Hồng y Tagle: Không có vũ khí nào có thể giết chết hy vọng
Phỏng vấn hồng y Tagle, Chủ tịch Caritas Quốc tế về cuộc xung đột ở Ukraine. “Chiến tranh không phải là vấn đề quân sự hay chính trị, nhưng trên tất cả là vấn đề con người”, hồng y xúc động khi nhìn thấy các gia đình Ukraine cầu nguyện trong bom rơi. Ngài cũng nhắc đến tình đoàn kết với người dân châu Âu.
vaticannews.va, Alessandro Gisotti, 2202-03-18
Dưới làn bom đạn không ngừng, các thành viên của cơ quan Caritas mang viện trợ đến cho người dân Ukraine, đất nước bị tàn phá do quân đội Nga xâm lăng. Dù gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế, Caritas Ukraine và Caritas-Spes Ukraine vẫn tiếp tục phục vụ người dân. Kể từ khi bắt đầu xung đột, Caritas đã giúp hơn 160.000 người. Thức ăn được phân phát, chỗ ở được cung cấp và dịch vụ hỗ trợ tâm lý. Các tổ chức Caritas ở châu Âu tăng cường nỗ lực của họ, đặc biệt là ở các quốc gia trên tuyến đầu tiếp nhận người tị nạn như các nước Ba Lan, Romania, Moldova, Hungary và Slovakia. Hồng y Luis Antonio Tagle, chủ tịch Caritas Quốc tế, bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc đề cập đến cam kết trong một thế giới bị mắc kẹt giữa đại dịch và xung đột, ngài cảm thấy khó tin tưởng khi nhìn về tương lai.
Thưa cha, từ hai năm nay nhân loại đã khó khăn với đại dịch Covid-19 và bây giờ với cuộc chiến ở Ukraine do Nga gây ra, đã làm cho mọi người sợ một cuộc xung đột thế giới mới. Chúng ta tìm hy vọng ở đâu để đối diện với thời buổi rất đáng lo này?
Hồng y Luis Antonio Tagle: Là tín hữu kitô, chúng ta phải luôn hy vọng vào Chúa. Trong Mùa Chay này, Giáo hội và qua các Bài đọc mời gọi chúng ta canh tân niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu Kitô. Niềm hy vọng này biểu hiện sự chiến thắng của tình yêu, của lòng thương xót. Vào lúc này, chúng ta thấy những dấu hiệu cụ thể của hy vọng này. Không một vũ khí nào có thể giết chết được hy vọng, được thiện tâm nơi lòng con người. Niềm hy vọng vào Chúa Giêsu Kitô và phục sinh của Ngài là sự thật và chúng ta có thể thấy được điều này trong chứng từ của nhiều người.
Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật tuần trước, Đức Phanxicô đã nói về một “hành động xâm lược quân sự không thể chấp nhận được”. Ngày 6 tháng 3, ngài tuyên bố, đây là một “một cuộc chiến tranh” chứ không phải “một hoạt động quân sự đặc biệt”. Là người Phi Luật Tân, không phải là người châu Âu, cha cảm nhận gì khi đối diện với cuộc chiến ở trung tâm châu Âu này?
Đầu tiên là tôi rất buồn. Tôi buồn khi xem các hình ảnh, khi nghe tin tức, tôi cảm thấy gần chiến tranh này. Tôi buồn và cũng hơi bối rối, vì nhân loại chưa học được những bài học lịch sử! Sau bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn phá, chúng ta vẫn rất cứng lòng! Khi tôi nghe câu chuyện của cha mẹ tôi, những người đã sống qua Chiến tranh thế giới thứ hai, tôi không thể tưởng tượng được cảnh nghèo đói, đau khổ mà họ phải chịu đựng. Thế hệ này vẫn còn mang vết thương chiến tranh trong lòng và tinh thần luôn bị tổn thương. Khi nào, khi nào thì chúng ta sẽ học được bài học? Đó là cảm nhận của tôi. Chúng ta thực sự hy vọng chúng ta sẽ có thể học được bài học của lịch sử.
Caritas Internationalis được thành lập cách đây 70 năm để đáp ứng nhu cầu nhân đạo của Thế Chiến thứ hai. Ngày nay, thách thức lớn nhất của mạng lưới Caritas trong cuộc xung đột ở Ukraine là gì?
Theo tôi, dường như thách thức lớn nhất của gia đình Caritas là chính sứ mệnh của Caritas. Sứ mệnh luôn nhắc nhở thế giới, mọi xung đột, mọi thảm họa đều có khuôn mặt con người. Đáp ứng của Caritas luôn mang tính nhân đạo. Xung đột ở Ukraine và ở các quốc gia khác trên thế giới thường bị cho là xung đột chính trị, quân sự, nhưng người dân bị lãng quên! Với sứ mệnh của mình, Caritas nhắc thế giới, chiến tranh không phải là vấn đề quân sự hay chính trị, mà trên hết là vấn đề con người.
Người dân Ukraine là bằng chứng đáng kinh ngạc về lòng dũng cảm, còn các nước láng giềng – đặc biệt là Ba Lan và Romania – là bằng chứng cao đẹp của tình đoàn kết.
Chúng ta có thể rút ra bài học gì, chúng ta, những người “gần” nhưng vẫn còn xa cuộc chiến này?
Chúng ta nên biết ơn chứng từ của người dân Ukraine và các nước láng giềng khác, nhưng xa hơn, đó là những người đang gởi viện trợ và đề nghị hỗ trợ họ. Bài học tôi rút ra từ chuyện này: dù trong sa mạc bạo lực, con người vẫn có khả năng nên tốt. Bài học tôi rút ra trong một tình huống tồi tệ như chiến tranh, một nhân loại tốt hơn có thể phát sinh. Nhưng có một thách thức: đào tạo trái tim, đào tạo khối óc. Làm thế nào các xung đột lại nảy sinh? Trong lòng người, trong quyết định của con người. Bài học là ở trong cách gia đình rèn luyện cho con cái những giá trị như tôn trọng người khác, lắng nghe, nhân ái, lựa chọn con đường công chính, đối thoại hơn là trả thù, bạo lực.
Có một câu chuyện, một hình ảnh nào về cuộc chiến này tạo ấn tượng mạnh cho cha, nói lên nỗi đau nhưng cũng là sức mạnh, của lòng nhân ái con người?
Thật khó để lựa chọn, nhưng có lẽ trong cương vị của một tín hữu kitô và là giám mục, hình ảnh làm tôi xúc động nhất là hình ảnh người dân cầu nguyện. Đức tin của các bà mẹ quỳ gối trước Thánh Thể. Cầu nguyện, mạng lưới cầu nguyện đã hợp nhất nhân loại, theo tôi, đó là dấu hiệu của hy vọng, dù trong chiến tranh. Chúa ở cùng chúng ta. Chúa yêu thương gia đình của Chúa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô tố cáo sự lạm dụng quyền lực đe dọa nhân loại