Axel Kahn: “Nhân loại luôn thoát ra được”
Theo nhà di truyền học, chủ tịch Liên đoàn Ung thư Quốc gia, chúng ta có thể sẽ không bao giờ chấm dứt được với Covid. Nhưng nhà nhân văn học luôn tin vào khả năng tập thể để đối diện với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
lavie.fr, bài phỏng vấn của Olivia Elkaim, 2021-03-10
Axel Kahn: “Trong bối cảnh đại dịch, mỗi lần có một phương pháp được dùng để hạn chế những bó buộc của con người trong việc bảo toàn sự sống của họ, thì khi đó chúng ta đứng về phía điều tốt.” HAMILTON / REA
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhà di truyền học Axel Kahn đã có quan điểm công khai bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, cụ thể là những người bị bệnh ung thư, cũng như tính phổ biến của vắc-xin chống Covid, sau khi kêu gọi chính phủ áp dụng mang khẩu trang ở những nơi công cộng. Gặp gỡ một nhà nhân văn, người cổ động việc dùng lý trí hơn bao giờ hết trong thời kỳ khủng hoảng này, ông vừa xuất bản quyển sách: Và điều tốt trong tất cả những điều này là gì? (Et le bien dans tout ça?, nxb. Stock).
Bây giờ là một năm sau đại dịch, chúng ta đã học được gì về chính bản thân mình?
Bác sĩ Axel Kahn: Thời gian của vô lo khó có thể lâu dài, nó cũng không thể là vĩnh viễn. Về mặt kinh tế, và bây giờ về mặt sức khỏe, chúng ta đang rời khỏi thời kỳ bắt đầu sau Thế chiến Thứ hai được đánh dấu bằng sự lạc quan vô lo.
Điều gì chúng ta vẫn còn chưa hiểu?
Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết được sự xáo trộn của tâm hồn con người. Tôi năm nay 76 tuổi. Tôi đã qua một phần đời cố gắng đưa ra những lời giải thích để bạn bè đồng trang lứa, người dân, trẻ em trong các trường học hiểu rõ hơn về các hiện tượng xung quanh họ và sự phát triển khoa học. Tôi đánh giá cao cách tiếp cận của lý trí, cố gắng thuyết phục, chúng ta không thể chống việc dùng lý trí, lô-gic để tranh luận. Nhưng trong đại dịch này, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ bất thường của những quan điểm phi lý nhất, những hình thức hung hăng chống lại lý trí. Tôi đã có thể tự nhủ, đó là sự phủ nhận và thất bại của những gì tôi đã cống hiến cả một đời.
Bác sĩ có hối hận về điều đó không?
Có, đó là một nhận xét hoàn toàn đáng tiếc. Chúng ta đã thiếu gì, đàn ông, đàn bà ở thế hệ của tôi? Có một sự đi lui đáng kể trong việc dùng lý trí so với khi tôi 30 tuổi.
Trên thực tế, đại dịch này dường như thách thức lý trí…
Không! Mọi thứ đều hợp lý. Bằng chứng tốt nhất là tôi ít sai lầm khi dự đoán tương lai của nó. Tôi đã có một sai lầm duy nhất và sai lầm lớn: tháng 3 năm 2020, tôi nghĩ vi-rút như bệnh cúm Tây Ban Nha, loại vi-rút này tấn công chúng ta và nó sẽ biến mất, chúng ta sẽ không còn nghe nói về nó. Hôm nay, tôi không bị điều này thuyết phục nữa. Chúng ta sẽ có thể phải sống chung với loại vi-rút này. Nhưng chắc chắn không phải để mặc nó. Một đặc tính của “thế giới tiếp theo” có thể chúng ta sẽ không bao giờ xong với Covid.
Vì thế chúng ta bị xô đẩy trong một thế giới mà chúng ta phải sống với các nạn dịch.
Nhưng điều này luôn là như vậy! Đại dịch cuối cùng – cúm Hồng Kông – cách đây 50 năm. Và chúng ta đã quên… Nhưng, vì đã có loài người trên trái đất, nên luôn có những trận đại dịch lớn, đôi khi, đã giết chết 30% nhân loại. Như thế không có gì là mới !
Như thế từ một năm qua, có cái gì là mới?
Thực tế của thế giới đột nhiên xuất hiện trở lại với chúng ta trong sự khắc nghiệt và không chắc chắn của nó. Tuy nhiên, vô lo và lạc quan đã từ từ sụp đổ trước những khó khăn của việc xây dựng Âu châu, những cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tiền tệ năm 2008. Và bây giờ chúng ta phải đương đầu với thảm họa sức khỏe này.
Năm nay, bác sĩ đã ủng hộ việc không nên chỉ cách ly những người lớn tuổi. Nhưng chúng ta có bắt người trẻ phải trả giá cho dịch bệnh này, với những hậu quả nặng nề về tâm lý xã hội không?
Ở giai đoạn mà chúng ta đang ở trong quá trình phát triển xã hội, về mặt đạo đức, y tế và kỹ thuật, điều này là không thể. Nếu để những người lớn tuổi vào một góc để tránh khủng hoảng kinh tế, xã hội, tâm lý, tôi sẽ nói tại sao không? Nhưng các quốc gia đã cố gắng làm chuyện này đã thất bại.
Có một câu hỏi đạo đức ở bên dưới: chúng ta nên “bảo vệ” người lớn tuổi bằng cách ưu tiên bảo vệ sức khỏe, hay nên “bảo vệ” người trẻ bằng cách ưu tiên kinh tế, việc làm, giáo dục?
Câu hỏi là phi lý! Nước Thụy Điển là một ví dụ điển hình: đất nước để những người trẻ tuổi sống; người lớn tuổi chết hàng loạt. Chỉ số Tổng sản phẩm nội địa GDP của họ đã sụp đổ. Số người chết cao gấp 10 lần ở các nước láng giềng. Đó là một thảm họa toàn diện. Các quốc gia duy nhất có người già và trẻ được bảo vệ là những quốc gia đã áp dụng chiến lược “zero Covid”. Chiến lược duy nhất thành công.
Dù cái giá phải trả trong thời gian đầu, chiến lược này nhằm mục đích tiêu diệt vi-rút, sau đó là chống lại không nương tay mọi tái xâm nhập vi-rút: Tân Tây Lan, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã áp dụng. Ngày nay những người trẻ tuổi ở đó đi khiêu vũ trong hộp đêm, đi làm, đi học, đến trường đại học, và số người chết ít hơn 100 lần.
Ở Pháp, cơ quan hành pháp đang áp dụng chiến lược giữa hai dòng nước.
Nỗ lực thực sự duy nhất mà chúng tôi đã làm trong lần cách ly đầu tiên từ tháng 3 đến tháng 5. Sau thời kỳ đó, có 15 người chết mỗi ngày. Nhưng chúng ta không giữ được kết quả này: chúng ta không có đủ xét nghiệm; “xét nghiệm, theo dõi, cách ly” chỉ hoạt động khi lượng vi-rút lưu hành ở mức độ rất thấp. Vào tháng 11, chúng ta đã cách ly trong mục đích giới hạn 5.000 ca nhiễm mỗi ngày. Vào tháng 12, chúng ta buông lỏng và có 10.000 ca nhiễm mỗi ngày. Tổng thống đã thay đổi quyết định. Hiện tại, lựa chọn chính trị là giữ một lượng lưu hành có tính lan truyền cao. Cái giá phải trả về mặt sức khỏe là đáng kể.
Người Pháp quá chán ngán vì các hạn chế.
Tôi hiểu. Nhưng chán ngán nhất là không có triển vọng ra khỏi đường hầm. Áp dụng biện pháp nào bây giờ? Đi xe đạp, làm việc từ xa, ngủ. Hoặc một cuộc sống giảm lại, với một cái giá kinh tế và xã hội đáng kể.
Nghịch lý của việc ngăn chặn nghiêm ngặt, đó là gìn giữ sự sống sinh học. Nhưng còn đời sống thật khi không còn những mối quan hệ xã hội thì sao?
Chúng ta không thể sống với vi-rút. Để đời sống xã hội và văn hóa phục hồi, phải xem trọng khi duy trì. Để các nhà hát, trường đại học, nhà hàng mở cửa trở lại, phải có lượng vi-rút lưu hành thấp.
Bác sĩ đã bảo vệ những người mong manh nhất, đặc biệt là những người bị ung thư. Nhưng một chính sách ngăn chặn nghiêm ngặt đã dẫn đến các vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, các bệnh ung thư không được phát hiện ngay và tỷ lệ tử vong cao…
Và bây giờ thì càng tệ hơn! Tình trạng căng thẳng trong các bệnh viện vẫn còn, kế hoạch trắng kích hoạt trở lại, dịch bệnh bùng phát ở một số cơ sở y tế. Các bệnh nhân có nguy cơ không được phát hiện kịp thời. Chúng ta thay thế nỗ lực tập trung trong vài tuần bằng một năm thiếu thốn và căng thẳng. Một số nhà phân tích môi sinh-kinh tế cho thấy, giải pháp tốt nhất về tài chính, sức khỏe, xã hội và tâm lý là diệt trừ căn bệnh này, thông qua các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt, và sau đó tiếp tục cuộc sống không có vi-rút này.
Bác sĩ đã không thay đổi đường lối của mình về sự cần thiết của sự cách ly toàn thể.
Tôi không làm chính trị. Nhưng tôi không tin những lựa chọn hiện tại là tốt trên quan điểm sức khỏe. Không phải vì 100.000 cái chết mà chúng ta cuối cùng sẽ phải hối tiếc, cũng không phải cho những bệnh nhân ung thư mà tôi đang chăm sóc tại Liên đoàn, cũng không phải cho trạng thái tâm lý của người Pháp. Duy chỉ sự cách ly đầu tiên đã làm cho sự luân lưu vi-rút bị sụp đổ. Nhưng tôi hiểu sự lựa chọn của các chính trị gia khi đối diện với sự bực tức của người công dân, họ sẽ không ủng hộ những hạn chế mới thêm nữa.
Làm sao để vẫn “hợp lý và nhân bản” theo lời của thân phụ bác sĩ, triết gia Jean Kahn, trước sự phức tạp của cuộc khủng hoảng này?
Trước khi tự tử, cha tôi dặn tôi phải luôn dùng lý trí của mình. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng này, điều này không cần phải có một suy nghĩ sâu đậm. Cải tiến các kỹ thuật chăm sóc, các thủ tục y khoa mới, các quyết định cho các bệnh nhân ở cuối đời, các thử nghiệm lâm sàng, tất cả những chuyện này đòi hỏi phải dùng lý trí và xem trọng thực tế đời sống con người.
Quyển sách của bác sĩ có tên Và điều tốt trong tất cả những điều này là gì? Theo bác sĩ “điều tốt” có nghĩa là gì và làm sao mang điều tốt này vào trong việc quản lý dịch bệnh?
Điều tốt được thể hiện qua việc tôn trọng và quan tâm đến người khác. Bất cứ điều gì gây nguy hiểm cho an ninh, sức khỏe, quyền tự chủ, tự do của con người đều là điều xấu. Sự dửng dưng ở giữa hai dòng nước, nhưng theo tôi, nó ở dòng nước xấu. Trong bối cảnh đại dịch, bất cứ khi nào có một phương pháp được cổ động để hạn chế cho con người khỏi bị căng thẳng mà vẫn bảo toàn mạng sống, không buộc chúng ta phải hy sinh một hạng người nào đó, thì khi đó chúng ta đứng về phía điều tốt.
Trong thời kỳ bấp bênh này, khi tâm lý đau khổ kéo dài, chúng ta bám vào gì?
Thời gian đầu cuộc khủng hoảng, mọi người nói với một sự ngây thơ nào đó về “thế giới sau đó” phải là thế giới tươi sáng, thế giới của tình huynh đệ, nơi sức khỏe sẽ được cổ động và chủ nghĩa tư bản dã man bị thất bại. Phần tôi, tôi luôn nghĩ “thế giới sau đó” sẽ giống như “thế giới trước” nhưng tệ hơn. Liệu hạnh phúc có được không? Có! Liệu nhân loại có tìm ra những cách khác để triển nở không? Các cặp có còn yêu nhau và có con không? Có! Cuộc sống và sự phong phú của tinh thần con người, khả năng chúng ta đón nhận thế giới trong sự dịu dàng và tình yêu thương là những lý do để duy trì lạc quan. Miễn là còn một chút tia lửa thì ngọn lửa có thể bùng lên trở lại.
Cách đây vài năm bác sĩ đã đi bộ xuyên nước Pháp, thấy một đất nước bị bỏ rơi và dễ bị tổn thương nhất. Bác sĩ thấy thế nào về người dân chúng ta, những người đung đưa giữa xói mòn và sức bật phục hồi?
Có một sự liên tục giữa phân tích hiện tại của tôi về tình hình và những quan sát của tôi khi đi bộ trong hai lần xuyên nước Pháp này. Tôi phát hiện ra những vùng lãnh thổ bị bỏ hoang, những người không hy vọng, họ ly khai hẳn với mọi hình thức hợp lý về mặt quản lý và chính trị. Điều này bao gồm cả các vùng đất mà những người “áo gi-lê vàng” đến, những người sau đó thấy mình nằm trong số đông người phủ nhận lời của các cơ quan công quyền và y tế trong cuộc khủng hoảng. Những người này không còn tin tưởng vào Chính phủ, các đại diện của họ ở Paris hay ở châu Âu. Họ buộc tất cả những người có quyền lực phải chịu trách nhiệm.
Nhưng kiến thức mang lại sức mạnh. Với những người ly khai này, bất cứ điều gì đến từ các cơ quan có thẩm quyền, học thuật hay nhà nước, đều bị lừa, cần phải vứt bỏ, thà đi theo bác sĩ Didier Raoult. Có một sự liên tục nổi bật, trên mạng xã hội, giữa những người “áo gi-lê vàng” và những người ủng hộ phe này. Những người bị thua thiệt, những người nổi loạn nhất hiện đang trong cùng một quá trình ly khai mà tôi đã quan sát trong những lần đi bộ của tôi.
Với đại dịch, sự suy nghĩ về đạo đức đã bị xói mòn bởi tính cấp bách của tình trạng vì nó đặt ra những câu hỏi quan trọng như phân loại bệnh nhân và thoa dịu những người ở giai đoạn cuối đời trong Viện dưỡng lão. Liệu cuộc khủng hoảng này có làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với y đức không?
Hoàn toàn không. Khi còn là bác sĩ nội trú trẻ tuổi, tôi đã có kinh nghiệm khi có rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện cùng một lúc, tôi đã phải biết tôi sẽ chăm sóc bệnh nhân nào trước. Ưu tiên không thể tách rời với y học. Ở đơn vị chăm sóc đặc biệt, suốt một phần đời tôi, tôi đã phải đối diện với tình trạng bám riết chữa phi lý với những người mà tôi phải quyết định có nên hồi sức hay không.
Những câu hỏi này đã được nêu lên lại trong cuộc khủng hoảng này…
Theo quan điểm của người bệnh thì có, nhưng không phải của ban y khoa.
Bác sĩ viết bác sĩ là người theo thuyết bất khả tri, chính xác bác sĩ tin vào điều gì?
Tôi không đưa ra giả định về sự siêu việt. Theo tôi, tinh thần là nội tại. Năng lực đáng kinh ngạc của tinh thần con người, sự giao tiếp của nó, khả năng đón nhận vẻ đẹp của thế giới, rung động với vẻ đẹp làm cho tôi xúc động và khóc. Tôi đã trải nghiệm điều này nhiều lần. Ở Conques, sau khi người anh Jean-Daniel đưa chúng tôi đi xem Phán Xét Cuối Cùng ở vương cung thánh đường, chúng tôi vào đó. Anh chơi đàn ống dưới ánh sáng đủ loại. Đó là ngày trăng tròn, những tia nắng cuối cùng còn sau đỉnh Rouergue, tất cả chiếu qua ô kính của Soulage…
Tôi ngồi dựa lưng vào cái cột và âm nhạc phủ vây tôi. Đó là trạng thái của một cảm xúc mãnh liệt, một trải nghiệm của thăng hoa. Nhưng tôi là người theo thuyết bất khả tri! Lúc đó, chung quanh tôi là hàng trăm người hành hương có đức tin, nhưng không có một ngăn cách nào dù mỏng như tờ giấy cuốn thuốc lá ngăn cảm xúc của tôi với họ.
Cho đến khi nào, trong ánh mắt của mọi người còn sáng lên niềm mong ước, thì khi đó hiển nhiên có một tương lai.
Và trong thiên nhiên, bác sĩ có bao giờ trải nghiệm sự thăng hoa không?
Dĩ nhiên là có! Một lần, khi đang đi xuống điểm cao nhất của Cézallier, ở Massif Central, với độ cao 1.500 mét, tôi đang ở trong một đồng cỏ rộng lớn hoang vắng. Bỗng trước mặt tôi là cánh đồng hoa lan rừng ngút ngàn tầm mắt. Một số bàn tay khép lại như nắm tay vụng về của trẻ vị thành niên; nhưng cũng có những bàn tay dang rộng, màu hồng, màu hoa cà. Với ngọn gió từ đỉnh núi, chính thần Shiva đang cố quyến rũ tôi. Tôi kinh ngạc! Không thể bước thêm một bước nữa vì sợ đè bẹp một cành hoa.
Một ý tưởng đi qua đầu tôi – nó áp dụng cho thời kỳ khó khăn mà chúng ta đang phải đối diện: chừng nào trên thế giới còn một vẻ đẹp như vậy và được hiểu như vậy, thì bất hạnh tuyệt đối không thể tồn tại trên trái đất. Điều đáng kể là như vậy, đó là hy vọng của tôi. Sau lần cách ly đầu tiên, tôi vào rừng. Dĩ nhiên khi đó mùa hoa thủy tiên, hoa bấc thủy tiên đã qua, nhưng lại đến mùa của hoa huệ chuông, hoa lan, hoa măng tây rừng thì thật tuyệt vời. Cho đến khi nào những điều này là có thể, thì vẫn còn một tương lai đáng mơ ước và đó là chuyện tất nhiên. Tôi thậm chí sẽ nói thêm: Cho đến khi nào, trong ánh mắt của mọi người còn sáng lên niềm mong ước, thì khi đó hiển nhiên có một tương lai.
Thanh sinh công còn lại gì trong con người của bác sĩ?
Công giáo là quê hương của tôi. Nhưng tôi không cho Chúa là tốt lành và tôi không tin vào sự sống đời đời. Khi tôi chết, hình ảnh của tôi sẽ mờ dần. Ý tưởng rằng những bông cúc sẽ mọc gần mộ tôi, được nuôi dưỡng bởi các phân tử của cơ thể thối rữa của tôi, cũng đủ làm cho tôi hạnh phúc.
Bác sĩ đã mất đức tin lúc 15 tuổi, nhưng bác sĩ không vứt tất cả…
Chủ nghĩa nhân văn kitô giáo đáng được gìn giữ và xây dựng lại mà không đưa ra giả định về sự siêu việt. Đây là hành trình trí tuệ của cuộc đời tôi.
Bác sĩ có lo lắng về giai đoạn hiện tại không?
Tôi không nghi ngờ gì chúng ta sẽ thoát ra, vì nhân loại luôn thoát ra. Chúng ta đã chống lại được dịch hạch đen, thì chúng ta sẽ chống lại được Sars-Cov-2! Nhưng chúng ta sẽ phải xây dựng lại. Chúng ta sẽ xây dựng lại, nó sẽ đẹp và chúng ta sẽ yêu!
“Hãy có lý và nhân bản”
Trong khảo luận này, bác sĩ Axel Kahn cố gắng định nghĩa cái tốt, đương đầu với những khám phá khoa học đã dẫn đến thuyết xuyên nhân bản và hy vọng điên cuồng về sự bất tử. Ông cũng đặt câu hỏi về vị trí của cái tốt ở nơi công cộng, trong lĩnh vực quyết định chính trị, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng sức khỏe này. Ông lấy làm tiếc: “Chúng ta say sưa với cảm giác bất khả xâm phạm.” Loại vi-rút này làm chúng ta đối diện với sự hữu hạn của mình. Như thế nó có là điều tốt cho chúng ta không? Cuối cùng, và đó là những trang thân mật hơn, nhà di truyền học đặt câu hỏi về cách thức mà ông có thể và biết cách trả lời cho mệnh lệnh của người cha, nhà triết học Jean Kahn, trước khi người cha tự tử vào năm 1970: “Hãy sống hợp lý và nhân bản.” Một quyển sách thấm đậm và phong phú chất liệu để suy nghĩ về đại dịch. Và điều tốt trong tất cả những điều này là gì? (Et le bien dans tout ça? Axel Kahn, nxb. Stock)
Nhà di truyền học và là tác giả của nhiều bài khảo luận, đặc biệt là các sách khoa học và đạo đức được làm cho dễ hiểu, bác sĩ Axel Kahn hiện là chủ tịch Liên đoàn Ung thư Quốc gia. Ông là thành viên của Ủy ban Cố vấn Đạo đức Quốc gia từ năm 1992 đến năm 2004. Trong những năm 2000, ông đã lên tiếng phản đối việc trị liệu bằng tế bào phôi và vật thể hóa phôi thai người.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Axel Kahn: “Tôi tin vào một nhân loại rạng rỡ”