Năm 2022 của Đức Phanxicô: Giữa lời đề nghị trung gian hòa giải và nước mắt
cath.ch, I.Media, 2022-12-27
Trong năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ lòng trắc ẩn của ngài với người dân Ukraine | © EPA/VATICAN MEDIA/Keystone
Năm 2022 đánh dấu một bước ngoặt trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, ngài đối diện với chiến tranh trở lại lục địa châu Âu. Sau 8 năm xung đột tiềm ẩn, Nga xâm lược Ukraine đã làm thay đổi địa chính trị lớn lao, gần như tạo bất ngờ cho ngoại giao của giáo hoàng.
Sự bùng nổ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine rạng sáng ngày 24 tháng 2 năm 2022 đã tạo kinh hoàng ở Vatican cũng như ở các chính phủ phương Tây. Bỏ qua thông lệ ngoại giao truyền thống, ngày thứ sáu hôm sau, 25 tháng 2, Đức Phanxicô đã đơn thân đến sứ quán Nga tại Tòa thánh để gặp đại sứ Alexander Avdeev, cố gắng liên lạc điện thoại trực tiếp với Vladimir Putin.
Được Đức Phanxicô tiếp ba lần từ năm 2013 đến năm 2019, tổng thống Nga, người đã điện thoại cho Đức Phanxicô ngày 17 tháng 12 năm 2021 để chúc sinh nhật 85 của ngài, đã không hạ cố trả lời sau những cố gắng của Rôma. Cuộc gặp ngoại giao ở cấp cao nhất là ngày 22 tháng 9 năm 2022 bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York, khi hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin gặp bộ trưởng Ngoại Giao Nga, ông Sergueï Lavrov. Không có một tin nào lọt ra từ cuộc gặp này, nhưng tố cáo mối đe dọa hạt nhân sẽ là trục thiết yếu cho sự ủng hộ quốc tế của Tòa thánh trong cuộc họp này của Liên Hợp Quốc.
Một cuộc đối thoại đại kết phức tạp
Với nước Nga, Đức Phanxicô thử tiếp xúc trên hai mặt trận: một cuộc đối thoại trực tiếp với Vladimir Putin, và trên hết là duy trì ‘ngoại giao đại kết’ với tòa thượng phụ Mátxcơva, sáu năm sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử được tổ chức giữa hai bên. Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill gặp nhau ở sân bay Havana ngày 16 tháng 2 năm 2016.
Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill nói chuyện qua video truyền hình ngay sau khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine | © Truyền thông Vatican
Từ tháng 2, nội bộ chính thống giáo Ukraine bị chia rẽ, thượng phụ Kyrill có các biện pháp can thiệp làm cho cuộc tấn công ở Ukraine thành một loại “thánh chiến” của Nga chống lại phương Tây bị cho là suy đồi. Tuy nhiên, trong những tuần sau đó, giáo hoàng, Tòa thánh cũng như Hội đồng đại kết các Giáo hội (COE), đã cố gắng duy trì liên lạc với Giáo hội chính thống Nga.
Ngày 16 tháng 3, Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill trao đổi qua video truyền hình. Tòa Thánh khẳng định sẽ làm mọi thứ để có hòa bình, để giúp đỡ người dân đau khổ, tìm con đường hòa bình, dập tắt chiến tranh”. Dự trù một chuyến đi Kyiv và Matxcova là không thể, dù trong các phỏng vấn và các chuyến đi khác nhau, nhiều lần ngài nói lên ước mong này.
Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill không gặp nhau
Ngày 7 tháng 6, việc trục xuất Trưởng Giáo chủ Hilarion bất ngờ, người được xem là nhân vật chính trong việc nối quan hệ hợp tác giữa chính thống giáo Nga với Giáo hội công giáo dường như đã làm suy yếu cuộc đối thoại với Rôma. Nhưng người đứng đầu bộ phận đối ngoại mới của tòa thượng phụ Marxcova, Giáo chủ Antoine đã gặp Đức Phanxicô hai lần: lần đầu tiên tại Vatican ngày 5 tháng 8 và lần thứ nhì là ở hội nghị thượng đỉnh liên tôn ở Kazakshtan ngày 14 tháng 9.
Dù bên ngoài giữ lịch sự nhưng đã có một thái độ lạnh lùng qua các nhận xét của Trưởng Giáo chủ với báo chí. Ông chỉ trích Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn với báo Corriere della Sera ngày 3 tháng 5, ngài nói thượng phụ Kyrill là ‘thư ký nhà nước’ và là ‘người giúp lễ cho Putin’. Trưởng Giáo chủ Antoine nói: “Rõ ràng là những câu này không hữu ích cho tinh thần hiệp nhất kitô hữu”, ông cho biết ông ‘ngạc nhiên’ trước các tuyên bố này của giáo hoàng. Dự án hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau đã không thành dù có chương trình hội nghị thượng đỉnh ở Giêrusalem vào tháng 6.
Tranh cãi ở Nga và Ukraine
Trên bình diện chính trị, giáo hoàng đã làm Matxcova tức giận khi ngài trả lời phỏng vấn đăng trên tạp chí America ngày 28 tháng 11, trong đó ngài quy trách nhiệm cho người Chechnya và người Buryat về những vụ thanh trừng trong quân đội Nga ở Ukraine. Vài ngày sau, hệ thống mạng của Vatican bị tấn công, Nga bị nghi là thủ phạm nhưng không có xác nhận chính thức.
Đôi khi Ukraine khó hiểu trước một số tuyên bố mạo hiểm của giáo hoàng. Trên báo Corriere della Sera, Đức Phanxicô nói “tiếng sủa của NATO trước cổng nước Nga”, cho ấn tượng ngài dùng ngôn ngữ của Điện Kremlin. Tuyên bố này làm ngài bị các nước được NATO bảo vệ chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt là ở Ba Lan.
Trong buổi tiếp kiến chung ngày 24 tháng 8 nhân lễ Độc lập Ukraine, ngài đã làm cho đại sứ Ukraine thất vọng khi ngài thương tiếc “người phụ nữ trẻ bất hạnh chết vì bị đặt bom dưới ghế xe của cô ở Matxcova”, ám chỉ đến vụ ám sát nhà hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan người Nga Daria Duguina.
Cuộc tranh cãi do tuyên bố này dẫn đến việc công bố sáu ngày sau đó một công hàm của Phủ Quốc vụ khanh đảm bảo các tuyên bố của giáo hoàng liên quan đến cuộc chiến quy mô ở Ukraine do Liên bang Nga khởi xướng “rõ ràng là để lên án về mặt đạo đức, không thể chấp nhận được, man rợ, phi lý, ghê tởm và báng bổ”.
Trắc ẩn cho người dân Ukraine
Xuyên suốt hơn 130 lần tuyên bố công khai nâng đỡ “người dân tử đạo Ukraine”, trên hết là để ngài nhấn mạnh và lặp đi lặp lại lòng trắc ẩn của ngài với người dân Ukraine. Viện trợ nhân đạo của Tòa Thánh đặc biệt do hồng y Konrad Krajewski bộ trưởng bộ Từ thiện Vatican phụ trách, hồng y bị bắn tỉa hụt khi đến Zaporijia ngày 17 tháng 9. Hình ảnh ngài quỳ gối trước các ngôi mộ tập thể ở Boutcha ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã làm mọi người xúc động.
Bật khóc khi nhắc đến Ukraine, Đức Phanxicô cắt ngang bài phát biểu | Ảnh chụp màn hình
Ngày 25 tháng 3 nhân ngày lễ Truyền Tin, hồng y Krajewski được cử đến thánh địa Fatima. Còn Đức Phanxicô, trong nghi thức sám hối tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, ngài thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái tim Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Bắt đầu từ ngày 2 tháng 3 là ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine. Về mặt ngoại giao, Đức Phanxicô nhiều lần nói chuyện điện thoại với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và tiếp các nhân vật Ukraine nhiều lần.
Chuyến đi Vatican của người đứng đầu Giáo hội công giáo hy Lạp, tổng giám mục Sviastoslav Schevchuk ngày 7 tháng 11 dường như đã mở đường cho quyết tâm ủng hộ Ukraine của Đức Phanxicô. Tổng giám mục đã truyền cảm hứng cho Bức thư gửi người dân Ukraine của Đức Phanxicô công bố nhân dịp kỷ niệm Holodomor. Đức Phanxicô đưa ra sự tương đồng rõ rệt giữa “cuộc xâm lược” của Nga năm 2022 và nạn đói do Stalin chủ tâm làm ở miền đông Ukraine đầu những năm 1930 được mô tả là “diệt chủng”.
Những giọt nước mắt
Nhưng mức độ nghiêm trọng và xót xa là vào cuối năm 2022. Ngày 8 tháng 12, trong buổi cầu nguyện truyền thống trước tượng Đức Mẹ ở quảng trường Tây Ban Nha, ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Phanxicô đã bật khóc: “Con muốn mang đến cho Mẹ lời cám ơn của người dân Ukraine vì hòa bình, nhưng thay vào đó con vẫn còn phải mang đến cho Mẹ lời cầu xin của những em bé, người già, người cha, người mẹ, người trẻ tuổi của vùng đất đau khổ này.” Hơn tất cả lời nói của ngài là những giọt nước mắt, sẽ mãi mãi là hình ảnh xúc động của triều giáo hoàng của ngài, ngài cố gắng đứng vững, oằn mình dưới gánh nặng của một sứ mệnh hòa bình bất khả thi.
Theo tinh thần triều giáo hoàng của mình, trong buổi tiếp kiến chung ngày 14 tháng 12, ngài kêu gọi giáo dân sống mùa Giáng sinh tiết kiệm để giúp đỡ cụ thể người dân Ukraine đang đau khổ.
Vác thập giá của một thảm kịch khi đối diện với nó mà ngài biết mình bị tước vũ khí và bất lực, như Thánh giáo hoàng Piô X lúc Thế chiến thứ nhất bắt đầu, Đức Phanxicô xem cuộc chiến Ukraine là một thử thách thiêng liêng. Vì thế ngài xin người tín hữu kitô tập trung vào những gì là thiết yếu và hướng mắt về chân trời của một hòa bình khả dĩ, dù phải chịu thất bại trong một thời gian ngắn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Một năm thứ 86 đầy chông gai của Đức Phanxicô