Bí mật tòa giải tội có ở trên luật pháp của Quốc gia không?
renepoujol.fr, René Poujol, 2021-10-08
Các khuyến nghị của báo cáo Sauvé (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp) thách thức Giáo hội về một chủ đề cho đến nay vẫn được coi là cấm kỵ.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã mời giám mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đến “nói chuyện” ngày thứ ba 12 tháng 10-2021. Đằng sau lời nói ngoại giao là yêu cầu ngài có lời giải thích. Trong báo cáo gần đây về bạo lực tình dục trong Giáo hội, Ủy ban Sauvé đã đưa ra 45 khuyến nghị gởi đến các cơ quan đã ủy thác cho Ủy ban làm công việc này: Hội đồng Giám mục Pháp (Cef) và Hội đồng các Tu sĩ nam nữ Pháp (Corref). Theo đó, Giáo hội được yêu cầu xem lại (số 43) các khúc mắc của khái niệm bí mật giải tội, buộc mọi linh mục biết có vụ trẻ vị thành niên hay người dễ bị tổn thương bị tấn công tình dục phải báo cho chính quyền. Ngày thứ tư 6 tháng 10, kênh France Info phỏng vấn giám mục Eric de Moulins Beaufort về vấn đề này, ngài trả lời “bí mật giải tội ở trên luật pháp của Quốc gia”. Thế là gây tranh luận! Có phải họ cố tình gài bẫy ngài không? Không sao! Dù sao việc này giúp chúng ta tự hỏi; bí mật giải tội có thực sự là luật của Chúa đối lập với luật của Quốc gia không?
Chúng ta nên hiểu nhau. Mỗi người ở đây đều biết mình có quan điểm nào. Người chủ blog này không tự cho mình có một hiểu biết sành sỏi nào về thần học hoặc giáo luật. Đương sự chỉ đơn giản nói trong tư cách “nhà báo, người công dân và người công giáo có tự do”, hơn nữa, hình như cũng phù với các độc giả của đương sự. Như thế nhận xét sau đây về bí mật giải tội không mang lại bất cứ một sự thật nào về vừa, phù hợp hoặc khác với giáo huấn Giáo hội, nhưng chỉ đơn thuần làm sáng tỏ bối cảnh cuộc tranh luận trong tư cách nhà báo, mà bây giờ mọi sự đã ngấm vào không gian truyền thông theo những thuật ngữ mới mà Giáo hội chưa chuẩn bị.
Luật của Chúa là để đến được với tha thứ, chứ không phải đến với các điều kiện phải có để được tha thứ.
Việc giữ bí mật tòa giải tội giúp cho người phạm tội có tự do khi họ biết lời xưng tội của họ không đi ra khỏi tòa giải tội, đó là lập luận quan trọng. Và chúng ta hiểu rằng, việc loại bỏ bí mật này sẽ ngăn kẻ tấn công tình dục đến với bí tích giải tội để hòa giải với Chúa, giúp họ xây dựng lại bản thân. Nhưng có chính xác không khi xem việc giữ bí mật tòa giải tội “luật của Chúa” đối nghịch và trên luật của nước Cộng hòa không?
Quan điểm về sự việc này rất phù hợp với thái độ truyền thống của Giáo hội, vốn đặt lên hàng đầu là muốn cứu kẻ phạm tội. Trong trường hợp một kẻ bạo hành trẻ em hoặc bạo hành với người dễ bị tổn thương, điều quan trọng là tháp tùng họ trên con đường ăn năn bằng cách giúp họ đến được với sự tha thứ của Chúa. Nhưng sự việc, nếu “luật của Chúa” có thể nói, tương tự như những phương thức thực tế đơn giản, được Giáo hội thiết lập qua nhiều thế kỷ, bảo đảm bí mật xưng tội để làm dễ dàng cho việc xưng tội không?
Luật của Chúa cũng là tôn trọng sự chính trực toàn vẹn của mọi người.
“Luật của Chúa” theo Sách Thánh là bổn phận tôn trọng sự sống, sự chính trực, phẩm giá của mỗi người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Ngài. Và về sau, nếu có một tấn công, họ có quyền được công nhận tình trạng nạn nhân của mình và được phục hồi công lý. Về mặt lô-gích, “luật của Chúa” dường như vừa đòi hỏi sự bảo vệ những người yếu đuối nhất và sự phục hồi phẩm giá của họ nếu họ là nạn nhân và quyền được tha thứ cho kẻ có tội. Tuy nhiên, bản báo cáo của Ủy ban Sauvé cho thấy một cách hoàn hảo, thể chế thường đặt ưu tiên cứu rỗi kẻ có tội trước khi lo lắng cho nạn nhân.
Trong một bản tin, giám mục Éric de Moulins-Beaufort giải thích khi nghe tin bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin mời ngài đến nói chuyện: “Xưng tội cũng là thời điểm một nạn nhân, chẳng hạn như một đứa trẻ có thể nói lên những gì em phải chịu đựng và yên tâm về sự vô tội của mình… vì em tin chắc bí mật này giúp em nói lên những gì khó khăn nhất của mình”. Nhưng vì sao lại muốn đặt sự thổ lộ này của một em bé trong khuôn khổ bí tích hòa giải, ở đây, dường như vô nghĩa vì đứa bé là nạn nhân chứ không phải kẻ có tội? Vì sao một em bé lại đi xưng tội mình bị tấn công?
Ở mức độ tâm lý đơn giản, chúng ta có thể hình dung một em bé nạn nhân vì sao lại mong muốn bộc bạch với tất cả lòng tin tưởng để giải thoát mình khỏi đau khổ hoặc thậm chí có thể bị mặc cảm, thật là vô căn cứ. Tương tự như vậy, chúng ta có thể hình dung đứa bé có thể muốn bảo vệ kẻ tấn công nếu người này là người thân của em. Nhưng mong muốn này có nên đặt câu hỏi nếu nó đe dọa đến tính toàn vẹn của trẻ em không? Ngoài ra cũng nên biết, đứa trẻ có phải nói lên nỗi đau khổ của mình với một linh mục mà không nhất thiết phải nêu tên kẻ tấn công mình. Và điều này ở ngoài mọi bối cảnh của bí tích.
Khi luật dân sự nhắc lại các đòi hỏi của luật của Chúa
Bất cứ ai cũng có thể “dựa trên lý trí” để có một phản ánh riêng của mình, điều này dường như là lẽ thường tình. Trên thực tế, ngay cả khi đi ngược với truyền thống của huấn quyền. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà trong khuyến nghị số 43, các thành viên của Ủy ban Sauvé xin các giám mục xem lại vấn đề bí mật giải tội này, ít nhất là trong các trường hợp tấn công tình dục đối với trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Để tôn vinh quyền của họ được tôn trọng với sự toàn vẹn về thể lý, đạo đức và thậm chí là ngay cả để phục hồi công lý.
Trong trường hợp này, điều quan trọng là ngày nay chính các nạn nhân, được xã hội dân sự hỗ trợ, họ nhắc lại cho Giáo hội về toàn bộ các đòi hỏi của luật Chúa đối với nạn nhân cũng như với thủ phạm. Chắc chắn, các giám mục và Giáo hội – vì ở đây không phải chỉ chủ tịch Hội đồng Giám mục có liên quan – đã không thực hiện các biện pháp của sự rúng động đã tác động đến các tín hữu đơn thuần. Như họ đã không nhận ra – và thực tế là chúng ta cũng vậy cho đến ngày nay – qua Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, họ đã hợp thức hóa một lời nói bên ngoài tổ chức giáo hội để nói lên về Giáo hội những gì Giáo hội chưa bao giờ lắng nghe, hoặc hiểu từ các tín hữu.
Bằng cách hợp pháp hóa Ủy ban, các giám mục đã hợp pháp hóa lời bên ngoài Giáo hội mà các giám mục đã từ chối nghe trong nội bộ
Như thế làm sao chúng ta không ngạc nhiên khi với một số người công giáo, ở thời điểm trước một Thượng Hội đồng mà các mô thức tham dự họ không nắm vững, thì 45 khuyến nghị của báo cáo Sauvé lại có thể được xem như một “cẩm nang đi đường” được? Vì họ thấy ở đây, xây dựng và lập luận với sự chặt chẽ và chính xác, một số đề xuất cải cách Giáo hội mà họ đã kêu gọi một cách vô vọng trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, đúng, theo như tôi được biết, có thể là vào ngày 18 tháng 10, ngày khai mạc giai đoạn tham vấn của thượng hội đồng trong các giáo phận, tôi sẽ cho giám mục của tôi biết, trong trường hợp không có bất kỳ đề nghị đóng góp nào khác, rằng 45 khuyến nghị này của Ủy ban Sauvé đại diện cho sự đóng góp của cá nhân tôi đối với phản ánh do Đức Phanxicô đề nghị.
Nhưng đừng nhầm lẫn: vấn đề ở đây là giữa Giáo hội công giáo và xã hội trong việc tôn trọng quyền trẻ em được bảo vệ khỏi bất kỳ hành vi xâm lược nào, nếu cần, bằng cách tố cáo kẻ xâm lược có nguy cơ phá hoại bí mật giải tội, với một rủi ro có thể tái diễn vào ngày mai, trong các lãnh vực khác. Một ngày không xa, chúng ta sẽ tìm thấy chất vấn tương tự liên quan đến các điều khoản bồi thường cho nạn nhân, quyền tiếp cận chức linh mục (bị Vatican chính thức cấm) cho những người công khai đồng tính hoặc quyền tiếp cận của phụ nữ trong các trách nhiệm khác của Giáo hội theo luật bình đẳng như ở Quốc gia.
Dù bị xúc phạm hay vui mừng, thì nó cũng là như vậy. Xã hội chúng ta đang tiến triển và quan điểm công giáo cũng bắt kịp với đà tiến triển này. Viết điều này bắt nguồn từ một nhận xét đơn giản không nhằm đến ai: cứ muốn chống luật Giáo hội không bị xem như luật của Chúa, như luật của xã hội thế tục mà ít nhiều đã thấm nhập một số giá trị của các Tin Mừng, thì thể chế ở trong thế bất ổn, ngay cả dưới mắt của một số tín hữu riêng của mình. Đưa nó ra ánh sáng ngày hôm nay là một trong những hệ quả bất ngờ nhất của bản báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp.
Tái bút của tác giả
Tôi ý thức rõ bản chất có thể gây tranh cãi của bài viết này. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng nếu chỉ để chống tôi như một bác bỏ không thể chối cãi: thẩm quyền của các giám mục và của huấn quyền, thì không đáng để phải mệt mỏi quá. Ngày nay cuộc tranh luận đòi hỏi chúng ta phải tích hợp chúng mà không cam chịu nó.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Những điểm cần ghi nhớ từ báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp