Món quà đặc biệt Đức Phanxicô tặng Tổng thống Mông Cổ
fr.aleteia.org, Camille Dalmas, 2023-09-02
Đức Phanxicô và tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh / Ảnh của REMO CASILLI / POOL / AFP
Trong cuộc gặp với chính quyền dân sự Mông Cổ ngày thứ bảy 2 tháng 9, Đức Phanxicô đã tặng tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh bản sao của một bản thảo viết tay rất xưa được lưu giữ ở thư viện Vatican. Một bản thảo được xem là “dấu hiệu của tình bạn xa xưa” kể lại bước đầu khó khăn của cuộc gặp giữa đế quốc Mông Cổ du mục và kitô giáo.
Được cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, khan Güyük, gởi bức thư viết bằng ký tự truyền thống Mông Cổ, đã được sứ giả của giáo hoàng Innocent IV là Jean de Plan Carpin, Dòng Phanxicô đưa về Rôma. Sau này sứ giả đã đến triều đình Mông Cổ năm 1246 để mang thông điệp của giáo hoàng xin họ ngừng tàn sát người theo kitô giáo – đặc biệt là những người ở Hungary – giải thích cho ông những nguyên tắc đức tin và xin ông có đức tin.
Trong bài phát biểu, Đức Phanxicô hy vọng bản thảo quý giá này có thể là “dấu hiệu của một tình bạn xưa cũ đang phát triển và được đổi mới”. Một ý định tốt đẹp nhưng nội dung gần như hoàn toàn bị bỏ qua. Trên thực tế những lời ‘khan’ nói với giáo hoàng thời đó rất rõ ràng:
“Ngài phải nói với tấm lòng chân thành: ‘Tôi sẽ phục tùng và phục vụ vua’. Và bản thân ngài, với tư cách là người đứng đầu của tất cả các Giám mục, ngài phải đến gặp tôi để phục vụ tôi và sẵn sàng dưới quyền tôi. Tại thời điểm này tôi sẽ ghi nhận sự phục tùng của ngài. Nếu ngài không tuân theo điều răn của Chúa và nếu ngài bỏ qua lệnh của tôi, tôi sẽ xem ngài như kẻ thù của tôi.”
Dĩ nhiên bức thư này không được Tòa thánh đánh giá cao. Năm 1248, giáo hoàng Innocent IV trả lời bằng tông thư Viam agnoscere veritatis, trong đó ông yêu cầu người Mông Cổ chấm dứt các đe dọa của họ.
Vì thế, thay vì ký ức tồi tệ đã có từ 800 năm trước này, Đức Phanxicô muốn nhấn mạnh vào tính biểu tượng của cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa người dân Mông Cổ và Rôma. Theo cách tương tự, ngài ca ngợi di sản của “pax mongolica” do Đế quốc Mông Cổ áp đặt ở Trung Á, dù nhà sử học Marie Favereau viết trong quyển sách La Horde (Perrin, 2023) của bà, “khái niệm hòa bình ở đây, chỉ có thể được hiểu là sự chấp nhận sự thống trị của người Mông Cổ trên các dân tộc bị chinh phục”.
Tuy nhiên, sau bước đầu khó khăn này, các cuộc trao đổi giữa người kitô hữu và người Mông Cổ đã tăng cường từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15, có khi theo những điều kiện tốt hơn. Vì vậy, vào năm 1262, Khan Houlagou, thủ lĩnh của Golden Horde, đã đề xuất với giáo hoàng trả lại Giêrusalem cho kitô giáo, để đổi lấy liên minh chống lại các quốc vương Ai Cập. Và vào năm 1307, giáo phận Cambaluc – Bắc Kinh cổ xưa do triều đại Mông Cổ nắm giữ – có thể được Giáo hoàng Clement V thành lập với sự đồng ý của chính quyền Mông Cổ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch