Linh đạo: nơi để mọi người có đức tin tụ về  

281

Linh đạo: nơi để mọi người có đức tin tụ về

Ronald Rolheiser, 2022-05-09

Đâu là nơi mà người có đức chúng ta có thể tụ về vượt lên chia rẽ do lịch sử, giáo lý, giáo phái và tôn giáo? Đâu là nơi cho tất cả những người thiện tâm có thể tìm được điểm chung và cùng nhau thờ phượng?

Nơi đó được tìm thấy trong việc mưu cầu một linh đạo liên tôn giáo và đại kết không, các học viện thần học cũng như chủng viện cần phải tạo được không gian này trong tầm nhìn và cấu trúc học thuật của mình.

Linh đạo như một khuôn khổ học thuật trong các học viện thần học và chủng viện của chúng ta như thế nào? Linh đạo đã có từ lâu, dù mang nhiều cái tên khác nhau. Trong giới công giáo la-mã, trước đây nó được phân ra từng mảng, là thần học luân lý, phụng vụ, thần học khổ hạnh, văn học mộ đạo và thần nghiệm. Trong giới tin lành và phái phúc âm (cho đến gần đây, văn học mộ đạo và thần nghiệm vẫn không được tín nhiệm) thì có nhiều khóa học về cương vị môn đệ, thờ phượng và luân lý kitô giáo.

Vậy linh đạo là một lĩnh vực nghiên cứu sao? Dù có khả năng tối giản quá đáng, nhưng tôi xin phép đưa ra một phép loại suy để hiểu cách linh đạo liên quan đến thần học và giáo lý. Cách linh đạo liên quan đến thần học và giáo lý cũng như cách trận đấu thể thao liên quan đến sách luật của môn thể thao đó.

Ví dụ như, môn bóng chuyền có luật chơi, được soạn thảo ban đầu rồi được chỉnh sửa theo từng giai đoạn trong nhiều năm lịch sử của bộ môn này. Thời nay người ta áp dụng luật này khi chơi bóng chuyền. Không thể chơi ngoài những luật đó được. Tuy nhiên, dù những luật này đưa ra quy tắc để chơi bóng, nhưng không phải là trận đấu. Luật chỉ xác định cách chơi và bảo đảm trận đấu được chơi một cách công bằng.

Về căn bản, đó chính là vai trò thiết yếu của thần học và giáo lý. Chúng là sách luật để chúng ta biết cách phân định đức tin và việc thực hành tôn giáo khi chúng ta sống trong cương vị môn đệ, nếu như chúng ta nhận mình là kitô hữu. Nhưng chúng làm nên luật, còn linh đạo là trận đấu thật sự, là cách chúng ta sống đức tin và cương vị môn đệ trong việc thực hành thực tế.

Do đó, linh đạo có trong luân lý và đạo đức, việc thờ phượng, thần học khổ hạnh, thần học thần nghiệm, thần học mộ đạo và mọi thứ chúng ta làm khi sống cương vị môn đệ.  Thần học đưa ra luật lệ, còn linh đạo cố truyền động lực, ngọn lửa, hy vọng và hướng dẫn thực hành cho cuộc chơi, cho đời sống cương vị môn đệ.

Tôi đưa ra biện giải nho nhỏ này cho linh đạo trong tư cách một khuôn khổ học thuật, để xác nhận, linh đạo là nơi những người có đức tin cùng chung một tấm lòng có thể đến với nhau vượt lên những chia rẽ lâu dài do lịch sử, giáo lý, giáo hội học và các quan niệm đức tin khác biệt. Linh đạo là nơi mà chúng ta có thể gặp trong thông hiệp đức tin, đưa chúng ta (ít nhất trong không gian và thời khắc này) vượt lên những khác biệt lịch sử, giáo phái, tôn giáo và quan niệm đức tin.

Tôi biết đúng là như thế vì tôi đã thấy và đang thấy trực tiếp. Học viện Thần học Dòng Hiến sĩ, nơi tôi dạy, có Viện Thần học Đương đại, nơi đạo công giáo la-mã, tin lành và phái phúc âm cùng nhau học hỏi, nghiên cứu và cầu nguyện, không có khác biệt tôn giáo nào len lỏi vào. Tất cả mọi người, dù thuộc giáo phái nào đều tìm kiếm những điều như nhau: Làm môn đệ Chúa Giêsu thời nay nghĩa là gì? Làm thế nào để chân thành cầu nguyện? Làm thế nào để giữ vững đức tin trong một thế giới thế tục dễ dàng nuốt chửng chúng ta? Làm thế nào để truyền đức tin cho con cháu chúng ta? Làm thế nào để vừa là ngôn sứ vừa là người chữa lành trong thế giới chia rẽ chua cay này? Phản ứng dựa trên đức tin đối với bất công là gì? Làm sao để già đi tốt đẹp và chết lành? Những thấu suốt và ân sủng nào chúng ta có thể rút ra từ những suối nguồn thâm sâu của thần nghiệm kitô giáo và hạnh các thánh để hướng dẫn cuộc sống chúng ta?

Ai cũng có cùng những câu hỏi giống nhau và ai cũng đi tìm ở những nơi cũng giống nhau.

Chủ nghĩa giáo phái rút lui khi linh đạo xuất hiện.

Hơn nữa, điều này không chỉ liên quan đến việc đến cùng nhau vượt lên các khác biệt giáo phái kitô giáo, đối với sự tách biệt của chúng ta với các tôn giáo khác cũng vậy. Những câu hỏi mà tín hữu kitô chúng ta đang băn khoăn cũng là những câu hỏi lớn đối với các tôn giáo khác như ấn giáo, phật giáo, hồi giáo, lão giáo và những tín hữu khác đang cần chúng ta giúp cũng như chúng ta cần họ giúp. Trong linh đạo, người tín hữu kitô học hỏi từ thần nghiệm hồi giáo Sufi, còn tín hữu hồi giáo thì học hỏi từ Thánh Mẫu học và thần nghiệm kitô giáo. Phật giáo, ấn giáo và lão giáo học hỏi từ Linh thao của thánh Inhaxiô, tín hữu kitô cũng học hỏi nhiều từ các phương pháp thiền của phật giáo và ấn giáo.

Chúa Giêsu đã quả quyết với chúng ta: trong nhà Chúa có nhiều chỗ. Linh đạo là một trong những chỗ đó. Linh đạo là căn phòng nơi tất cả những ai đang băn khoăn cho một nhu cầu chung, một tìm kiếm chung và hy vọng chung, có thể tạm gác lại những khác biệt tôn giáo và giáo phái của mình, để cùng nhau đến căn phòng này tìm kiếm.

Đừng hiểu nhầm tôi, chuyện này không xóa nhòa những khác biệt của chúng ta, nhưng nó cho chúng ta một nơi để chúng ta có thể dự phần trong hiệp thông sự sống và đức tin với nhau, dù có những khác biệt này.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài đọc thêm: Thần học và Thiêng liêng, viết hay viết về thần học và thiêng liêng