Hoài nghi Chúa, có nghiêm trọng không?

346

Hoài nghi Chúa, có nghiêm trọng không?

famillechretienne.fr, Juliette Levivier, 2020-11-04

Bạn hoài nghi hay bạn có các hoài nghi? Bạn cẩn thận, hai chuyện này không giống nhau! Nếu bạn hoài nghi, đó là nghiêm trọng. Hoài nghi, đó là căn bệnh của thế kỷ. Hoài nghi của người không tin đạo, của người vô thần, người từ chối không tin, người phủ nhận sự hiện hữu của Chúa, người từ chối mọi tương quan với Ngài. Như thế qua định nghĩa, người tín hữu là người không nghi ngờ, đôi khi họ có các nghi ngờ, nhưng điều này lại là một chuyện khác. Người đã chọn đức tin, họ tin tưởng và trung thành nhưng họ đặt cả ngàn câu hỏi về Chúa, về đức tin và về Giáo hội.

Các nghi ngờ, đó là dấu hiệu của sức khỏe tốt

Đức Hồng y Newman đã nói “cả ngàn khó khăn không làm nghi ngờ!”  Mười ngàn khó khăn cũng không, chắc chắn, vì nghi ngờ là sức khỏe thiêng liêng, các nghi ngờ ở một thứ trật khác: cuối cùng đây chỉ là chất vấn về mặt trí tuệ. Đức Chúa Thánh Thần là ai? Sự hiệp thông các thánh có thật không? Trẻ em với các câu hỏi khó khăn của chúng là vua trong lãnh vực này. Và Chúa Giêsu, Chúa có thiên thần hộ thủ cho Chúa không? Vì sao Chúa lại sinh ra mấy con chí? Mình sẽ làm gì trên trời? Tôi phải thú nhận, tìm câu trả lời cho các câu hỏi này sẽ làm tôi mất ngủ.

Trước hết, các câu hỏi này cho thấy người hỏi có sức khỏe tốt, vì đó không phải là các hoài nghi về chính Chúa, nhưng về khả năng nhận biết Ngài và đáp trả với tình yêu của Ngài. Xét cho cùng, chúng ta nghi ngờ về mình, nhưng không nghi ngờ về Ngài. Người tín hữu kitô không phải là người không có bộ não, nhưng là người có trí tuệ để đặt câu hỏi, để phân định, để suy nghĩ, để học hỏi, để có một ý chí quyết định, chọn lựa, để hành động. Đức tin của họ dựa trên ơn Chúa, chắc chắn, nhưng đức tin cũng là hành động của trí tuệ và chọn lựa của ý chí. Ân sủng hợp tác với lý trí để chiếu rọi dần dần cho chúng ta. Và cũng vậy với các đồ đệ “Chúa Giêsu để họ suy nghĩ, để họ tự phân định, Ngài chỉ mạc khải dần dần theo sức của họ.

Bốn cách để đương đầu với các nghi ngờ

Đầu tiên hết là bình thản đương đầu với nó. Khó khăn không phải là thảm kịch.

Thứ hai can đảm đương đầu với nó. Không được lười biếng (thật mệt mỏi khi phải cố gắng tìm hiểu…) không được nản chí (quá khó với tôi), nhưng phải giao phó cho Chúa! Và vì ân sủng không hành động một mình, chúng ta phải làm việc! Đào xới, tìm tòi, xin lời khuyên của những người có kinh nghiệm, đào sâu và học hỏi.

Thứ ba, khiêm tốn đương đầu. Giáo hội ở đó để hướng dẫn chúng ta và biết dẫn dắt chúng ta, chúng ta có tin tưởng ở Giáo hội hay nghĩ mình giỏi hơn Giáo hội? Chúng ta chấp nhận những gì vượt quá sự hiểu biết của mình hay chúng ta thu nhỏ mầu nhiệm, đem mầu nhiệm vào cho vừa với cái đầu của mình? Tính kiêu ngạo rỉ tai chúng ta, dứt khoát phải hiểu để tin, trong khi đó là lại là điều ngược lại! Đức tin mở trí tuệ, Thánh Âugutinô đã nói: “Tôi tin để hiểu” và rõ ràng điều này là đúng.

Và thứ tư, nếu không muốn nói đó phải là điều thứ nhất, đương đầu với các hoài nghi dưới cái nhìn của Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng, giúp chúng ta mở trí, mở lòng. Một vài thực tại của đức tin vượt ngoài hiểu biết của chúng ta vô cùng, chúng ta đào, chúng ta tìm những gì chúng ta có thể… và chúng ta chấp nhận có một số chuyện vuột khỏi tầm hiểu biết của mình. Dù vậy điều này không ngăn chúng ta khiêm tốn nhưng trọn vẹn tuyên xưng một chữ làm tan biến bóng tối, một chữ nói lên đức tin: Amen!

“Lạy Chúa, xin cho những ai tìm Chúa được thấy, những ai đã thấy vẫn còn đi tìm Chúa”.

Marta An Nguyễn dịch