Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: Các nước đã bồi thường như thế nào?

132

Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: Các nước đã bồi thường như thế nào?

la-croix.com, Jean-Baptiste Francois, 2021-10-06

Phong bì chung, số tiền khoán, bồi thường thay đổi với số tiền ấn định, các hình phạït tài chánh tại tòa án… Ngày thứ ba 5 tháng 10, Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase) đã đưa ra bản báo cáo, báo La Croix tóm tắt các hình thức bồi thường đã được các tòa giám mục bồi thường cho các nạn nhân.

Khi kết thúc cuộc họp khoáng đại ngày 26 tháng 3, các giám mục Pháp đã đưa ra phán quyết: “Một khoản đóng góp tài chánh sẽ được trả cho mỗi nạn nhân khi họ yêu cầu  để đáp ứng các chi phí cần thiết cho việc tái xây dựng, điều này ở trong giới hạn của con số được ấn định”. Các khoản tiền trả cho nạn nhân sẽ xuất từ “quỹ trợ cấp”, số tiền ban đầu là năm triệu âu kim – theo đó có thể có số tiền quyên góp của các giám mục, linh mục, phó tế, tín hữu.

Ở Âu châu và các nơi khác trên thế giới, các hệ thống tương đương đã được áp dụng, cùng với quy trình xét xử không bao gồm các trường hợp đã hết thời hiệu.

Tại Hoa Kỳ, một quy chế dành cho các giáo phận không dung thứ

Tại Hoa Kỳ, khoảng 20 giáo phận đã phải “phá sản” để có thể bồi thường cho các nạn nhân bị các linh mục lạm dụng tình dục. Các khoản bồi thường đôi khi lên đến một số tiền rất cao (theo ước tính năm 2015, tổng cộng tương đương 2,66 tỷ âu kim)

Thực sự cách hoạt động pháp lý của các nước anglo-saxon rất khác so với Pháp: các linh mục được xem là nhân viên của giáo phận, họ có thể bị tòa xử theo các thủ tục tố tụng dân sự, chịu trách nhiệm về những hành vi lạm dụng đã vi phạm. Số tiền bồi thường cao hơn này được giải thích là do một số Quốc gia đã loại bỏ giới hạn tiền bồi thường và kéo dài thời hiệu của các hành vi, vì thế dẫn đến việc tăng thêm một số trường hợp.

Song song vào đó, một số giáo phận tập hợp lại để thành lập một quỹ bồi thường độc lập ở cấp giáo tỉnh. Nhưng vào cuối thủ tục, cách này trả cho nạn nhân một số tiền nhỏ hơn nhiều, và trên nguyên tắc họ phải viện đến pháp lý.

Ở Úc, mức phạt kỷ lục là 1,5 triệu âu kim

Trong mô hình tương đương với hệ thống của Mỹ, hệ thống bồi thường ở Úc được xem là cao, đạt đến mức kỷ lục. Tháng 1 vừa qua, Tổng giám mục giáo phận Perth (Tây Úc) đã trả hơn hai triệu rưỡi đô la Úc cho một nạn nhân của một linh mục lạm dụng trong những năm 1970. Chỉ riêng giáo phận Melbourne, số tiền bồi thường đã lên đến 14 triệu đô la Úc (8,76 triệu âu kim) cho 126 nạn nhân yêu cầu bồi thường.

Đồng thời, Giáo hội công giáo Úc tham gia vào Hệ thống Bồi thường Quốc gia được thiết lập vào tháng 6 năm 2018 để tập hợp tất cả các thể chế theo đó đã có các hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Số tiền được trả không được vượt quá 150.000 đô la Úc (93.000 âu kim) mỗi người, từ đó có thể khấu trừ số tiền đã trả trong các vụ lạm dụng.

Ở Canada, phong bì chung

Sau vụ bê bối lạm dụng trẻ em dân tộc bản địa trong các trường công giáo, ngày 26 tháng 9 năm 2021, Hội đồng Giám mục Canada thông báo 20 triệu âu kim sẽ được phân phát trong năm năm tới để thoa dịu nỗi đau của những người sống sót phải đối diện với “chấn thương liên tục và mang tính lịch sử” trong các trường nội trú này. Sự việc tương đối có từ lâu. Năm 1874, khoảng 150.000 trẻ em của các gia đình bản địa được đưa vào các trường công giáo. Một số các em bị ngược đãi hoặc bị lạm dụng tình dục. Trường học cuối cùng trong số các trường nội trú này đã đóng cửa vào những năm 1990.

Ở Đức, số tiền giới hạn được tăng thêm

Tháng 9 năm 2020, tại hội nghị ở Fulda, các giám mục Đức đã cải tổ hệ thống “trợ cấp công nhận” cho các nạn nhân của bạo lực tình dục. Kể từ ngày 1 tháng 1, bất kỳ ai từng bị lạm dụng trong thời thơ ấu đều có thể xin bồi thường, tùy mức độ nghiêm trọng của sự việc, nhưng tối đa là 50.000 âu kim.

Một ủy ban họp để nghiên cứu các trường hợp, nhưng đã có những lời chỉ trích do các thủ tục chậm chạp. Tháng 6 vừa qua, 142 người trong số họ đã được giải quyết trên tổng số 1.136 trường hợp. Cho đến lúc đó, các phong bì tối đa 5 000 âu kim đã được phân phát. Hiệp hội Eckiger Tisch yêu cầu  số tiền lên đến 400.000 âu kim.

Tại Bỉ, gần 10 năm kinh nghiệm

Ở Bỉ, năm 2010 các nghị viên đã thành lập một Trung tâm hòa giải để tìm cách bồi thường cho các nạn nhân đã hết thời hiệu. Hệ thống này được thành lập để tồn tại trong 5 năm và đã nhận 507 hồ sơ. Phần lớn nạn nhân chấp nhận đề nghị hòa giải, với các khoản tiền khoán, tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc, là từ 2.500 đến 5.000 – 10.000 hoặc 25.000 âu kim và lên đến 7.000 âu kim cho người thân trong trường hợp nạn nhân tự tử.

Từ năm 2012, khoảng mười điểm họp đã được thành lập trong nước để xử các trường hợp lạm dụng tình dục trong quan hệ mục vụ. Theo Ủy ban Liên giáo phận về Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên, trong tám năm, 553 đơn khiếu nại đã được đăng ký; với hơn bốn triệu âu kim tiền bồi thường.

Chỉ tính riêng năm 2020 vẫn còn 59 trường hợp được báo cáo, chủ yếu liên quan đến các dữ kiện cũ mà thủ phạm không còn sống. Một nửa số trường hợp dẫn đến việc thu xếp tài chính từ 1.000 âu kim đến 25.000 âu kim. Mười một hồ sơ đã được gởi đến tòa, các hồ sơ này chưa hết thời hiệu và các thủ phạm vẫn còn sống.

Ở Thụy Sĩ, 140 trường hợp đã được xử lý

Kể từ năm 2016 khi quỹ bồi thường được thành lập ở Thụy Sĩ, một ủy ban đặc biệt chịu trách nhiệm theo dõi các vụ lạm dụng đã chi trả cho 140 nạn nhân, lên đến 20.000 quan Thụy Sĩ (tương đương với 18.200 âu kim) cho các trường hợp được cho là “nặng nhất”.

Quỹ được các giáo phận, các dòng, các tổ chức giáo hội tỉnh bang cung cấp. Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2021, quỹ được gia hạn thêm. Và cũng bắt đầu từ ngày này, số tiền được trả không còn chỉ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc mà còn tùy thuộc thực tế của hậu quả (y tế, gia đình, nghề nghiệp và xã hội) của những vụ tấn công.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Jean-Marc Sauvé: “Không nghi ngờ gì về quyết tâm chống lạm dụng của Đức Phanxicô”

Có 330.000 nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp