Cai tri Giáo hội công giáo không phải là chuyện dễ dàng, nhưng cai trị Vatican lại là chuyện còn nguy hiểm hơn. Dù có tài năng như một chính trị gia và có cá tính mạnh mẽ, Đức Phanxicô 85 tuổi, phải đối diện với một loạt nghịch cảnh chưa từng có trong năm thứ mười triều giáo hoàng của ngài.
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, Rôma, 2022-05-13
Chưa bao giờ Đức Phanxicô phải đối diện với một loạt nghịch cảnh như vậy. Năm 2022 la năm thứ mười triều giáo hoàng của ngài, mọi thứ dường như đang âm mưu chống lại ngài. Rôma trong tình trạng hỗn loạn, luôn nhanh chóng đốt cháy những gì mình thích. Một số người thấy đây là giai đoạn trưởng thành của triều giáo hoàng. Một số khác thấy đây là “hồi cuối của triều giáo hoàng” theo cách nói thông dụng ở Rôma, Thành phố vĩnh cửu. Nhiều người đã suy nghĩ đến những chuyện tiếp theo. Nhưng Đức Phanxicô, 85 tuổi vẫn còn chiến đấu, ngài chưa nói lời cuối cùng. Năm thánh toàn thế giới sẽ được tổ chức năm 2025. Nhưng nhất là Vatican chuẩn bị cho cuộc cải cách chủ yếu của mình: “tính hiệp hành” vào năm 2024.
Ngài hy vọng sẽ hoán đổi Giáo hội, một Giáo hội xây dựng kiểu kim tự tháp, tập trung và giáo phẩm hóa, thành một cộng đồng dân chủ hơn, phi tập trung hơn, nơi quyền lực sẽ được chia sẻ nhiều hơn với giáo dân. Liệu ngài có làm được không? Một số người ủng hộ và ngưỡng mộ tham vọng này, một số hoài nghi sâu đậm, họ đã quen với những bí ẩn của một thể chế có hai ngàn năm lịch sử được xây dựng trên cơ sở tập trung hóa. Triều giáo hoàng cải cách, rực rỡ và… chia rẽ này, liệu sẽ lên được đỉnh cao hay sẽ suy tàn?
Tất cả các giáo hoàng đều biết biểu đồ pa-ra-bôn có lên có xuống. Điều quan trọng, Giáo hội là phạm vi của một triều giáo hoàng. Theo quan điểm này, những người của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI với những phẩm chất và những lỗi lầm của họ, vẫn còn rất nhiều.
Đức Phanxicô lắng nghe nhưng thích quyết định một mình trước nguy cơ bị cô lập. Ảnh: Stefano Spaziani.
Căng thẳng cao độ ở Vatican
Chẳng phải họ đã ghi dấu lâu dài qua bao thế hệ tín hữu và giáo sĩ đó sao? Và với Đức Phanxicô thì cũng vậy. Do đó, trong khuôn khổ Giáo hội, không ai dám mạo hiểm đánh giá quá sớm tiến trình sự việc. Một hồng y trẻ làm việc ở Vatican nhận xét: “Các giai đoạn khủng hoảng không nhất thiết phải là xấu; chúng mở ra cho những thực tại của Giáo hội mà hiện nay chúng ta không thể thấy được. Chúa không bỏ Hội thánh của Ngài.”
Hy vọng
Hy vọng là ở đó, đặc biệt là ở các tín hữu, nhưng dù sao từ “khủng hoảng” vẫn được thừa nhận. Với một số người, nó đã có từ khi Đức Phanxicô được bầu chọn. Với một số khác thì khủng hoảng chỉ mới có gần đây, kể cả những người ủng hộ ngài.
Tất cả đều đồng ý về bầu khí căng thẳng cao độ đang có ở Tòa thánh và không hề giảm, ngược với hình ảnh tốt đẹp được lan truyền trên thế giới và điều này đã làm thay đổi hình ảnh Giáo hội. Rõ ràng, với Đức Phanxicô, có những chống đối rất mạnh liên quan đến cá tính mạnh bị cho “tạo chia rẽ”. Tính cách “dứt điểm”, phong cách “độc đoán” là các tính từ thường nghe trong đời sống hàng ngày ở Vatican. Một số “tức giận”, một số cho là “kinh hãi”. Nhưng một cách khách quan hơn, một loạt hồ sơ khó khăn đôi khi làm rõ nét triều giáo hoàng. Một nhà quan sát người Ý lâu năm, đã thấy và nghe nhiều ở đô thị Vatican, ông tóm tắt trong một từ: “lộn xộn”. Ông nói chính xác, một lộn xộn “kiểu mỹ-la tinh” mà “tâm thức của người Âu châu” ngày càng khó nắm bắt hơn.
Trong những cơn lốc này, câu hỏi hàng đầu, đó là sức khỏe của giáo hoàng. Một đầu gối làm ngài bất động. “Nó sẽ không kéo dài”, các bác sĩ đảm bảo với ngài nhưng không chắc chắn. Một đề nghị phẫu thuật được đưa ra, nhưng cho đến lúc này đề nghị này có vẻ quá rủi ro. Không thể chịu đau hơn – lần đầu tiên cuối tháng 1 ngài đã cho biết chuyện này – ngày 3 tháng 5, ngài chích chất nhờn để đỡ đau. Ngài bị chứng đau khớp, một loại viêm cấp tính của dây chằng ở đầu gối phải, hệ quả của chứng đau thần kinh tọa ở hông mà ngài phải đi từng bước. Ngài cho rằng “bị nhục” vì bị bất động như thế này. Từ lâu ngài từ chối không xuất hiện trước công chúng với chiếc gậy hay ngồi xe lăn. Nhưng mỗi bước đi là một cực hình. Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 4 tháng 5, ngài phải dựa tay các cộng sự của ngài, gần như ngài không thể cử động chân phải. Cuối cùng ngày thứ năm 5 tháng 5, ngài phải ngồi trên xe lăn trước ống kính, trước đây ngài đã ngồi nhưng không quay phim, chụp hình.
Trong nhiều tháng Đức Phanxicô không muốn ngồi xe lăn xuất hiện trước giáo dân.
Còn về di chứng của lần phẫu thuật ruột ngày 16 tháng 7 năm 2021 thì chúng ta không biết đến. Vatican thì thầm với những tin đồn báo động nhất về vụ này, vì đây là một ca mổ rất nặng và khó hơn nhiều so với dự kiến. Không thể biết rõ thêm vì thiếu thông tin đáng tin cậy. Khách quan, Đức Phanxicô đã hoàn tất mọi cam kết của ngài sau thời gian dưỡng bệnh mùa hè năm 2021. Ngài có ba chuyến tông du quốc tế, Hungary và Slovakia, sau đó là đảo Síp và Hy Lạp, cuối cùng là đảo Malta, vào đầu tháng 4. Các chuyến đi quốc tế lớn đã lên kế hoạch, đặc biệt là Nam Sudan và Canada vào tháng 7. Còn Lebanon thì Vatican vừa chính thức “hủy bỏ”, nhưng chưa bao giờ xác nhận đó là do bất ổn chính trị. Vì thế không có gì có thể suy luận vào lúc này. Trong quyển sách đối thoại, Từ người nghèo đến giáo hoàng, từ giáo hoàng đến thế giới (Des pauvres au pape, du pape au monde, nxb. Seuil) Đức Phanxicô tâm sự: “Cho đến ba năm trước, tôi ăn được tất cả mọi thứ. Không may bây giờ tôi bị biến chứng đường ruột nặng, viêm túi thừa cấp tính, tôi phải ăn cơm, khoai tây luộc, cá nướng hoặc thịt gà. Đơn giản, đơn giản, đơn giản…”
Trong hậu trường “bạn cùng phòng” của giáo hoàng với người nghèo
Nga nổi giận với ngài
Đơn giản, nhưng mọi thứ trở nên phức tạp ở các cấp độ khác. Bắt đầu với hồ sơ đáng gờm của Nga và Ukraine, nơi người đứng đầu Giáo hội công giáo bị cả thế giới không hiểu vì sao ngài gượng nhẹ với Nga và trách NATO đã “sủa” ở Ukraine để cho “nước Nga nổi giận”. Trong tư cách là giáo hoàng, ngài luôn cầu xin hòa bình qua con đường thương thuyết. Ngài công kích chiến tranh, nhưng ngài không tố cáo kể xâm lược. Là người chủ hòa, ngài tấn công cuộc chạy đua vũ khí và sử dụng vũ khí nhưng từ chối bình luận về tính hợp pháp của việc phòng thủ có vũ trang của Ukraine. Dù sao ngài không muốn xác nhận việc cung cấp vũ khí. Đặc biệt là từ Hoa Kỳ… Một quan điểm không đứng vững mà Đức Phanxicô phải trả một giá đắt. Ngài cũng biết ngài sẽ bị trách cứ vì sự im lặng của mình nếu ngài im lặng.
Tuy nhiên, ngài vừa thành công trong việc chọc giận Nga vào ngày 3 tháng 5 mà với họ ngài không muốn cắt đứt quan hệ. Hôm đó, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với nhật báo Corriere della Sera, ngài xin gặp Putin ở Mátxcơva để xin ông chấm dứt chiến tranh. Yêu cầu tương tự cũng không thành công qua các kênh ngoại giao của Vatican vào giữa tháng 3. Bây giờ ngài muốn cả thế giới làm chứng. Điều này đã làm cho nước Nga tức giận. Chính phủ Nga khô khan trả lời: “Loại câu hỏi này phải qua con đường ngoại giao.” Nhưng phản ứng của tòa thượng phụ chính thống giáo Mátxcơva khe khắt hơn, vì trong cuộc phỏng vấn này, Đức Phanxicô đã công khai ám chỉ cuộc trao đổi của hai người qua video trực tuyến ngày 16 tháng 3, tòa thượng phụ giải thích: “Thật đáng tiếc, giáo hoàng đã chọn giọng điệu không phù hợp để công khai nói một trao đổi dành riêng.”
Và vì thế giáo hoàng và Vatican bị cô lập trên lãnh vực ngoại giao. Điều này cho thấy sự suy giảm ảnh hưởng của Giáo hội công giáo. Một chuyên gia mỹ-la tinh tại Rôma bình luận: “Giáo hoàng tưởng tượng, chỉ qua sự hiện diện của ngài trong các chuyến tông du là có thể giải quyết các vấn đề địa chính trị. Một hiện diện nhất thời dù lôi cuốn, an ủi được một ngày nhưng chưa bao giờ giải quyết được gì. Có một tự phụ ở Vatican cho rằng Vatican có khả năng giải quyết các xung đột của hành tinh.”
Một giáo triều chập mạch
Người ta nói Đức Phanxicô không nhất thiết phải tham khảo ý kiến của ban ngoại giao của mình, nhưng ngài nghiên cứu rất nhiều hồ sơ Nga-Ukraine trước khi nói chuyện với nhật báo hàng đầu Ý về quan điểm địa chính trị của ngài. Giáo triều Rôma lừng danh một thời, đáng gờm một thời cũng thường xuyên bị chập mạch với Đức Phanxicô. Tại đó, ngài muốn chấn chỉnh một trật tự đã được thiết lập, khi năm 2013 ngài đưa ra một “cuộc cải cách giáo triều“ rộng lớn. Cải cách của ngài sẽ có hiệu lực ngày 5 tháng 6, ngày Lễ Hiện Xuống. Tin tức mới nhất, và trước khi thực hiện, cuộc cải cách đã khơi dậy “rất nhiều phản kháng nội bộ”, một giám đốc điều hành cấp cao nói đến “một hình thức tê liệt.”
Câu chuyện nhỏ này nói lên tất cả: ngày lễ Thánh Giuse 19 tháng 3 vừa qua, nhiều người đã xúc động khi thấy Vatican chính thức công bố văn bản cải cách giáo triều mà không có một thông báo hoặc cuộc họp báo nào. Một văn bản đã được chờ đợi trong nhiều năm, “tông hiến” có tựa đề “Praedicate evangelium” (Loan báo Tin Mừng). Đây là lần thứ năm trong hai ngàn năm lịch sử, Giáo hội công giáo cải tổ chính quyền trung ương theo cách này. Thay vì một văn bản hoàn chỉnh thì đây là một văn bản đầy sai sót và có những lỗi cơ bản được công bố trước sự phẫn nộ của các luật gia Vatican. Ngay cả ban truyền thông Vatican cũng không ngờ. Trên thực tế, ngày hôm trước, Đức Phanxicô đã một mình quyết định công bố văn bản này vào ngày 19 tháng 3 – ngày lễ kính Thánh Giuse mà ngài rất tôn kính – ngài không tính đến tình trạng hoàn chỉnh của nó. Một nhân viên cấp cao của Vatican cho biết, đây là hành vi “điển hình”, giáo hoàng trực tiếp quản lý một số việc “mà ngài không nghe lời khuyên, các dịch vụ trước khi ban hành”.
Một làn gió bình đẳng đang thổi
Một trở ngại nhỏ như vậy là một chi tiết khi đối diện với phạm vi của cuộc cải cách. Điều này mang lại những thay đổi đáng kể. Điều quan trọng nhất là đặt, trên cùng một mặt bằng tất cả các bộ của giáo triều la-mã. Bộ Giáo lý Đức tin, là bộ cao nhất về phẩm giá và tầm quan trọng thấy mình bị tụt hạng sau bộ Truyền bá Phúc âm, chỉ ở trước một bộ mới thành lập dành cho các hoạt động từ thiện và nhân đạo. Có nghĩa là bãi bỏ hệ thống cấp bậc trong các bộ của Vatican. Tất cả đều được xem là bình đẳng. Đây là tinh thần mới mà giáo hoàng mong muốn: trước khi nói về giáo lý, Giáo hội phải “mục vụ” và giúp đỡ mọi người. Như người mục tử chăm sóc đàn chiên của mình. Và không dựa trên hình ảnh của một giáo sư đức hạnh sửa bài cho học sinh của mình. Giáo hoàng áp đặt một điểm mấu chốt khác hiện đang được các hồng y quan trọng tranh luận sôi nổi, đó là một nam hay nữ giáo dân có thể điều khiển một ban bộ của Vatican. Cho đến nay, chức vụ này chỉ dành cho các giám mục và hồng y vì những lý do thần học cơ bản liên quan đến chính hiến pháp của Giáo hội công giáo.
Một tiến triển lớn khác: người cho đến bây giờ được xem là thủ tướng, người đầu tiên của giáo hoàng, nhưng cũng là người đứng đầu giáo triều sẽ giữ chức danh “Ngoại trưởng”, nhưng thực tế chỉ là một tổng thư ký đơn thuần, quyền lực duy nhất là điều phối các bộ. Ông sẽ không còn ở trên cao. Do đó trong cuộc cải cách này, quyền lực của giáo hoàng được củng cố rất rõ ràng. Cuối cùng, gần như giáo hoàng là người quyết định tất cả mọi thứ. Giáo triều la-mã như đã từng là, cơ quan quản lý quyền lực trung tâm, dường như đã bị chặt đầu.
Điểm mấu chốt cuối cùng của cuộc cải cách này, trong đó thiết lập một sự kiểm soát kinh tế chặt chẽ: đó là giải tập trung. Vatican vẫn là Vatican, nhưng đặt mình ở vị trí phục vụ và không còn ở trên các hội đồng giám mục, các cơ cấu quốc gia của Giáo hội trên thế giới. Ngoài các vấn đề “về học thuyết, kỷ luật hoặc hiệp thông Giáo hội”, các hội đồng giám mục sẽ có thể quyết định các vấn đề địa phương mà không cần quy về Rôma. Điều mà giáo hoàng gọi trong hiến pháp mới của ngài là “một phân quyền lành mạnh” Ngài tóm tắt cuộc cải cách của mình bằng một từ: “tinh thần hiệp hành”.
Thượng hội đồng sôi sục
“Thượng hội đồng” thực sự là cải cách vĩ đại của Đức Phanxicô. Từ này có nghĩa là “quy lại”. Đây là truyền thống xưa nhất trong kitô giáo, tất cả các quyết định được đưa ra tập thể dưới sự lãnh đạo của người lãnh đạo cộng đồng. Các Giáo hội chính thống đều giữ truyền thống này. Một thượng phụ – danh hiệu của người đứng đầu Giáo hội – dù quyền lực của ông đến đâu cũng không thể quyết định bất cứ điều gì nếu không có sự biểu quyết của thượng hội đồng thánh của ông gồm tất cả các giám mục. Tinh thần tập thể, dân chủ, liên kết các tín hữu, nam và nữ này, Đức Phanxicô muốn thấm nhuần vào tất cả các cấp quản trị của Giáo hội công giáo, giáo xứ, giáo phận, hội đồng giám mục, Tòa thánh. Vì lý do này, năm 2021, ngài thành lập một thượng hội đồng đặc biệt về “tính hiệp hành” trong toàn Giáo hội công giáo. Năm 2022 thượng hội đồng bắt đầu ở tất cả các giáo phận. Một phiên họp cuối cùng và mang tính quyết định sẽ diễn ra tại Rôma tháng 10 năm 2023. Thượng hội đồng sẽ bỏ phiếu về các đề xuất mà Đức Phanxicô dự định thực hiện vào đầu năm 2024.
Lấy cảm hứng từ sự quản lý của các Giáo hội chính thống và các Giáo hội tin lành, “cuộc cách mạng” này nếu xảy ra, sẽ là một thay đổi hoàn toàn về văn hóa trong thế giới công giáo quen tuân theo các quyết định của hệ thống phẩm trật. Nó tạo lo lắng sâu sắc ở Rôma trong bối cảnh kinh nghiệm của một thượng hội đồng địa phương của Giáo hội Đức, nơi các nhà cải cách táo bạo tranh đua bàn các vấn đề nhạy cảm: hôn nhân của các linh mục, tiếp nhận người đồng tính, vị trí của phụ nữ. Vatican đang theo dõi, nhưng dường như đã mất kiểm soát trước sáng kiến này. Đức Phanxicô đã cảnh báo Giáo hội Đức về khả năng đi ra khỏi con đường, nhưng một cách kỳ lạ, ngài bổ nhiệm tổng giám mục Luxembourg, giám mục Dòng Tên Jean-Claude Hollerich vào vị trí chủ chốt “tường trình viên” của thượng hội đồng la-mã sắp tới về “tính hiệp hành”, một giám mục ủng hộ các khuynh hướng… Tổng giám mục Hollerich là người thân cận với Đức Phanxicô được phong hồng y năm 2019. Ngài đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ sự tiến triển của Giáo hội về đồng tính – “các quan điểm của Giáo hội về tính cách tội lỗi của quan hệ đồng tính là sai lầm”, nghĩ – và cho rằng thượng hội đồng sắp tới sẽ phải xem lại cách nói về các vấn đề đạo đức. Tháng 1 vừa qua ngài nói với báo La Croix, “các linh mục đồng tính có thể nói chuyện với giám mục của họ về điều này mà không bị giám mục lên án”. Ngài cũng đặt câu hỏi: “Liên quan đến đời sống độc thân linh mục, chúng ta hãy thẳng thắn hỏi, một linh mục có nhất thiết phải độc thân không?”
Hồng y Jean-Claude Hollerich: “Để được nghe, Giáo hội phải thay đổi phương pháp của mình”
Những lời nói làm ngài bị hồng y người Úc nổi tiếng nói thẳng George Pell công khai lên tiếng phản đối. Giữa tháng 3, hồng y đã yêu cầu Bộ Giáo lý Đức tin chính thức can thiệp chống lại những lời của hồng y Hollerich và chống lại những lập trường tương tự của chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Georg Bätzing, người đứng đầu hội đồng nổi tiếng của Đức. trong thực tế, trở thành một loại phòng thí nghiệm của Giáo hội.
Được Đức Phanxicô kính trọng, hồng y người Úc George Pell là người chỉ trích đáng sợ.
Chống lại việc đi lui lại đằng sau
Các tầm nhìn của Giáo hội chống đối và đấu tranh công khai dưới triều giáo hoàng này. Giáo hoàng không đóng vai trò trọng tài. Ngài ở trong công cuộc cải cách, như ngài đã tâm sự tháng 9 năm ngoái khi ngài nói chuyện với các tu sĩ Dòng Tên Slovakia ngài gặp ở Bratislava. Ngài nói với họ về “nỗi đau” của ngài khi chứng kiến “tư tưởng đi lui” vẫn còn tồn tại trong Giáo hội, đặc biệt là “ở một số quốc gia” bởi vì “tự do là điều đáng sợ”.
Ngài tâm sự với họ, chính cuộc chiến chống lại “tư tưởng đi lui” này đã là động lực làm cho ngài quyết định, tháng 7 năm 2021, ngừng các quy tắc nhằm ngăn chặn sự phát triển của các giáo xứ theo nghi thức Tridentin, một hiện tượng ở Pháp và ở Mỹ. Điều này đã không xảy ra trong thế giới theo chủ nghĩa truyền thống. Tuy nhiên ngài dứt khoát. Ngài nói với các tu sĩ Dòng Tên: “Tôi sẽ tiếp tục đi trên con đường này,” ngài chống lại các linh mục trẻ, vừa mới chịu chức đã xin giám mục cho họ “cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh”. Ngài gằn mạnh: “Họ phải hạ cánh xuống đất.”
Đường hướng gay go. Một nhóm bà mẹ của các linh mục có khoảng 30 người tuổi từ 60 đến 70, vừa đi bộ từ Paris đến Rôma để xin Đức Phanxicô giảm nhẹ cải cách này. Chỉ có một người có thể đến chào ngài trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ở Quảng trường Thánh Phêrô như hàng trăm người khác. Một phút dành cho các bà mẹ tuổi cao này đã cố gắng đi bộ 1.500 cây số trong tám tuần vẫn còn ít với giáo hoàng của “lòng thương xót”.
Các bà mẹ của các linh mục Pháp đi bộ từ Paris đến Rôma để xin cho các linh mục được cử hành phụng vụ theo nghi thức tridentin.
“Tôi vẫn còn sống”
Cũng để minh họa cho người Pháp thấy mong muốn chống “tư tưởng đi lui” này là các bổ nhiệm như việc bổ nhiệm tân Tổng giám mục Paris, giám mục Laurent Ulrich. Giám mục phù hợp với Đức Phanxicô về nhiều chủ đề, như vấn đề nhập cư, và trên thực tế là đoạn tuyệt với di sản của hồng y Lustiger. Quyết định đầu tiên của Giám mục Ulrich chắc chắn sẽ là phát động một thượng hội đồng ở Paris như ngài đã làm ở Lille và Chambéry, hai giáo phận trước đây của ngài. Sự lựa chọn này của giáo hoàng đã gây sốc cho đa số 500 linh mục của Paris, đặc biệt là các linh mục trẻ. Tuy nhiên, các linh mục này sẽ không hiện diện ở đây nếu không có hành động tiên tri của hồng y Lustiger xuất thân từ do thái giáo, người điều hành từ năm 1981 đến năm 2005 một giáo phận đang suy tàn do hồng y Marty để lại. Nếu không có hồng y Lustiger và di sản của ngài, thì Giáo hội hưng thịnh Paris – dù cũng có những lỗi lầm lớn – thì ngày nay cũng như Giáo hội hoàng hôn ở Bruxelles, một Giáo hội chọn chủ nghĩa tiến bộ dưới sự lãnh đạo của hồng y Godfried Danneels. Qua đời năm 2019, rất tích cực trong mật nghị 2013, hồng y Danneels là một trong những người chủ chốt trong lần bầu Đức Phanxicô. Đức Phanxicô đã đặt hồng y đứng bên cạnh ngài trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng ở ban công Đền thờ Thánh Phêrô tối 13 tháng 3 – 2013.
Tổng giám mục Laurent Ulrich, tân giám mục giáo phận Paris, ngài theo đường hướng của Đức Phanxicô.
Và đó là hai cái nhìn của Giáo hội. Ngày nay chắc chắn là bổ sung nhưng khá trái ngược với trọng tâm là vấn đề về chức tư tế. Ở Rôma, nhiều người tự hỏi liệu Giáo hội công giáo mang tính hiệp hành, ít kim tự tháp này có khắc phục được tình trạng giảm sút ơn gọi hay không. Các ơn gọi chỉ được duy trì ở châu Phi và ở một số quốc gia châu Á, nhưng đã giảm 28% trong mười năm qua ở Ý… Đó là báo động đỏ ở vương quốc công giáo và bây giờ là ở Vatican.
Phải nói thật, một Vatican trở nên tệ hơn. Đã có tất cả những hồ sơ này, và bây giờ thêm một vụ khác làm nhiễm độc bầu khí. Một vụ bồi thêm. Đó là phiên tòa đang diễn ra tại tòa án Vatican về hồng y Angelo Becciu, cựu nhân vật số 3 của Vatican bị giáo hoàng sa thải tháng 9 năm 2020 vì một vụ đầu tư bất động sản ở London. Các phiên họp cho thấy quan chức cấp cao này đã hành động, trong vụ đầu tư thiếu thận trọng này, theo lệnh của… giáo hoàng. Phán quyết còn lâu mới tuyên, nhưng trong thế giới nhỏ bé này của Vatican, “sự lộn xộn” thực sự đã đến cực điểm.
Trong bầu khí độc hại của “cuối triều”, một số hồng y chuẩn bị cho tương lai hay đúng hơn là cho… mật nghị tiếp theo. Chính Đức Phanxicô cũng đã công nhận điều này trước các tu sĩ Dòng Tên Slovakia. Những lời của ngài, được ghi lại và đăng trên tạp chí Văn minh Công giáo, La Civiltà cattolica, tạp chí tham khảo của Dòng Tên là chắc chắn, ngài nói với họ: “Tôi vẫn còn sống dù có nhiều người muốn thấy tôi chết. Tôi biết các cuộc họp đã được tổ chức giữa các giám mục, những người nghĩ rằng giáo hoàng đang làm xấu hơn những gì đã nói. Họ đang chuẩn bị cho mật nghị. Kiên nhẫn?! Tạ ơn Chúa, tôi không sao.”
Đã có danh sách những người có thể làm giáo hoàng, ‘papabili’
Giáo hoàng có thông tin rất tốt vì ngài biết dùng các phương tiện. Điều này tạo một bầu khí nghi ngờ khó thở ở Vatican. Thực tế cũng có nhiều cuộc họp này đã diễn ra. Như những chuyện bình thường khác. Năm 1998, khi Đức Gioan-Phaolô II bị bệnh Parkison, bối cảnh này cũng đã xảy ra. Tuy nhiên, những cuộc họp bị Đức Phanxicô tố cáo này không phải chỉ có “những người bảo thủ”.
Theo sáng kiến của linh mục Mark Massa, tu sĩ Dòng Tên Mỹ đã có một cuộc họp rất kín đáo, thậm chí bí mật được tổ chức ở Chicago vào ngày 25 và 26 tháng 3 với các hồng y và giám mục lỗi lạc từ khắp nơi trên thế giới. Ý tưởng là để hiểu “sự chống đối với Đức Phanxicô”. Hồng y Oscar Rodríguez Maradiaga lúc đó đã nói với trang National Catholic Reporter: “Sự ‘chống đối này’ cố gắng xây những bức tường, để đi lui, để nhìn lại phụng vụ cũ hoặc những thứ có từ trước Công đồng Vatican II.”
Linh mục đấu tranh cho “tính hiệp hành” này. Đây là “điều quan trọng nhất”, vì sẽ cho phép “loại bỏ quá trình viện đến Rôma”, linh mục nêu rõ: “Chúng tôi muốn chứng tỏ sự chống đối đối với Đức Phanxicô ở mức độ lớn là sự chống đối Công đồng Vatican II.” Những lời biếm họa mà ở Rôma không ai là không biết. Giáo hội tinh tế hơn tầm nhìn đen trắng này. Sáng kiến này của Hoa Kỳ nhấn mạnh các quan điểm của thượng hội đồng về tính hiệp hành, được công bố một cách hiệu quả là trận chiến cuối cùng và to lớn của Đức Phanxicô ngay cả khi ngài bị bất động.
Đối với danh sách những người có thể làm giáo hoàng, danh sách này đang bắt đầu lưu hành ở Rôma. Đây là thói quen. Nó chưa bao giờ góp phần bầu chọn giáo hoàng. Hai hồng y được nhấn mạnh lúc này là: hồng y Matteo Maria Zuppi, tổng giám mục Bologna, của cộng đồng Sant’Egidio và rất thân với Đức Phanxicô. Và đáng ngạc nhiên là hồng y Péter Erdo của Budapest khá bảo thủ. Đây chỉ là suy đoán thuần túy. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: với các hồng y tiếp theo mà Đức Phanxicô sẽ bổ nhiệm vào mùa thu này hoặc mùa xuân năm sau thì hai phần ba số hồng y cho mật nghị tiếp theo là do Đức Phanxicô chọn. Đây là đa số cần thiết để bầu người kế nhiệm. Một trong các cộng tác viên của ngài nói: “Đức Phanxicô theo dõi tất cả, đến từng chi tiết cuối cùng.”
Hồng y Zuppi, giáo phận Bologne, người thân cận với Đức Phanxicô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Những hồi cuối trị vì?