Hồng y Parolin hứa sẽ ra làm chứng tại tòa nếu ngài được mời

27

Hồng y Parolin hứa sẽ ra làm chứng tại tòa nếu ngài được mời

Đến thăm Strasbourg ngày chúa nhật 4 tháng 7, hồng y Quốc vụ khanh phản ứng trước thông báo về việc xét xử “vụ London”, liên quan đến các khoản đầu tư bất động sản của Tòa thánh.

la-croix.com, Élise Descamps, Strasbourg (Bas-Rhin), 2021-07-04

Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin trong thánh lễ ngày 29 tháng 6 tại Berlin. TOBIAS SCHWARZ / AFP

“Tôi không biết liệu tôi có được gọi để ra làm chứng hay không, nhưng nếu tôi được gọi, tôi sẵn sàng đi. Nếu tòa nói với tôi: ‘Cha phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì đã xảy ra’, chắc chắn tôi sẽ có những điều để nói, những câu trả lời để đưa ra. Nếu tòa cho rằng tôi không có trách nhiệm, chắc chắn họ sẽ không gọi tôi ra làm chứng”.

Đến Alsace nhân dịp kỷ niệm 1.300 năm Núi Thánh Odile, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, nhân vật số 2 của Vatican đã gởi câu trả lời đến cho báo La Croix, đây là lần đầu tiên ngài nói chuyện trước báo giới sau thông báo của Vatican nói về vụ mở tòa án ngày 27 tháng 7 sắp tới để xét xử các người chịu trách nhiệm về những khoản đầu tư nguy hiểm, được thực hiện trong những năm gần đây gây thiệt hại cho Tòa thánh.

Đức Hồng Y Parolin đã biết những gì?

Chắc chắn ngài không phải là một trong những người bị buộc tội. Nhưng với tư cách là người đứng đầu Phủ Quốc Vụ Khanh, cơ quan đã yêu cầu Viện Nghiên cứu các công trình Tôn giáo (IOR) thường gọi là Ngân hàng Vatican cho vay tiền để mua tòa nhà ở London năm 2019, dẫn đến việc giáo hoàng đưa ra tòa, một số người thắc mắc: ngài biết gì về các thỏa thuận tài chính và các gian lận hoặc ngài không hay biết?

Hồng y Parolin đón nhận tích cực thông báo vụ án. “Phải hơn một năm rưỡi cơ quan tư pháp mới đi đến quyết định này và rất tốt đã có quyết định này, dù tôi rất buồn với các kết luận của nó.” Từ chối bình luận về thực chất vụ việc, ngài cho biết chưa có thì giờ để đọc các tài liệu được công bố ngày hôm trước, tuy nhiên ngài khẳng định: “Tôi không phán xét các con người. Có thể ai đó đã cư xử không đúng. Sự phán xét sẽ là thời điểm khi tất cả các yếu tố được đặt lên bàn và chúng ta hy vọng nó sẽ mang đến sự thật.” Ngài cũng mong muốn “một phiên tòa ngắn để đưa ra tất cả bằng chứng, vì vụ án đã làm cho rất nhiều người đau khổ, và rất nhiều người tiếp tục đau khổ.”

Chúng tôi phải bảo vệ danh dự của Tòa thánh

Khi được hỏi liệu Phủ Quốc Vụ Khanh có đưa ra một vụ kiện dân sự hay không, ngài khẳng định, “đó là ý muốn của Đức Phanxicô.” Ngài biện minh cho điều này như sau: “Chúng tôi không biết trực tiếp tất cả các cuộc điều tra. Chúng tôi xem mình là nạn nhân. Chúng tôi phải bảo vệ danh dự của Tòa thánh. Chúng tôi cũng có thể lấy lại một số tiền.”

Ngoài ra, về việc quản lý tài chính nói chung, ngài cho rằng, “ở cấp độ hành chính, mọi việc đã được giải quyết” vì “giáo hoàng đã đưa ra nhiều quyết định, đặc biệt ngài chuyển giao tài chính của Tòa thánh cho Cơ quan quản lý di sản Tông tòa, Apsa, dưới quyền kiểm soát của Ban Kinh tế”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô tổng dọn dẹp hệ thống tài chánh Vatican

Đầu tư tài chính: Cuộc điều tra ở Vatican tiết lộ sự việc

Vụ án Becciu, dấu hiệu cho thấy thời thế đã thay đổi ở Vatican