Đức Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin: tham lam là nguy hiểm cho xã hội

39

Đức Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin: tham lam là nguy hiểm cho xã hội

cath.ch, I.Media, 2022-08-31

Đức Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin  tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật 31 tháng 7-2022: “Cơn khát của cải không kiềm chế”, căn bệnh hủy hoại con người tạo ra “cơn nghiền” | © Vatican Media

Đức Phanxicô nói: “Tôi muốn để lại di sản gì? Tiền trong ngân hàng… hay những người hạnh phúc chung quanh tôi?” Đề cập đến các gia đình bị chia rẽ “vì tài sản cha mẹ để lại”, Đức Phanxicô đã dành suy gẫm của ngài cho tệ nạn do “lòng tham”, do “thèm khát của cải không kiềm chế”. Ngài nói, đó là căn bệnh hủy hoại con người bằng cách tạo ra “cơn nghiện”, sau đó đương sự trở thành nô lệ: “Dùng tiền là tốt, nhưng phục vụ tiền thì không.”

Ngài nói tiếp: “Tham lam cũng là một căn bệnh nguy hiểm cho xã hội, ngày nay đó là “một bất công lớn chưa từng có trong lịch sử, nơi một số người có rất nhiều và đại đa số có ít hoặc không có gì”. Tương tự như vậy, cơn khát tài nguyên và của cải “hầu như luôn góp phần” vào các cuộc chiến tranh và xung đột, đặc biệt là tệ nạn buôn bán vũ khí.

Nếu ước muốn “giàu có” là chính đáng, nhưng Đức Phanxicô khuyến khích nên “giàu có theo ý Chúa”. Ngài giải thích, sự giàu có được tạo nên từ lòng trắc ẩn và lòng thương xót này “không làm nghèo cho bất cứ ai, không tạo ra những cãi vã chia rẽ”, nhưng làm cho chúng ta “thích cho, thích phân phối, thích chia sẻ”. Vì vậy, “cuộc sống không phụ thuộc vào những gì chúng ta có” nhưng phụ thuộc vào các mối quan hệ tốt đẹp: với Chúa, với người khác và với những người có ít hơn.

Cảnh báo về “lòng tham đang ở trong lòng mỗi người”, Đức Phanxicô đặt một loạt các câu hỏi: “Tôi có bị cám dỗ, nhân danh tiền bạc và cơ hội mà hy sinh các mối quan hệ và thì giờ cho người khác không? Tôi có bị cám dỗ để hy sinh tính hợp pháp và trung thực để chạy theo lòng tham không? Tôi muốn để lại di sản nào? Tiền trong ngân hàng, những thứ vật chất, hay những người hạnh phúc xung quanh tôi, những việc làm tốt sẽ không bị lãng quên, những người mà tôi giúp đỡ để lớn lên, để  trưởng thành không?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt”, biểu tượng của chữa lành và hòa giải