Linh mục Martin Werlen: “Không có cải cách, chúng ta không còn là Giáo hội”
cath.ch, Raphael Zbinden, 2020-11-04
Linh mục Martin Werlen, cựu đan viện trưởng Einsiedeln, Zurich, Thụy Sĩ, tin rằng với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, Giáo hội phải sáng tạo và tiếp cận với giáo dân. Trong cuốn sách mới nhất “Xin anh chị em ra khỏi vỏ sò của mình!” (Raus aus dem Schneckenhaus!, nxb. Herder) phát hành tháng 10, linh mục chỉ trích “các người pharisêu” đã ngăn cản cải cách trong Giáo hội.
Linh mục Martin Werlen, Dòng Biển Đức là tác giả của nhiều tác phẩm về Giáo hội | © Jacques Berset
Trong cuộc phỏng vấn trên trang mạng thông tin công giáo Ý SettimanaNews, linh mục Martin Werlen cho biết, trong cuộc khủng hoảng coronavirus, chúng ta thấy các bộ mặt khác nhau của Giáo hội. Trong quyển sách mới này, linh mục Werlen mô tả thể chế chuyển từ nỗi sợ về “cái chết” cộng đồng qua một sự sáng tạo lớn lao. Chính qua con đường này Giáo hội phải tiếp tục đi để đến với giáo dân ở bất cứ nơi nào họ ở. Linh mục Martin Werlen đề nghị nên nhìn các giáo dân rời bỏ Giáo hội theo một cách khác. Khẳng định thể chế “không nên quá chú trọng vào các con số”. Theo linh mục, chúng ta có thể học rất nhiều nơi những người đã ra đi. “Nếu Giáo hội bị họ xem như một tổ chức chỉ nói về những gì có thể làm và không thể làm, thì hà cớ gì họ ở lại với Giáo hội?” Vì “Giáo hội là sự sống được chia sẻ sâu đậm”. Đặc biệt, những người ở cấp cao nhất trong thứ bậc Giáo hội không nên cô lập trong địa vị của mình, mà hãy “thực sự” với giáo dân.
Nỗi sợ hãi lớn lao của người pharisêu
Linh mục Martin Werlen nghĩ quyển sách của mình là “khó tiêu cho những người pharisêu”. Nó nhắm vào “những người tự cho mình là giỏi hơn người khác, nhìn người khác với cặp mắt khinh thường, bắt phải tôn trọng các quy tắc.” Linh mục ghi nhận, nếu toàn thể Giáo hội không phải là “người pharisêu” thì các nhóm thống trị lại là người pharisêu. “Một số giám mục, khi vẫn nhận thấy cuộc cải cách thực sự là khẩn cấp, nhưng lại không có can đảm để tiến hành vì họ sợ phản ứng, hoặc bị ngăn chặn bởi những người mà mọi thứ phải giữ nguyên như trước”.
Vì thế, linh mục Werlen tin chắc, “nếu chúng ta nhìn vào người pharisêu trong Tân Ước, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại của Giáo hội”. “Khi có đòi hỏi cải cách ngày nay, một vài nhóm sẽ vội vàng nói, ‘đây không phải là Công giáo’, hoặc, ‘đây là dị giáo’”. Theo linh mục, “chính xác đây là tình huống mà Chúa Giêsu đã gặp phải. Nhưng Ngài đã không đầu hàng (…) Và ngày nay, trong cuộc khủng hoảng coronavirus, rõ ràng, nếu chúng ta không đủ can đảm để mạo hiểm điều gì, thì đó là hồi kết của thể chế”. Linh mục Werlen kết luận: “Nếu chúng ta loại trừ các cải cách, thì chúng ta không còn là Giáo hội nữa.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch