Dòng Biển Đức Montmartre: tự do trong đời sống tu trì
la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, Tổng biên tập báo La Croix, 2023-05-12
Việc công bố một thông cáo báo chí của Dòng Biển Đức Montmartre, thừa nhận “một hệ thống chi phối, với những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài” của cộng đồng cho thấy tất cả những khó khăn trong việc dung hòa giữa tự do và đời sống tu trì. Chúng ta có nên từ bỏ tự do cá nhân khi muốn dâng đời mình cho Chúa không?
Phải mất hai mươi năm. Hai mươi năm để đặt tên và xác định những gì trong Dòng Biển Đức Montmartre một hệ thống chi phối khổng lồ của một mẹ bề trên trên các nữ tu khác, với những hậu quả nghiêm trọng của nó. Báo La Croix ghi lại lời chứng lạnh người của một cựu nữ tu. Nhân chứng nói, không có các quy định trong cộng đồng để tránh những thái quá, khó khăn của cộng đồng là tôn trọng các nạn nhân, cho họ được có tiếng nói và tin tưởng họ.
Câu chuyện này làm chúng ta sửng sốt, vì nó đụng đến một điều gì đó sâu xa: phải vâng lời và vâng lời đến mức nào, “tận hiến đời mình” là phải từ bỏ tự do cá nhân khi dâng hiến đời mình cho Chúa không? Câu hỏi đặt ra cho đời tu. Nhưng vấn đề cũng sẽ không khác cho những ai nghiêm túc muốn đào sâu đức tin của mình, và có lẽ đây cũng là điều thách thức chúng ta…
Với việc thực hành đức vâng lời, từ bỏ một cuộc sống “bình thường”, nguyên tắc của các lời khấn và cam kết của đời sống tu trì đi rất xa trong logic từ bỏ này. Chứng từ của nữ tu Biển Đức giải thích cho thấy, thế nào là không thể đi bác sĩ một mình, không thể nhận thư riêng, không được phép có những buổi nói chuyện riêng và vì thế có thể nói từ tu viện đến nơi biệt giam cũng không xa…
Nguyên tắc đầu tiên là ý thức
Chúng ta nghĩ đến lời cầu nguyện nổi tiếng của Thánh I-Nhã, người sáng lập Dòng Tên với những lời từ thế kỷ 16, thoạt nhìn có vẻ độc đoán khủng khiếp: “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy, tất cả tự do, trí khôn, và cả ý chí con. Tất cả những gì con có và làm chủ”… Tất cả tự do của tôi? Sự từ bỏ như vậy chỉ có thể được hiểu trong một cuộc đối thoại của tình yêu. Lời cầu nguyện kết thúc: “Xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa. Đối với con, thế là đủ.” Nếu tôi từ bỏ tự do của tôi, đó là để “yêu” nhiều hơn hoặc tốt hơn: đó không phải là một chuyện nhỏ! Nếu chúng ta quên điều này, đời tu trở nên đáng sợ. Đó là nhà tù, của chính mình và của người khác.
Giáo hội nói, vâng lời trong đức tin, là đặt mình một cách tự do vào Lời. “Tự do” trong Tin Mừng: Chúa Giêsu không bao giờ ép buộc chúng ta hành động. Ngược lại. Vâng lời chỉ có thể được hiểu đối với nguyên tắc đầu tiên, đó là lương tâm. Từ bỏ một phần tự do cá nhân khi khấn không có nghĩa là tuân phục một cách mù quáng hay ngu xuẩn. Nhưng có một tự do khác, sâu xa hơn, nội tâm hơn, để chinh phục, để sống và sáng tạo đời sống tôn giáo của mình hàng ngày, trong giới hạn của đời sống cộng đoàn.
Thiên Chúa của Kinh thánh, một Thiên Chúa giải phóng
Vì Thiên Chúa của Kinh Thánh là Thiên Chúa giải phóng. Ngài đã dựng nên canh bạc tự do điên rồ này, điều mà nhà văn Dostoïevski đã nói trong cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Quan tòa dị giáo với Chúa Giêsu trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov, ông buộc tội Ngài: “Thay vì chiếm đoạt tự do của con người, Ngài đã cho con người tự do gấp bội và mãi mãi (…). Ngài muốn con người là con người của một tình yêu tự do, muốn người mà Ngài quyến rũ và thu hút có tự do để đi theo Ngài. (…) Từ nay trở đi, con người phải tự mình phán xét, trong trái tim tự do của nó, điều gì tốt và điều gì xấu, chỉ có hình ảnh của Ngài trước mặt làm kim chỉ nam (…).” Quan tòa dị giáo đánh giá và chỉ trích dữ dội: một nỗ lực vô nghĩa. Và kẻ tự cho mình là phát ngôn viên cho tất cả những ai đã luôn muốn hạn chế, chuyển hướng, vi phạm, ngăn cản sự tự do mà Chúa ban này.
Đúng, thật vô nghĩa, nếu chúng ta nghĩ đến tất cả những lạm dụng thường xuyên gây tai họa cho lịch sử của các dòng tu. Nhưng một sự đánh cược phi thường, mà chúng ta cũng được biết qua những nam nữ tu sĩ này, đã được Thiên Chúa “nắm lấy”, Đấng đã đáp trả tình yêu này không phải bằng hy sinh, khuất phục, nhưng bằng một sự tận hiến toàn vẹn. Nhưng trong một tự do mà họ xây dựng mỗi ngày.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch