôn giáo cho báo Le Figaro.
Từ bốn mươi năm qua, ông đã đi dọc các hành lang Vatican, theo chân ba giáo hoàng: Gioan-Phaolô II, Bênêđictô XVI và Phanxicô. Ông biết đến mức hoàn hảo những bí ẩn của vương quốc không rõ ràng và bí ẩn này. Ông không giấu, ông là người công giáo giữ đạo. Ông đề cập đến chủ đề của ông trong tư cách là người quan sát am tường, nhưng cũng trong tư cách của người tín hữu bị dày vò của một Giáo hội mà ông không muốn che giấu những khiếm khuyết, nhưng vẫn hy vọng Giáo hội giữ được lời hứa. Ông sáng suốt làm, quan tâm đến sự cân bằng, với sự trung thực của trí tuệ làm độc giả phải ngưỡng mộ. Mô tả tỉ mỉ và đầy đủ thông tin về 10 năm triều giáo hoàng Phanxicô không phải là lời buộc tội hay lời biện hộ, nhưng là một cuộc điều tra hoàn toàn lôi cuốn.
Tác giả nhắc lại sự xung đột giữa các nền văn hóa do sự xuất hiện của Đức Phanxicô với tư cách là người đứng đầu Giáo hội. Phong cách đơn giản, xưng hô thân mật, không trang trọng, không quan liêu, tiếp xúc mộc mạc: sẽ không nói quá khi cho rằng triều giáo hoàng của ngài ngược với triều của Đức Bênêđictô XVI. Những chiếc xe Fiat nhỏ đã thay thế những chiếc Mercedes; Giáo hội cởi mở thay thế Giáo hội bản sắc; ám ảnh cải cách thay thế đào sâu thần học. Tác giả Guénois tóm tắt cuộc cách mạng của Đức Phanxicô bằng ba chữ của Cách mạng Pháp, nhưng theo một thứ tự khác.
Trước hết là bình đẳng. Ngài chống lại việc thăng quan tiến chức trong giáo triều, là biểu tượng nổi bật nhất về điều này. Đức Bênêđíctô XVI đã thất bại khi đụng đến vấn đề này. Đức Phanxicô chống lại tổ chức biểu tượng cơ cấu thứ bậc của Giáo hội, “ma trận cổ xưa của thế giới châu Âu và mô hình hoàn hảo của bộ máy quan liêu”, một Nhà nước thực sự đích thực. Mong muốn chiến đấu chống lại “chủ nghĩa gattopard thiêng liêng” (chủ nghĩa muốn thay đổi nhưng thật ra không thay đổi gì) của ngài về nhiều mặt đã rất hữu ích.
Kế đến là tình huynh đệ. Kể từ khi bắt đầu triều và chuyến đi đến đão Lampedusa, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến sự cấp bách của việc tiếp nhận người di cư không điều kiện, ngài không bao giờ cân nhắc đến quyền kế truyền lịch sử của các dân tộc châu Âu. Theo ngài, chúng ta phải “luôn đặt an ninh cá nhân lên trên an ninh quốc gia”. Dù Giáo hội luôn cởi mở với vấn đề nhập cư, nhưng Đức Phanxicô nhấn mạnh một cách chưa từng có, kèm theo bài phát biểu về lòng hiếu khách phổ quát của ngài là sự ngây thơ vô cùng về bạo lực hồi giáo, ngài thậm chí còn so sánh với bạo lực được cho là của công giáo trong một mối nguy hiểm song song ở thời điểm linh mục Hamel bị sát hại.
Cuối cùng là tự do. Phá vỡ di sản của Đức Gioan Phaolô II về thần học thân xác và gia đình, Đức Phanxicô muốn đặt con người lên trước luật pháp, sự sống lên trước luật lệ. Im lặng trước vấn đề tránh thai và hôn nhân đồng tính, ngài muốn mở Giáo hội ra“cho những thực tại mới của gia đình, ở số nhiều”. Tác giả Guénois đề cập một cách khéo léo vấn đề tế nhị về những người đã ly dị và tái hôn mà Đức Phanxicô đã cho phép rước lễ tùy từng trường hợp cụ thể thông qua một chú thích. Chúng ta có nên xem đây là sự kết thúc của tính bất khả phân ly của hôn nhân công giáo hay là một cử chỉ nhân đạo đối với những tình huống phức tạp và đau đớn thường được xử lý một cách đạo đức giả không?
Tuy nhiên, ngài đã lùi bước trước vấn đề hôn nhân của các linh mục, chắc chắn là do sự can thiệp của Đức Bênêđictô XVI, ngài đã im lặng để phản đối vấn đề này, nhưng cũng vì ngài muốn duy trì sự hiệp nhất của Giáo hội. Là sự pha trộn giữa cách tính toán mưu mô của Dòng Tên và sự đơn giản của Dòng Phanxicô, ngài không thể bị cho là cấp tiến. Ngài vẫn khá cổ điển trong linh đạo của ngài, kính mến Đức Mẹ và có lòng mộ đạo bình dân, khác xa với chủ nghĩa tin lành mà ngài thường bị gán. Đây không phải là nghịch lý cuối cùng của một giáo hoàng nuôi dưỡng tính đồng nghị trong khi thực hành chủ nghĩa độc tài, tuyên bố không muốn “phán xét” trong khi hết sự nghiêm khắc lên án người công giáo bảo thủ làm cho họ cảm thấy tội lỗi về suy nghĩ của họ với những người di cư, sinh thái hay tiền bạc, ngài ủng hộ quyền tự do của giáo dân trong khi loại trừ nghi thức truyền thống của Giáo hội.
Còn việc kế vị ngài thì sao? Mật nghị tiếp theo sẽ quyết định tương lai của Giáo hội công giáo. Ngài sẽ quyết định “Cuộc chiến trăm năm trong nhà thờ” giữa việc tuân theo chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa bảo thủ. Chúng ta sẽ biết liệu sự rạn nứt do giáo hoàng cách mạng này tạo ra có phải là dứt khoát hay không, nếu trang lịch sử này sẽ được chuyển sang một triều giáo hoàng đồng thuận hơn. Ngài dự trù việc kế vị mình khi bổ nhiệm các hồng y cử tri trong đường lối của mình (chưa đầy mười năm ngài đã bổ nhiệm 63% tổng số hồng y).
Việc Đức Phanxicô đặt cược phá vỡ quan điểm của các giáo hoàng tiền nhiệm Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI nhằm biến Giáo hội thành một “tổ chức thiện cảm, hòa bình, sinh thái, đúng hơn là theo làn gió của sự giải cấu trúc chung” (Guénois) dường như không thể ngăn chặn được một động lực suy giảm được che đậy một cách giả tạo bởi sự tiến triển nhẹ về nhân khẩu học. Giáo hội tiến bộ thường ít thành công hơn những người theo chủ nghĩa truyền thống, những người duy nhất truyền tải, hoặc những người tin lành, những người duy nhất phải hoán cải.
Tin Mừng bên ngoài Giáo Hội là thuốc độc (de Maistre); Giáo hội không có Tin Mừng thì Giáo hội là một viện bảo tàng. Không tổ chức nào tồn tại được nếu không có những nhân vật có sức lôi cuốn có khả năng mang lại sức sống và động lực cho nó. Nhưng không có nghi thức, không có phụng vụ, không có truyền thống vốn đã có rất nhiều đỉnh cao được trồng qua nhiều thế kỷ trên ngọn núi Đức tin, tôn giáo trở thành một tổ chức nhân đạo. Giáo hội công giáo không phải là tin lành hay chính thống giáo. Nhà thờ vừa là đá cẩm thạch của Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, vừa là nơi chôn cất Thánh Phanxicô Assisi, các cận vệ Thụy Sĩ, các linh mục làng quê, sự phong phú nghệ thuật phi thường của cuộc Phản cải cách và sự đơn giản cực mạnh của Bài giảng trên núi. Sự cân bằng này không bao giờ hoàn hảo. Nhưng khi quy luật của thế giới hiện nay là chuyển động thì việc Giáo hội vẫn còn đứng vững mới là cách mạng.
Mật nghị Giáo hội tiếp theo sẽ quyết định tương lai của Giáo hội Công giáo
Marta An Nguyễn dịch
Nhà báo Jean-Marie Guénois của Le Figaro và là nhà quan sát Vatican từ nhiều thập kỷ, ông tìm cách đào sâu nhân cách của giáo hoàng trong quyển sách mới của ông, “Giáo hoàng Phanxicô. Cuộc cách mạng” (Pape François. La révolution, nxb, Gallimard).
“Đam mê Thiên Chúa, khôn ngoan và có đầu óc chính trị xuất sắc”: Đức Phanxicô, giáo hoàng cách mạng