Châu Phi gặp khó khăn trong việc báo cáo lạm dụng tình dục trong Giáo hội

37

Châu Phi gặp khó khăn trong việc báo cáo lạm dụng tình dục trong Giáo hội

africa.la-croix.com, Lucie Sarr, 2022-02-22

 Một buổi lễ tại Kinshasa, Cộng hoà Dân chủ Công-gô

Ngày 21 đến 24 tháng 2 năm 2019, Đức Phanxicô đã triệu tập tất cả các chủ tịch của các hội đồng giám mục trên thế giới về Rôma để họp thượng đỉnh về việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương. Ba năm sau, tại châu Phi, hội nghị thượng đỉnh này đã có nhiều tác động trái chiều.

Cách đây ba năm, tất cả các chủ tịch của các hội đồng giám mục trên thế giới, đã được Đức Phanxicô mời về Rôma dự cuộc họp thượng đỉnh chưa từng có về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Giáo hội. Ngài đã làm cho các giám mục hiểu tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng đã làm suy yếu uy tín Giáo hội như thế nào.

Vào thời điểm đó, một phần các giám mục và tu sĩ châu Phi đã không ý thức được tầm mức này, một số nghĩ rằng tai ương này là của phương Tây. Khái niệm về lạm dụng tình dục dường như không phải ai cũng hiểu đúng. Chẳng hạn một linh mục Burkinabé cho rằng “quan hệ tình cảm” giữa một trẻ vị thành niên 15 tuổi và một linh mục, tuyên úy hướng đạo sinh và hướng dẫn viên, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn chứ không phải là một tội phạm. Một chủng sinh người Togolese kể lại một tình huống anh chứng kiến: “Cha mẹ của một nạn nhân bị lạm dụng tình dục đến xin lỗi linh mục lạm dụng, vì họ thấy con gái họ đã làm hoen ố danh tiếng linh mục này!”

Những tiến bộ đáng chú ý trong lĩnh vực này

Ba năm sau, sự việc đã thay đổi, sơ Solange Sia, một nữ tu ở Đảo Ngà, giám đốc Trung tâm Bảo vệ Trẻ vị thành niên và Người dễ bị tổn thương ở Abidjan giải thích: “Hiện nay ngày càng ít người nghĩ vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội không phải là vấn đề của người châu Phi.” Nhưng điều gì đã làm thay đổi cụ thể trong vùng này?

Nhiều hội đồng giám mục châu Phi đã có các thủ tục bảo vệ trẻ vị thành niên trước khi có hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng tình dục. Những người khác đã áp dụng hoặc đã củng cố việc bảo vệ sau cuộc họp này. Đó là trường hợp của Hiệp hội các Hội đồng Giám mục Đông Phi (Malawi, Kenya, Sudan, Nam Sudan, Zambia, Tanzania, Ethiopia, Eritrea và Uganda), vào tháng 5 năm 2019, cũng như Hiệp hội các Hội đồng Giám mục Trung Phi (ACEAC), tập hợp các nước Cộng hòa Dân chủ Công-gô, Burundi và Rwanda vào năm 2020.

Có nhiều văn phòng để báo cáo, nhưng ít người lui tới

Một bước tiến đáng chú ý khác, từ nửa cuối năm 2019, phần lớn các giáo phận châu Phi đã có chương trình nhận thức hóa cho các linh mục và nhân viên mục vụ về vấn đề lạm dụng tình dục. Như vậy, 70% trong số 47 giáo phận của nước Công hòa Dân chủ Công-gô và hơn 50% của các giáo phận của Đảo Ngà đã tổ chức các buổi nâng cao nhận thức và phòng chống lạm dụng cho các giáo sĩ và nhân viên mục vụ. Nâng cao nhận thức dần dần góp phần làm thay đổi não trạng.

Ngoài các thủ tục, đa số các giáo phận châu Phi đã mở các văn phòng báo cáo lạm dụng tình dục như tự sắc Các con là ánh sáng thế gian (Vos estis lux mundi) của Đức Phanxicô ban hành ba tháng sau đó. Ở Công-gô, tất cả các giáo phận đều có cấu trúc này.

Linh mục Hubert Kedowide, giám đốc truyền thông của giáo phận Cotonu giải thích: “Ít có người lui tới các văn phòng này. Người dân vẫn giữ thói quen cũ của họ, họ đến gặp một trong các cha tổng đại diện hoặc chính tổng giám mục để báo cáo các trường hợp lạm dụng.”

Ở nước Công-gô cũng gặp vấn đề này, linh mục Georges Kalenga, phó tổng thư ký phụ tá của Hội đồng Giám mục Công-gô (Cenco) ghi nhận: “98% các khiếu nại về lạm dụng tình dục của các giáo sĩ đối với trẻ vị thành niên được báo đến các giám mục bằng các phương thức khác, chứ không qua văn phòng báo cáo của giáo phận.”

Trọng lực nặng nề và văn hóa của im lặng

Làm thế nào có thể giải thích sự thiếu nhiệt tình này đối với các văn phòng báo cáo? Ngay sau khi tài liệu về bảo vệ trẻ vị thành niên được công bố, linh mục Dòng Tên người Cameroon và nhà trị liệu tâm lý Jean Messingué cho biết, do những hạn chế về văn hóa xã hội, các văn phòng báo cáo có thể được thành lập mà không có thói quen báo cáo lạm dụng.

Sơ Josée Ngalula, nhà thần học người Công-gô ghi nhận, những trọng lực nặng nề đã nuôi dưỡng văn hóa im lặng. Sơ tháp tùng mục vụ cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong các cơ cấu của Giáo hội Công giáo. Trong một phỏng vấn với báo La Croix Africa tháng 11 năm 2021, sơ giải thích: “Tố cáo và buộc tội, xem mình là người đi kể những gì đã xảy ra, điều này đã chặn đứng phần lớn ý chí của đa số nạn nhân.” Thêm nữa, ở Phi châu người dân được dạy, trước hết phải giữ danh dự của cộng đồng, của tập thể: nạn nhân sợ rằng nói ra họ sẽ làm ô uế danh dự của Giáo hội ”. Cuối cùng người dân thường xem “người lãnh đạo luôn có lý.”

Tuy nhiên, yếu tố văn hóa không phải là lời giải thích duy nhất: truyền thông về những vấn đề này và về việc mở các văn phòng báo cáo lạm dụng tình dục trên khắp lục địa châu Phi vẫn còn yếu. Sơ Solange Sia cho biết: Dù có tất cả những yếu tố này, “một nhận thức đang dần có.”

  Các biện pháp do Rôma yêu cầu

Ngày 26 tháng 3 năm 2019, sau hội nghị thượng đỉnh về bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, Đức Phanxicô  đã ký một đạo luật nhằm tăng cường bảo vệ trẻ vị thành niên bên trong Vatican. Luật này chủ yếu nhằm làm gương cho các giáo phận trên khắp thế giới.

Được ban hành vào ngày 9 tháng 5 năm 2019, tự sắc Các con là ánh sáng thế gian yêu cầu tất cả các giáo phận phải thiết lập một cấu trúc để lắng nghe nạn nhân và đặt một nghĩa vụ cho các giáo sĩ và tu sĩ phải tố cáo những hành vi lạm dụng mà họ biết.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Ở Phi châu, các nữ tu là nạn nhân của luật im lặng