Trong cuộc gặp liên tôn ở Nhà hát Hun ngày chúa nhật 3 tháng 9, Đức Phanxicô tuyên bố: “Không thể có pha trộn giữa tín ngưỡng và bạo lực, giữa thánh thiện và áp bức, giữa truyền thống tôn giáo và chủ nghĩa bè phái.” Thông điệp của ngài về hòa bình và tự do tôn giáo ở Mông Cổ, đất nước nằm giữa Nga và Trung quốc, cũng được gởi đến hai nước láng giềng.
nd.nl, Hendrik Munsterman, 2023-09-03
Đức Phanxicô nói với thượng tọa trụ trì tu viện phật giáo quan trọng nhất Mông Cổ trong cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn: “Các truyền thống tôn giáo có tiềm năng lớn lao để mang lại lợi ích cho toàn xã hội.” Ảnh AFP / Alberto Pizzoli
Đức Phanxicô cho mình là “người anh em trong đức tin của tín hữu kitô và là anh em của ai nhân danh sứ mệnh tôn giáo chung của chúng ta và với tư cách là thành viên trong cộng đồng nhân loại”.
Đại diện của 11 cộng đồng tôn giáo đã ngỏ lời với Đức Phanxicô. Sau thượng tọa trụ trì của tu viện phật giáo chính, tiếp theo là các đại diện của đạo saman, ấn độ giáo, hồi giáo, do thái giáo, tín ngưỡng bahai, cộng đồng mặc-môn và thần đạo. Ngoài ra, còn có ba cộng đồng kitô giáo khác: cơ đốc phục lâm, liên minh tin lành và một linh mục chính thống Nga.
Đức Phanxicô, trong bài phát biểu về Đức Phật (“Nhà minh triết vui vẻ phục vụ hết mình, chỉ điều đó mới làm họ hạnh phúc”) – ngài so sánh với câu nói của Chúa Giêsu, cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận), với Mahatma Gandhi của hinđu về sự tinh khiết của trái tim và với tư tưởng gia luther Søren Kierkegaard về hy vọng.
Chiến tranh
Ngài nói: “Hôm nay chúng ta họp nhau ở đây với tư cách là người thừa kế khiêm nhường của các trường phái trí tuệ cổ xưa. Chúng ta có một thông điệp, đó là các truyền thống tôn giáo, bất chấp mọi khác biệt và đa dạng, vẫn có tiềm năng lớn lao mang lại lợi ích cho toàn xã hội.”
Và chắc chắn ngài đang nghĩ về cuộc chiến Ukraine, ngài nói tiếp: “Nếu lãnh đạo các quốc gia chọn con đường gặp gỡ và đối thoại thì họ sẽ đóng góp mang tính quyết định vào việc chấm dứt các cuộc xung đột ảnh hưởng đến rất nhiều dân tộc trên thế giới này.”
Đức Phanxicô đề cập đến chủ đề hòa bình trong bài phát biểu ngày thứ bảy: “Cầu mong những đám mây đen của chiến tranh qua đi, cầu mong chúng bị cuốn đi bởi ý chí quyết tâm của tình huynh đệ.” Đức Phanxicô cũng ca ngợi nhà nước Mông Cổ vì đã từ chối vũ khí hạt nhân, bãi bỏ án tử hình, thực hành tự do tôn giáo và có chính sách đối ngoại hòa bình. Không ai là không biết những chuyện này đều thiếu ở các nước láng giềng Nga và Trung quốc, những quốc gia mà ngài không nêu đích danh.
Để không bị lộ diện, tín hữu Trung quốc mang khẩu trang
Ngày chúa nhật, hầu hết sự chú ý của ngài đều hướng về nước láng giềng Trung quốc. Buổi chiều khi đến Hội trường thể thao khúc côn cầu trên băng với 1.400 người công giáo trong nước cùng với hàng trăm giáo dân đến từ các châu Á khác, Đức Phanxicô đã dừng xe khá lâu trước một nhóm giáo dân mang cờ Trung quốc. Một số người trong số họ sống và làm việc ở Mông Cổ, nhưng ước tính có khoảng 20 giáo dân đã bí mật đến Mông Cổ từ Trung Quốc, mặc dù chính phủ Trung quốc đã cấm công dân của họ đi dự chuyến tông du của giáo hoàng.
Trung quốc cấm các giám mục công giáo và giáo dân đến gặp Đức Phanxicô tại Mông Cổ
Ngày hôm trước, các giáo dân này cũng đã tham dự cuộc gặp với Đức Phanxicô tại nhà thờ chính tòa. “Tất cả người Trung quốc đều yêu ngài”, họ giăng tấm băng-rôn sau khuôn mặt mang khẩu trang, khăn trùm đầu và kính râm để không bị cơ quan an ninh nhận ra.
Chiều chúa nhật, sau thánh lễ, Đức Phanxicô tiến thêm một bước nữa, ngài mời giám mục đương nhiệm Hồng Kông Stephen Chow và hồng y tiền nhiệm John Tong-Hon lên bục đứng cạnh ngài, ngài cho biết, nhân sự hiện diện của họ ở đây, ngài muốn “muốn gởi lời chào nồng nhiệt đến người dân Trung Quốc cao quý”. Ngài chúc người dân Trung Quốc mọi điều tốt lành và xin họ luôn tiến về phía trước và ngài xin người công giáo Trung Quốc hãy là người tín hữu kitô tốt, người công dân tốt.
Trên đường đến Mông Cổ, như thường lệ, khi bay trên không phận Trung quốc, Đức Phanxicô đã gởi điện tín cho chủ tịch Tập Cận Bình. Một phát ngôn viên của chính phủ Trung quốc gọi ngày thứ sáu đó là “dấu hiệu của tình hữu nghị và thiện chí”. Theo ông, Trung quốc muốn “tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng với Vatican, tăng cường sự hiểu biết, xây dựng niềm tin lẫn nhau và khởi xướng một quá trình cải thiện quan hệ giữa hai bên”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô vinh danh linh mục Dòng Tên người Pháp Teilhard de Chardin trong chuyến tông du Mông Cổ