Đức Bênêđíctô XVI bị chỉ trích trong các tuyên bố lạm dụng tình dục
Đức Bênêđíctô XVI bị chỉ trích trong các tuyên bố lạm dụng tình dục: Báo cáo mới chỉ là một chương trong hồ sơ dày đặc của ngài và của Giáo hội công giáo
theconversation.comm, David Gibson, 2022-01-28
Tuyên bố công khai
David Gibson, giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Văn hóa, Đại học Fordham. Ông không làm việc cho, tư vấn, sở hữu cổ phần, hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không tiết lộ nào có liên quan ngoài học vị đại học của ông.
Một báo cáo chuyên sâu được công bố vào ngày thứ năm 26 tháng 1 cáo buộc Đức Bênêđíctô XVI đã cho phép bốn linh mục lạm dụng ở Munich được tiếp tục sứ vụ. Lúc đó ngài là hồng y lãnh đạo tổng giáo phận của Đức từ năm 1977 đến năm 1982.
Báo cáo dài 1.900 trang do Tổng giáo phận Munich và Freising ủy nhiệm cho các nhà điều tra độc lập tiến hành các vụ lạm dụng từ năm 1945 đến năm 2019, liệt kê 235 giáo sĩ bị cáo buộc là thủ phạm lạm dụng tình dục và ít nhất 497 trẻ vị thành niên là nạn nhân.
Trong cương vị của ngài – là giáo hoàng từ năm 2005 đến năm 2013, cho đến khi ngài từ chức vì sức khỏe kém – tin tức đã bổ túc thêm vai trò của các nhà lãnh đạo hàng đầu trong việc để những kẻ lạm dụng không bị trừng phạt. Và đặt những câu hỏi điển hình về những gì ngài biết, và khi nào.
Trong tư cách là nhà báo, tôi đã đưa tin về ngài ở Rôma trong những năm 1980 và viết tiểu sử ngài năm 2006. Ngày nay, với tư cách là giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Văn hóa tại Đại học Fordham, tôi xem đây là dịp để hiểu thêm về tiến triển thích ứng của Giáo hội trong việc đối phó với các vụ lạm dụng.
Được viết bởi các học giả, được biên tập bởi các nhà báo, được hỗ trợ bởi các bằng chứng.
Vai trò có ảnh hưởng
Sau khi Đức Ratzinger rời Munich năm 1982, ngài đến Rôma để phục vụ với tư cách là người bảo vệ giáo lý hàng đầu của Đức Gioan-Phaolô II. Trong 23 năm, ngài lãnh đạo Bộ Giáo lý Đức tin, một cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ giáo lý công giáo, và được xem là bộ có ảnh hưởng nhất ở Vatican.
Với tư cách là người đứng đầu, ngài có tiếng nói trong việc đưa ra phản ứng của Giáo hội đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục ngày càng công khai. Đức Phaolô VI đã tham khảo ý kiến của ngài về các quyết định quan trọng, và các tài liệu quan trọng từ các bộ khác tại Vatican đã yêu cầu sự chấp thuận của ngài hoặc xin chuẩn ấn trước khi có thể được xuất bản.
Đức Gioan-Phaolô II bên cạnh hồng y Joseph Ratzinger năm 1979. Ảnh AP
Những câu trả lời ban đầu của Đức Ratzinger đối với các trường hợp lạm dụng phản ánh bản tổng kết của ngài ở Munich. Ví dụ, trong một trường hợp vào năm 1985, ngài đã bác lời kêu gọi “hoàn tục”, hay “xuống hàng giáo dân” của một linh mục người Mỹ lạm dụng tình dục trẻ em, mặc dù chính linh mục cũng như giám mục đã yêu cầu.
Một trong những người kế nhiệm của ngài tại Bộ Giáo lý Đức tin là hồng y Gerhard Mueller, hồng y đã bảo vệ ngài bằng lập luận, trong những năm 1970 và 1980, cả Giáo hội và xã hội đều không hiểu đúng về lạm dụng tình dục trên trẻ em. Hồng y Mueller nói sau khi công bố bản báo cáo Munich: “Khi đó người ta nghĩ trị liệu có thể giải quyết vấn đề. Bây giờ chúng ta biết điều này là vô ích đối với những kẻ tội phạm này.”
“Sự yếu kém của đức tin”
Một yếu tố quan trọng khác mà nhiều nhà phê bình đổ lỗi cho hàng giáo phẩm đối với việc trừng phạt các giáo sĩ là thái độ được cho là “chủ nghĩa giáo quyền”, xem các linh mục là những người cấp cao. Cố Linh mục Donald Cozzens ở Cleveland, giám đốc chủng viện và nhà tâm lý học, linh mục xuất bản quyển sách về chức linh mục năm 2000, đã định nghĩa giáo quyền là thái độ “đặc ân và quyền lợi” giữa các giáo sĩ, những người “nghĩ rằng họ không giống như phần còn lại giáo dân.”
Đức Ratzinger và nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội khác muốn xem vấn đề này là vấn đề thiêng liêng. Năm 2003 ngài nhấn mạnh: “Tôi nghĩ điểm cốt yếu là yếu đức tin.” Ngài cũng đổ lỗi cho thế giới thế tục, đặc biệt cái mà ngài gọi là sự sụp đổ đạo đức “chưa từng có” trong những năm 1960 và 1970 và việc chấp nhận đồng tính.
Hai nghiên cứu của các giáo sư trường Đại học Tư pháp Hình sự John Jay cho thấy lạm dụng bắt đầu tăng mạnh trong những năm 1960 và giảm mạnh vào những năm 1980. Nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý, gần 44% những kẻ tấn công được phong chức trước những năm 1960 và bác bỏ quan điểm cho rằng người đồng tính nam là đáng lên án. Hơn nữa, các nhà sử học thường nhấn mạnh nạn ấu dâm và các vụ lạm dụng tình dục khác của các giáo sĩ không có gì mới, nó đã có ít nhất là từ thế kỷ 11.
Cuối cùng khi loạt bài “Spotlight” (Đèn chiếu) của tờ The Boston Globe đã phá bung vụ tai tiếng tháng 1 năm 2002, các giám mục Hoa Kỳ đã tìm cách thiết lập chính sách không khoan nhượng đối với những kẻ lạm dụng và buộc những giám mục che đậy phải chịu trách nhiệm. Vatican lại đẩy lùi nỗ lực này, dù các giám mục Hoa Kỳ đã có thể áp dụng một hệ thống tương đối mạnh mẽ để đưa ra các thủ tục loại bỏ các linh mục bị buộc tội.
Đức Ratzinger cũng tiếp tục tối thiểu hóa tầm mức tai tiếng, tháng 11 năm 2002 ngài lặp lại, “có ít hơn một phần trăm” các linh mục phạm tội lạm dụng và đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông về “một chiến dịch có kế hoạch” để “ hạ uy tín Giáo hội”. Con số thực là hơn 4% trên toàn quốc.
Một sự thay đổi đột ngột
Tuy nhiên, vào năm trước, Đức Ratzinger đã thuyết phục Đức Gioan-Phaolô II để văn phòng của ngài phụ trách tất cả các vụ lạm dụng trên toàn thế giới, xúc tiến các phiên tòa xét xử và hoàn tục các kẻ phạm tội. Trận lũ các trường hợp lạm dụng sau đó dường như tạo ảnh hưởng lớn: khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời tháng 4 năm 2005 và Đức Ratzinger được bầu làm giáo hoàng Bênêđíctô XVI, ngài bắt đầu hoàn tục hàng trăm linh mục lạm dụng. Ngài xin lỗi các nạn nhân và trở thành giáo hoàng đầu tiên gặp các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng. Đây là một thay đổi lớn của Giáo hội và của Đức Bênêđíctô XVI.
Nhưng nó không đi xa. Dù ngài đã công khai cách chức một giám mục mà ngài cho là quá tự do, nhưng ngài không quyết đoán bằng hành động để chống lại các giám mục bị nghi ngờ che đậy hành vi lạm dụng hoặc chính họ là những kẻ tấn công. Một ví dụ chính là trường hợp của cựu hồng y Theodore McCarrick, giáo phận Washington, D.C.
Các cáo buộc theo đó cựu hồng y McCarrick đã lạm dụng trẻ em bùng lên vào tháng 7 năm 2018 đưa đến cuộc điều tra cho thấy Đức Bênêđíctô XVI đã biết các cáo buộc khác chống lại hồng y McCarrick về hành vi sai trái tình dục với người lớn, nhưng ngài không có một biện pháp nào công khai.
Sau khi Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng năm 2013, ngài đã tước danh hiệu hồng y và hoàn tục cựu hồng y McCarrick. McCarrick đã không nhận tội với cáo buộc tấn công tình dục một thiếu niên vào những năm 1970.
Đức Phanxicô cũng bắt đầu sa thải các giám mục khác vì bao che cho những kẻ lạm dụng và bắt đầu thiết lập một hệ thống trách nhiệm.
Gần cuối đời, Đức Bênêđíctô XVI sống ẩn dật trong một tu viện yên tĩnh bên trong tường thành Vatican. Ngoài những tổn hại về danh tiếng, ngài có thể sẽ không bị phạt vì hành động của ngài trong các thập kỷ trước ở Munich.
Nhưng vụ này giúp minh họa cách Giáo hội công giáo đã đi đến đoạn này và những gì còn phải làm. Và nó có thể ảnh hưởng đến các hồng y trong mật nghị tương lai khi họ phải chọn một giáo hoàng có hồ sơ mạnh hơn về lạm dụng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Bênêđíctô XVI trong cơn lốc