Năm 2021 ngân sách Tòa Thánh thâm hụt gần 50 triệu âu kim

69

Năm 2021 ngân sách Tòa Thánh thâm hụt gần 50 triệu âu kim

cath.ch, I. Media, 2021-02-19

Ngày thứ sáu 19 tháng 2, Ban Thư ký Kinh tế cho biết, năm 2021 ngân sách Tòa Thánh thâm hụt 49,7 triệu âu kim. Khoản thâm hụt này, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng sức khỏe và được giải quyết bằng nguồn dự trữ của Tòa thánh.

Sau cuộc họp của Hội đồng Kinh tế vào ngày 16 tháng 2, Ban Thư ký Kinh tế đã trình cho Đức Phanxicô ngân sách ước tính cho năm nay. Tòa Thánh dự thu 260,4 triệu âu kim và chi tiêu 310,1 triệu âu kim, thâm hụt 49,7 triệu âu kim cho năm tới. Bản báo cáo cho biết, ngân sách bị ảnh hưởng mạnh mẽ vì cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Đức Phanxicô ra chỉ thị “không có gì ngăn cản”, xác nhận các dự kiến của Ban Thư ký về Kinh tế, do Linh mục Juan Antonio Guerrero Alves đứng đầu. Bản báo cáo cho biết khoản thâm hụt lớn (năm 2019 chỉ 11 triệu âu kim) sẽ được bù bằng quỹ dự trữ của Tòa thánh nếu mức đóng góp giảm sút.

Sự thiếu hụt này tương ứng với sự thiếu hụt đã được hãng tin I. Media thông báo từ các nguồn tin Vatican vào tháng 11 năm 2020. Các nguồn tin này cho biết Vatican phải đối diện ít nhất “ba năm bò gầy”.

Kết quả kém do covid-19

Kết quả kém này có thể giải thích do thu nhập đã giảm đáng kể, 21% so với năm 2019, chủ yếu các hoạt động thương mại, dịch vụ và bất động sản bị giảm nhiều. Trong trường hợp bất động sản, Tòa Thánh đặc biệt đảm trách các hóa đơn cho chính sách tương trợ của mình, được thực hiện từ khi bắt đầu đại dịch trong các bất động sản cho thuê, giảm giá thuê mạnh để giúp các người thuê nhà gặp khó khăn vì đại dịch.

Vatican hoan nghênh nỗ lực đáng kể trong việc kiểm soát chi phí, với chi phí hoạt động (ngoài chi phí nhân viên) đã giảm 14% so với năm 2019. Trong năm 2020, một số chỉ thị từ chính quyền Vatican đã khuyến khích sự phát triển này. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh, đảm bảo việc làm vẫn là ưu tiên hàng đầu của giáo hoàng; vì thế lương hướng không thay đổi.

Đảm bảo các hoạt động tông đồ

Các khoản quyên góp và đóng góp Tòa Thánh nhận được năm 2020 đã giảm nhiều và dự kiến sẽ còn giảm trong năm 2021. Nếu không tính các khoản đóng góp của giáo dân, Tòa Thánh sẽ thâm hụt khoảng 80 triệu âu kim cho năm 2021.

Tài khoản của Tòa Thánh ưu tiên dành cho các hoạt động tông đồ, 68% chi phí, so với 17% cho việc quản lý giáo quyền và 15% cho các hoạt động điều hành và phục vụ. Nhiệm vụ tông đồ chỉ chiếm 65% trong năm 2019: do đó chúng ta có thể ước tính việc thắt chặt ngân sách đã có với những khoản chi được cho là ưu tiên này. Điều này tương ứng với mong muốn được thấy trong báo cáo kinh tế được trình bày ngày 1 tháng 10 năm 2020, theo đó Vatican nhấn mạnh vai trò truyền giáo trong nền kinh tế của mình.

Dù những thiệt hại hiện tại và tương lai là đáng kể, các nguồn tin của Vatican cho hãng tin I. Media biết, Tòa thánh có đủ khả năng để vượt qua những năm khó khăn này.

“Quỹ Thánh Phêrô” do giáo dân trên thế giới đóng góp hàng năm giảm giảm khoảng 25% (53 triệu âu kim năm 2019).

Việc mở cửa các Viện bảo tàng Vatican  ngày 1 tháng 2 là một tin tốt. Các Viện bảo tàng có 7 triệu khách du lịch năm 2019, năm 2020 đã mất 85% doanh thu, một khoản thiếu hụt trầm trọng trong ngân sách. Nhưng Ngân hàng Vatican (IOR) đã đóng góp nhiều hơn vào tài khoản của Giáo triều, 32 triệu âu kim so với năm 2019.

Với đại dịch, các dịch vụ của Tòa Thánh chi nhiều trong các việc làm nhân đạo như giúp đỡ các Giáo hội phương Đông. Vatican, sở hữu chủ bất động sản đã hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn với giá thuê thương mại thấp hơn.

Giá thuê: 2,6 triệu âu kim tiền hoàn lại

Đức Giám mục Nunzio Galantino, chủ tịch Cơ quan Quản lý Di sản của Tòa Thánh nói với hãng tin AFP: “Các biện pháp chúng tôi đã áp dụng vào tháng 3 đã được gia hạn cho đến cuối năm 2020, với việc giảm tiền thuê và dời lại ngày trả (tương ứng với 2,6 và 2,9 triệu âu kim). Chúng tôi không thể loại trừ các biện pháp tương tự trong tương lai gần”.

Trong thời gian này, năm ngoái Giáo triều đã tiết kiệm được 10% nhờ việc hủy bỏ các buổi hội thảo và các chuyến đi.

Vào đầu tháng 10, Linh mục Dòng Tên người Tây Ban Nha, Juan Antonio Guerrero Alves, đứng đầu Ban Thư ký về Kinh tế của Vatican giải thích, tầm hoạt động của Vatican hạn chế vì “Vatican không thể mắc nợ hoặc tăng thuế như một Nhà nước”.

Trả lời cho những người người chú tâm vào các thâm hụt, cho rằng Giáo hội quản lý kém, Linh mục nói: “Tòa thánh không hoạt động như một doanh nghiệp vì Tòa Thánh không đi tìm lợi nhuận.”

Chẳng hạn, Vatican có khoảng 5000 nhân viên, duy trì 125 cơ quan đại diện ngoại giao thường trực, cung cấp tài chính cho các phương tiện truyền thông hoạt động qua 40 ngôn ngữ để loan truyền thông điệp của giáo hoàng, ngoài ra còn phải bảo trì các di sản lịch sử, đặc biệt là Đền thờ Thánh Phêrô rộng lớn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Không, Tòa Thánh chưa sập tiệm!”