Valentina Alazraki: “Đức Phanxicô đã mở ra một cuộc đối thoại chưa từng có giữa nhân loại và đã mang lại nhiều hy vọng”

217

Valentina Alazraki: “Đức Phanxicô đã mở ra một cuộc đối thoại chưa từng có giữa nhân loại và đã mang lại nhiều hy vọng”

aceprensa.com, Álvaro Sánchez León, 2021-04-07

Từ 47 năm nay, nữ ký giả Valentina Alazraki đã từ Rôma chuyển tin đến Mexicô và toàn thế giới, phát sóng trên kênh truyền hình Televisa, Ý. Từ tin về món tráng miệng của Đức Phaolô VI, khi chỉ có bà và nữ ký giả Paloma Gómez Borrero đi giày cao gót ở Văn phòng báo chí Tòa Thánh. Kể từ đó, là nhiều câu chuyện, nhiều chương trình truyền hình trực tiếp, nhiều cuộc phỏng vấn, một nụ cười luôn nở trên miệng, lâu năm và uy tín như mái vòm của Đền thờ Thánh Phêrô. Nhiều ít là như thế.

Bà đã làm việc qua năm triều giáo hoàng: mật nghị các giáo hoàng, các chuyến tông du, các thông điệp, các tông huấn, các ảo tưởng, mối quan tâm, mối liên hệ và cách điều hành của họ. Bà là niên trưởng của các tùy viên ở Vatican, nhưng trên thực tế, trong hành lang Tòa Thánh, bà được xem như một “trưởng phòng thông tin ở Vatican, dù trên thực tế, ở các hành lang này, người ta gọi bà là “nữ hoàng.”

Ở nơi mà thế giới thông tin về người có ảnh hưởng nhất hành tinh, trong 47 năm, bà là nhân vật của cuộc phỏng vấn này. Chúng tôi ở cuối con đường via della Conciliazione, bên phải hàng cột, cách trung tâm kitô giáo chỉ vài mét. Trong những ngày này còn phảng phất hương vị Phục sinh dù đang ở thời đại dịch.

Bà thấy Đức Phanxicô như thế nào?

Nhà báo Valentina Alazraki: Có một hình ảnh không thể xóa nhòa nói lên tất cả mọi sự về giáo hoàng trong những ngày tháng đại dịch này: đó là ngày 27 tháng 3 năm 2020, khi chúng ta thấy Đức Phanxicô một mình đi ở Quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn trống vắng để xin Chúa chấm dứt thử thách này. Trong năm đại dịch này, ngài là hình ảnh quy chiếu quốc tế quan trọng, nhắc chúng ta nhớ, những gì chúng ta đang trải qua là cuộc khủng hoảng sức khỏe, nhưng trên tất cả, đó là một cuộc khủng hoảng làm chúng ta thấy, tất cả mọi người đều có liên quan với nhau, rằng tất cả chúng ta đều mong manh, và không ai tự cứu mình ra khỏi vi-rút này một mình. Ngài khuyên chúng ta thoát khỏi tình trạng phức tạp này bằng cách nhìn người khác với tinh thần đại đoàn kết. Tấm gương của ngài thúc đẩy chúng ta suy nghĩ về sự cần thiết phải tạo ra cho thế giới một liên minh mới hợp nhất, để chúng ta mạnh hơn trước các mối đe dọa, bởi vì từng mỗi cá nhân, chúng ta đều bất lực như nhau.

Sau tám năm triều giáo hoàng của ngài, bà thấy dư luận quần chúng như thế nào?

Khá nhiều người rất yêu mến ngài và tin chắc ngài đã tiến hành một cuộc cách mạng. Tôi không nói về cuộc cải cách giáo triều được chờ đợi từ lâu, nhưng nỗ lực không ngừng của ngài để thay đổi tâm lý, đặc biệt là trong Giáo hội, để những người trong Giáo hội hiểu rằng họ không được đặc ân và vì thế họ không nên đi tìm quyền lực, vì bản chất của họ là phục vụ, vì họ là mục tử phải thấm mùi đàn chiên của mình. Ngài tìm cách mạng trong tâm hồn, trong hoán cải, vì mọi cải cách đều bắt đầu từ trái tim của mỗi người.

“Phanxicô đưa những con cừu đi lạc vào trọng tâm. Ngài là người mục tử nhân lành, luôn hướng về những người đi tìm con đường của mình, mà không hỏi họ đã vấp ngã bao nhiêu lần.”

Tôi nghĩ, điều mà dư luận đánh giá cao nhất trong tám năm này là sự hợp nhất của một Giáo hội mở ra, đi đến các vùng ngoại vi, mở rộng vòng tay cho tất cả mọi người, cũng như những người tự xem mình đã rời Giáo hội công giáo trước Đức Phanxicô, họ đã không bỏ Giáo hội. Họ nhận được tiếng vang của lời nói, của hành động và tình cảm của Giáo hội.

“Đức Phanxicô đã đưa những con chiên đi lạc về lắng nghe còn hơn chín mươi chín con đã ở đây. Ngài chú ý đến những người bất toàn, những người đang trên đường đi tìm hơn những người ngừng ở vị thế chắc chắn!”

Ngài là mục tử nhân lành, thích lắng nghe và hướng về những người muốn khám phá hành trình cuộc sống của họ mà không hỏi họ đã vấp ngã bao nhiêu lần trên đường đi. Ngài đã mở ra một cuộc đối thoại chưa từng có giữa nhân loại, và đã cứu vãn nhiều hy vọng, cả giữa những người kitô giáo và người theo hồi giáo.

Bà đến Rôma năm 1974 khi bà 19 tuổi. Bà đã trải qua trọn ba triều giáo hoàng (Đức Gioan-Phaolô I, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI) và hai triều giáo hoàng nửa chừng (Đức Phaolô VI và Đức Phanxicô hiện nay). Bà tóm tắt công việc của bà trong những năm tháng này như thế nào?

Tôi sẽ cần một quyển sách để trả lời vì tôi là nhà vatican học đã 47 năm… Tôi phải kể thời cuối triều Đức Phaolô VI, 33 ngày của Đức Gioan-Phaolô I, hai mươi sáu năm rưỡi của Đức Gioan-Phaolô II, triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI và tám năm của Đức Phanxicô. Như thế là gần 50 năm rất quan trọng của Giáo hội, qua đó tôi thấy rõ những gì mà mỗi giáo hoàng đã đóng góp.

Theo chân Đức Gioan-Phaolô II là một kinh nghiệm độc đáo và không thể lặp lại. Các nhà báo chúng tôi biết chúng tôi đang theo bước chân của một nhà lãnh đạo vĩ đại, người đang xây dựng lịch sử. Chúng tôi là những nhân chứng của điều này và về những trải nghiệm phi thường, như trải nghiệm về căn bệnh của ngài, với căn bệnh, ngài đã biến đau khổ thành một trong các trục chính triều giáo hoàng của ngài. Bảy năm của Đức Bênêđíctô XVI rất phức tạp, vì chúng ta rất khó để quên Đức Gioan-Phaolô II trong số các chuyện. Thêm nữa, đây là những năm mà các vụ bê bối ấu dâm được đưa ra ánh sáng, nhưng với việc từ chức của ngài, ngài đã làm cho chúng ta hiểu được sự vĩ đại của con người và tầm nhìn của một nhà lãnh đạo… Tay lái thì quan trọng hơn là người cầm lái! Con thuyền ở trên thị hiếu mỗi người! Những năm của Đức Phanxicô là làn gió mới của mùa xuân.

Tôi đã sống trong các triều giáo hoàng phi thường, và với tôi, mỗi người cho tôi một kinh nghiệm nghề nghiệp và con người khác nhau, tất cả đều phi thường. Trong cương vị nhà báo, mỗi giáo hoàng ngoài mối quan hệ nghề nghiệp, tôi cố gắng có mối quan hệ cá nhân vì điều này đối với tôi rất quan trọng. Đức Phanxicô khuyến khích mối quan hệ này và trong mỗi chuyến tông du, lúc đi cũng như lúc về, ngài đều đến chào hỏi từng nhà báo và chúng tôi luôn có dịp để nói chuyện với ngài. Ngài biết nhiều về chúng tôi và có một trí nhớ phi thường để ghi nhớ những chuyện của chúng tôi. Tôi nuôi dưỡng mối quan hệ này, tôi viết cho ngài những thư cá nhân vào các dịp sinh nhật, ngày lễ Giáng Sinh và điều này có tác động chuyên môn, vì như thế tôi giải thích cho độc giả hiểu dễ dàng hơn, một giáo hoàng cũng là một con người.

Việc đưa thông tin Vatican có thể làm cho bà bị mất đức tin không?

Một câu hỏi tương tự, có lần Đức Phanxicô đã hỏi tôi… Và tôi đã trả lời là không. Một ít thời gian sau, khi tôi chào ngài trên chuyến bay, ngài nói với linh mục Federico Lombardi, lúc đó là phát ngôn viên của Vatican: “Nhìn này, bà Valentina nói bà đưa thông tin về Vatican từ 45 năm nay và bà không mất đức tin. Tôi nghĩ chúng ta có thể bắt đầu làm án phong chân phước cho bà… ”. Dĩ nhiên việc đưa thông tin về Vatican trong một thời gian quá lâu như vậy không nhất thiết làm tăng đức tin, vì Giáo hội, Vatican và giáo triều đều nằm trong tay con người, với ánh sáng và bóng tối của họ. Nhận thức được điều này cũng không trở nên quá mất thăng bằng.

Đức Gioan-Phaolô II có điểm yếu của ngài. Là nhân chứng cho án phong thánh của ngài. Chúng ta có quên tầm vĩ đại của Wojtyla không?

Vẫn còn nhiều người nhớ đến ngài. Bây giờ chúng ta cầu nguyện với ngài như cầu nguyện với một vị thánh, và chúng ta xin ngài chuyển cầu. Là một xã hội, chúng ta có xu hướng quên những gì không ở trên trang nhất các báo, nhưng Đức Gioan-Phaolô II không phải là người xa lạ với thời đại chúng ta. Đôi khi tôi cảm thấy di sản của ngài bị mất đi đôi chút, nhưng đồng thời, tôi nhận thấy, trong những giây phút hoang mang, nhiều người bám vào huấn quyền và triều giáo hoàng của ngài, đặc biệt là về các vấn đề như cuộc sống và gia đình, hai vấn đề mà lời nói của ngài và các tài liệu của ngài là một giá trị vững chắc.

Nhà báo Valentina Alazraki, niên trưởng của các nhà vatican học cùng với Đức Phanxicô trên một chuyến bay.

Thánh Gioan-Phaolô II có còn sống trong đời sống Giáo hội không?

Tôi không biết Đức Gioan-Phaolô II có hiện diện trong đời sống Giáo hội ngày nay hay không, nhưng tôi tin chắc ngài còn sống trong trái tim của nhiều người, đặc biệt qua tấm gương ấn tượng về nghị lực và sự tận tụy của ngài trong đau đớn ở giai đoạn cuối đời ngài. Điều này đã không bị lãng quên. Ở Mexico, các ông bà đã truyền cho con cháu mình tình cảm của họ đối với Đức Gioan-Phaolô II, vì ngài như một người trong gia đình của họ. Trong nhiều ngôi nhà ở Mexico có hình ảnh của giáo hoàng Ba Lan và trong hầu hết các ngôi nhà đều có kỷ niệm về chuyến tông du của ngài đến Mexicô, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trên thế giới, thực tế là gần như hầu hết các linh  mục “trẻ” ngày nay đã khám phá ơn gọi của mình dưới triều của ngài, nhiều người trong số họ nhờ những Ngày Thế Giới Trẻ do ngài đề xướng mà họ có ơn gọi. Làm thế nào mà ngài lại không còn sống trong lòng họ?

Còn Đức Joseph Ratzinger?

Theo những gì chúng tôi biết thì ngài vẫn khỏe, ngài sắp tròn 94 tuổi. Sức khỏe thể chất của ngài yếu nhưng ngài minh mẫn dù bây giờ ngài nói khó khăn. Giọng ngài rất yếu và rất khó hiểu. Ngài đã được chích ngừa từ tháng 1. Ngài ít tiếp khách và thường ngồi để dự thánh lễ. Thỉnh thoảng buổi chiều, ngài đi dạo bằng xe tập đi trong các khu vườn Vatican. Ngài bị tác động mạnh sau cái chết của anh ngài, linh mục Georg qua đời vào tháng 7 năm 2020.

Triều của Đức Bênêđictô XVI còn để lại gì cho Giáo hội?

Triều của ngài là đề tài của nhiều thành kiến, tin tức xấu trên báo chí, các vụ tai tiếng và các sai sót. Tuy nhiên, tôi nghĩ ngài sẽ được nhớ đến về trí thông minh phi thường, về những xác tín ngài biết diễn tả và về tính hiện đại khi ngài quyết định từ chức, bước đột phá cho một nền tảng mới. Ngài sẽ được nhớ đến vì khả năng liên tục xin tha thứ, vì chỉ người vĩ đại mới có được lòng khiêm tốn này.

Nhà báo Valentina Alazraki chào mừng Đức Bênêđictô XVI.

Trong cuộc phỏng vấn với Đức Phanxicô tháng 5 năm 2019, ngài nói “ma quỷ thực sự có ác cảm với Mexico.” Đâu là mối quan hệ của Giáo hoàng với đất nước Mexicô?

Đức Phanxicô đến thăm Mexicô tháng 2 năm 2016, ngài đến những nơi mà các vị tiền nhiệm của ngài chưa đến. Ngài ưu tiên đến các vùng biên giới để nhấn mạnh sự quan tâm của ngài đối với vấn đề nhập cư. Trong hai cuộc phỏng vấn ngài dành cho tôi, chúng tôi nói đến ý tưởng “ác quỷ đang giận Mexico.” Đó là cách ngài muốn nói, Mexicô là quốc gia đặc biệt ở Châu Mỹ La Tinh với sự hiện diện mạnh mẽ của Đức Mẹ Guadalupe. Ngài cho rằng Mexico có một vị trí đặc biệt trong Giáo hội. Ngài phong các hồng y người Mexico, nhiều người trong số các hồng y đến từ các giáo phận xa lạ với chức hồng y, nói chung là các giám mục rất gần gũi với người dân đường phố và có hình ảnh của một tinh thần nhân văn xuất chúng. Đó là một điểm đặc biệt của triều giáo hoàng này: Đức Phanxicô phong hồng y cho những người được công nhận vì sự phong phú trong tinh thần nhân văn và đượm mùi đàn chiên của họ. Ngài không tìm những điều này trong các hồng y, nhưng trong Giáo hội hoàn vũ.

Quan điểm của bà về tòa thánh Vatican?

Theo những gì tôi biết, giáo triều Vatican cũng giống như bất cứ cơ quan của bất cứ thể chế nào khác: có hàng chục người làm việc tuyệt vời, họ âm thầm làm việc, chúng tôi thậm chí không biết công việc của ai là đáng khen ngợi, họ thi hành nhiệm vụ của mình rất trung thực và tận tâm. Dĩ nhiên cũng có những người quan tâm đến lợi ích riêng của mình hơn là lợi ích chung của Giáo hội, như đã xảy ra trong các cơ cấu điều hành tương tự khác. Giáo triều là một cái gì chung chung và cũng là một huyền thoại. Có tất cả mọi thứ ở đó, nhưng có rất nhiều người đáng kính và họ không bao giờ tạo ra tin tức. Trong một bài phát biểu trước lễ Giáng sinh năm 2014, Đức Phanxicô đã liệt kê 15 căn bệnh mà các thành viên của giáo triều có thể mắc phải. Ngài có lẽ rất khắc nghiệt với những người đồi trụy trong công việc của họ cho Giáo hội, nhưng chung chung ngài rất đòi hỏi với các giáo sĩ, vì ngài muốn có một Giáo hội khác, không có hào quang và đặc quyền, một Giáo hội ý thức hơn về vai trò phục vụ của mình, để trở về với nguồn gốc.

“Giáo hội sẽ chỉ nhận được sự ủng hộ của giới truyền thông về vấn đề lạm dụng, nếu Giáo hội quyết định đứng về phía các nạn nhân, các gia đình bị ảnh hưởng và xã hội dân sự.”

Có lẽ bà là người phụ nữ đã nói rõ ràng nhất ở Vatican về vụ bê bối của thập kỷ. Bà đã phát biểu: “Với tư cách là nhà báo, với tư cách là phụ nữ và với tư cách một người mẹ, tôi muốn nói với các cha, chúng tôi nghĩ việc lạm dụng trẻ vị thành niên cũng tai tiếng như vụ che đậy nó. Và các cha biết rõ hơn tôi là những lạm dụng này đã được che đậy một cách có hệ thống, từ dưới lên trên”.

Khi tôi được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh chống lạm dụng do Vatican tổ chức vào tháng 2 năm 2019, tôi nghĩ điều quan trọng là phải đóng góp cái nhìn của tôi trong tư cách một phụ nữ, một người mẹ và một nhà báo. Tôi bắt đầu bằng ý nghĩ, đối với một người mẹ, tất cả các con đều bình đẳng, nhưng cha mẹ chăm sóc cho những đứa con mong manh nhiều hơn. Trong các trường hợp lạm dụng, những người mong manh nhất là những nạn nhân, đó là lý do vì sao tôi đặt câu hỏi, liệu Giáo hội có các trẻ em hạng một, hạng hai không, vì trong những thập kỷ gần đây, chúng ta đã thấy những kẻ lạm dụng được chú ý nhiều hơn… Giáo hội sẽ chỉ có sự hỗ trợ của giới truyền thông trong vấn đề này nếu Giáo hội quyết định đứng về phía các nạn nhân, các gia đình bị ảnh hưởng và xã hội dân sự.

Bà có thấy có những tiến bộ chống lạm dụng theo tốc độ mà xã hội chúng ta đòi hỏi không?

Các bước đã được thực hiện với một loạt các quy tắc và hành động, như việc bãi bỏ bí mật giáo hoàng, bắt buộc phải báo cáo những kẻ lạm dụng và những người liên hệ, xử lý minh bạch những trường hợp này. Rõ ràng là có ý chí tiến bộ với công lý, nhưng vẫn còn rất nhiều sự cự lại của nhiều Giáo hội trong việc chủ động dẹp tệ nạn này. Có những Giáo hội địa phương, họ chưa sẵn sàng lắng nghe các nạn nhân. Vì vậy, rất khó nhận thức được quy mô của vụ bê bối mà chúng ta đang nói đến. Một số tha thứ cho tội ác, họ nghĩ đơn thuần đó là một tội.

Làm thế nào để bà sửa lại cái nhìn của quần chúng, chung chung gần như họ xem nạn ấu dâm ẩn sau mỗi cổ áo?

Cái nhìn này là bất công. Và những người chỉ nói về Giáo hội dưới góc độ lạm dụng cũng không công bằng. Dĩ nhiên vấn đề trở thành nặng hơn khi tội ác này do những người trong Giáo hội phạm, nhưng tất cả chúng ta đều biết, các tội này cũng xảy ra trong gia đình, trong trường học, trong giới thể thao… Tôi không có ý định bào chữa Giáo hội. Không. Tôi nghĩ Giáo hội phải trả giá cho những sai lầm của mình, như tất cả mọi người, nhưng tôi cũng nghĩ Giáo hội là tổ chức đang làm nhiều nhất để nhìn lại mình  và tìm kiếm những giải pháp mạnh mẽ, dù phải gặp khó khăn. Tôi không thấy nỗ lực tương tự nơi các chính phủ, trong giới thể thao, trong gia đình và các lĩnh vực khác của đời sống dân sự. Chúng ta phải nhìn nhận cả hai mặt của đồng tiền đáng buồn này.

Bà đã viết một vài sách, quyển cuối cùng về bạo lực đối với phụ nữ. Chủ nghĩa nữ quyền nào được thổi vào trọng tâm của Giáo hội công giáo?

Ở đây, chúng tôi có thể hít thở một chủ nghĩa nữ quyền trong nước hoa hồng… Vatican là thế giới của đàn ông, với tâm lý chủ yếu là nam tính. Đúng, có tiến bộ và càng ngày càng có nhiều phụ nữ ở những vị trí quan trọng, nhưng tôi có cảm giác vấn đề vẫn còn theo nghĩa bóng. Quyền lực chính vẫn hoàn toàn nằm trong tay đàn ông. Về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, chính Đức Phanxicô cũng đã nhiều lần lên tiếng rõ ràng. Ngoài tình đoàn kết với phụ nữ-nạn nhân, ở trọng điểm này của Giáo hội, chúng ta vẫn tiếp tục ở trong một môi trường hầu như chỉ dành cho nam giới. Và, cẩn thận, có một số phụ nữ ở vị trí có trách nhiệm, nhưng có những ngờ vực khi nghe ý kiến của họ và họ vẫn ở dưới quyền chủ nghĩa gia trưởng. Người phụ nữ tự do làm mọi người sợ! Ngoài ra họ luôn được gọi là (signorina), còn các ông thì được gọi là ông (signore) dù tình trạng dân sự của họ như thế nào… Đó là những chuyện vặt vãnh… nhưng hùng hồn.

“Tôi hy vọng đại dịch này giúp chúng ta nhìn lên cao và nhìn bên cạnh. Cuộc khủng hoảng toàn cầu này mời gọi chúng ta có cái nhìn siêu việt và đoàn kết”

Tôi hiểu bà dấn thân làm truyền giáo…

Rất khó để biết cuộc đời của tôi sẽ như thế nào nếu tôi không thực hiện giấc mơ thời niên thiếu của tôi. Tôi nhớ cha tôi đã nói, nếu tôi muốn làm điều tốt thì tôi không cần phải đến Châu Phi để làm, nhưng tôi có thể làm điều này ngay trong khu phố của tôi. Có lẽ cha tôi đã đúng. Điều bạn có thể không biết, tôi đã do dự giữa ngành báo chí và bác sĩ, tôi muốn trở thành bác sĩ tâm thần… Phải có một quan hệ giữa hai nghề nghiệp, như ông Joaquín Navarro-Valls đã cho chúng ta thấy.

Nhà báo Valentina Alazraki với Đức Gioan-Phaolô II

Trong 47 năm hành nghề báo chí, bà có thấy bây giờ khán giả, độc giả của bà ít tâm linh hơn không?

Không dễ để cảm nhận thực tế với các khán giả, độc giả của tôi ở Rôma, nhưng tôi nghĩ những năm sau này, sự chú ý của khán giả đối với các vấn đề tôn giáo và / hoặc Vatican đã theo chu kỳ. Tôi nhận thấy, khoảng cách giữa khán giá, độc giả tăng lên so với thông tin đến từ Vatican, nhưng vì có những vấn đề thách thức họ nhiều hơn, như đại dịch chẳng hạn. Xã hội chú trọng nhiều đến những cuộc khủng hoảng khẩn cấp. Tôi không nghĩ có sự thiếu quan tâm đến Giáo hội, nhưng tôi thấy, có những ưu tiên hàng ngày ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn. Cũng có những điều bất ngờ: chẳng hạn, sáng kiến của Đức Phanxicô cử hành thánh lễ ở nhà nguyện riêng trong thời gian đầu khi cách ly đã được nhiều người theo dõi. Mọi người đánh giá rất cao việc gần gũi với ngài qua trực tuyến khi họ không thể đến nhà thờ.

Giáo hội Công giáo có được đối xử công bằng trên các phương tiện truyền thông không?

Thật không may, các nhà báo thường có xu hướng biến Giáo hội thành nhân vật chính cung cấp thông tin khi có những vụ bê bối. Chúng tôi chú ý đến các tin tiêu cực hơn là những tài liệu mang tính xây dựng, những tác phẩm mẫu mực và những tin tức lạc quan. Nhưng cách thức hoạt động này của các phương tiện truyền thông không phải chỉ dành riêng cho Giáo hội công giáo, nó cũng lặp lại như thế với các tổ chức khác. Sự tử tế không gây ồn ào, dù chúng ta thích hay không.

Bà mong chúng ta thoát khỏi đại dịch này như thế nào?

Tôi hy vọng đại dịch này giúp chúng ta nhìn lên cao và nhìn bên cạnh vì tất cả chúng ta đều ở trong một con thuyền. Sự mong manh toàn cầu của mọi người phải được củng cố bằng tình đoàn kết, đầu tiên với những người ở gần mình nhất. Cuộc khủng hoảng toàn cầu này mời gọi chúng ta có cái nhìn siêu việt. Người tín hữu biết rằng sự nhỏ bé của mình khi đối diện với vi-rút cho thấy sự vĩ đại của Chúa, Đấng chúng ta tin. Nhưng nó sẽ giúp tất cả chúng ta tốt hơn khi nhìn xa hơn và về bên cạnh. Cả hai quan điểm đều quan trọng và bổ sung cho nhau.

Đại dịch này buộc chúng ta nhận ra, miền bắc bán cầu chúng ta lo lắng về các vấn đề hời hợt và những việc bên lề. Chúng ta đã thấy, không phải của cải, quyền lực hay đặc quyền, tất cả không làm cho chúng ta được miễn nhiễm với vi-rút này. Như Đức Phanxicô đã nói: chúng ta không thoát ra khỏi đại dịch này giống nhau: hoặc chúng ta trở nên khép kín hơn, hoặc chúng ta bước ra ngoài tốt hơn.

Bà vừa bước sang tuổi 66. Bà có vẻ chưa gác kiếm…

Tâm hồn nhà báo trong tôi không bao giờ nghỉ hưu. Óc hiếu kỳ lành mạnh, đam mê tin tức thời sự và ađrênalin khi đối diện với các sự kiện quan trọng vẫn còn trong tâm hồn. Về mặt logic, năng lực làm việc và dấn thân liên tục với khán giả sẽ giảm xuống. Tôi có nhiều sở thích và nhiều ước mơ để phát triển trong giai đoạn mới này, chẳng hạn viết tiểu thuyết, nhưng tôi không thấy mình xa với nghề báo chí, vốn là niềm đam mê nghề nghiệp từ thuở thiếu thời của tôi.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: “Nếu quý cha không hoàn toàn đứng về phía trẻ em, chúng tôi sẽ là kẻ thù hung dữ nhất của quý cha”