Đức Phanxicô đi Malta, một chuyến đi và ba nhân vật nổi bật ở Vatican

84

Đức Phanxicô đi Malta, một chuyến đi và ba nhân vật nổi bật ở Vatican

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2022-04-01

Thời sự Vatican dưới cái nhìn của phóng viên báo La Vie tại Rôma, ngày 2 và 3 tháng 4 -2022, Đức Phanxicô sẽ đi Malta, đây là dịp để khám phá đất nước nhỏ bé này và các nhân vật Malta có ảnh hưởng đáng kể ở Vatican.

Ngày 2 và 3 tháng 4, Đức Phanxicô sẽ đi Malta, một quốc gia có những nét rất đặc biệt. Sách Tông đồ Công vụ kể thuyền của Thánh Phaolô bị mắc cạn trên bờ biển khi ngài đang trên đường đến Rô-ma, vào khoảng năm 60.

Thánh Phaolô là thánh bổn mạng của quốc gia nhỏ nhất Liên minh châu Âu – 316 cây số vuông – và 95% dân số là người công giáo. Nếu công giáo là quốc giáo ở đây, văn hóa Malta có sự pha trộn kỳ lạ giữa chủ nghĩa tiến bộ và chủ nghĩa bảo thủ xã hội. Vì thế việc phá thai bị cấm và có thể bị tù, nhưng ly dị được hợp pháp hóa vào cuối năm 2011.

Nhưng Malta được xem là một trong những nước “thân thiện với người đồng tính” nhất châu Âu. Năm 2014, luật cho phép kết hôn đồng giới và các cặp đồng tính được quyền nhận nuôi con nuôi với 66 trên tổng số 67 phiếu bầu tại Nghị viện. Malta cũng là quốc gia đầu tiên hình sự hóa “liệu pháp chuyển đổi” hay “chữa lành” cho người đồng tính năm 2016.

Người di cư, một vấn đề ở Malta

Như ở khắp châu Âu, dù có một cách biệt so với các nước khác, làn gió thế tục hóa đang thổi qua quần đảo có bốn hòn đảo này (Malta và Gozo là hai hòn đảo chính và được biết đến nhiều nhất), dưới tác động chung của việc gia nhập Liên minh Âu châu năm 2004, sự bùng nổ của kỹ nghệ du lịch và làn sóng người lao động nước ngoài đã đến đảo. Ở đây cũng vậy, số lượng giáo dân đi lễ sụt giảm trầm trọng và thể chế đã không còn là người hướng dẫn cho thế hệ trẻ. Tham nhũng cũng là một vấn đề lớn, biểu hiện qua vụ sát hại nhà báo điều tra Daphne Caruana Galizia năm 2017.

Nhưng nếu Đức Phanxicô chọn đặt chân lên đất Malta, theo bước chân của Thánh Phaolô, thì chuyến đi này chủ yếu liên quan đến người di cư. Malta đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc hành hương ở Địa Trung Hải của ngài, bắt đầu ở Lampedusa, tiếp theo là Síp và Hy Lạp, và một số người hy vọng ngài sẽ tiếp tục ở Marseille, nước Pháp. Một trong những thời điểm quan trọng của chuyến đi là cuộc gặp người di cư ngày 3 tháng 4 ở thành phố Hal Far, miền nam đất nước tại trung tâm “Thực nghiệm Hòa bình Gioan XXIII”.

Vì vị trí của Malta, nằm giữa bờ biển Bắc Phi và châu Âu, Malta phải giải quyết làn sóng người di cư đáng kể so với đất nước nhỏ bé và dân số của họ, họ thường xuyên xin châu Âu giúp đỡ. Hầu hết người di cư cập bến bắt đầu họ bị giam giữ, thường là trong những điều kiện khắc nghiệt, đất nước có chính sách ngăn cản kể cả việc cải tạo và “giam giữ có hệ thống”.

Hệ thống này đã bị Tổ chức Ân xá Quốc tế tố cáo trong một báo cáo năm 2020: “Một số biện pháp mà chính quyền Malta thực hiện có thể đã kích động các hành vi phạm tội, dẫn đến những cái chết có thể tránh được, giam giữ tùy tiện kéo dài và trở về Lybia bất hợp pháp bị tàn phá bởi chiến tranh.”

Tổng giám mục Charles Scicluna, nhân vật trung tâm của Giáo triều

Nhưng Malta cũng rất hiện diện ở Vatican, nơi Malta có thể tự hào về ba “đại sứ” của mình. Ba người trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhất hiện nay ở Giáo triều. Trước hết là tổng giám mục Charles Scicluna, tổng giám mục Malta từ năm 2015, luật gia, giám mục đã dành phần lớn sự nghiệp của ngài ở Giáo triều, là phụ tá thư ký của Bộ Giáo lý Đức tin từ năm 2018, một trong những bộ được Đức Phanxicô đang tái tổ chức.

Có biệt danh “Eliott Ness” của Vatican, ngài phụ trách điều tra những vụ tế nhị nhất trong những năm gần đây: Marcial Maciel và Binh đoàn Chúa Kitô, hay các vụ lạm dụng tình dục ở Chi-lê – mà sau cuộc điều tra, phát hiện ra báo cáo của điều tra viên đặc biệt, Đức Phanxicô đã xin các nạn nhân tha thứ và kêu gọi tất cả các giám mục Chi-lê phải làm đơn từ chức.

Một giá trị đảm bảo từ nhiều năm nay, vừa kín đáo, vừa cởi mở với giới truyền thông, nổi tiếng về sự nghiêm túc, giám mục là một trong những nhân tố chính của suy tư và các cải cách của Đức Phanxicô.

Giám mục Malta, Mario Grech năm 2019 nói với chúng tôi: “Ngài là người làm việc chăm chỉ, vui tươi, uyên bác, thẳng thắn, tài năng, rất sốt sắng, khiêm tốn, phục vụ, tôn trọng, hợp tác và hỗ trợ. Ngài có một tinh thần trong sáng và xuất sắc, một trái nồng hậu và một đôi mắt đầy ngôn ngữ. Nhưng trên hết ngài là người của cầu nguyện”, hồng y Grech đã biết giám mục Scicluna từ khi còn ở chủng viện và xem ngài như “người đỡ đầu” và là “một người bạn”.

 Đức Phanxicô và tổng giám mục Charles Scicluna

Hồng y Mario Grech, ngôi sao đang lên của Vatican

Người Malta thứ hai là hồng y Mario Grech. Cựu giám mục của Gozo (2005-2019), hòn đảo thứ hai của Malta – một thiên đường nhỏ trên trái đất, được những người yêu môn lặn rất thích. Cuối năm 2019, ngài được bổ nhiệm làm tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục và vì thế ngài đứng đầu một cơ quan nòng cốt trong công cuộc cải tổ Giáo triều và Giáo hội của Đức Phanxicô.

Được phong hồng y năm 2020, ngài tạo sự nghiệp của mình ở Malta, và trong bảy năm qua, ngài có một bước đột phá chói sáng tại Vatican, đã làm cho ngài thành ngôi sao đang lên. Tại Rôma, ngài được chú ý đặc biệt trong Thượng hội đồng về gia đình, năm 2015, ngài có bài phát biểu xây dựng về sự cần thiết phải chuyển từ nền luân lý chuẩn mực sang nền đạo đức đồng hành dựa trên tính chất tuần tự tiến từng bước một.

Một tầm nhìn chính xác với tầm nhìn của Đức Phanxicô, như chúng ta có thể nhận ra trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Amoris Laetitia của Đức Phanxicô vào cuối thượng hội đồng này, một tông huấn đã làm tốn rất nhiều giấy mực.

Quan tâm đến phương pháp sư phạm, hồng y Mario Grech đã chuẩn bị một chương trinh hôn nhân hai năm khi ngài còn là giám mục của Gozo – chương trình không được các linh mục hỗ trợ – tiếp theo là năm năm tháp tùng các cặp  mới cưới… Một sáng kiến độc đáo, để trong trường hợp hôn nhân đầu thất bại thì có thể nhận phép lành cho kết hợp thứ hai.

Ngài nói với báo La Vie: “Trước đây chắc chắn người ta đã tin Giáo hội là một tổ chức mạnh: giáo quyền lên tiếng và các tổ chức khác phải tuân theo. Ngày nay, điều này không còn nữa. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi cách chúng ta quan hệ với xã hội. Theo tôi, điều quan trọng hơn là làm việc vì con người, từng cá nhân hơn là tập thể. Giáo hội không thể thu gọn thành một cơ quan đạo đức, như lâu nay vẫn là. Lý do tồn tại của chúng ta là Chúa Giêsu. Chính vẻ đẹp của Ngài phải thu hút chúng ta.” Điểm đáng kể: năm 2016, Vatican gởi thư cám ơn Hội đồng Giám mục Malta vì cách diễn giải cởi mở chương 8 cho câu hỏi hóc búa về những người ly dị tái hôn, có chữ ký… của Charles Scicluna và Mario Grech.

Đức Phanxicô và hồng y Mario Grech

Alfred Xuereb, người thân tín của Giáo hoàng

Người Malta thứ ba ở Vatican là Alfred Xuereb. Giống như hồng y Mario Grech, ngài học tại chủng viện Gozo, và cùng  thụ phong linh mục năm 1984. Ngài là thư ký thứ hai của Đức Bênêđíctô XVI, sau đó là thư ký của Đức Phanxicô, ngài được giáo hoàng tín nhiệm, đó không phải là một chuyện nhỏ.

Đúng vậy, sau này ngài được giao phó những chức vụ chiến lược: kiểm toán của Ủy ban Giáo hoàng về nghiên cứu và tổ chức cơ cấu kinh tế và hành chính của Tòa thánh (2013), tổng thư ký của Bộ kinh tế bên cạnh Hồng y George Pell (2014), Tổng Thư ký Hội đồng Giám sát IOR, Ngân hàng Vatican (2015) và… sứ thần Tòa thánh tại Hàn Quốc và Mông Cổ (2018). Một khu vực chiến lược của Đức Phanxicô, người luôn hướng về châu Á. Ở Vatican, Malta không phải là một quốc gia nhỏ.

Đức Phanxicô và tổng giám mục Alfred Xuereb

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Bốn nơi quan trọng trong chuyến đi của Đức Phanxicô đến Malta