Vì sao Đức Phanxicô đặt tầm quan trọng rất lớn trên tính công nghị

321

Vì sao Đức Phanxicô đặt tầm quan trọng rất lớn trên tính công nghị

international.la-croix.com, Andrew Hamilton, 2021-06-07

Đức Phanxicô dâng thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Amazon tháng 10 năm 2019 (PHOTOSHOT/MAXPPP)

Thoạt nhìn, thông báo của Vatican hoãn lại thượng hội đồng sắp tới không phải là một tin tức sốt dẻo gì. Tất cả thượng hội đồng thường bị cho là rất chán, và một thượng hội đồng về tính công nghị thì hoàn toàn xem như mình tự nói về mình. Tuy nhiên, thông báo này rất quan trọng.

Thượng hội đồng sẽ chiếm nhiều thì giờ và sức lực của người công giáo ở cấp địa phương, giáo phận, quốc gia và quốc tế trong gần ba năm, bao gồm các hội dòng địa phương, các giáo phận trong việc gom lại các kết quả và chia sẻ với các giáo phận khác, các giám mục tham gia vào các cuộc nói chuyện, cùng xem xét và báo cáo với văn phòng Rôma để lên chương trình nghị sự cho thượng hội đồng.

Tính đến sự đầu tư nhân lực mà thượng hội đồng cần có thì cũng phải suy nghĩ về lịch sử gần đây của các thượng hội đồng và vì sao Đức Phanxicô lại xem vấn đề này quan trọng như vậy.

Cũng như trong rất nhiều hành động của ngài, sự tán thành của ngài với các thượng hội đồng cũng đưa ra các thách thức mà xã hội dân sự phải đương đầu. Đây có thể là chủ đề của một bài báo sau này.

Trong thế giới công giáo phương Tây, các thượng hội đồng xuất phát từ Công đồng Vatican II. Trái ngược với các công đồng trước đây, Công đồng Vatican II ít tập trung vào giáo huấn của Giáo hội hơn là đổi mới mục vụ, giải phóng và tiếp thêm năng lượng cho người công giáo sống theo phúc âm trong thế giới của mình.

Nó đặc biệt chú ý đến mối quan hệ của các giám mục với giáo hoàng, xem các giám mục như đồng hữu với người đứng đầu giáo phận Rôma. Họ cùng nhau chịu trách nhiệm về việc giảng dạy và sống đức tin trong Giáo hội.

Công đồng cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm tích cực của giáo dân, những thành viên bình đẳng với các linh mục và giám mục dù trách nhiệm của họ khác nhau trong Giáo hội.

Đức Phaolô VI giới thiệu thượng hội đồng như sự hợp nhất giữa giáo hoàng và các giám mục. Các giám mục họp lại với giáo hoàng để mang đến sự nâng đỡ, lời khuyên và biểu tượng cho sự hợp nhất của họ, chia sẻ trách nhiệm quốc tế của Giáo hội.

Dưới thời các vị kế nhiệm của ngài là Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, các ngài luôn quan tâm đến sự hợp nhất của đức tin khi đối diện với những bất đồng, giáo hoàng và ban quản trị của ngài kiểm soát chặt chẽ chương trình nghị sự, tiến trình và kết quả của thượng hội đồng.

Luôn kêu gọi một Giáo hội năng động, cả hai giáo hoàng đều nhấn mạnh đến phẩm giá đặc biệt và thẩm quyền giảng dạy đi từ giáo hoàng, các giám mục, các linh mục.

Từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã luôn cổ vũ cho sự tự do và sáng kiến giữa người Công giáo. Trong cách ứng xử của ngài, ngài ít chú trọng đến vấn đề quyền hành và giáo điều, ngài nghiêng về những người sống bên lề và bên ngoài Giáo hội.

Món quà của ngài là những hành động mang tính biểu tượng, như hòa mình thoải mái với mọi người, tổ chức bất ngờ các cuộc họp báo, thăm các nhà tù và trại tị nạn thì cũng quan trọng như lời nói của ngài. Ngài làm cho các thượng hội đồng thành biểu tượng quan trọng cho tầm nhìn của ngài.

Ngài khuyến khích các người tham dự nói lên suy nghĩ của mình, có ý kiến về các vấn đề, tham khảo ý kiến giáo dân của mình và tự họ định hình sự hiểu biết về đức tin.

Họ lên khuôn hình thức thích hợp của các mối quan hệ trong toàn thể giáo hội, mà Đức Phanxicô mô tả đó là tính công nghị.

Công nghị trước hết là một thái độ của tinh thần và trái tim, tóm tắt truyền thống công giáo.

Trọng tâm của công nghị là xác tín, tinh thần được ban cho mỗi người trong Giáo hội để mỗi người có ơn và có trách nhiệm đóng góp vào sự hiểu biết qua kinh nghiệm đức tin và chia sẻ Tin Mừng.

Các giám mục cùng với giáo hoàng có trách nhiệm đặc biệt trong việc giảng dạy. Nhưng vì giáo dân ở bên rìa đức tin nơi Tin Mừng được chia sẻ, nên quan điểm của họ là trọng tâm trong việc tuyên xưng đức tin kitô. Trọng tâm của Giáo hội được dời ra vùng ngoại vi của mình.

Quan điểm này về các mối quan hệ trong Giáo hội dựa trên đức tin, và làm nền tảng cho sự hiểu biết về tính công nghị như một tiến trình đối thoại qua về, trong đó nhiệm vụ chính của các giám mục, kể cả giáo hoàng và của mọi người là lắng nghe sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Trong đối thoại của họ, tất cả đều là người dạy và người học.

Đức Phanxicô đặt tầm quan trọng vào phân định

Tiến trình đối thoại cũng là tiến trình hoán cải, trong đó những người tham dự hoán cải cái nhìn phiến diện và thường là bè phái qua cái nhìn Tin Mừng và những gì đòi hỏi cho Giáo hội là có một cái nhìn sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và tận căn hơn.

Những người có thể trở thành người có trách nhiệm cho các đề xuất cụ thể sẽ nhận ra giá trị theo quan điểm khác. Sự hoán cải này đòi hỏi một tự do nội tâm.

Vì tất cả các đối thoại sẽ chỉ là một phần và sẽ phản ánh những thành kiến cũng như phản ánh sự trưởng thành của những người tham dự, Đức Phanxicô đặt một tầm quan trọng rất lớn cho phân định. Ngài xem đây là đóng góp trọng tâm của các giám mục và của giáo hoàng.

Họ phải chăm chú lắng nghe các đối thoại của mọi người và giám mục, cân nhắc các đề xuất của họ theo tinh thần mà qua đó được thực hiện và phù hợp theo Tin Mừng.

Nhận định này không được đưa ra đơn thuần bằng lập luận cân đo, nhưng dựa trên các tiêu chuẩn thiêng liêng. Chẳng hạn, Đức Phanxicô đã nói, ngài không đưa ra một số quyết định đã giành được sự ủng hộ của đa số tại các thượng hội đồng gần đây vì ngài cho rằng đối thoại đã phân cực hoặc chưa đủ chín chắn.

Sự nhấn mạnh của ngài về tính công nghị đã bị đe dọa từ hai phía đối lập. Một, nhấn mạnh vào ranh giới rõ ràng về sự tách biệt về phẩm giá và thẩm quyền giữa giáo hoàng và giám mục, giữa giám mục và linh mục, và giữa linh mục và giáo dân.

Nó cũng nhấn mạnh vào ranh giới ngăn cách giữa giáo hội và thế giới, và giữa giáo huấn công giáo và kinh nghiệm cá nhân. Do đó, cuộc đối thoại về đức tin là từ trên xuống và bị phân đoạn, không phải là một dòng liên tục.

Đức Phanxicô đã chỉ trích tầm nhìn này của giáo hội là chủ nghĩa giáo quyền. Nó tạo nên một Giáo hội tự quy và ngăn cản đường đi của suy tư, tham vấn và phân định mang đến năng lực cho việc truyền bá Tin Mừng.

Sự thấu hiểu của giáo hoàng về tính công nghị cũng bị đe dọa bởi cách tiếp cận hoan nghênh việc ngài giải phóng cuộc đối thoại và mở rộng để có nhiều người tham gia hơn, nhưng lại đánh giá quá trình này theo các tiêu chuẩn rút ra từ các quy trình nghị viện dân chủ đương thời.

Trong việc quản trị giáo hội, những người tham gia phải đại diện cho các khu vực bầu cử, làm tăng quan điểm của họ trong cuộc họp và lấy phiếu trong đó các quyết định của đa số sẽ là ràng buộc. Trong thấu hiểu của Đức Phanxicô về tính công nghị, cái nhìn này sẽ không nhận ra được sự hướng dẫn của tinh thần mà truyền thống và phân định đóng vai trò trung tâm.

Đức Phanxicô cũng lập luận, mỗi cách tiếp cận quản trị đều có những đối thủ của chúng trong thế giới đương đại và rõ ràng mỗi cách đều đi vào ngõ cụt mà tính công nghị có thể vượt qua.

Tuy nhiên, sức mạnh của câu trả lời này có thể phụ thuộc vào năng lực của thượng hội đồng, cũng như các công việc  tương tự như Hội đồng khoán đại Úc đưa ra.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Giáo hội với thách thức của việc “đồng trách nhiệm”

Tiến trình thượng hội đồng 2021-2023, Đức Phanxicô đưa ra dự án công giáo toàn cầu quan trọng nhất kể từ Công đồng Vatican II