Đức Phanxicô đã gởi thư cho tôi, cho tôi hy vọng trong tư cách là người công giáo đồng tính.
nytimes.com, Michael O’Loughlin, 2021-11-15
Ông O’Loughlin, tùy viên của trang tin công giáo America Media, là tác giả quyển “Lòng thương xót tiềm ẩn: AIDS, người công giáo và những câu chuyện chưa kể về lòng trắc ẩn khi đối diện với nỗi sợ hãi” (Hidden Mercy : AIDS, Catholics, and the Untold Stories of Compassion in Face of the Fear), qua đó bài tiểu luận này phù theo.
Dù nữ tu công giáo Carol Baltosiewich đã dành ra 10 năm để săn sóc những thanh niên chết vì AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải), dù biết nữ tu đã làm công việc này, nhưng lần đầu tiên khi nói chuyện với sơ năm 2016, tôi đã sợ khi nói tôi là người đồng tính.
Sơ Baltosiewich
Là nhà báo đưa tin về Giáo hội, tôi bắt đầu phỏng vấn những người công giáo đã làm việc và chiến đấu trong thời kỳ bệnh H.I.V. tàn phá, một cuộc khủng hoảng ở Hoa Kỳ khoảng từ năm 1982 đến năm 1996. Những người như sơ Baltosiewich vẫn kiên trì làm việc trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Giáo hội thường xuyên có thái độ thù địch với người đồng tính và thời đó còn nhiều kỳ thị. Một cuộc thăm dò năm 1987 cho thấy 43% người Mỹ đồng ý với tuyên bố, “AIDS có thể là hình phạt của Chúa cho hành vi tình dục vô luân.”
Bản thân là người công giáo, từ lâu tôi đã nhận ra, chân thành nói về xu hướng tình dục của mình có thể nguy hiểm. Những người L.G.B.T. bị đuổi việc trong các cơ quan công giáo. Một số nhóm ủng hộ người công giáo L.G.B.T. bị loại ra khỏi các giáo xứ. Vì thế ngay cả những người như sơ Baltosiewich, người yêu thương và phục vụ rất nhiều người đồng tính nam, cũng có thể cảm thấy mình bị rủi ro.
Nhưng những cuộc trò chuyện với sơ Baltosiewich và những người khác như sơ – tình huynh đệ, lòng biết ơn và những giây phút tiết lộ mà chúng tôi đã trao đổi – đã ảnh hưởng sâu đậm đến đức tin của tôi. Đến nỗi gần đây, tôi đã viết một thư cho Đức Phanxicô để chia sẻ quyển sách tôi viết dựa trên những buổi nói chuyện này, và kể cả nói với ngài một chút về bản thân tôi là người đồng tính. Tôi quá ngạc nhiên khi ngài viết thư trả lời. Những lời của ngài khuyến khích tôi, rằng có thể đối thoại giữa người công giáo L.G.B.T. và các nhà lãnh đạo Giáo hội ngay cả ở các cấp cao nhất.
Khi lần đầu tiên tôi biết công việc của sơ Baltosiewich, tôi đã muốn mô tả sơ như một y tá nữ tu anh hùng, người có lòng thấu cảm với những người đồng tính nam mắc bệnh AIDS vào lúc mà bao nhiêu người khác không muốn giúp đỡ. Và sơ đã làm. Nhưng những gì ẩn giấu trong câu chuyện của sơ, thực ra, qua những người sơ gặp, sơ đã hiểu thêm về tình yêu của Chúa và cuối cùng đã làm sơ trở thành một kitô hữu tốt hơn.
Sơ Baltosiewich đã có thể theo dõi sự thay đổi này vào một thời điểm đặc biệt. Sơ từ nhà của sơ ở Belleville, bang Illinois dọn đến Manhattan, New York để hiểu thêm về mục vụ AIDS. Sơ đang ngồi trước thềm tu viện Hell’s Kitchen nơi sơ ở thì sơ thấy anh Robert, một người đàn ông trẻ đang đi về phía sơ. Rõ ràng anh đang rất buồn. Sơ Baltosiewich nhận ra anh đã ở bệnh viện nơi sơ làm thiện nguyện, sơ hỏi anh chuyện gì xảy ra.
Người bạn đời của anh sắp chết vì bệnh AIDS và anh không thể làm gì để giúp đỡ. Robert chảy nước mắt. Sơ Baltosiewich ôm anh vào lòng.
Sơ biết Giáo hội đã dạy gì về đồng tính. Sơ nhớ lại sự khó chịu ban đầu của sơ khi nghĩ đến tình yêu lãng mạn giữa hai người đàn ông. Nhưng trong khoảnh khắc đó, khi sơ ôm anh Robert, sơ nghĩ về tình yêu và sự lo âu của anh với bạn của mình, sơ nhớ sơ đã nghĩ: “Mình không thể nói rằng điều này là sai.”
Cũng đã có khi tôi cảm thấy mình cô lập và đơn độc khi là người công giáo đồng tính cố gắng tìm một chỗ đứng trong Giáo hội. Tôi ở lại cũng một phần vì các lý do văn hóa, tự an ủi trong việc giữ đức tin của tổ tiên tôi. Tôi cũng tìm thấy thứ trật và ý nghĩa trong đạo công giáo, nhất là những lúc cuộc sống cảm thấy như không thể đoán trước được. Với cuộc họp của các giám mục Hoa Kỳ tại Baltimore trong tuần này, sau nhiều tháng tranh luận về việc một số người công giáo có được xứng đáng đi rước lễ hay không, tôi nhận ra chủ yếu tôi ở lại Giáo hội là vì Phép Thánh Thể, nghi thức này trong thánh lễ, khi tôi tin sự hiện diện siêu việt trong cuộc sống bình thường của mình và Chúa hiện diện ở đó. Tôi đã không tìm thấy điều này ở nơi nào khác.
Tuy nhiên, đã có những lúc tôi cảm thấy, tôi không còn lựa chọn nào khác là phải ra đi, rằng thói đạo đức giả và phán xét là quá lớn. Tôi đã từng đi xa đến mức tôi bắt đầu tìm hiểu Giáo hội Anh giáo ở Mỹ nhưng tôi không đi đến cùng. Đôi khi tôi tự hỏi liệu mình có nên như vậy không, như lần tôi ngồi ăn tối ở Rôma, tôi nghe một người công giáo chỉ trích Đức Phanxicô, cho rằng dù ngài nói “Tôi là ai để phán xét?”, nhưng người đồng tính sẽ chết thiêu trong hỏa ngục.
Nhưng những cuộc gặp gỡ của tôi với những người như sơ Baltosiewich đã làm tôi thay đổi, đến mức mùa hè vừa qua tôi quyết định viết thư cho Đức Phanxicô về quyển sách của tôi, nỗi sợ mà tôi từng cảm nhận với sơ Baltosiewich đã biến mất. Tôi nói với ngài, tôi là nhà báo công giáo đồng tính và những câu chuyện gặp gỡ này có sức mạnh thay đổi cuộc đời. Tôi nói với ngài về nhiều người công giáo L.G.B.T., những người tôi đã phỏng vấn, những người khó nhọc bám vào đức tin của mình.
Sau đó, khi tôi nhìn thấy bì thư với địa chỉ người gởi là Sứ quán Vatican ở Washington, tôi sững người. Đức Phanxicô đã viết thư trả lời.
Todd Rosenberg @ The New York Times
Thư bắt đầu “Querido hermano”. Bức thư tiếng Tây Ban Nha, tiếng mẹ đẻ của ngài, nhưng được dịch ra tiếng Anh cho bài báo này.
“Người anh em thân mến. Tôi cám ơn ông về quyển sách và bức thư ông viết.”
Bức thư viết tiếp: “Khi tôi đọc xong bức thư của ông, ngay lập tức tôi bị đánh động bởi đoạn Tin Mừng Thánh Mátthêu về những gì mà chúng ta sẽ bị xét đoán: Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”
Tôi đọc tiếp.
“Cảm ơn ông đã soi sáng nhiều cuộc đời và đã làm chứng cho nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân, những người đã đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ anh chị em bị bệnh H.I.V. và AIDS, dù có nguy cơ lớn ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp và danh tiếng của mình.”
Sau đó, ngài ban phép lành giáo hoàng dù muộn, đã từ hàng chục năm nay về công việc của những người như sơ Baltosiewich đã làm.
Đức Phanxicô viết tiếp, “Thay vì thờ ơ, xa lánh và thậm chí lên án, những người này để cho mình xúc động trước lòng thương xót của Chúa Cha và để cho điều này trở thành công việc cho cuộc đời của họ; một lòng thương xót kín đáo, thầm lặng và ẩn giấu, nhưng luôn có khả năng nâng đỡ, phục hồi cuộc sống và đời sống của mỗi chúng ta”.
“Một lần nữa, tôi xin cám ơn ông và xin Thiên Chúa là Chúa Cha ban phép lành cho ông và xin Mẹ Maria chăm sóc ông, xin ông đừng quên cầu nguyện cho tôi,”
Trong tình anh em,
Phanxicô
Tôi không có một ảo tưởng nào, dù thư có chữ ký của giáo hoàng, sẽ chữa lành tổn thương mà một số người công giáo đã bị từ nhiều chục năm nay. Hay đây có thể là thời điểm mà Đức Phanxicô thay đổi giáo huấn của Giáo hội về đồng tính. Trên thực tế, dưới sự lãnh đạo của ngài, Vatican đã tăng gấp đôi, đưa ra những gì mà nhiều người xem đây là lời nhắc lại lệnh cấm các linh mục đồng tính. Gần đây hơn, Vatican tuyên bố, nếu Giáo hội nên chào đón những người đồng tính “với sự tôn trọng và nhạy cảm,” nhưng Chúa “không và không thể làm phép cho tội lỗi”, nên vì thế các linh mục không thể làm phép cho các cặp đồng tính.
Nhưng là người công giáo, chúng ta được gọi để có hy vọng, và vì vậy cho đến bây giờ, tôi luôn hy vọng.
Thế giới của sơ Baltosiewich đã thay đổi qua những cuộc gặp gỡ của sơ với những người đồng tính nam cách đây hơn 30 năm. Kể từ đó, sơ đã rời khỏi dòng tu mà sơ đã làm việc trong những năm làm mục vụ săn sóc người bị AIDS và sơ gia nhập Cộng đồng Nữ tu Kitô, một nhóm không theo giáo luật, nhưng vẫn là người công giáo. Khi tôi gọi để đọc bức thư này cho sơ, sơ nói với tôi, nước mắt sơ ràn tụa chảy.
Đức tin của tôi được vững mạnh qua giao tiếp với sơ Baltosiewich. Và bây giờ, với phép lành giáo hoàng cho công việc này, có lẽ các nhà lãnh đạo Giáo hội – và thậm chí cả giáo hoàng – sẽ được biến đổi theo cách họ nhìn những người L.G.B.T. và những người khác mà đức tin bị sống bên lề. Nếu họ không thay đổi, xin tưởng tượng những gì Giáo hội sẽ mất.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Ông O’Loughlin, tùy viên của trang tin công giáo America Media, là tác giả quyển “Lòng thương xót tiềm ẩn: AIDS, người công giáo và những câu chuyện chưa kể về lòng trắc ẩn khi đối diện với nỗi sợ hãi” (Hidden Mercy : AIDS, Catholics, and the Untold Stories of Compassion in Face of the Fear).
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô tỏ lòng biết ơn với những người công giáo đã giúp đỡ bệnh nhân AIDS