Câu chuyện đằng sau tác phẩm điêu khắc khổng lồ của Vatican về Chúa Giêsu sống lại sau sự hủy diệt hạt nhân

238

Câu chuyện đằng sau tác phẩm điêu khắc khổng lồ của Vatican về Chúa Giêsu sống lại sau sự hủy diệt hạt nhân

americamagazine.org, Christopher Parker, 2022-08-29

 

Đức Phanxicô gặp các sinh viên và giảng viên Đại học Romeís LUMSA ngày 14 tháng 11 năm 2019 ở Hội trường Phaolô VI, Vatican. (Ảnh CNS / Vatican Media)

Tuần trước, cư dân Twitter trên khắp thế giới đã có một khám phá đáng kinh ngạc: bức ảnh tác phẩm điêu khắc khổng lồ ở Hội trường Phaolô VI khi giáo hoàng đang đọc bài giáo lý hàng tuần của ngài.

Một câu tweet ngày 25 tháng 8 có 172.000 lượt người thích: “Tôi xin lỗi, đây là điều bình thường giáo hoàng đứng trước tác phẩm điêu khắc.” Và đó là câu hỏi hợp lệ. Tác phẩm điêu khắc tạo nên một ấn tượng.

“Tôi xin lỗi, đây là điều bình thường giáo hoàng đứng trước tác phẩm điêu khắc.” – (@picardie_aurora ngày 24 tháng 8 năm 2022)

Nhà điêu khắc Pericle Fazzini đã làm tác phẩm “Phục sinh” diễn tả Chúa Giêsu thăng thiên sau vụ nổ bom hạt nhân. Với kích thước khổng lồ 66 feet x 23 feet x 10 feet. Màu đồng héo úa tạo cho tác phẩm cảm giác ốm yếu và mục rửa, những nút thắt dị dạng xung quanh bàn chân Chúa Kitô gợi lên hình ảnh những bàn tay và hộp sọ bị tách rời.

Được đặt làm năm 1970 và khánh thành năm 1977, tác phẩm “Phục sinh” bắt nguồn từ thời sợ hãi về sự hủy diệt hạt nhân, các cuộc tập trận, các hầm trú ẩn chống bom nguyên tử trong khu phố. Sau đó và bây giờ, các nhà lãnh đạo trong Giáo hội công giáo kiên quyết tuyên bố chống vũ khí hạt nhân.

Nhà điêu khắc Pericle Fazzini đã thiết kế tác phẩm “Phục sinh” diễn tả Chúa Giêsu thăng thiên sau vụ nổ bom hạt nhân. Với kích thước khổng lồ 66 feet x 23 feet x 10 feet.

Đức Gioan XXIII khai mạc Công đồng Vatican II chỉ vài ngày trước khi Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba bắt đầu. Nhiệm kỳ giáo hoàng tương đối ngắn ngủi của ngài đánh dấu bằng những tuyên bố đầy ẩn ý chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả lời kêu gọi hòa bình qua đài phát thanh hướng tới Hoa Kỳ và Liên Xô ngày 25 tháng 10 năm 1962, và Đức Phanxicô cũng đã đề cập đến vấn đề này trong một bài diễn văn năm 2013.

Đức Gioan XXIII lên tiếng trong bài diễn văn: “Với lương tâm của anh chị em, xin mỗi người nghe tiếng kêu thống khổ cất lên trên bầu trời từ khắp mọi nơi trên trái đất, từ trẻ em vô tội đến người già, từ những người trong cộng đồng: Hòa bình, hòa bình!”.

Vài tháng sau, ngài ban hành thông điệp Hòa bình trên Trái đất “Pacem in Terris”, trong đó ngài lên án việc dùng và sở hữu bom hạt nhân.

Ngài viết: “Vì thế, công lý, lý trí đúng đắn và sự công nhận phẩm giá con người luôn đòi hỏi phải chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang. Các kho vũ khí ở các nước phải cùng lúc giảm toàn bộ. Vũ khí hạt nhân phải bị cấm.” Và Đức Phaolô VI, giáo hoàng kế vị Đức Gioan XXIII đã đặt nhà điêu khắc Fazzini làm tác phẩm “Phục sinh”. Theo trang web của Bảo tàng Vatican, ủy ban đã tranh luận trong bảy năm và chỉ trở thành chính thức sau “sự can thiệp cá nhân” của giáo hoàng. Kể từ đó, tác phẩm đứng sau mỗi giáo hoàng khi các ngài dùng Hội trường Phaolô VI.

Được đặt làm năm 1970 và khánh thành năm 1977, tác phẩm “Phục sinh” bắt nguồn từ thời sợ hãi về sự hủy diệt hạt nhân, các cuộc tập trận, các hầm trú ẩn chống bom nguyên tử trong khu phố. 

Từ đó hoạt động chống vũ khí hạt nhân của công giáo đã không ngừng phát triển. Ba năm sau khi tác phẩm điêu khắc hoàn thành, một nhóm các nhà hoạt động công giáo có tên là Plowshares Eight đã vào nhà máy General Electric ở King of Prussia, Pennsylvania để phản đối công việc của công ty chế tạo vũ khí hạt nhân. Họ đổ máu trên các bộ phận của đầu đạn hạt nhân và dùng búa làm hư máy. Tất cả đều bị bắt sau đó. Linh mục Carl Kabat Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ, người vừa qua đời tuần này là thành viên của nhóm ban đầu. Năm 1981, ngài nói trên trang America, ngài lấy trực tiếp từ Kinh Thánh lời kêu gọi bất tuân dân sự: “Chúa Kitô đã phá luật. Ngài lật bàn của những người đổi tiền và phụ trách đền thờ. Ngài chữa bệnh ngày sa-bát, Ngài gặt ngũ cốc ngày sa-bát.”

Phong trào Plowshares đã phát triển thành một mạng lưới những người biểu tình, cả công giáo và không công giáo chống lại việc dùng ngân quỹ cho vũ khí hủy diệt hàng loạt, thay vì quan tâm đến người nghèo. Họ đặt tên nhóm theo lời tiên tri Ê-sai kêu gọi các quốc gia “đúc gươm đao thành cuốc cày” để sản xuất lương thực (Is 2: 4).

Từ nhà tù năm 1979, linh mục Kabat nói: “Khi nhà nước đầu tư nguồn tài nguyên như vậy vào vũ khí hủy diệt, thì đó là một điều tốt cho tín hữu công giáo khi họ gặp rắc rối với nhà nước.”

Bất tuân dân sự vẫn là vũ khí chính được phong trào chống hạt nhân sử dụng. Bà Martha Hennessy, nhà hoạt động chống hạt nhân và là cháu của bà Dorothy Day đã phải ngồi tù 5 tháng từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021 vì tham gia vào một cuộc biểu tình Plowshares ở Kings Bay, New York.

“Chúng tôi không phạm tội giết người, lại càng không phạm tội giết người hàng loạt bằng loại vũ khí hiện đại này. Và việc thúc đẩy hòa bình chắc chắn là những gì chúng tôi được kêu gọi để làm”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Tác phẩm điêu khắc đóng vai trò như lời nhắc nhở về lịch sử 80 năm phản ứng của công giáo trước mối đe dọa chiến tranh hạt nhân.

Bà Hennessy cho rằng công chúng đã quen với sự tồn tại của vũ khí hạt nhân, bà lo ngại nhiều người đã thành dửng dưng với nó.

Bà nói: “Tôi tin những lời hùng biện và thuật ngữ bây giờ đang cố gắng xoa dịu để chúng ta chấp nhận sự tham gia hạn chế vào hạt nhân, tất cả đều là ngụy biện. Tất cả, như bà Dorothy nói, đó là chiến tranh tâm lý.”

Trong một e-mail, bà cảm thấy “mâu thuẫn” với hình ảnh của tác phẩm điêu khắc của Fazzini, bà tự hỏi liệu nó có làm chúng ta nhận thức rõ hơn về sự khủng khiếp của sự hủy diệt hạt nhân hay thực sự làm chúng ta mất nhạy cảm.

Trong tuyên bố chính thức tại tòa năm 2018, bà Hennessy đã trích dẫn “Học thuyết Xã hội của Giáo hội”, các Phúc âm và các tài liệu khác nhau của giáo hoàng Phanxicô. Bà cho biết, bà tin giáo lý của Giáo hội rõ ràng trong việc không khoan nhượng với vũ khí hạt nhân và khu chế tạo công nghiệp-quân sự.

Tháng 6 vừa qua, Đức Phanxicô đã khẳng định “việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như sở hữu chúng, là trái đạo đức.” Rủi ro đối với môi trường và không đầu tư cho người nghèo mà vũ khí hạt nhân thể hiện là những điểm đáng kể trong cương lĩnh của ngài.

Vì vậy, mặc dù nhiều người trên Twitter đã so sánh tác phẩm “Phục sinh” với bối cảnh của một trận chiến giữa các ông chủ trong trò chơi điện tử, tác phẩm điêu khắc đóng vai trò như lời nhắc nhở về lịch sử 80 năm phản ứng của Giáo hội công giáo trước mối đe dọa  chiến tranh hạt nhân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch