Sơ Helen Alford: “Chúng ta đang ở buổi bình minh của các thay đổi lớn”

123

Sơ Helen Alford: “Chúng ta đang ở buổi bình minh của các thay đổi lớn”

cath.ch, Augustin Talbourdel và Claire Guigou, Rôma, 2020-09-21

 

Sơ Helen Alford, Dòng Đa Minh Thánh Catarina Siêna, phó viện trưởng Giáo hoàng Học viện Thánh Tôma Aquinô ở Rôma. Sơ được Đức Phanxicô bổ vào Hàn lâm viện Giáo hoàng Khoa học Xã hội ngày 4 tháng 9 – 2020 | © angelicum

Ngày 17 tháng 9 – 2020, sơ Helen Alford, phó viện trưởng Viện Angelicum nói với hãng tin I. MEDIA, thông điệp thứ ba “tình huynh đệ giữa con người” của Đức Phanxicô “có thể góp phần to lớn vào việc cải tổ nền kinh tế theo quan niệm thực tế hơn về con người và về các mối quan hệ xã hội”.

Sơ Helen Alford nhắc lại, sau khủng hoảng là thời điểm thích hợp để suy nghĩ lại về cấu trúc của hệ thống kinh tế và xã hội hiện tại.

Thông điệp sắp tới của Đức Phanxicô sẽ tập trung vào “tình huynh đệ giữa con người” và “tình bằng hữu xã hội”. Đâu là vị trí cho các giá trị này trong một nền kinh tế chủ yếu được điều hành bởi các quan hệ theo hợp đồng và bởi chủ nghĩa “mưu cầu hạnh phúc cá nhân?”

Sơ Helen Alford: Chúng ta đang ở trong buổi bình minh của những thay đổi lớn. Thoạt nhìn, chủ đề “tình huynh đệ” có vẻ như không được ưu tiên, dù sao chúng ta chỉ nghĩ đây là một khái niệm trong số các khái niệm và sẽ có ít hiệu quả. Sự thật như chúng ta biết, các ý tưởng làm nên lịch sử. Nhà kinh tế học vĩ đại John Maynard Keynes đã viết một cách hài hước, “quyền lực của các lợi ích đặc biệt bị phóng đại quá so với sự lấn chiếm dần dần của các ý tưởng”.

Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến hai điểm chính. Trước hết, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mọi người đều nhận ra, mô hình của chúng ta quá đơn giản. Các nghiên cứu kinh tế học hành vi, đặc biệt là khoa thần kinh học có xu hướng chứng minh chúng ta không hoàn toàn là những người theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ tập trung vào lợi ích bản thân. Theo nghĩa này, dù vẫn còn ít thay đổi trong các cơ cấu kinh tế nhưng chúng ta có thể hy vọng có nhiều thay đổi trong tương lai. Chúng ta đã dần dần đuổi tư tưởng cũ, theo đó một mặt chúng ta sản xuất ra của cải, một mặt chúng ta phân phối chúng cho giáo dục, y tế, v.v. Nền kinh tế trong mô hình hiện tại không thỏa mãn được nhu cầu sâu sắc nhất của con người. Ngày nay chúng ta đã hiểu, các bất bình đẳng và thảm họa kinh tế phát sinh từ việc sản xuất ra của cải.

“Nền kinh tế trong mô hình hiện tại không thỏa mãn được nhu cầu sâu sắc nhất của con người.”

Mặt khác, chúng ta có thể nghĩ đến khẩu hiệu vĩ đại của Cách mạng Pháp: “Tự do, bình đẳng, huynh đệ.” Nhìn từ góc độ lịch sử, chúng ta thấy các đảng tự do ra đời từ Cách mạng đều dựa trên nền tảng bảo vệ tự do, kinh tế “tự do làm”, tư hữu v.v. Các nhóm chính trị khác đã quyết định ủng hộ đặc biệt cho bình đẳng, nhưng luôn từ quan điểm tự do con người, vì họ muốn phân phối nhiều hơn để mọi người được tự do hơn. Đây là hai phong trào có nguồn gốc từ Cách mạng Pháp. Con đường thứ ba, đó là tình huynh đệ, con đường này vẫn chưa thực sự được phát triển: chắc chắn bây giờ là dịp để phát triển.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 có ảnh hưởng theo chiều hướng này không?

Kể từ cuộc khủng hoảng này, các ý tưởng mới đã xuất hiện theo chiều hướng này và thúc đẩy sự giải hòa các gen chủ nghĩa cá nhân và nhu cầu sống trong cộng đồng, một nhu cầu làm con người linh động. Theo quyển sách nổi tiếng Gene Ích kỷ (Selfish Gene), tác giả Richard Dawkins nói trong lời tựa của lần tái bản mới, đáng lý ông đặt tựa là Gene Hợp tác (The Cooperative Gene). Nhu cầu hợp tác nằm trong gen của chúng ta. Trong kinh tế học, khó khăn là phải dung hòa nhu cầu hợp tác này với nhu cầu cạnh tranh. Chúng ta cần dung hòa hai thành phần khác nhau của xã hội: một bên là hợp tác, gia đình, Giáo hội, các cộng đồng; bên kia là cạnh tranh, “để tự do làm”, thế giới kinh doanh. Ý tưởng về tình huynh đệ có thể giúp cho sự hòa giải này.

Các vấn đề của chúng ta trải qua ngày nay khác sâu đậm với các vấn đề mà xã hội phải đối diện ở thế kỷ 18. Chúng ta cần phải xây lại cách suy nghĩ, không còn tập trung vào cá nhân và lợi ích của mình nhưng tập trung vào các hệ thống xã hội. Thông điệp tình huynh đệ có thể đóng góp nhiều cho việc tái xây dựng này: bây giờ là thời điểm lý tưởng để đề cập đến tình anh em.

“Trong kinh tế học, khó khăn là phải dung hòa nhu cầu hợp tác này với nhu cầu cạnh tranh”.

Đâu là các điểm gần nhau chúng ta có thể làm giữa thái độ của Cách mạng Pháp và thái độ của Đức Phanxicô?

Theo triết gia Pháp Jacques Maritain (1882-1973), chúng ta có thể nói, cuộc Cách mạng Pháp với tất cả các vấn đề của nó mà chúng ta biết rõ – bài-kitô giáo, bài chủ nghĩa hữu thần -, gồm một vài dấu hiệu cho thấy đi trệch Tin Mừng. Dự án của Cách mạng trước hết là công nhận phẩm giá con người thông qua bình đẳng, tự do, tình huynh đệ. Các  tư tưởng này không đến từ các nền văn hóa Hy Lạp và Latinh nhưng từ kitô giáo.

Theo công thức nổi tiếng của tác giả người Anh G.K. Chesterton (1874-1936), có phải đây là bằng chứng cho thấy “thế giới hiện đại đầy các nhân đức kitô giáo đã trở nên điên loạn” rồi không?

Phẩm giá con người là một tư tưởng đặc thù của kitô giáo, nhưng tư tưởng này đã có được một sự tồn tại độc lập đối với Giáo hội, đây là một dấu hiệu tốt. Mặt khác, cũng có nguy cơ làm sai lệch các ý tưởng này, như câu của tác giả Chesterton đã nói; mặt khác, nó cũng là dịp để làm cho chúng thành một phần di sản của nhân loại. Như  Thánh Gioan-Phaolô II đã nói, Chúa Giêsu “mặc khải trọn vẹn con người ở chính Ngài” (Thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con người, Redemptor Hominis): do đó chúng ta có thể mong chờ các ý tưởng phát xuất từ kitô giáo sẽ tồn tại bên ngoài kitô giáo.

Chúng ta thường nói, và nhất là Đức Phanxicô, về một sự hòa hợp khó khăn giữa đạo đức kitô giáo và thị trường tài chính, các mô hình tiêu dùng và quản lý. Ý kiến của sơ về chủ đề này như thế nào?

Chúng ta có thể dùng phép loại suy về ung thư để trả lời câu hỏi này. Ung thư phát triển trong cơ thể vì nó có thể xâm nhập vào các tế bào khỏe mạnh và lập trình các tế bào này lại với một mục đích khác. Kinh tế cũng vậy, cơ bản các tế bào lành mạnh của xã hội và sự phát triển kinh tế cũng vậy, khi nó diễn ra đúng cách. Vấn đề là chúng ta đã để kinh tế chi phối các ngành và lĩnh vực khác của xã hội. Giải pháp sẽ là tái hòa nhập nền kinh tế vào đời sống xã hội.

“Phẩm giá con người là một tư tưởng đặc thù của kitô giáo, nhưng tư tưởng này đã có được một sự tồn tại độc lập đối với Giáo hội”.

Học thuyết xã hội của Giáo hội nói gì về chủ đề này?

Rõ ràng là phải ghi nhận kinh tế là đối tượng của luân lý, ngược với sự phân biệt mà chúng ta có xu hướng quá thực hiện giữa bình diện đạo đức và bình diện kinh tế. Theo nghĩa này, Đức Giáo hoàng đã nhắm đến các thực tại xã hội, đặc biệt là ở Châu Mỹ La Tinh, phần thế giới xuất thân của ngài, các nước tại đây đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các thảm họa kinh tế và bất bình đẳng xã hội. Chỉ cần nhìn vào bản đồ thế giới với hệ số Gini để nhận ra điều này. Hiện nay các tình huống bi thương này tìm một vài câu trả lời. Một trong các thách thức lớn của Viện hàn lâm giáo hoàng là củng cố các câu trả lời tích cực, nhưng vẫn tiếp tục phê phán và đưa ra các thiếu sót của hệ thống hiện tại. Tình trạng rất đáng lo nhưng không phải là không có hy vọng.

Một cách khác để đối phó với các vấn đề này là quay lại với các điều cơ bản. Chúng ta sẽ phải quay trở lại cội nguồn của kinh tế học hiện đại, chẳng hạn như ông Joseph Schumpeter đã làm trong lịch sử kinh tế học của ông, được viết cách đây hơn một trăm năm khi ông theo dõi từ sự ra đời của ngân hàng hiện đại cho đến các tiệm cầm đồ.

Việc trở lại hoạt động kinh tế đã trở thành mối quan tâm lớn trong thời kỳ suy thoái hậu- Covid. Vì sao đây là thời điểm quan trọng cho tương lai của nền kinh tế?

Tất cả các cuộc khủng hoảng đều là những lúc khó khăn nhưng cũng là dịp cho các cơ hội, theo thần thoại Hy Lạp, Phénix được tái sinh từ đống tro tàn của nó. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tư duy về kinh tế đã thay đổi đáng kể, nhưng tư duy chưa đủ rộng và sâu. Có thể cuộc khủng hoảng coronavirus sẽ gây ra nhiều hệ quả hơn. Trên hết phải đưa ra một quan niệm thực tế hơn về con người vào trong các lý thuyết kinh tế, để hành động trên các chính sách kinh tế, cơ cấu, các mô hình quản lý, v.v. cho đến mức cụ thể nhất.

“Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tư duy về kinh tế đã thay đổi đáng kể, nhưng tư duy chưa đủ rộng và sâu”

Học thuyết xã hội của Giáo hội nhấn mạnh đến sự việc, chúng ta không phải là các cá nhân được hướng dẫn bởi lợi ích của mình và không có khao khát thiêng liêng, như khoa học kinh tế mong muốn. Câu nói nổi tiếng “không có xã hội, chỉ có các cá nhân” (câu của bà Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng nước Anh) là không đủ: chúng ta không thể giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế với kiểu suy nghĩ này. Về điểm này, học thuyết xã hội phản ứng bằng “mục đích phổ quát của của cải”: Chúa đã tạo ra thế giới cho tất cả mọi người.

Đồng thời, lịch sử đã chứng minh rằng nếu chúng ta loại bỏ hoàn toàn nguyên tắc “sở hữu tư nhân”, chúng ta sẽ tự đặt mình vào các nguy hiểm khác và các thảm họa kinh tế và chính trị khác. Và Đức Giáo hoàng nhắc mệnh lệnh này của tình huynh đệ nhân loại, nhiệm vụ của các chính trị gia là phải tìm ra cơ chế để giải quyết các khó khăn này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch