Tổng giám mục Robert Francis Prevost, giám mục là mục tử gần với giáo dân chứ không phải là người quản lý

60

Tổng giám mục Robert Francis Prevost, giám mục là mục tử gần với giáo dân chứ không phải là người quản lý

Tổng giám mục Robert Francis Prevost, bộ trưởng bộ Giám mục kể từ ngày 12 tháng 4 năm 2023. (Vatican Media)

Phỏng vấn tổng giám mục Robert Francis Prevost, Tổng trưởng bộ Giám mục: “Chúng ta thường quan tâm đến việc dạy giáo lý, nhưng chúng ta quên nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là truyền đạt vẻ đẹp và niềm vui được biết Chúa Giêsu”. Về lạm dụng: “Chúng ta phải minh bạch và hỗ trợ các nạn nhân”.

vaticannews.va, Andrea Tornielli. Vatican, 2023-05-04

Ở tuổi 67, ngài sống như “người tập việc” trong chức vụ tổng trưởng bộ Giám mục: Robert Francis Prevost, dòng Thánh Augutinô, sinh tại Chicago, nước Mỹ, làm thừa sai rồi giám mục Chiclayo (Peru), ngài được Đức Phanxicô chọn làm người kế vị hồng y Marc Ouellet. Ngoài tiếng Anh, ngài còn nói tiếng Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Bồ Đào Nha. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Vatican, ngài đưa ra chân dung của một giám mục ở thời chúng ta đang sống.

Điều này mang ý nghĩa gì với cha khi đang là giám mục truyền giáo ở Châu Mỹ Latinh, cha được giáo hoàng bổ nhiệm để giúp ngài chọn các giám mục trên thế giới? 

Giám mục Robert Francis Prevost. Tôi vẫn xem mình là nhà truyền giáo. Ơn gọi của tôi, giống như ơn gọi của bất cứ tín hữu kitô nào, đó là trở thành nhà truyền giáo, loan báo Tin Mừng ở bất cứ đâu mình ở. Chắc chắn, cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều: tôi có cơ hội được phục vụ Đức Thánh Cha, phục vụ Giáo hội ngày nay, tại đây, ở Giáo triều Rôma. Một nhiệm vụ rất khác với các nhiệm vụ trước đây, nhưng cũng là dịp để trải nghiệm một khía cạnh khác của đời tôi, đơn giản là luôn trả lời “vâng” khi được yêu cầu phục vụ. Trong tinh thần này, tôi hoàn thành sứ mệnh ở Peru, sau tám năm rưỡi làm giám mục và gần hai mươi năm truyền giáo để bắt đầu một sứ mệnh mới ở Rôma.

Cha có thể vạch ra những đường nét tiêu biểu của giám mục cho Giáo hội thời đại chúng ta không?

Trên hết, người đó phải là người “công giáo”: giám mục đôi khi có nguy cơ chỉ tập trung vào chiều kích địa phương. Nhưng một giám mục phải có một tầm nhìn rộng lớn hơn về Giáo hội và về thực tại, đồng thời cảm nghiệm được tính phổ quát của Giáo hội. Họ cũng phải có khả năng lắng nghe người anh em và xin lời khuyên, cũng như cho thấy mức độ trưởng thành về tâm lý và thiêng liêng của họ. Yếu tố chính của chân dung giám mục là mục tử, gần gũi với các thành viên trong cộng đoàn, bắt đầu là các linh mục mà giám mục là cha, là anh; sống gần gũi với mọi người, không loại trừ một ai. Đức Phanxicô đã nói về bốn gần gũi: gần gũi với Thiên Chúa, với các giám mục anh em, với các linh mục và với tất cả dân Chúa. Người giám mục không chiều theo cám dỗ sống biệt lập, tách biệt trong tháp ngà, cảm thấy đủ với cấp bậc xã hội, với một cấp bậc nào đó của Giáo hội. Và giám mục cũng không được trốn đàng sau ý tưởng quyền lực mà ngày nay không còn ý nghĩa nữa. Thẩm quyền mà chúng ta có là phục vụ, đồng hành với các linh mục, làm mục tử và thầy dạy. Chúng ta thường bận tâm đến việc dạy giáo lý, cách sống đức tin của mình, nhưng chúng ta có nguy cơ quên rằng nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là dạy ý nghĩa của việc biết Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho sự gần gũi của chúng ta với Chúa. Đây là điều đầu tiên phải làm: truyền đi vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp và niềm vui được biết Chúa Giêsu. Như thế có nghĩa chúng ta sống điều này với chính mình và chúng ta phải chia sẻ kinh nghiệm này.

Chức vụ giám mục đối với sự hiệp nhất quanh người kế vị thánh Phêrô quan trọng như thế nào, vào thời điểm mà sự phân cực cũng đang gia tăng trong cộng đồng Giáo hội?

Ba từ chúng ta dùng trong công việc của Thượng Hội đồng – tham gia, hiệp thông và sứ mệnh – là câu trả lời. Giám mục được mời gọi sống đặc sủng này, để sống tinh thần hiệp thông, cổ võ sự hiệp nhất trong Giáo hội, hiệp nhất với Đức Thánh Cha. Và cũng có nghĩa là người công giáo, vì không có Phêrô thì Giáo hội ở đâu? Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho điều này trong Bữa Tiệc Ly: “Xin cho tất cả được nên một” và chính sự hiệp nhất này mà chúng ta muốn thấy trong Giáo hội. Ngày nay, xã hội và văn hóa đang dẫn chúng ta ra khỏi tầm nhìn về Chúa Giêsu, và như thế nó làm tổn hại rất nhiều. Sự thiếu hiệp nhất là một vết thương mà Giáo hội phải gánh chịu, một vết thương rất đau đớn. Sự chia rẽ và tranh cãi trong Giáo hội chẳng giúp được gì. Trên hết, các giám mục chúng ta phải thúc đẩy con đường tiến đến hiệp nhất, hướng đến sự hiệp thông trong Giáo hội.

Thủ tục bổ nhiệm các tân giám mục có cải thiện không? Trong tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng Praedicate Evangelium có nói “các thành viên dân Chúa” nên tham dự. Và đó là trường hợp?

Chúng tôi đã có một suy tư tích cực giữa các thành viên của Bộ về chủ đề này. Trong một thời gian, chúng tôi đã lắng nghe không chỉ một số giám mục hoặc một số linh mục, mà còn cả các thành viên khác của dân Chúa. Điều này rất quan trọng, bởi vì giám mục được mời gọi để phục vụ một Giáo hội cụ thể. Đó là lý do vì sao việc lắng nghe dân Chúa cũng rất quan trọng. Nếu một ứng viên không được ai biết đến trong cộng đồng giáo dân của mình, thì khó – không phải là không thể, nhưng khó – để người đó thực sự trở thành mục tử của cộng đoàn, của một Giáo hội địa phương. Vì thế điều quan trọng là tiến trình này phải cởi mở hơn để lắng nghe các thành viên khác nhau của cộng đồng. Nhưng không có nghĩa là Giáo hội địa phương nên chọn mục tử của mình, như thể việc được mời làm giám mục là kết quả của một cuộc bỏ phiếu dân chủ, một tiến trình gần như “chính trị”. Cần có một tầm nhìn rộng lớn hơn và các sứ thần Tòa thánh góp phần rất lớn vào công việc này. Tôi tin, dần dần chúng ta phải cởi mở hơn, lắng nghe các tu sĩ, nam nữ giáo dân nhiều hơn.

Một trong những điểm mới là giáo hoàng bổ nhiệm ba phụ nữ trong số các thành viên của bộ Giám mục. Cha có thể nói gì về sự đóng góp này của họ?

Trong một số trường hợp, chúng tôi đã có thể thấy rằng quan điểm của họ rất phong phú. Hai là nữ tu và một là giáo dân. Quan điểm của họ thường hoàn toàn trùng khớp với những gì các thành viên khác của thánh bộ đang nói, có những trường hợp khác, họ đưa ra một quan điểm khác và trở thành một đóng góp quan trọng cho tiến trình. Tôi nghĩ việc bổ nhiệm họ không chỉ là một cử chỉ của giáo hoàng để nói bây giờ chúng tôi có phụ nữ ở đây. Nhưng họ thực sự tham gia và mang lại ý nghĩa cho các cuộc họp của chúng tôi khi chúng tôi thảo luận về hồ sơ ứng viên.

Các quy định chống lạm dụng mới đã nâng cao trách nhiệm của các giám mục, được kêu gọi hành động nhanh chóng và trả lời cho bất kỳ sự chậm trễ hoặc thiếu sót nào. Nhiệm vụ này được cha cảm nhận như thế nào?

Chúng tôi cũng đang đi đúng hướng trong lãnh vực này. Có những nơi đã hoàn thành tốt công việc từ nhiều năm nay và có những quy tắc được áp dụng trong thực tế. Đồng thời, tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi. Tôi đang nói về tính cấp thiết và trách nhiệm hỗ trợ các nạn nhân. Một trong những khó khăn thường nảy sinh là giám mục phải gần gũi với các linh mục của mình, như tôi đã nói, và họ cũng phải gần gũi với các nạn nhân. Một số người khuyên, giám mục không nên là người trực tiếp tiếp nhận các nạn nhân, nhưng chúng ta không thể đóng trái tim của mình, đóng cánh cửa Giáo hội trước những người đau khổ vì bị lạm dụng. Trách nhiệm của giám mục rất lớn và tôi nghĩ chúng ta còn phải còn phải cố gắng rất nhiều để ứng phó với thực trạng đang gây nhức nhối cho Giáo hội. Sẽ cần thời gian, chúng tôi đang cố gắng làm việc cùng với các bộ khác. Tôi nghĩ, việc đồng hành với các giám mục chưa nhận được sự chuẩn bị cần thiết để đối diện với tình huống này là một phần sứ mệnh của bộ chúng tôi. Điều cấp bách và cần thiết là chúng ta phải có trách nhiệm hơn và nhạy cảm hơn với vấn đề này.

Các luật bây giờ đã có. Nhưng thay đổi não trạng còn khó hơn…

Dĩ nhiên có nhiều khác biệt giữa các nền văn hóa trong cách phản ứng với các trường hợp này. Ở một số quốc gia, điều cấm kỵ khi đưa ra chủ đề này đã phần nào bị phá vỡ, trong khi ở những quốc gia khác, nạn nhân hoặc gia đình họ không bao giờ muốn nói về những lạm dụng mà họ đã phải chịu đựng. Dù sao, im lặng không phải là câu trả lời. Im lặng không phải là giải pháp. Chúng ta phải minh bạch và trung thực, đồng hành và giúp đỡ các nạn nhân, nếu không vết thương của họ sẽ không bao giờ lành. Chúng ta có một trách nhiệm lớn ở đây. Tất cả chúng ta đều bao gồm.

Giáo hội cam kết đi theo con đường dẫn đến Thượng hội đồng hiệp hành. Vai trò của giám mục là gì?

Đây là một cơ hội lớn trong sự đổi mới liên tục này của Giáo hội mà Đức Phanxicô mời gọi chúng ta hưởng ứng. Một mặt, có những giám mục công khai tỏ ra sợ hãi, vì họ không hiểu Giáo hội đang đi về đâu. Có lẽ họ thích sự an toàn của những câu trả lời đã có trong quá khứ. Tôi tin tưởng Chúa Thánh Thần đang hiện diện rất nhiều trong Giáo hội vào thời điểm này và Ngài đang thúc đẩy chúng ta hướng tới sự đổi mới. Đó là lý do vì sao giám mục chúng tôi được kêu gọi đảm nhận trách nhiệm lớn lao trong việc sống điều mà tôi gọi là một thái độ mới. Đây không chỉ là một quy trình, không chỉ là thay đổi một số cách thức nào đó, hoặc có nhiều cuộc họp hơn trước khi đưa ra quyết định. Nó nhiều hơn thế. Nhưng có lẽ đây là điều gây ra một số khó khăn nào đó vì về cơ bản, trước hết chúng ta phải có khả năng lắng nghe Chúa Thánh Thần, những gì Người yêu cầu Giáo hội.

Làm thế nào để đi đến được điều này?

Chúng ta phải có khả năng lắng nghe lẫn nhau, để nhận ra, đây không phải là thảo luận về một chương trình chính trị hay chỉ đơn giản là cố gắng thúc đẩy vấn đề mà tôi hoặc những người khác quan tâm. Đôi khi có vẻ như chúng ta muốn thu gọn mọi thứ thành việc bỏ phiếu để làm những gì đã được bỏ phiếu. Trái lại, nó nói về một điều gì đó sâu xa hơn và rất khác biệt: chúng ta phải học cách thực sự lắng nghe Chúa Thánh Thần và có một tinh thần tìm kiếm chân lý mà Giáo hội sống trong đó.  Chuyển từ một kinh nghiệm trong đó thẩm quyền nói và mọi thứ được thực hiện, sang một kinh nghiệm Giáo hội xem trọng các đặc sủng, các ơn, các thừa tác vụ hiện diện trong Giáo hội. Thừa tác vụ giám mục thực hiện một công việc quan trọng, nhưng sau đó chúng ta phải đặt tất cả những điều này lại với nhau để phục vụ Giáo hội theo tinh thần hiệp hành, có nghĩa đơn giản là cùng nhau bước đi, tất cả cùng nhau và cùng nhau tìm kiếm những gì Chúa yêu cầu chúng ta trong thời gian này. 

Các vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến đời sống của các giám mục ở mức độ nào?

Giám mục cũng phải là một quản trị viên giỏi, hoặc ít nhất có thể tìm được một quản trị viên tốt để giúp đỡ mình. Đức Phanxicô nói với chúng ta, ngài muốn có một Giáo hội nghèo cho người nghèo. Trong một số trường hợp, các cấu trúc và cơ sở hạ tầng trong quá khứ không còn cần thiết và khó bảo trì. Đồng thời, ngay cả ở những nơi tôi đã làm việc, Giáo hội chịu trách nhiệm về các cơ sở giáo dục và y tế cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân vì Nhà nước thường không đảm bảo cho họ. Cá nhân tôi không nghĩ rằng Giáo hội nên bán tất cả mọi thứ để “chỉ” rao giảng Tin Mừng trên đường phố. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm rất lớn và không có những câu trả lời duy nhất. Điều cần thiết là cổ động tốt hơn nữa để giúp đỡ các Giáo hội địa phương trong tinh thần huynh đệ. Đối diện với nhu cầu giữ cho các cơ sở tồn tại với mức thu không còn như trước, giám mục phải rất thực dụng. Các nữ tu dòng kín luôn nói: “Chúng ta phải tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa Quan phòng, vì chúng ta sẽ tìm ra cách để đối phó”. Điều quan trọng là chúng ta đừng bao giờ quên chiều kích thiêng liêng ơn gọi của chúng ta. Nếu không, chúng ta có nguy cơ trở thành nhà quản trị và suy nghĩ như nhà quản trị; mà đôi khi cũng đã xảy ra như thế.

Cha thấy mối quan hệ giữa giám mục và mạng xã hội như thế nào?

Phương tiện truyền thông xã hội là công cụ quan trọng để truyền bá Tin Mừng và đến được với rất nhiều người. Chúng ta phải chuẩn bị để sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Tôi e rằng sự chuẩn bị này đôi khi còn thiếu sót. Đồng thời, thế giới ngày nay luôn thay đổi, đặt ra những tình huống mà chúng ta thực sự phải suy nghĩ rất nhiều trước khi nói hoặc viết câu tweet, trả lời hoặc ngay cả khi đặt câu hỏi dưới hình thức công khai, dưới con mắt của mọi người. Đôi khi có nguy cơ gây chia rẽ và tranh cãi. Việc dùng mạng xã hội, truyền thông một cách đúng đắn mang một trách nhiệm rất lớn, vì đó là cơ hội nhưng cũng là rủi ro. Và điều này có thể gây hại cho sự hiệp thông của Giáo hội. Đó là lý do vì sao chúng ta phải rất cẩn thận trong việc dùng các phương tiện này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tổng giám mục trong một lần tiếp kiến với Đức Phanxicô.