americamagazine.org, Colleen Dulle, 2022-10-06
Ông Joe Donnelly, tân đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh trình ủy nhiệm thư ngày 11 tháng 4 năm 2022 tại Vatican. (Ảnh CNS / Vatican Media)
Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 2 tháng 10, Đức Phanxicô đã dành toàn bộ bài nói chuyện để tố cáo cuộc chiến ở Ukraine. Trong những tuần gần đây, trên chiến trường, Ukraine đã đẩy lùi các lực lượng Nga và tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa leo thang, ông tuyên bố bốn khu vực Ukraine hiện thuộc về Nga và Nga sẽ làm bất cứ gì để giành lại vì ông cho đây là mối đe dọa cho sự vẹn toàn lãnh thổ nước Nga. Putin tuyên bố, khi đương đầu với cuộc xâm lược như vậy, nước Nga sẽ phản ứng bằng mọi cách cần thiết, kể cả việc dùng vũ khí hạt nhân.
Cho đến nay, phản ứng trước cuộc chiến này, Vatican chỉ vận động hòa bình và tập trung vào việc cứu trợ nhân đạo. Trên chính trường quốc tế, Đức Phanxicô đã phải đối diện với chỉ trích vì đã quá mềm mỏng với Nga. Có lần ngài đã nói, trước cuộc xâm lược, NATO đã “sủa trước cổng nước Nga” và ngài cầu nguyện cho cô Daria Douguina bị các lực lượng Ukraine giết, cô là con gái của một triết gia Nga ủng hộ Putin.
“Tôi hy vọng khi Vatican nhìn vào chúng tôi, ho sẽ nói: Quý vị biết không, họ cũng đang hoàn thành sứ mệnh của Chúa, trong việc làm cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn.” Joe Donnelly
Trong bài phát biểu ngắn gọn nhưng đầy uy lực của Đức Phanxicô cuối tuần vừa qua, đây là lần đầu tiên ngài trực tiếp nhắc đến ông Putin, xin ông ngừng bắn ngay lập tức. Ngài cũng xin tổng thống Zelensky cởi mở với các đề xuất hòa bình nghiêm túc. Nhưng hòa bình công chính là như thế nào?
Trên podcast “Bên trong Vatican, Inside the Vatican” tuần này, đại sứ Mỹ Joe Donnelly tại Tòa Thánh nói với tôi: “Sẽ thật sự không có một thỏa thuận hòa bình nếu ai đó đến gặp bạn và nói: ‘Quý vị xem, chúng ta đã cùng nhau thỏa thuận, và 80% thành phố của quý vị sẽ an toàn, và xin lỗi, quý vị đang ở trong 20% còn lại’”.
Đại sứ và tôi đã thảo luận về công việc của ông với Vatican và cách ông xử lý sự hợp tác dù các mục tiêu và cách tiếp cận của Tòa thánh đối với các vấn đề ngoại giao khác với Hoa Kỳ. Sau đây là bản ghi lại cuộc nói chuyện của chúng tôi được chỉnh sửa độ dài cho đúng và rõ ràng.
Nhà báo Colleen Dulle: Xin ông cho chúng tôi biết công việc hàng ngày của một đại sứ? Một ngày bình thường của ông là gì?
Đại sứ Joe Donnelly: Tôi vô cùng may mắn khi tổng thống Biden nhờ tôi làm đại sứ ở Vatican. Tôi lớn lên là người công giáo, tôi vẫn là người công giáo, tôi là người nhập cư Ireland thế hệ thứ hai. Vì vậy, đức tin công giáo đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Tôi đã có cơ hội phục vụ đất nước quê hương Hoa Kỳ, đất nước tôi yêu quý bằng cả trái tim, tại Hạ viện và Thượng viện, đó là công việc của một phần đời quan trọng của tôi. Nhiệm vụ đại sứ ở Vatican hòa trong cả hai điều này. Những gì tôi cố gắng làm là đại diện cho Hoa Kỳ tại Vatican trên nhiều vấn đề chính trị khác nhau, đảm bảo các chủ đề được Vatican thảo luận và Vatican nghĩ đến, quan điểm của Mỹ sẽ được lắng nghe. Ngoài ra, còn mang lại cho Vatican cơ hội để có thể nói chuyện với người Mỹ và nói, ‘xin quý vị nhìn xem, đây là mối quan tâm của chúng tôi về những vấn đề này.’
Công việc này như thế nào? Ông nghe có điều gì đó đang được thảo luận ở Vatican và ông gọi cho hồng y Quốc vụ khanh Parolin: “Đây là quan điểm của chúng tôi” không?
Không, không phải như vậy. Chúng tôi thường gặp hồng y ngoại trưởng Parolin và tổng giám mục quan hệ quốc tế Gallagher. Rõ ràng danh sách các vấn đề thì dài. Vấn đề liên quan đến Ukraine chiếm một phần rất lớn thì giờ của tôi ở đây, và làm việc về những vấn đề như nhân quyền, nạn buôn người, các vấn đề chăm sóc sức khỏe, lo ngại về an ninh cho các tu sĩ đang phục vụ ở nước ngoài và những gì chúng tôi có thể giúp đỡ. Một vài ngày trước, chúng tôi nghe Vatican nói, “Này, chúng tôi đang muốn bàn về vấn đề này,” hoặc ngược lại chúng tôi nói, “Nhìn xem, có một cuộc thảo luận đang diễn ra về Ukraine”, tôi thích ngồi thảo luận những chuyện này.
Có những điểm đồng ý giữa Hoa Kỳ và Tòa thánh, và có những điểm chưa đồng ý. Tôi có thể hỏi ông điểm hợp tác là gì và điểm khác biệt là gì và quan trọng hơn, cách ông tiếp cận để đề cập đến những điểm bất đồng này?
Đúng là tôi đại diện cho Hoa Kỳ. Rõ ràng là ở nước chúng ta, Giáo hội công giáo có những quan điểm khác nhau về hầu hết mọi vấn đề. Có những người công giáo được xem là người công giáo công bằng xã hội; có người công giáo được xem là người công giáo hướng về luật lệ hơn. Công việc của tôi không phải là xen vào giữa các nhóm công giáo khác nhau, những người không đồng ý với nhau về điều này hay điều kia. Tôi không đại diện cho một nhóm công giáo. Tôi đại diện cho Hoa Kỳ. Khi tôi làm việc về một vấn đề nào đó với Vatican, chúng tôi có thể đồng ý một phần về vấn đề đó, chẳng hạn về vấn đề chính sách đối ngoại ở Trung Đông, và Vatican có thể nói, “Chúng tôi tin vào điều này và điều này,” và tôi sẽ nói, “Chúng ta nhìn xem, đó không phải là nơi chúng ta đang ở. Đây là lý do tại sao. Đây là quan điểm của chúng tôi về vấn đề này.” Về các vấn đề văn hóa công giáo, công việc của tôi không phải là ở giữa các cuộc đấu tranh về giáo lý. Đó là nơi cuối cùng đôi khi bạn muốn đến. Tôi để cho các nhóm tôn giáo khác nhau bàn luận cứu rỗi những điều này, và tôi cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến đất nước chúng ta.
“Công việc của tôi không phải là xen vào giữa các nhóm công giáo khác nhau, những người không đồng ý với nhau về điều này hay điều kia. Tôi không đại diện cho một nhóm công giáo. Tôi đại diện cho Hoa Kỳ.” Joe Donnelly
Ông nói ông là người công giáo giữ đạo; ông ở cương vị này, ông không nhất thiết phải đại diện cho người công giáo hay cho đạo công giáo. Ông đại diện cho người dân Hoa Kỳ, những người đa dạng hơn rất nhiều. Tôi tự hỏi làm sao cá nhân ông có thể xử lý khi đức tin cá nhân của ông có thể không phù hợp với những gì Tổng thống Biden muốn ông bảo vệ chẳng hạn.
Bà biết đó, cho đến nay tôi chưa gặp bất kỳ vấn đề nào khi xử lý những trường hợp này. Mọi người hỏi: “Có chuyện gì trong những chuyện này làm bạn mất ngủ không?” Không. Thực sự không có bất kỳ vấn đề nào với chuyện này.
Ông đã nêu lên Ukraine: Để đặt đúng bối cảnh cho thính giả của chúng tôi, ông bắt đầu nhiệm kỳ của ông tại Vatican vào tháng 4-2022, một thời gian ngắn sau cuộc chiến Ukraine bắt đầu.
Đúng, nhưng tôi thực sự là đại sứ ở Vatican trước khi ông Putin xâm lược Ukraine, tôi được bổ nhiệm vào giữa tháng hai, và đến Rôma vào giữa tháng ba, tôi trình ủy nhiệm thư lên giáo hoàng ngày 11 tháng tư.
Trong khoảng thời gian này, ông đã nói chuyện với giáo hoàng như ông đã nói với đồng nghiệp của tôi là nhà báo Gerry O’Connel, câu chuyện chủ yếu tập trung vào Ukraine, ông nói giáo hoàng thật sự quá đau đớn vì chuyện này. Nỗi thống khổ này hiển nhiên như thế nào?
Nếu bà nghe những gì ngài nói trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 2 tháng 10 vừa qua về Ukraine thì theo tôi, đó là điều ngài phải chịu đựng mỗi ngày. Ngày tôi trình ủy nhiệm thư 11 tháng 4, chúng tôi đã nói chuyện hơn nửa giờ, và có lẽ 90% câu chuyện là về Ukraine và làm sao để chấm dứt đổ máu. Tôi đã rất trung thực và thẳng thắn với ngài. Tôi nói: “Cha nhìn xem, Putin đã bắt đầu cuộc chiến này. Putin và Nga xâm lược Ukraine. Họ đã tàn sát người dân Ukraine. Họ đã tra tấn, hãm hiếp và giết hại người dân. Nga muốn chiếm Ukraine. Ukraine chiến đấu để tồn tại”. Điều tôi luôn cố gắng làm là nói sự thật và đó là tình huống của chúng tôi.
Quý vị cố gắng tìm một vị trí mà Putin sẽ nói, “Đủ rồi.” Và trong quá khứ tôi đã có kinh nghiệm đối phó với những người như thế này. Joe Donnelly
Cuộc nói chuyện của ông với Đức Phanxicô cũng đã lâu. Bây giờ cuộc chiến đã thay đổi rất nhiều. Về những nỗ lực vì hòa bình của Vatican, ông thấy mọi thứ hiện nay như thế nào và vai trò của ông trong việc này?
Như tôi đã nói, tôi cố gắng nói lên một cách nhất quán và rõ ràng quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề này, đó là việc Putin và Nga đã tấn công Ukraine. Điều tích cực bây giờ là tình thế ở Ukraine đã thay đổi: Quân đội Ukraine đẩy lui và gần như mỗi ngày họ đã thành công trong việc đưa người Nga trở về đất nước họ. Vì vậy, chúng ta đang ở trong một tình huống khác so với lần đầu tiên tôi nói chuyện với giáo hoàng, khi đó tôi đặt câu hỏi: “Liệu họ có bám được và có sống còn không?” Bây giờ câu hỏi là: “Người Ukraine có thể đi bao xa? Liệu họ có thể đẩy người Nga về biên giới Nga không?”
Quý vị cố gắng tìm một tình thế mà Putin sẽ nói, “Đủ rồi.” Và trong quá khứ tôi đã có kinh nghiệm đối phó với những người như thế này. Tôi phục vụ trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang tại Thượng viện Hoa Kỳ, tôi đã đến Iraq năm hoặc sáu lần, đến Afghanistan năm hoặc sáu lần. Putin không phải là người đầu tiên tôi thấy ứng xử theo cách này. Thật không may, tôi nghĩ với Vladimir Putin, bạn phải đẩy lùi ông. Ông là kẻ bạo ngược.
Điều đó có khác gì cách mà Vatican tiếp cận vấn đề này không? Tôi vừa đọc quyển sách của tác giả Victor Gaetan, Các nhà ngoại giao của Chúa, God’s Diplomats, về các đại sứ của giáo hoàng. Tác giả đưa ra quan điểm, trong chính sách ngoại giao của Vatican, vì hòa bình là ưu tiên hàng đầu nên không bao giờ Vatican muốn rơi vào tình huống tạo ra người chiến thắng, kẻ thua cuộc. Tôi nghĩ đó là nỗi sợ hãi khi Putin ngày càng thất thường và leo thang đe dọa tấn công hạt nhân. Có căng thẳng giữa Tòa thánh và Hoa Kỳ trong việc này không?
Tôi sẽ không nói rằng có căng thẳng, không. Bà đã nghe Vatican nói Ukraine có quyền tự vệ. Ukraine có quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ mình. Ukraine có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình. Và đó là những gì họ đang làm. Họ đang theo tất cả những điểm cụ thể này. Đó là điều tôi liên tục cố gắng nhấn mạnh với Vatican: Nga tấn công. Nga xâm lược. Ukraine đang chiến đấu vì sự sống của họ. Điều tôi hy vọng Vatican hiểu và sẽ tiếp tục hiểu là, không có sự tương đương về đạo đức ở đây. Đơn giản là không. Và dù tất cả chúng ta đều muốn hòa bình, nhưng sẽ không phải là hòa bình nếu thỏa thuận đạt được là lấy căn nhà của gia đình bạn, chiếm thành phố của bạn. Đó không phải là hòa bình. Đó là dời chiến tranh qua một ngày khác.
Ông nói, ông nhấn mạnh điều này với Tòa thánh. Tôi tự hỏi liệu ông có nghĩ rằng họ đang hướng tới một sự tương đương về đạo đức hay không. Đây có phải là thứ mà ông đang chống lại họ không?
Chà, tôi rất hy vọng rằng thông điệp mà chúng tôi đưa ra cho họ là thông điệp mà họ hiểu rõ ràng.
Tôi cám ơn ông đã giải thích cho tôi. Tôi có một câu hỏi cuối cùng về Ukraine: Ông nghĩ việc giáo hoàng đến thăm Ukraine có nên không?
Tôi đã khuyến khích những người tôi nói chuyện ở Vatican, họ nên đến Ukraine. Tôi nghĩ khi tôi gặp giáo hoàng, tôi cũng khuyên ngài nên đi thăm Ukraine. Tôi nghĩ đó là một trong những tuyên bố đạo đức mạnh mẽ nhất mà thế giới có thể thấy về điều gì là đúng và điều gì là sai ở đây. Tôi cũng đã khuyến khích họ không tự trói buộc mình. Ý của tôi là, bạn đã nghe người ta nói, “Chà, giáo hoàng không thể đi Ukraine, trừ khi ngài cũng đến nước Nga”. Đúng, những gì bạn làm, bạn đưa ra đề nghị đi Nga. Nga nói rõ ràng rằng họ không muốn ngài đến. Giáo hoàng đã đưa ra đề nghị đó. Nếu họ nói họ không muốn ngài đến, thì bạn không nên đơn giản nói, “Chà, bây giờ tôi không thể đi Ukraine, vì Nga không cho tôi đi.”
Người dân Ukraine yêu mến ngài. Họ tin tưởng ở ngài. Sẽ là một khoảnh khắc phi thường khi thấy ngài ở Kyiv cầu nguyện với các gia đình mất người thân, những người đã mất con của họ trên chiến trường, để ngài đến thăm Bucha, nơi người Nga đã tra tấn và sát hại mọi người. Đó là cách lãnh đạo đạo đức sẽ có tác động đáng kinh ngạc trên toàn thế giới, và tôi nghĩ cũng sẽ là thời điểm cực kỳ mạnh mẽ cho cương vị giáo hoàng của ngài.
“Và dù tất cả chúng ta đều muốn hòa bình, nhưng sẽ không phải là hòa bình nếu thỏa thuận đạt được là lấy căn nhà của gia đình bạn, chiếm thành phố của bạn. Đó không phải là hòa bình. Đó là dời chiến tranh qua một ngày khác.” Joe Donnelly
Thay đổi câu chuyện, tôi muốn hỏi cảm nghĩ của ông về mối quan hệ của tổng thống Biden với Đức Phanxicô. Ông nghĩ gì về mối quan hệ của hai người. Nó như thế nào?
Tôi nghĩ họ có một mối quan hệ tuyệt vời. Họ rất hợp nhau. Họ nói chuyện với nhau. Bà sẽ cười chuyện này: khi tôi gặp tổng thống trước khi đi Rôma, ông đưa tôi một phong bì và nói: “Cái này dành cho Đức Thánh Cha. Tôi nói: ‘Được rồi, tôi sẽ bỏ thư vào túi và hy vọng tôi không quên.’ Khi gặp Đức Phanxicô, ngài cười và nói: ‘Ồ, ông đã không mở thư!’”
Họ có một mối quan hệ tuyệt vời. Và tôi sẽ nói với bà, tôi nghĩ chúng tôi có một mối quan hệ tuyệt vời, sứ quán Hoa Kỳ với Vatican, với Tòa thánh. Tổng giám mục Gallagher đã nói: “Chúng tôi có một quan hệ tích cực với nước Mỹ.” Và, một phần câu trả lời của ngài là: “Nhìn xem, chúng ta không đồng ý với nhau về mọi vấn đề. Có một số vấn đề họ không đồng ý với chúng tôi và có một số vấn đề chúng tôi không đồng ý với họ, nhưng chúng tôi rất rõ ràng với nhau. Chúng tôi tôn trọng nhau và cả hai cố gắng làm cho cuộc sống của người dân trên khắp thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.
Mọi người hỏi những gì liên quan đến quan điểm này. Rõ ràng là chúng tôi không cung cấp thị thực của tòa lãnh sự như các sứ quán khác. Điều gần nhất, sứ quán như một tổ chức Liên Hiệp Quốc, nơi nó là quyền lực đạo đức của Vatican. Giống như một sứ quán cam kết cho toàn cầu hoặc một cương vị cam kết toàn cầu, trong đó chúng tôi đang làm việc với Vatican về các vấn đề an ninh tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới, cố gắng giúp đỡ thông tin mà chúng tôi có thể có, để cùng nhau tìm cách chăm sóc sức khỏe cho người dân trên thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ, nơi Giáo hội công giáo cung cấp một phần bảy dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Và chúng tôi cũng làm việc về quyền con người và tự do tôn giáo, với người Duy Ngô Nhĩ đang ở trong các trại tập trung ở Tân Cương, Trung Quốc. Chúng tôi làm việc về những vấn đề đó. Ngoài ra, sự quan tâm của Đức Phanxicô về môi sinh với thông điệp ‘Laudato Si’ của ngài, cùng nhau làm việc để tìm cách kiểm soát việc khí hậu toàn cầu nóng lên.
Ông có nói gì thêm về các vấn đề an ninh mà Hoa Kỳ làm việc với Vatican không?
Chúng tôi có một nữ tu bị giam giữ và vừa được tự do: sơ Suellen Tennyson bị bắt cóc ở Burkina Faso và được tự do sau khi bị giam giữ năm tháng (chưa có thông tin về những người bắt sơ và các điều kiện để sơ được thả). Chúng tôi rất vui mừng khi sơ được về nhà. Vì vậy, chúng tôi trao đổi tin tức cho nhau, phần chúng tôi và phần của Vatican, chúng tôi có nghĩa vụ.
Và câu hỏi cuối, ông có muốn người dân Hoa Kỳ và có thể là người công giáo Hoa Kỳ nghe chương trình của chúng tôi, biết về mối quan hệ ngoại giao của chúng tôi với Vatican là gì không?
Đó là điểm mạnh, là tôn trọng lẫn nhau, nỗ lực của cả hai bên là cố gắng đảm bảo, cuối cùng, những nỗ lực của chúng tôi sẽ làm cho thế giới được an toàn hơn, giúp cuộc sống của con người tốt hơn, cung cấp thực phẩm đến những nơi cần hơn, giúp chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Chúng tôi là sứ quán Hoa Kỳ, nhưng tôi hy vọng khi Vatican nhìn chúng tôi, họ sẽ nói: “Quý vị biết không, họ cũng đang hoàn thành sứ mệnh của Chúa, trong việc làm cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch