Họ ở dưới gầm cầu Austin

187

Họ ở dưới gầm cầu Austin

Ronald Rolheiser, 2021-09-06

Gần đây, trong một hội thảo có một bà chia sẻ lo âu về cái chết của anh bà. Ông chết vì Covid trước khi có vacxin, và đã chết vì ông đã ở trong tình trạng có nhiều nguy cơ nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, ông có lý do đáng để làm. Là cựu quân nhân, sống một mình, ông dùng phần lớn lương hưu và tiền tiết kiệm để nấu những bữa ăn đem cho người vô gia cư sống dưới cây cầu ở quê nhà Austin bang Texas của ông.

Chắc chắn đây như một cái chết cao thượng và mang tinh thần kitô giáo, trừ việc trong cuộc đời trưởng thành của mình, ông không có một đức tin rõ ràng vào Thiên Chúa và Chúa Giêsu, ông tự cho mình theo thuyết bất khả tri (dù ông không có ác cảm gì với tôn giáo). Đơn giản là ông không tin vào Thiên Chúa và không đi nhà thờ. Em gái ông thương ông vô cùng, kính phục việc ông cho người vô gia cư ăn, nhưng lo lắng về việc ông chết mà xa cách Giáo hội và không có đức tin rõ ràng. Lo lắng của bà càng nặng hơn khi bà có một người anh khác, một tín hữu kitô cực kỳ chính thống, kiên định với niềm tin rằng chết mà xa Giáo hội thì đời đời không được ơn cứu rỗi, nói tóm lại là vào địa ngục. Linh tính mách bảo bà chuyện này không đúng. Nhưng bà vẫn lo lắng và muốn có chứng cứ đảm bảo người anh cực kỳ chính thống của mình đã sai và nỗi lo của bà về ơn cứu rỗi đời đời của anh mình chỉ là lo nhầm mà thôi.

Vậy chúng ta có thể nói gì trước chuyện này? Chúng ta có vài điều. Trước hết, Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã nhập thể và mặc khải là một Thiên Chúa chắc chắn là đối nghịch với kiểu chính thống cực đoan và nỗi sợ sai nhầm về ơn cứu rỗi này. Chính Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta, Thiên Chúa dò thấu tâm hồn chúng ta, thấy hết những phức tạp hiện sinh của nó. Một người chính thống cực đoan chỉ đọc những gì được viết trên giấy, chứ không đọc sự thiện có trong tâm hồn con người. Cũng vậy, Kinh Thánh mô tả Thiên Chúa là “một Thiên Chúa ghen tuông”. Điều này không có nghĩa là Chúa nổi giận, nổi ghen khi chúng ta bận lòng với những chuyện của mình hay khi chúng ta phản bội Ngài do yếu đuối và tội lỗi. Đúng hơn, nó có nghĩa là Thiên Chúa, như một người cha người mẹ đầy lo âu, không bao giờ muốn mất chúng ta và tìm mọi cách có thể để giữ chúng ta không lạc xa và tự làm tổn hại chính mình. Hơn nữa, trong ngôn ngữ trừu tượng của thần học hàn lâm, Thiên Chúa có ý muốn phổ quát cho ơn cứu rỗi, và như thế nghĩa là cho tất cả mọi người, kể cả người bất khả tri và vô thần.

Cụ thể hơn, Chúa Giêsu đã cho chúng ta ba cái nhìn đan xen nhau để phơi bày sự hạn hẹp của suy nghĩ chính thống cực đoan về việc ai được lên thiên đàng và ai xuống địa ngục.

Trước hết, Ngài cho chúng ta dụ ngôn về một người cha bảo hai con trai mình ra đồng. Người con cả nói sẽ không đi nhưng cuối cùng lại đi, còn người con thứ nói sẽ đi mà cuối cùng lại không đi. Ai là người con thực sự đây? Câu trả lời rõ ràng rồi, nhưng Chúa Giêsu củng cố dụ ngôn này bằng một lời nữa: Không phải ai nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” là được vào nước trời đâu, mà những ai thực thi ý muốn của Thiên Chúa trên đời.

Dụ ngôn này nêu bật điều mà các thần học gia (từ John Henry Newman cho đến Karl Rahner) đã cố dạy, cụ thể là, người ta có thể có một đức tin ý niệm nhưng lại là con số không nếu xét về đức tin thật. Ngược lại, người ta có thể rõ ràng phủ nhận những gì chúng ta giữ trong ý niệm đức tin của mình, nhưng lại là người sống theo những gì đức tin thực sự yêu cầu và có đức tin đích thực, bởi vì đức tin đích thực không nhất thiết được thể hiện trong ý niệm đức tin mà là trong hoa trái đời sống.

Cũng vậy, chúng ta có lời cảnh báo gây sốc của Chúa Giêsu trong sách Matthêu chương 25, về cách chúng ta sẽ được phán xét lên thiên đàng hay xuống địa ngục dựa trên việc chúng ta có phục vụ người nghèo hay không. Lời cảnh báo này không có ý, đức tin thể hiện rõ ràng và đời sống Giáo hội chẳng có ý nghĩa gì, tất nhiên chúng có tầm quan trọng của chúng, nhưng lời này là để cảnh báo có những điều còn quan trọng hơn.

Cuối cùng, và có lẽ là ý rộng nhất, là Chúa Giêsu đã cho chúng ta quyền tháo cởi và ràng buộc. Là chi thể trong Thân thể Chúa Kitô, tình yêu của chúng ta, cũng như tình yêu của Chúa Giêsu, giữ cho người thân yêu của chúng ta nối kết với cộng đồng ơn cứu rỗi. Như lời của nhà văn Gabriel Marcel, yêu ai đó là nói rằng người ấy không bao giờ mất đi. Tình thương của bà cho anh trai mình bảo đảm ông ấy không phải vào địa ngục.

Tôi muốn viết, nhưng xin mượn lời tuyệt vời của Charles Peguy, nhà thơ và nhà văn lừng danh người Pháp. Peguy từng cho rằng khi chúng ta chết và đến trước Thiên Chúa, mỗi người chúng ta sẽ được đặt câu hỏi: “Những người khác đâu?” (“Où sont les autres?”). Tôi đã bảo đảm với bà, bà không cần lo cho ơn cứu rỗi đời đời của anh mình, dù ông chết xa cách Giáo hội và không có đức tin thể hiện rõ ràng. Khi đứng trước Thiên Chúa và được Ngài đặt câu hỏi “Những người khác đâu?”, hẳn ông có câu trả lời chuẩn rồi: Họ ở dưới gầm cầu Austin.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài đọc thêm: Những hình thức “có tâm linh mà không có đạo” khác nhau