Câu chuyện kể giữa Đức Phanxicô và bà Edith Bruck: “Bởi vì bà yêu ông”

258

Câu chuyện kể giữa Đức Phanxicô và bà Edith Bruck: “Bởi vì bà yêu ông”

fr.zenit.org, Anne Kurian-Montabone, 2021-02-24

Các tia sáng trong sự rùng rợn của trại tập trung, tình yêu cho đến giây phút cuối cùng với chồng… Ông Andrea Monda giám đốc nhật báo Osservatore Romano trong một bài báo ngày 22 tháng 2 – 2021 kể lại cuộc gặp của Đức Phanxicô và nhà văn Ý Edith Bruck, người sống sót của trại tập trung Đức quốc xã.

“Tôi đến đây để cám ơn lời chứng của bà và để bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đã tử vì đạo bởi chủ nghĩa dân túy điên cuồng của Đức Quốc xã”, Đức Phanxicô nói khi đến nhà bà Bruck, nhà thơ 88 tuổi người gốc Hungary. Ngài nói thêm: “Với tấm lòng chân thành, tôi xin lặp lại lời tôi đã nói từ đáy lòng trước đài tưởng niệm Yad Vashem và tôi lặp lại với những người như bà, đã phải đau khổ rất nhiều vì điều này: Xin Chúa tha thứ cho nhân loại.”

Đâu là nguồn gốc của cuộc gặp mà hình ảnh lan khắp thế giới? Đó là cuộc phỏng vấn bà Edith Bruck được đăng trên Osservatore Romano ngày 26 tháng 1. Ông Andrea Monda cho biết: “Đức Phanxicô đã đọc và rất xúc động”, ngài cho tôi biết ngài muốn gặp phụ nữ này. Tôi tự làm rắc rối cho tôi, tôi sắp xếp để bà Edith Bruck đến Vatican, và tôi cho ngài biết, ngài điện thoại cho tôi: “Ông giám đốc, ông không hiểu, không phải bà ấy đến nhưng tôi sẽ đến thăm bà Bruck tại nhà bà, nếu được”.

Bà Edith Bruck nói khi chào Đức Phanxicô: “Chúng ta không bao giờ chuẩn bị cho những giây phút đẹp nhất cuộc đời, cũng như không bao giờ sẵn sàng cho những giây phút đen tối nhất.” Và ngài trả lời: “Và sau đó là sự ngạc nhiên về những gì nảy sinh từ trong lòng, từ trái tim chúng ta.”

Ông Andrea Monda vẫn còn xúc động khi kể “cuộc họp gia đình” chung quanh chiếc bánh ricotta với người cháu gái của bà Edith Bruck là bà Deborah, con gái của người chị Judit – người cũng sống sót sau nạn diệt chủng người do thái – và một vài người khác có cả bà Olga, một phụ nữ Ukraine người đã đồng hành cùng bà Bruck trong hai mươi năm nay. Đức Phanxicô đã tặng bà Bruck một chân nến bảy nhánh của người do thái, quyển kinh Talmud của người Babylon phiên bản song ngữ tiếng Do Thái-Ý.

Khi Ca-in quên
Trong hơn một giờ trò chuyện trên tầng hai của căn hộ ở trung tâm thành phố Rôma, hai người đã nói đến quyển sách làm chứng “Ổ bánh mì bị mất” trong đó bà kể câu chuyện khi bà trong nhà bếp của trại tập trung Dachau, người làm bếp đã cho bà chiếc lược, hỏi tên bà và nói, “tôi cũng có đứa con gái bằng tuổi con”. Bà Edith Bruck kể: “Nhìn đầu tóc tôi mọc lại, ông lấy chiếc lược ra khỏi túi và đưa cho tôi. Tôi có cảm giác tìm lại chính mình, sau một thời gian rất dài tôi mới đứng trước một con người.”

Bà cũng nhớ đến “những tia sáng trong bóng tối”: đó là người lính đã tách bà ra khỏi mẹ khi mẹ bị đưa đến phòng hơi ngạt ở trại tập trung Auschwitz; một người lính Đức nhờ bà rửa hộp gà-men, trong đó ông để lại ít mứt; người khác cho bà đôi găng lủng lỗ, nhưng rất quý giá với bà.
Đức Phanxicô nói: “Thật là can đảm, thật là đau khổ”, ngài nhắc lại: “Chúng ta tất cả đều là anh em dù đôi khi Ca-in đã quên, như ở thế kỷ 20 này.”

“Bởi vì bà đã yêu ông”

Trong bối cảnh đảo lộn của đại dịch Covid-19, bà hy vọng người bệnh có thể được chăm sóc “tại nhà”. Khi đó bà nhớ lại mười năm cuối cùng của người chồng Nelo Risi, ông bị bệnh Alzheimer: “Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng đó là những năm tháng hạnh phúc, tôi tiếp tục nói chuyện với chồng, để được gần gũi anh, tay trong tay. Các bác sĩ nói với tôi, anh ấy sẽ chết trong vài ngày tới, và chúng tôi đã tiếp tục sống hơn mười năm.” Đức Phanxicô trả lời: “Bởi vì bà yêu ông.”

Câu chuyện dẫn đến chuyện trẻ em bị đói trong khi các quốc gia dành những khoản tiền khổng lồ cho vũ khí, Đức Phanxicô nói: “Vấn đề là chủ nghĩa ích kỷ, đưa tay ra thì không tốn bao nhiêu nhưng chủ nghĩa ích kỷ đã ngăn chận hành vi này, không để bàn tay đưa ra cho người khác.”

Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Ký ức là cuộc sống, viết là hơi thở

Đức Phanxicô thăm bà Edith Bruck, người sống sót của Trại tập trung Auschwitz

Chuyến viếng thăm ngoài tưởng tượng của Đức Phanxicô và bà Edith Bruck