“Với người cùng thời chúng ta, đa thần hiệu quả hơn đơn thần”
la-croix.com, Laurence Devillairs, 2022-110-31
Triết gia Laurence Devillairs, Cao đẳng Hành chánh, tiến sĩ triết, giáo sư tại Paris 1 Panthéon-Sorbonne. Hannah ASSOULINE / P.U.F.
Theo triết gia, vì chúng ta đã thay thế, một cách khó nhận thấy, một Chúa của cứu rỗi cho một Chúa bảo vệ, nên chúng ta mơ một thế giới của các vị thần, mạnh mẽ quay về với ngoại giáo qua các tín ngưỡng đa thần, phù thủy, hay thiêng liêng hóa thiên nhiên, một hiện tượng ngày càng nhân lên trong xã hội.
Đã có thời gian chúng ta tranh luận không mệt mỏi để xem liệu chúng ta đã ngừng tin vào Chúa, liệu lương tâm và xã hội chúng ta đã không còn hình ảnh của Chúa. Khi đó chúng ta nói đến phi-kitô giáo, thế tục hóa, loại bỏ các giá trị kitô giáo… Niềm tin thuộc về một thời khác, tác động bởi vâng lời, hoặc nghiêng về hy vọng nhiều hơn.
Thời buổi đó và những câu hỏi này dường như đã lỗi thời. Thế tục hóa, phi-kitô giáo…: các câu hỏi đã được xếp qua. Có lẽ ngày nay câu hỏi đặt ra nhiều hơn là liệu chúng ta có còn là những người theo đơn thần hay không. Giả thuyết của một chủ nghĩa ngoại giáo đương thời không chỉ duy nhất do Giáo hội, thể chế canh giữ lòng tin đã mất, không những mất thẩm quyền mà còn mất cả tính hợp pháp, mất uy tín vì các tội phạm tình dục và nói chung là bạo lực liên quan đến các vụ lạm dụng quyền lực. Đây là nhận định tự đặt lên chính mình khi đối diện với tầm nhân rộng các hiện tượng và các tín ngưỡng đa thần, từ thuyết vật linh đến bói toán, từ các phù thủy đến các bùa chú biểu hiện đầu tiên ở Pháp là cơn sốt Halloween, phần lớn người dân đã thay thế ngày này cho ngày lễ Các Thánh.
Một Thiên Chúa bảo vệ
Không chỉ vì Giáo hội đã làm loãng đi tính bất khả quy độc đáo của Tin Mừng mà Tin Mừng bị thế chấp thành lời kêu gọi khá trừu tượng với lợi ích chung hay với một chủ nghĩa nhân bản vô định. Không phải chỉ đơn giản vì Giáo hội không còn cho phép kitô giáo làm nên lịch sử, nuôi dưỡng một nền văn hóa, làm thay đổi lương tâm. Tất cả điều này là đúng, và phải thất vọng. Nhưng lý do cũng là vì cuối cùng chúng ta chỉ tin vào một Thiên Chúa bảo vệ.
Một quan điểm tiến hóa mong kitô giáo chấm dứt những niềm tin và những thực hành mê tín dị đoan. Nó không phải là không có gì: ngược lại, vì chúng ta đã thay thế, một cách khó nhận thấy, một Chúa của Cứu rỗi, và do đó là tội lỗi và cứu chuộc thành một Chúa bảo vệ, nên chúng ta mơ một thế giới của các vị thần. Vì Chúa đơn thần ít thực thi chức năng bảo vệ này cho bằng các đa thần.
Một tôn giáo của sự bảo vệ
Tôi đã đọc bài bình luận này của Ricœur về Freud: “Tôn giáo đối với Freud (…) là bù đắp cho những khó khăn của cuộc sống (…); nhiệm vụ của tôn giáo là bảo vệ con người (…). Khuôn mặt mới mà tôn giáo hướng tới cá nhân không còn là cấm đoán, mà là bảo vệ.”
Đây là một sáng suốt đúp: trước hết là nhà phân tâm Freud, sau đó là triết gia Paul Ricœur. Để không phải đối diện với khả năng, thực tế không quan tâm gì đến chúng ta và nó cũng chẳng có gì để nói với chúng ta, chúng ta đã tìm được an ủi nơi Chúa, không phải để có lý do để sống, nhưng để mang lại cho cuộc sống có màu sắc.
Như thế lãnh vực hiệu năng của tôn giáo không còn là đời sau, nhưng ngắn gọn là chính cuộc sống. Và vì thế Ricœur phân tích tiếp: “Bỗng, tôn giáo ít nói đến sợ cho bằng mong muốn.” Tôn giáo không còn gắn liền với mệnh lệnh phải cứu những gì phải cứu, nhưng để đáp lại mong muốn được an ủi và bảo vệ của chúng ta. Một loại bảo hiểm cho cuộc sống: mọi thứ sẽ ổn thôi, có Chúa ở đó để đảm bảo điều này.
Ngoại giáo, hiệu quả hơn
Nhưng trong trường hợp này, chủ nghĩa ngoại giáo hiệu quả hơn là đơn thần. Vì Chúa của của kitô giáo không bảo vệ điều kỳ diệu nhất: Ngài không có ý định biến thế giới thành thiên đàng, đời sống thành yến tiệc. Người tín hữu kitô không ở thế giới này như cá gặp nước, nhưng họ đảm nhận vai trò chứng nhân: làm chứng cho một sự thật mà thế giới này không muốn, một thế giới không tìm đâu ra nguồn gốc, cùng đích và biện minh cho mình. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô không bảo vệ để chống lại thực tại: Ngài xin chúng ta đối diện với nó. Ngài không biến chì thành vàng, biến nghịch cảnh thành cơ hội thăng tiến. Như thế sẽ đi quá nhanh từ Thứ Sáu Tuần Thánh đến Chúa nhật Phục Sinh. Nếu ngài bảo vệ cái ác – nếu ngài hứa với chúng ta là đừng để cái ác thắng cái thiện – thì ngài không bảo vệ thực tế. Nhưng đó lại là sự bảo vệ chúng ta tìm kiếm.
Chúng ta cần thần thoại, cần thần thánh, những người sẽ đến cư trú trên thế giới, để giải thoát khỏi sự im lặng. Vì vậy, ước muốn của chúng ta là ước muốn thần thánh hơn là siêu việt: chúng ta muốn cảm nhận sự hồi hộp của một thiên nhiên sôi động và sống động. Vì thế gần như chúng ta nói về một sự sùng bái cây cối, thực vật, thảo mộc, sinh vật sống, một thế giới không có thứ bậc hay phân biệt. Bởi vì cái thiêng liêng mà chúng ta cháy bỏng để tin phải rất gần gũi, nhưng cũng khá khác biệt, đó là thần thánh. Trái lại, Thiên Chúa siêu việt vừa xa cách – Người là tất cả những gì mà tôi không có: vô hạn, vĩnh cửu, tình yêu và toàn năng – vừa giống đến độ mặc lấy thân phận con người của chúng ta.
Thần Thiên nhiên, Thần Động vật
Tính siêu việt của Chúa quá bí ẩn. Nói qua dụ ngôn, đặt thách thức hơn là an ủi. Vậy mà chúng ta đòi hỏi phải hiểu ý nghĩa ngay lập tức, có sẵn và rõ ràng. Không phải là một ý nghĩa tiên tri, đi ngược dòng và cần được giải mã, nhưng là một kho của những ý nghĩa rõ ràng, có thể hành động được và phân cực rõ ràng: thất bại-thành công, tiêu cực-tích cực, xấu xa-phục hồi. Nhưng Chúa của tín hữu kitô khi nào cũng nói qua những nghịch lý và mơ hồ: người đầu tiên sẽ là người cuối cùng, chính khi mất mạng sống mới có được sự sống, phúc thay cho người khốn khổ… Điều chúng ta muốn, là liên kết thân thiết với thế giới, thậm chí hòa tan vào nó, để làm loãng đi tính hung hãn bản chất con người của chúng ta, ý thức của chúng ta với khuynh hướng ly khai (con người không phải là động vật, chủ thể không phải là vật thể, tinh thần không phải là xác thịt). Chúng ta sẽ phải giải phóng bản thân khỏi những khác biệt này để đón nhận một thực tại sống duy nhất, và từ đó cảm thấy được bao bọc, ôm lấy – và do đó được bảo vệ, an ủi. Vị thần thiên nhiên, thần Cây, Thần động vật có nhiều khả năng làm mê hoặc lại thế giới mà chúng ta đã cơ giới hóa, phá nát, và kitô giáo đòi hỏi chúng ta không xem thế giới này là vương quốc, nơi cư trú duy nhất của chúng ta.
Và khi đó, kitô giáo không là thảm kịch. Nếu kitô giáo trải qua những thảm kịch, thì chúng chỉ tạm thời, chuyển tiếp – được mùa kế tiếp mất mùa, những gì đã mất sẽ được tìm thấy lại. Nhưng chúng ta sống một thời rất khó để hình dung ngày hôm sau ngày thảm kịch sẽ như thế nào. Sẽ sai lầm nếu tiếp tục giải thích điều này bằng một thực tế đơn giản là chúng ta không còn tin vào sự tiến bộ. Về cơ bản, đó là vì chúng ta không còn tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng cho chúng ta một hoạch định, một ý chí và một cứu rỗi. Tóm lại, chúng ta không còn tin vào một Thượng đế mà tin vào con người.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch