Các tu sĩ tương lai Việt Nam được các tu sĩ Dòng Mông Triệu Pháp đào tạo
la-croix.com, Élise Descamps, Strasbourg, 2020-11-30
Cộng đồng Strasbourg có ba “thỉnh sinh” Việt Nam đến Pháp để cọ sát với sự khác biệt văn hóa. Hình minh họa.
Mục tiêu của các thỉnh sinh trước hết là học tiếng Pháp và củng cố sự gắn kết của mình vào các giá trị và tiếp cận chung.
Trong phòng ăn của ngôi nhà rộng lớn của cộng đồng các tu sĩ Âugutinô Dòng Mông Triệu ở Strasbourg, ba cặp mắt chăm chú nhìn lên bảng. Linh mục Bernard Robert thích thú trình bày một số thành ngữ điễn hình của tiếng Pháp với các mẹo để giúp dễ nhớ. Một trong những hoạt động chính của Linh mục đã về hưu này là lo cho Thao, Tài và Khor, ba thỉnh sinh trẻ Việt Nam đã đến đây từ hơn một năm.
Ở tuổi 26, họ chưa dứt khoát quyết định sẽ đi trên con đường dẫn đến chức linh mục. Mục tiêu của họ: học tiếng Pháp, ngôn ngữ quốc tế của Dòng truyền giáo Mông Triệu trên nhiều châu lục, củng cố sự gắn kết của mình vào các giá trị và tiếp cận chung. Linh mục Bernard Robert giải thích: “Họ xin được giúp đỡ nhiều vì họ phải vững tiếng Pháp để theo học thần học và triết học tại Pháp, nếu họ khẳng định sự dấn thân của mình”.
Để giúp các tu sinh, linh mục Robert có nhiều tình nguyện viên. Mỗi tuần, Khor và Thao đến nhà bà Marie-Thérèse, 75 tuổi, Khor và Thao cùng đọc Thánh Kinh với bà, làm bài tập nhưng cũng được nếm bánh ngọt tự tay bà làm cho họ.
Các nghệ nhân hòa bình
Giúp họ chỗ ăn, chỗ ở, áo mặc, ghi danh ở trường Đại học cho các lớp học tiếng Pháp và văn hóa Pháp: các chi phí đào tạo này có được nhờ các khoản quyên góp, qua “Sứ mệnh Truyền giáo của Dòng Mông Triệu”. Trong thư kêu gọi lòng hảo tâm nhân dịp lễ Giáng sinh, Dòng nhấn mạnh đến nhu cầu “đào tạo các tu sĩ trẻ về mặt nhân bản, tinh thần, trí tuệ, để họ hiểu những sự kiện trọng đại của thế giới và để họ là nghệ nhân cho một nền hòa bình vững chắc mà thế giới đang cần”.
Tu sinh Tài chọn dòng Âugutinô Mông Triệu là do anh quan sát thấy tại giáo xứ của anh ở Việt Nam, các tu sĩ Dòng sống trong tình huynh đệ, và nhất là bình đẳng, không kể đến thứ trật các tu sĩ có trong Dòng. Anh cho biết: “Cha bề trên cũng nấu ăn, phục vụ. Đó là tương giao mà tôi đi tìm. Thêm nữa điều này cũng thích ứng với quyền riêng tư của từng cá nhân”.
Ngược lại hồi đó anh không nghĩ mình sẽ gặp khó khăn khi học lễ độ và tương giao nhân bản theo cách của Pháp. Anh cho biết: “Ở đây chúng tôi luôn nói ‘làm ơn’, ‘cám ơn’. Với người Pháp là sự tôn trọng. Với chúng tôi, điều này là không thể có ở Việt Nam vì tạo nhiều gần gũi giữa mọi người và người Việt Nam thì rụt rè. Nhưng đây là một khám phá tốt đẹp của tôi.”
Tình nguyện làm việc tại cơ quan Caritas
Một khám phá khác: lối sống trong tình đoàn kết. Cho đến lần bị cách ly đầu tiên, và bây giờ họ hy vọng trong thời gian sắp tới ba người sẽ được phục vụ bữa sáng tại cơ quan Caritas. Anh Khor nói: “Tình trạng người nghèo ở Pháp ít thấy hơn ở đất nước chúng tôi, và họ có nhiều trợ cấp xã hội hơn, vì vậy chúng tôi sẽ khó khăn hơn khi giúp đỡ. Nhưng ở đây các bữa ăn được dọn quanh năm nên chúng tôi có thể cảm thông với những người đến đây. Tôi thích làm công việc này.”
Anh Thao nói tiếp: “Chúng tôi khám phá việc tổ chức mạng lưới cứu hộ, và các hình thức giúp đỡ để soạn thảo các tài liệu hành chính”, anh ý thức công việc trong đất nước mình cũng như trong các nước khác trên thế giới nơi mình được gọi đến là bao la.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch