Đức Phanxicô phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô I: một mục tử hiền lành và khiêm nhường
com la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-09-04
Sáng chúa nhật 4 tháng 9, Đức Phanxicô phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô I, ngài ca ngợi giáo hoàng Gioan-Phaolô I là người có khuôn mặt vui tươi “không bao giờ đóng cửa, không chai cứng lòng, không phàn nàn hay nuôi dưỡng oán hận”.
Sáng nay mưa rơi trên vài ngàn tín hữu đến dự lễ phong chân phước của một giáo hoàng phong cho một giáo hoàng khác tại Quảng trường Thánh Phêrô. Sáng chúa nhật 4 tháng 9, Đức Phanxicô chính thức tuyên bố Đức Gioan Phaolô I là “chân phước”. Trong bài giảng, ngài bày tỏ lòng kính trọng với người tiền nhiệm chỉ tại chức 33 ngày.
Đức Phanxicô giải thích: “Theo gương Chúa Giêsu, giáo hoàng Gioan-Phaolô I là mục tử hiền lành và khiêm nhường. Giáo hoàng đã khuyến khích những người theo ngài phải “thực sự” theo Chúa Giêsu, chứ không dùng “vẻ ngoài tôn giáo hoàn hảo” để “tìm uy tín cá nhân” hoặc bằng cách hài lòng với “một đức tin hoa hòe”, nhưng bằng cách “vác thập giá của chính mình và của người khác”.
Đức Gioan-Phaolô I: Khuôn mặt của một Giáo hội khiêm tốn
Đức Phanxicô tiếp tục: “Tân chân phước đã sống trong niềm vui của Tin Mừng, yêu thương đến tận cùng và không thỏa hiệp. Ngài là hiện thân tinh thần khó nghèo của người môn đệ, người không chỉ tách mình ra khỏi của cải vật chất, mà trên hết là vượt lên cám dỗ đặt cái tôi của mình vào trọng tâm và tìm kiếm vinh quang cho mình.”
Theo Đức Phanxicô, Đức Gioan-Phaolô I, thượng phụ Venice được bầu chọn năm 1978 với triều giáo hoàng ngắn nhất trong lịch sử đương đại, là hiện thân của “một Giáo hội với khuôn mặt vui tươi”. “Giáo hoàng mỉm cười” như biệt danh của ngài, ngài đã thành công trong việc truyền lại sự tốt lành của Chúa: “Ngài tự xem mình là hạt bụi mà Chúa đã rủ lòng viết.”
Ca ngợi một Giáo hội “không bao giờ đóng cửa”
Nhưng trên hết, Đức Phanxicô dựa vào hình ảnh của tân chân phước để ca ngợi tầm nhìn của ngài về Giáo hội. Ngài nói: “Một Giáo hội “không bao giờ đóng cửa, không chai cứng lòng, không phàn nàn hay nuôi dưỡng oán hận. Giáo hội không giận dữ, không bất dung, không cau có, cũng không đau khổ vì hoài niệm về quá khứ của mình”.
Làm thế nào Đức Gioan-Phaolô I lại được phong chân phước
Cuối cùng, Đức Phanxicô xin các tín hữu “tôi luyện bản thân khỏi những ý tưởng méo mó và khép kín về Thiên Chúa, để yêu mến Chúa và người anh em trong Giáo hội, trong xã hội, ngay cả với những người không nghĩ như chúng ta, thậm chí với cả kẻ thù”.
Một người hiền lành và thầm lặng
Trong số các giáo dân đội mưa dưới những chiếc dù sặc sỡ đặc trưng trong các ngày mưa ở Rôma, có nhiều người đến từ quê hương Veneto của Đức Gioan-Phaolô I. Bà Cristiana Constantini cùng với chồng là ông Maurizio đến từ Venice nhớ rất rõ “giáo hoàng Luciani” như mọi người gọi ngài hôm nay ở đây. Với một lý do rất xác đáng: 50 năm trước, ngài đã ban phép thêm sức cho họ. Bà đi với một nhóm các bạn trong vùng, bà cho biết: “Tôi nhớ hàng năm ngài đến giáo xứ chúng tôi, ngài nói chuyện với chúng tôi.”
Bà giữ hình ảnh của một mục tử hiền lành, ít nói, ngài dành thì giờ để tìm hiểu những người ngài gặp. Ngày ngài được bầu chọn, hai vợ chồng ở trên núi trong một khóa đào tạo dành cho người công giáo trong giáo phận. Bà nhớ lại: “Nhìn ngài xuất hiện trên ban công, trên truyền hình, chúng tôi không thể tin vào mắt mình.”
Ông Rino Pezzato, 77 tuổi, cũng đến từ Venice. Hôm nay ông nói: “Tôi đi vì bổn phận”, ông cũng nói giáo hoàng Gioan-Phaolô I là người khiêm tốn, ông gặp ngài lúc mới 10 tuổi: “Ngài quan tâm đến mọi người.” Trong số các người Ý đông đảo này có một số người nước ngoài, như nhóm các nữ tu từ Dòng Đức Mẹ An ủi đến Rôma trong một khóa huấn luyện kéo dài một tháng. Sơ Ana Maduedo, 37 tuổi cho biết: “Phải nói là tôi không biết gì về giáo hoàng Gioan-Phaolô I. Chắc chắn ngài là người đầu tiên thể hiện những gì được mong chờ ở Công đồng Vatican II.”
Cư ngụ tại Barcelona, nữ tu người Tây Ban Nha đọc tập sách nhỏ về Đức Gioan-Phaolô I được đặt trên các ghế của quảng trường. “Khi tôi nhìn ngài trong những bức ảnh này, tôi thấy đây là người tốt lành, thoải mái, khác xa với hình thức cứng nhắc mà đôi khi chúng tôi liên tưởng đến các giáo hoàng.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: “Gioan-Phaolô I”, một lựa chọn tên táo bạo