Cô Aurélie Netz kể lại con đường tâm linh của những phụ nữ đi tìm sự chữa lành

83

Cô Aurélie Netz kể lại con đường tâm linh của những phụ nữ đi tìm sự chữa lành

Cô Aurélie Netz xuất bản quyển sách nghiên cứu thứ nhì, “Người phụ nữ đi tìm sự chữa lành” (Femme en quête de guérison, nxb. Saint-Augustin, 2023) | © Gregory Roth

cath.ch, Grégory Roth, 2023-05-19

Giữa sức kiên cường và đau khổ, làm thế nào con đường tâm linh mang ý nghĩa khi mình mắc bệnh kinh niên? Một nghiên cứu mà tác giả kiêm nhà nhân chủng học Aurélie Netz thực hiện nhờ vào câu chuyện của 9 người phụ nữ mà cô đã gặp.

Trong quyển sách mới nhất, xuất bản vào tháng 5 năm 2023, nhà nhân chủng học Aurélie Netz của bang Vaudois, Thụy Sĩ đã thu thập lời chứng của 9 phụ nữ mắc bệnh kinh niên. Mẫu số chung: tất cả đều có một điểm tựa tinh thần giúp họ tự chăm sóc bản thân và cố gắng thay đổi hoàn cảnh. Đặt trụ sở tại Lausanne, tác giả ngoài 30 tuổi đã gặp các phụ nữ này từ năm 2016 đến năm 2022.

Phỏng vấn

Các phụ nữ trong nghiên cứu của cô có mối tương quan nào với con đường tâm linh?

Aurélie Netz: Hơn một nửa số phụ nữ tôi phỏng vấn đã tham dự vào rất nhiều giáo phái, nhóm và cộng đồng tôn giáo của họ trước khi họ bị bệnh. Họ đã thực sự tìm được sự hỗ trợ ở đó. Chẳng hạn, tôi đang nghĩ đến Hélène, trong giáo xứ của bà, bà cảm thấy được an ủi qua các nghi lễ, Tiệc Thánh, cầu nguyện và đọc Kinh thánh. Trong câu chuyện của những phụ nữ này, có rất nhiều cách mang lại ý nghĩa cho bệnh tật, cũng như có nhiều tiến trình cuộc sống, tiến trình tôn giáo. Có những người hoàn toàn không có tiến trình này trước khi họ bị bệnh. Sau khi bị bệnh, họ mở lòng ra với con đường tâm linh, hoặc với Chúa, để tìm thấy ý nghĩa trong sự vô nghĩa của căn bệnh.

“Đối với tôi, chết không phải là hết, mà là thay đổi trạng thái. Mục đích của cuộc sống này là để trải nghiệm tình yêu hai chiều.” Laure

Cô gọi những phụ nữ này là “những anh hùng” của cô. Xã hội của chúng ta có nên thấm đậm nhiều hơn những câu chuyện của họ không?

Có một vấn đề về khả năng hiển thị và “hiển thị hóa” những người này và câu chuyện thân mật của họ, vì chúng ta chỉ kể những chuyện này cho người thân yêu của mình, với một tấm lòng khiêm tốn nào đó khi nói đến đời sống tâm linh. Và cũng vì trong bối cảnh chung, căn bệnh này mang một ý nghĩa khá tiêu cực về mặt văn hóa. Nhưng những câu chuyện này làm chúng ta xúc động. Chúng cho chúng ta biết về hai điều quan trọng mang tính phổ quát: đương đầu với đau khổ, các nguồn lực và khả năng phục hồi có thể tận dụng để tự chăm sóc bản thân. Đó là một hành trình khá dài để những phụ nữ này đi đến một hình thức chữa bệnh, không nhất thiết phải là thể chất, mà là một biến đổi và sức mạnh để hành động, nhằm thay đổi cuộc sống của họ.

Aurélie Netz, đam mê đọc sách và sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo | © Gregory Roth

Làm thế nào cô đến với những câu chuyện này, pha trộn tâm linh và chữa lành?

Trong quá trình học, tôi rất quan tâm đến các nghi lễ đương đại. “Làm thế nào các nghi lễ can thiệp vào trong xã hội chúng ta?” và khi đi tìm chủ đề trong chương trình cao học, một người bạn tham gia vào Hội Phụ nữ đã đề nghị tôi tham gia cùng cô. Tôi khám phá ra một vũ trụ hấp dẫn, một số yếu tố trong đó đã được những người xung quanh tôi biết đến – đặc biệt là các con đường tâm linh thay thế -, nhưng hầu hết chúng đều mới mẻ với tôi. Tôi lớn lên trong gia đình theo đạo tin lành, tôi cố gắng hiểu điều gì đang tác động trong những nghi lễ này: những gì các phụ nữ này sống, những gì chuyện này mang đến cho họ, trên con đường đời đôi khi rất phức tạp của họ, với những kinh nghiệm bạo lực.

“Con đường tâm linh của tôi là chia sẻ với người khác. Với tôi, Giáo hội không chỉ sống giữa bốn bức tường, mà sống mỗi ngày (…) Cầu nguyện, đó là kết nối vĩnh viễn.” Hélène

Các Hội Phụ nữ này là gì?

Đó là những cấu trúc dành riêng cho phụ nữ – giống như các Hội Đàn ông, các Hội Hỗn hợp. Chúng tôi trải nghiệm những khoảnh khắc đối thoại và chia sẻ, một khoảnh khắc nghi lễ được xây dựng và có nhịp điệu. Thời gian chia sẻ chứng từ, xen kẽ với những khoảnh khắc nghệ thuật, sáng tạo hoặc trị liệu khác, với các yếu tố tâm linh khác nhau. Tùy thuộc vào người tổ chức, có thể có những cách tiếp cận khác từ con đường tâm linh hoặc từ kitô giáo. Ví dụ nhóm Căn lều Đỏ là nhóm phụ nữ kitô giáo điển hình.

Cô Aurélie Netz, nhà nhân chủng học và là tác giả ở Lausanne | © Gregory Roth

Cô đã dùng một phương pháp dân tộc học…

Đây là một quan sát nhưng cũng là trọng tâm của việc nghiên cứu. Một mặt, là phỏng vấn định tính, để hiểu cách mọi người mang lại ý nghĩa cho vũ trụ của họ. Và với sự quan sát chia sẻ, tôi tham dự trọn vào các vòng kết nối này. Tôi sống với họ, tôi suy nghĩ về những gì tôi trải nghiệm, những gì tôi quan sát và những gì tôi cảm nhận. Điều này đặt ra rất nhiều câu hỏi về khoa học luận! Đối với các Hội, tôi luôn nói tôi đang thực hiện một nghiên cứu, nhưng với sự quan sát của người tham gia, tôi được tham dự vào các cuộc trao đổi thân mật, tôi ở trong nhóm nhưng tôi không bao giờ ghi chép.

Có phải trong bối cảnh này mà những lời chứng đến với cô?

Đầu tiên, đó là những trao đổi không chính thức trong khuôn khổ vòng kết nối, sau đó dẫn đến các cuộc phỏng vấn, với việc ghi chú và ghi âm trong một số cuộc họp thường kỳ. Điều rất quan trọng với tôi là tôi xin tất cả phụ nữ này đọc đi đọc lại các phân tích của tôi, để đảm bảo tôi hiểu con đường của họ và tôi không bị ký sinh bởi những giả định của tôi. Tôi vui vẻ nhận những chỉnh sửa hoặc bổ sung của họ.

Cô có thể nói quyển sách này là một nỗ lực của nhóm?

Đó là một sự hợp tác tuyệt đối. Tôi chỉ có quyền đi vào câu chuyện của họ. Không theo kinh nghiệm của họ. Họ vẫn là tác giả của cuộc đời họ. Tôi chỉ là cây bút và tôi truyền tải. Tôi cố gắng bối cảnh hóa trải nghiệm của họ, để tạo mối liên kết giữa cá nhân và thực tế tập thể hơn. 

Quá trình lựa chọn chín chân dung này diễn ra như thế nào?

Đó là một chút ngẫu nhiên. Tôi đã kêu gọi – trong các vòng kết nối mà tôi thường xuyên lui tới và trên các mạng xã hội – để tìm  những người mắc bệnh kinh niên mà con đường tâm linh đã đóng một vai trò quan trọng với họ. Và đó là những phụ nữ đã đến với tôi. Tôi biết một số người trong số họ và những người khác thì không. Không có ông nào trả lời cuộc gọi này.

“Mỗi khi tôi đến một cuộc biểu tình hay một cuộc tranh luận và tôi chia sẻ các giá trị của tôi, ở đó, tôi cảm thấy điều này mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của tôi…” Aurore

Quyển sách của cô sẽ thu hút các độc giả nào?

Trước hết, những người đang sống với một căn bệnh kinh niên và những người mà đời sống tâm linh là một chủ đề đáng quan tâm. Xung quanh người bệnh cũng có nhiều người: gia đình, người thân, người chăm sóc. Và toàn bộ những người chăm sóc: y tá chăm sóc ở các đơn vị cuối đời, nhà tâm lý học, bạn đồng hành thiêng liêng, các tuyên úy, các chuyên gia tôn giáo trong những tình huống khắc nghiệt của cuộc sống. Theo nghĩa này, quyển sách cũng là một khám phá về khía cạnh thiêng liêng để hỗ trợ lâu dài trong những trường hợp bệnh kinh niên.

Aurélie Netz, Người phụ nữ đi tìm sự chữa lành. Con đường tâm linh và khả năng phục hồi trong bệnh kinh niên (Femmes en quête de guérison. Spiritualité et résilience dans la maladie chronique, nxb. Saint-Augustin, 2023).

Aurélie Netz, một môi trường đa văn hóa và đa tôn giáo

Sinh năm 1991, cô Aurélie Netz lớn lên ở Lausanne, trong một gia đình “đa văn hóa và đa tôn giáo” mở rộng. Từ rất sớm cô đã quan tâm đến các vấn đề về sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo, cô tiếp tục phát triển chúng thông qua các cuộc gặp gỡ và thông qua các nghiên cứu nhân học. Sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị, cô theo học ngành khoa học tôn giáo và lấy bằng thạc sĩ khoa học xã hội năm 2018, với chuyên ngành nhân chủng học về cơ thể và sức khỏe, nghiên cứu về giới tính, tâm linh và sự đa dạng tôn giáo đương đại. Năm 2019, cô xuất bản nghiên cứu dân tộc học đầu tiên Các Hội Phụ nữ. Nghi thức hóa bản sắc giới tính trong các con đường tâm linh xen kẽ. (Les Cercles de Femmes. Ritualiser l’identité de genre dans les spiritualités alternatives.) Cô đã kết hôn và là tuyên úy cho trẻ vị thành niên bị đưa vào các cơ sở giáo dục.

Marta An Nguyễn dịch