Thanh toán ở Vatican

120

Thanh toán ở Vatican

parismatch.co, François de Labarre, Piero Messina, 2021-07-27

Ngày 28 tháng 6 năm 2018, trong một công nghị, giám mục Angelo Becciu được Đức Phanxicô phong hồng y. Tháng 9 năm 2020, Đức Phanxicô cách chức hồng y Becciu. Ngày thứ ba 27 tháng 7, Vatican mở phiên tòa xét xử hồng y Becciu. Eric Vandeville/ ABACAPRESS.COM

“Tôi chèo ra chỗ nước sâu”, đó là phương châm của hồng y Angelo Becciu, người sẽ ra tòa ngày thứ ba 27 tháng 7 trong một phiên tòa ngoại thường. Cùng với 9 giám chức và giáo dân khác, trong số này có một phụ nữ trẻ. Cựu nhân vật số 2 của Phủ Quốc Vụ Khanh bị cáo buộc phạm tội tham ô, lạm dụng quyền lực và giả mạo nhân chứng.

Thường người ta đến Vatican là để dự buổi tiếp kiến hoặc dự thánh lễ, hiếm khi đến đây để dự phiên tòa. Vậy mà đây là trường hợp của hồng y Becciu, người được “mời” ra tòa, người mà cách đây mười tháng được xem là một trong những người thân cận của Đức Phanxico. Hồng y Becciu cùng với 9 bị cáo khác ra trước tòa án Vatican, nơi mà đôi khi chúng ta quên, đó cũng là một nhà nước. Các cáo buộc rất mạnh: gian lận, biển thủ, rửa tiền, tống tiền, giả mạo, v.v. Ngày 27 tháng 3 vừa qua, Đức Phanxicô có mặt trong lễ khánh thành năm tư pháp thứ 92 không phải là chuyện tình cờ. Trước sự chứng kiến của ông Mario Draghi, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu châu và bà Maria Cartabia, bộ trưởng bộ Tư pháp, họ mang đến cho ngài sự ủng hộ của nước Ý, trước sự chứng kiến của các giám mục và thẩm phán, ngài xác nhận mong muốn của mình về “sự minh bạch tuyệt đối về tài chính” và “trừng trị các tội phạm tài chính”. Vài tuần sau, ngài ký một “tự sắc” theo đó từ nay các giám mục sẽ bị xét xử trước Tòa Sơ thẩm dân sự với thẩm quyền hẹp chứ không còn trước Tòa phá án.

Hồng y Angelo Becciu, 73 tuổi, tháng 9 năm 2020 © Gregorio Borgia / AP / SIPA

Từ khi được bầu chọn, ý định của Đức Phanxicô rất rõ ràng: chống tham nhũng trong nội bộ Giáo triều. Vì thế năm 2013 ngài đã quy tụ các chuyên gia tài chính từ khắp nơi trên thế giới. Các đặc phái viên của ngài ghi nhận, “sự hỗ trợ của Đức Phanxicô là không đủ để có được thông tin tài chính”, câu của một người ẩn danh nói đến việc cản trở ở Phủ Quốc Vụ Khanh. Bộ này là bộ quan trọng nhất trong giáo triều la mã, là siêu bộ quản lý các vấn đề đối nội cũng như đối ngoại. Như nhà sử học Henry Sire viết trong quyển “Giáo hoàng độc tài”, “Phủ Quốc Vụ Khanh là nơi có quyền lực quá lớn – nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng của giáo triều”.

Năm 2011, dưới thời Đức Bênêđictô XVI, hồng y Becciu được đưa vào giáo triều. Ngài làm phụ tá Bộ trưởng, trong vị trí này, ngài đứng đầu bộ phận hành chính, gọi là các vấn đề chung, ngài là nhân vật thứ hai của hồng y Tarcisio Bertone. Ngài quản lý các chuyến tông du ra nước ngoài của giáo hoàng, cũng như việc giao tiếp, các bổ nhiệm ở giáo triều, các hoạt động tông đồ, các vấn đề an ninh nội bộ liên quan đến hiến binh hoặc “các hoạt động đặc biệt”, kể cả các việc đàm phán về con tin cũng như quản lý quỹ đen của Phủ Quốc Vụ Khanh.

Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican năm 2007, rời nhiệm sở năm 2013 sau khi Đức Bênêđíctô XVI từ chức. © Alessandra Benedetti / Corbis qua Getty Images

“Tesorino” – “kho báu nhỏ” này, chữ của một nhà tài chính người Ý của Tòa thánh -, là tiền thu gom được từ quỹ Thánh Phêrô, một đóng góp hàng năm vào ngày 29 tháng 6 trong Ngày Thế Giới Từ thiện giáo hoàng: số tiền thu được  lên đến vài trăm triệu âu kim. Và người ta phát hiện ra, một phần việc quản lý quỹ này được giao cho ông Enrico Crasso, một cựu nhân viên của Credit Suisse, ông bị cáo buộc tham ô, gian lận, tống tiền, rửa tiền, giả mạo, lạm dụng quyền lực và tham nhũng.

Theo lời cố vấn của ông, các quan chức ở Phủ Quốc Vụ Khanh giao 200 triệu đô la cho ông Raffaele Mincione, một người rất thành công và được mến chuộng, sống căn hộ sang trọng ở thủ đô nước Anh. Hồng y Angelo Becciu, trước đây là sứ thần Tòa Thánh tại Angola, đầu tiên muốn đầu tư vào một dự án dầu mỏ, nhưng bị cho là quá rủi ro. Năm 2014, ông Enrico Crasso đề nghị tham dự vào một tòa nhà rộng 17.000m2 ở London, vừa được ông Raffaele Mincione mua lại. Ông Mincione nuôi những dự án to lớn cho tòa nhà, ông muốn biến tòa nhà này thành tổ hợp những căn hộ sang trọng. Họ chưa làm đơn xin xây dựng nào, và ông Mincione giữ kín không nói ông đã mắc nợ 97 triệu bảng để tài trợ cho hoạt động này. Theo nhận định của các nhà điều tra, “vào năm 2014, giá trị ròng của tài sản này là 32 triệu bảng Anh”, điều này sẽ không ngăn cản các nhà tài chính ước tính nó gấp bảy lần: 230 triệu! Ngày 9 tháng 7 năm 2014, một thư viết được gửi đến Angelo Becciu đề nghị “mua lại 40 đến 45% cổ phần của tòa nhà nằm ở số 60 Đại lộ Sloane ở London”.

Tòa nhà ở số 60 Đại lộ Sloane ở London, hiện thuộc sở hữu của Quốc vụ khanh là đầu mối của vụ bê bối tham nhũng. © DANIEL LEAL-OLIVAS / AFP)

Sau hai năm điều tra kỹ lưỡng, trên hàng ba mươi điện thoại cầm tay, máy bảng, máy tính, hàng chục ổ cứng, USB, các thẩm phán cho rằng, hồng y Becciu là người đưa ra “quyết định chiến lược”. Vào cuối năm 2014, hoạt động đã được khởi động, nhưng trong số 200 triệu đô la được ủy thác, chỉ một phần được đầu tư – và bị thua lỗ – vào tòa nhà ở London. Phần còn lại bị nuốt chửng. Becciu có thể không biết về quy mô của trò lừa đảo. Dù sao cựu hồng y đã sai lầm khi để việc này trôi qua trong im lặng khi giáo hoàng đấu tranh để có “minh bạch”.

Năm 2015, Tòa thánh đã dỡ bỏ bí mật ngân hàng. Kết thúc của một kỷ nguyên

Tháng 2 năm 2014, giáo hoàng đã chọn kẻ tấn công mình, hồng y George Pell, giáo phận Sydney, làm người đứng đầu Ban Thư ký mới về Kinh tế. Người vững mạnh mà ngài đặt cho biệt danh “cầu thủ bóng bầu dục”, trong một năm lôi ra được 1,4 tỷ âu kim không được ghi trên các tài khoản. Các chuyên gia tài chính tham gia vào ban giám đốc của Viện Nghiên cứu Công trình Tôn giáo (IOR), thường được gọi là ngân hàng Vatican. Họ đóng 5.000 tài khoản bất thường. Năm 2015, Tòa thánh đã dỡ bỏ bí mật ngân hàng. Kết thúc một kỷ nguyên. Ít nhất, đó là điều mà các nhân vật cải cách hy vọng. Cuối năm 2015, hồng y George Pell còn chỉ định một công ty kiểm toán, Price Waterhouse Coopers, để hàng năm chứng nhận tất cả các tài khoản của Tòa thánh. Quyết định này, được các chuyên gia ca ngợi, được một số người hiểu xem đây là lời tuyên chiến thực sự. Chuyện này sẽ dẫn đến một sự trả đũa nặng nề.

Một xã hội của “terosino, phe phái mạnh” – những kẻ mưu đồ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tham nhũng – lưu truyền đủ loại tin đồn về “những người cải cách”. Các lá thư tố cáo đổ bộ lên bàn làm việc của Đức Thánh Cha. Nội dung các cuộc họp kín bị rò rỉ ra cho báo chí. Sau đó là vụ bê bối Vatileaks 2. Một trong những nhà cải cách của giáo triều, ông Joseph Zahra – cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương Malta – khi đó cáo buộc các tác giả của vụ bê bối này “đang tìm cách làm chậm đà cải cách”. Và đúng, đó là những gì sẽ xảy ra. Rồi đến ngày 12 tháng 4 năm 2016, một bức thư của hồng y Angelo Becciu gởi đến tất cả các phòng ban, thông báo việc đình chỉ kiểm toán Price Waterhouse Coopers. Tài khoản công khai sẽ không được chứng nhận. “Tesorino” có thể bị phung phí.

Các khoản đóng góp của hàng ngàn giáo dân đã biến mất vào các tài khoản nước ngoài

Vậy mà tên của Raffaele Mincione nhanh chóng xuất hiện trên các bài báo, các nhà điều tra sẽ tìm thấy trong kho lưu trữ của Phủ Quốc Vụ Khanh. Cũng không có gì khó hiểu khi ông Mincione, như các điều tra viên của Tòa thánh giải thích, “đang tìm một lá phổi tài chính ở Vatican để lấy oxy thanh toán các tài khoản với Enasarco”, quỹ hưu trí do ông quản lý và bị những người có trách nhiệm tố cáo ông đã dùng vốn cho các việc riêng của mình. Họ muốn ký cho ông tấm chi phiếu 20 triệu âu kim để ông ra đi…

Bốn năm sau, đến lượt Phủ Quốc Vụ Khanh trả một giá rất đắt để loại ông, trước khi rơi vào tay của một kẻ gian, người làm cho họ chịu cảnh cưỡng đoạt và tống tiền. Tháng 3 năm 2019, những người đứng đầu bộ phận hành chính bị cắt giảm, xin sự can thiệp của ngân hàng Vatican, IOR. Ngạc nhiên: ngân hàng dứt khoát chống đơn xin tín dụng, điều này kích hoạt toàn bộ sự việc. Theo thông tin của chúng tôi, một thành viên của bộ phận hành chính – tại Phủ Quốc Vụ Khanh và được ngân hàng Thụy Sĩ UBS chi trả – đã đưa ra những lời đe dọa chống lại một nhân viên khác với thái độ kiểu “Bố già”: “Tôi biết nơi bạn sống và tôi biết con bạn đi học trường nào…”

Theo các nhà điều tra, số tiền quyên góp của hàng ngàn giáo dân đã biến mất vào tài khoản nước ngoài của “những nhà tài chính vô đạo đức”  Bộ phận hành chính của Phủ Quốc Vụ Khanh chắc chắn đã được bảo vệ quá tốt để các thủ đoạn của họ không rơi vào cái nhìn cảnh giác của hồng y Hồng y Pell. Năm 2016, một vấn đề khác gây ồn ào: việc mua lại tòa nhà của Sở giao dịch chứng khoán ở Budapest. Các nhân viên ở ngân hàng Vatican IOR cáo buộc ông Alberto Matta, một doanh nhân người Ý có trụ sở tại Malta, đã biển thủ hàng chục triệu âu kim thông qua các công ty ở Panama, Dubai và Delaware. Giống như ông Raffaelle Mincione, ông Matta từng có tranh chấp với quỹ Enasarco. Giống như ông Mincione, ông được nhắc đến trong vụ phá sản gian lận của Banca popolare di Vicenza, đã làm mất tiền tiết kiệm của 117.000 cổ đông nhỏ. Ở giáo triều, một số thích giữ im lặng và quay nhìn chỗ khác. Khổ thay, hai thành viên của hội đồng quản trị ngân hàng Vatican IOR ra đi: ông Carlo Salvatori – cựu giám đốc ngân hàng Lazard ở Ý –  và ông Clemens Börsig – cựu chủ tịch ban giám sát của Deutsche Bank. Ngày 25 tháng 5 năm 2016, một thông báo mập mờ trên báo chí đề cập đến “sự khác biệt về quan điểm”. Các xáo trộn đầu tiên trong cuộc chiến nhục nhã về cải cách tài chính.

“Bất kỳ ai đóng vai trò hàng đầu trong cải cách tài chính đều bị tấn công trên các phương tiện truyền thông và danh tiếng của họ bị tổn thương.”

Ngày 18 tháng 6 năm 2017, thông tin được “cầu thủ bóng bầu dục” của Đức Phanxicô chuyển đến Phủ Quốc Vụ Khanh: cảnh sát Úc tố cáo ngài trong một vụ án ấu dâm. Ngày hôm sau, hiến binh Tòa thánh đột kích đến nhà tổng kiểm toán Libero Milone. Ông chủ cũ của công ty kiểm toán Deloitte ở Ý, ông bị cáo buộc đã ủy quyền cho một công ty bên ngoài thực hiện các hoạt động giám sát mà không được phép trước. Ngày 19 tháng 6 năm 2017, ông phải giải thích ở văn phòng ông Domenico Giani, người đứng đầu hiến binh, trước sự chứng kiến của hồng y Angelo Becciu. Bây giờ là thời điểm tốt để buộc ông Libero Milone từ chức: tin tức này sớm bị lu mờ vì một vụ to lớn khác. Một tuần sau, như sử gia Henry Sire viết, “các cáo buộc lạm dụng tình dục nhắm vào hồng y Pell sẽ được loan báo trong một cuộc họp báo quá mức.” Trong hậu trường, những người chống cải cách hân hoan. Phần còn lại của câu chuyện thật đáng sợ. Hồng y Pell bị kết án, bị giam bốn trăm bốn mươi ngày. Sau đó, hồng y được Tòa án Tối cao Úc xóa tội danh vì thiếu bằng chứng. Mùa thu 2020 khi hồng y Pell về lại Rôma, ngài giải thích trường hợp của ngài đã bị dựng đứng toàn bộ. Trả lời nhật báo Ý “La Repubblica”, hồng y Pell tuyên bố: “Bất kỳ ai đóng vai trò hàng đầu trong cải cách tài chính đều bị tấn công trên các phương tiện truyền thông và danh tiếng của họ bị tổn thương.” Hiện nay các nhà điều tra Tòa Thánh quan tâm đến đối tượng thực sự của hóa đơn trị giá 2 triệu đô la của một công ty tình báo kinh tế Úc gửi đến Phủ Quốc Vụ Khanh.

Melbourne (Úc), tháng 5 năm 2018. Hồng y George Pell, người được giáo hoàng giao trọng trách điều tra tài chính của Vatican, bị cáo buộc tội ấu dâm mà không có bằng chứng. © AP Ảnh / Asanka Brendon Ratnayake

Vào giữa năm 2018, khi hồng y George Pell mệt mỏi trong nhà tù Úc thì tại Vatican, các vụ việc tiến hành con đường của nó. Đức Phanxicô phong hồng y cho Angelo Becciu, bổ nhiệm ngài làm tổng trưởng Bộ Phong Thánh, tạo sự không hiểu nơi các nhà cải cách. Một trong số họ thấy đây là việc loại hồng y Becciu ra khỏi trọng tâm lò lửa. Bị tước đoạt quyền lực tài chính của mình, cựu phụ tá Phủ Quốc Vụ Khanh vẫn tiếp tục ra lệnh chuyển khoản cho nhân viên cũ của mình. Từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019, hồng y đã chuyển 575.000 âu kim vào tài khoản của bà Cecilia Marogna, người Slovenia cố vấn của ngài. Tin nhắn trên một chiếc điện thoại bị tịch thu cho biết khoản chi này theo yêu cầu của cựu hồng y  Becciu để “đóng góp tự nguyện cho sứ mệnh nhân đạo” và được biện minh là dùng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán về việc thả một nữ tu con tin người Colombia ở Mali.

Theo các nhà điều tra, việc dùng số tiền này vào mục đích cá nhân là “đáng tin” hơn. Mùa thu năm ngoái, bà Cecilia Marogna bị giam mười bảy ngày ở Milan nhưng chưa ra tòa, bà giải thích: “Những khoản tiền này được dành cho các hoạt động để lấy tin.” Trong một trao đổi dài, bà giải thích giải thích với chúng tôi, danh sách các khoản chi – Prada, Tod’s, Montblanc, Louis Vuitton, khách sạn và spa – được truyền hình phát là một giả mạo thô bạo. Đây có phải là sự  thao túng khổng lồ như bà tuyên bố không? Khi được hỏi, qua luật sư của mình, hồng y Becciu thông báo những quyết định này được đưa ra “theo sự đồng ý của Đức Thánh Cha”. Ngài dứt khoát phủ nhận các cáo buộc chiếm đoạt và biển thủ, ngài từ chối bình luận, chống “giữ bí mật chính trị cho an ninh Quốc gia”. Tương tự như vậy với khoản đầu tư vào tòa nhà ở London. Tuy nhiên, không phải hồng y Phủ Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, người ký các tài liệu, ra tòa nhưng là cựu hồng y Becciu, phụ tá của ngài ra tòa. Ngài có bị thao túng không? Ngài có biết số tiền chuyển khoản cho bà Cecilia Marogna không chỉ dùng cho việc tạo điều kiện để giải phóng con tin không? Còn các khoản tiền khác được chuyển trái phép hoặc không thể giải thích đến các thiên đường thuế hoặc các công ty nước ngoài thì sao?

Phiên tòa khai mạc ngày thứ ba 27 tháng 7 sẽ cho thấy báo cáo của Moneyval, ủy ban châu Âu về đánh giá các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Năm 2012, sau chuyến thăm đầu tiên của ủy ban đến Tòa Thánh, các chuyên gia châu Âu đã than phiền về việc thiếu các cuộc điều tra và thủ tục pháp lý. Nhận định tương tự cũng được đưa ra trong báo cáo cuối cùng của họ vào tháng 5 năm 2021. Nếu việc tăng cường “các công cụ kiểm soát” được ca ngợi nhưng “các nguy cơ lạm dụng quyền lực” lại được lưu ý thêm. Các vụ biển thủ rất hiếm khi bị xử phạt. Cũng thật đáng tiếc khi các thẩm phán của Tòa thánh – như Alessandro Diddi, phó công tố viên của Tòa Sơ thẩm, đồng thời cũng là luật sư ở Rôma thường bào chữa cho các trùm mafia… – chỉ làm việc nửa thời gian. Bản báo cáo gằn mạnh: “Phải tăng cường các cuộc điều tra tài chính”. Các đề xuất được thực hiện với tốc độ không mong đợi. Thời buổi của bí mật và tài chính mờ mịt dường như đã qua nhờ những nỗ lực của Đức Phanxicô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Vụ án tòa nhà ở London, một phiên tòa ngoại thường của Vatican