Các tân hồng y làm cho mật nghị dễ khập khiễng… và khó khăn hơn

244

Các tân hồng y làm cho mật nghị dễ khập khiễng… và khó khăn hơn

cruxnow.com, John L. Allen Jr., 2022-05-30

Các hồng y mang khẩu trang trong Kinh Chiều ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Vatican, Thứ sáu 31 tháng 12 năm 2021. (Nguồn: Andrew Medichini / AP.)

Dù các hồng y trong Giáo hội có nhiều trách vụ khác nhau, nhưng không có việc nào của họ quan trọng cho bằng việc bầu chọn giáo hoàng. Theo đó, mỗi lần một giáo hoàng đương nhiệm công bố danh sách tân hồng y, vấn đề then chốt được đặt ra, liệu tác động của các chọn lựa này sẽ ảnh hưởng đến mật nghị như thế nào.

Liên quan đến 21 tân hồng y Đức Phanxicô công bố ngày chúa nhật 29 tháng 5, trong đó có 16 hồng y dưới 80 tuổi như thế hội đủ điều kiện để bầu giáo hoàng kế tiếp, vấn đề vừa dễ hơn lại vừa khó hơn để trả lời.

Bắt đầu với phần dễ dàng, có vẻ như rõ ràng, cơ bản, 16 tân cử tri chủ yếu là những người trung thành với đường lối của Phanxicô, họ chia sẻ cùng tầm nhìn tiến bộ rộng rãi với ngài. Điều này chắc chắn đúng với tân hồng y người Mỹ Robert McElroy ở San Diego, được xem là một trong những người theo chủ nghĩa tự do trung thành nhất trong Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Đúng vậy, trong một số trường hợp, Đức Phanxicô dường như để qua một bên các tổng giáo phận quan trọng do các hồng y lãnh đạo theo truyền thống để ủng hộ các nơi lân cận nhỏ hơn với mẫu số chung là những nơi này do các bạn hữu của ngài lãnh đạo.

Tân hồng y McElroy nhận mũ đỏ thay cho tổng giám mục Jose Gomez giáo phận Los Angeles, một trong những tổng giáo phận lớn nhất và phức tạp nhất thế giới, một tổng giáo phận được một hồng y lãnh đạo từ năm 1953, và chỉ cách San Diego 120 dặm. Tân hồng y McElroy được cho là người theo chủ nghĩa tự do theo chính sách của Giáo hội, còn tổng giám mục Gomez thường bị cho là người bảo thủ hơn.

Một trường hợp tương tự trong việc lựa chọn giám mục Peter Okpaleke, giáo phận Ekwulobia, Nigeria, thay vì chọn tổng giám mục Ignatius Kaigama của thủ đô Abuja, và lựa chọn giám mục Oscar Cantoni giáo phận Como Ý thay vì chọn tổng giám mục Mario Delpini giáo phận Milan. Como là thành phố nhỏ hơn nhiều so với Milan huy hoàng rực rỡ cách nhau không đến 30 cây số.

Điểm mấu chốt của động lực lựa chọn này là để có “tính liên tục” trong mật nghị tiếp theo, người kế vị Đức Phanxicô có cùng đường lối với ngài.

Bài toán số sẽ củng cố cho giả thuyết này, kể từ ngày 27 tháng 8 khi bắt đầu công nghị sẽ có 83 hồng y được Đức Phanxicô phong trong số 132 hồng y cử tri. Con số này cực kỳ gần với con số 87 hồng y hội đủ túc số để có hai phần ba phiếu bầu, nếu tất cả 132 cử tri tham dự mật nghị.

Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là: mật nghị cuối cùng có nhiều hồng y cử tri là do Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI phong, nhưng họ đã bầu cho Đức Phanxicô, vậy mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Ở khía cạnh “khó xảy ra bất trắc hơn” hầu hết các nhà quan sát cho rằng trong số các hồng y trong danh sách này không có hồng y nào có thể làm giáo hoàng. Ví dụ, nếu Đức Phanxicô phong cho giám mục Ignatius Kaigama 63 tuổi thì các hồng y đang tìm cách cắt đứt với thể chế hiện nay có thể xem ngài như một kiểu thay thế “trung-hữu”, với dấu chỉ bổ sung đây là giáo hoàng đầu tiên từ vùng phụ Sahara Châu Phi.

Hoặc một giải pháp thay thế khác, nếu Đức Phanxicô chọn  trưởng giáo chủ Sviatoslav Shevchuk của Giáo hội công giáo-hy lạp Ukraine thì ngay lập tức sẽ có suy diễn mật nghị tiếp theo – không chỉ vì ngài đại diện cho cuộc bỏ phiếu vì tình cảm trong cuộc xung đột giữa Ukraine với Nga, mà vì Shevchuk được xem là người đáng gờm trong giáo hội của ngài.

(Đúng ra, có một lập luận giáo hội học được đưa ra, không nên phong hồng y cho các giám mục phương Đông vì đó là văn phòng của giáo hội la-tinh, nhưng không vì thế mà cản trở các giáo hoàng trao mũ đỏ cho họ, hoặc ngăn các giám mục phương Đông nhận mũ đỏ.)

Cũng đúng với ít nhất một số các tân hồng y này có thể phải đối diện với những thách thức trong cương vị ứng viên giáo hoàng dựa trên hồ sơ của họ trong việc theo dõi hồ sơ các vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Chẳng hạn giám mục Oscar Cantoni, giáo phận Como, năm 2008 đã bị chính quyền dân sự Ý điều tra vì bị cáo buộc che đậy tội lạm dụng khi ngài là linh mục đại diện và một lần nữa vào năm 2017, ngài bị chất vấn trên một chương trình truyền hình Ý về việc che đậy lạm dụng trong một chủng viện của Vatican do giáo phận Como bảo trợ.

Còn tân hồng y Fernando Vérgez Alzaga, người giữ chức vụ chủ tịch Nhà nước Thành phố Vatican, là thành viên của Binh đoàn Chúa Kitô, Legion of Christ, một số người lo cho cương vị của ngài sẽ bị tổn hại vì có liên hệ với cố linh mục Marcial Degollado sáng lập Binh đoàn, người Mêxicô bị Vatican kết tội lạm dụng năm 2006.

Tuy nhiên, có lẽ lý do cơ bản làm cho việc dự đoán kết quả của mật nghị tiếp theo trở nên khó khăn vì nhiều lựa chọn tương đối không phù hợp với chính sách rộng rãi của Đức Phanxicô là vươn ra các vùng ngoại vi.

Rất khó để dự đoán hồng y mới đến từ Mông Cổ, có khả năng bỏ phiếu như thế nào trong mật nghị tiếp theo, hoặc từ Đông Timor, hoặc hồng y Ấn Độ đầu tiên từ đẳng cấp người Đali.

(Một số nhà quan sát nghĩ rằng chính sách trao mũ đỏ cho các vùng ngoại vi có thể có lợi cho hồng y cử tri Matteo Zuppi của giáo phận Bologna, được xem là đồng minh mạnh mẽ của Đức Phanxicô và là thành viên của cộng đoàn Sant’Egidio, từ lâu đã thực hiện nhiều công trình ở các vùng đất xa xôi. Ví dụ, chính hồng y Zuppi đã giúp đàm phán các hiệp định hòa bình Mozambique kết thúc cuộc nội chiến của đất nước vào năm 1992, đã mang lại cho ngài “uy tín đường phố” mạnh trong vùng. Tuy nhiên, đó chỉ là một linh cảm trong nhiều linh cảm.)

Hơn nữa, thực tế là rất nhiều hồng y của Đức Phanxicô đến từ các nơi xa xôi là những người không thường xuyên có mặt ở Rôma, có nghĩa hiện nay họ là các hồng y tương đối xa lạ với nhau. Gần đây một hồng y kỳ cựu của Vatican cho biết, trong lần mật nghị vừa qua ngài biết cá nhân khoảng hai phần ba trong số người tham dự, nếu bây giờ có mật nghị, ngài chỉ biết khoảng một phần ba.

Đại dịch Covid cũng góp phần làm mọi chuyện thành phức tạp, trong hai năm nay, việc đi lại quốc tế đã thành khó khăn, vì thế cơ hội để các hồng y tiếp xúc trực tiếp với nhau bị hạn chế rất nhiều. Ngoài việc thảo luận về một cuộc cải cách gần đây của giáo triều la-mã, có lẽ có một lý do khác để Đức Phanxicô xin các hồng y trên thế giới tập trung về Rôma cho công nghị sắp tới và sau đó có một vài ngày họp là để họ bắt đầu tìm hiểu nhau.

Sự thiếu quen thuộc này cho thấy phần lớn các hồng y cử tri lần đầu tiên sẽ học hỏi dần dần thay vì đến Rôma với các định kiến sẵn. Thực tế có thể lập luận có hai kết quả – hoặc một mật nghị kéo dài vì những khó khăn trong việc có được sự đồng ý giữa một nhóm các nhân vật đa dạng, hoặc một kết quả nhanh chóng vì nhiều tân hồng y sẽ đơn giản làm theo sự hướng dẫn của người mà họ tin tưởng biết thục địa.

Nói cách khác, chúng tôi không biết diễn tiến sẽ như thế nào… tất nhiên, đó là một phần của cuộc phiêu lưu của tất cả.

Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã làm xáo trộn các tính toán  truyền thống trong Giáo hội công giáo theo đủ mọi cách. Có lẽ chỉ đúng và chính vì vậy, những lựa chọn của ngài  cho mật nghị tiếp theo dường như cũng được định sẵn và để chúng ta phải đoán.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: 21 tân hồng y được Đức Phanxicô bổ nhiệm là ai?